HÃY ĐỒNG TÂM VÌ MỘT ĐỒNG TÂM (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 1 person, text

Vai trò của nông dân rất quan trọng trong các xã hội nông nghiệp. Người nông dân rất yêu nước, gắn bó với bờ dâu ruộng lúa nhưng thường thiếu tầm nhìn qua khỏi con đê, bờ ao, thửa ruộng của họ.

CS Trung Quốc và Việt Nam giành được chính quyền nhờ khai thác được lòng yêu nước của người nông dân. Marx viết, nếu không có sự liên minh với giai cấp nông dân thì “bài đơn ca của cách mạng vô sản sẽ trở thành bài ai điếu.”

Nói một cách dễ hiểu nếu không lợi dụng được sức mạnh của nông dân những cuộc nổi loạn do đảng CS nhân danh giai cấp công nhân chủ mưu sẽ thất bại.

Hiểu được sức mạnh nông dân, ngay từ đầu Lenin đã khai triển lý luận liên minh công nông của Marx thành “chiến lược cách mạng” và là một bộ phận quan trọng cấu thành chủ nghĩa mang tên y.

Để tận dụng giới nông dân trong việc thực hiện thành công các mục tiêu kinh tế của đảng, lãnh đạo CS cũng bẻ gãy và tận diệt không thương tiếc mọi chống đối phát xuất từ giới này.

Nhiều cuộc nổi dậy của nông dân Nga đã bị đàn áp đẫm máu, nhất là cuộc nổi dậy của nông dân Tambov.

Tháng 8, 1920, Lenin xua 10,000 quân với xe tăng và võ khí hạng nặng đến để trấn áp lực lượng nông dân Tambov tự trang bị với vũ khí thô sơ. Hầu hết các lãnh tụ phong trào bị bắt, sau đó bị xử bắn hay bị lưu đày sang Siberia cho đến chết.

Biện minh cho hành động tàn ác của đảng, bộ máy tuyên truyền của Lenin đã liên tục bôi đen hình ảnh các lãnh đạo nông dân bằng cách chụp lên họ những nhãn hiệu như “thành phần phá hoại”, “trục lợi”, “bị xúi giục và mua chuộc bởi các lực lượng phản cách mạng” v.v…

Những gì vừa xảy ra tại xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, Hà Nội cho thấy Lenin không chỉ để lại cho đảng CSVN một gia tài lý luận mà còn cả những phương cách thực hiện.

Một trăm năm kể từ vụ đàn áp ở Tambov và chế độ CS tại Liên Sô đã thành đám bèo trôi tan tác trên dòng Volga nhưng tại Việt Nam cách thức đàn áp nông dân vẫn còn được áp dụng đúng từng lời, từng chữ.

Ngoại trừ tự nhận là kẻ cướp, đảng CSVN không thể giải thích lý do đã chọn 3 giờ sáng để tung một đại đơn vị nhiều ngàn người với “cảnh sát cơ động, cầm theo gậy gộc, dùi cui, súng, khiên” tấn công vào một xã chỉ hơn 2,500 gia đình.

Đừng nói chi các tổ chức nhân quyền, một người có nhận thức căn bản cũng biết hành động lén lút của đảng là bản tự thú cho sự sai trái của đảng.

Nhân loại đang sống trong thời kỳ mở, nơi các tranh chấp trong xã hội được minh bạch hóa thay vì đọc, nghe hay thấy trên màn ảnh truyền hình từ một phía.

Đảng CSVN là chiếc máy “nổ” và liên tục “nổ” những câu khoe khoang bệnh hoạn làm trò cười cho cả nước. Từ là một “trung tâm hòa giải quốc tế”, tới “mặt trời tỏa sáng” và mới đây lại phải “đóng vai trò giải quyết khủng hoảng vùng Vịnh” giữa Mỹ và Iran v.v.. Nhưng bản chất của con người không thể hiện ở lời nói mà ở tư cách, hành vi, cách giải quyết một vấn đề. Sự kiện Đồng Tâm cho thấy sự lạc hậu và tham vọng quyền lực đã đóng thành băng dày hơn cả tảng băng ở phía đông Nam Cực trong đầu của bộ chính trị và trung ương đảng CSVN.

Bao nhiêu cơ hội đã đến và đi. Những tiến bộ không ngừng về khoa học kỹ thuật và điều kiện kinh tế thế giới đã đem lại cho Việt Nam. Nhưng giống như kẻ lười trong chuyện cổ tích, đảng CSVN cầm chiếc chìa khóa trong tay loay hoay suốt 44 năm không mở được cửa kho tàng. Để rồi hôm nay, Việt Nam là một đất nước thối nát từ bên trong và xâm thực từ bên ngoài. Nếu không có đám “trí thức đỏ” và “tư bản đỏ” làm phên giậu chế độ CSVN đã sụp lâu rồi.

Nhưng khác với giới lãnh đạo đảng, không ít người Việt ngày nay đã trưởng thành hơn những người Nga ở Tambov 1920, Pitelinskii 1930 hay người Việt ở Quỳnh Lưu 1956.

Cuộc đấu tranh của nông dân nói riêng và dân tộc Việt nói chung chống độc tài CS không còn là một trận banh chỉ đá nửa sân, phần thắng nghiêng hẳn về phía CSVN như trước nữa mà đã có tấn công và có phản công, có che đậy và có lột trần sự che đậy.

Thành viên của các mạng xã hội trên Facebook đăng những hình ảnh đã thật sự diễn ra. Những bài viết, những bản tin được ghi nhận tại hiện trường. Các cơ quan thông tin quốc tế phỏng vấn trực tiếp người chứng kiến. Đường còn xa nhưng người Việt đã bước đi những bước khá dài.

Nhiều người trẻ hôm nay đã can đảm hơn và bớt vô cảm hơn trước những đau thương mà đồng bào họ đang chịu đựng.

Con số những người dấn thân còn ít nhưng đó là những mầm xanh hy vọng, những cánh én mùa xuân dân tộc sẽ về.

Cụ Lê Đình Kình, 84 tuổi, bị thiệt mạng khi lực lượng công an tấn công vào xã Đồng Tâm. Cái chết của cụ đã làm xúc động không chỉ đồng bào trong nước mà cả ngoài nước.

Đảng đang tìm cách đổ thừa và chạy tội. Nhưng rõ ràng nếu giới lãnh đạo đảng hành xử như những con người trong thời đại văn minh, phù hợp với luật pháp dù là luật rừng do đảng viết ra, cụ Lê Đình Kình đã không chết.

Nhiều đồng bào hai ngày trước đó không biết cụ Lê Đình Kình là ai đã khóc tiếc thương cụ. Những giọt nước mắt chưa đủ thấm cánh đồng đại hạn lâu năm nhưng sẽ thấm. Kiên nhẫn và lòng yêu nước sẽ cứu Việt Nam.

Hình ảnh của cụ Lê Đình Kình trở thành biểu tượng cho cuộc đấu tranh không chỉ của nông dân Đồng Tâm, không chỉ của nông dân Việt Nam mà của những ai muốn vượt qua những hàng rào, những ngăn cách của hoài nghi và định kiến để cùng hướng tới một tương lai tốt đẹp cho dân tộc Việt.

Không bao giờ thắng được CS nếu mỗi người Việt yêu nước không vượt qua được những chiếc bẫy Bắc Nam, chiếc bẫy quá khứ, chiếc bẫy tôn giáo do CS gài đặt trên đường tranh đấu.

Tiến trình dẫn tới dân chủ của Hungrary từng bước giới hạn và loại bỏ quyền cai trị của đảng CS là một kinh nghiệm lớn cần phải học.

Hãy bào mòn chế độ, chà xát vỏ sắt dày CS, tập hợp những người yêu nước thành một khối, tách những thành phần có mâu thuẫn về quyền lợi kinh tế chính trị với cơ chế ra khỏi cơ chế, nhưng trước hết và quan trọng nhất, hãy đồng tâm vì một Đồng Tâm.

Trần Trung Đạo