TRUNG QUỐC MUỐN KIỂM DUYỆT TỰ DO NGÔNLUẬN CỦA THẾ GIỚI (Đinh Yên Thảo/RFA)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hình minh họa. Chủ tịch Tập Cận Bình và tự do ở Hong Kong

Hình minh họa. Chủ tịch Tập Cận Bình và tự do ở Hong Kong-Tranh biếm họa của họa sĩ Rebel Pepper

Bị Ủy Ban Bảo Vệ Ký Giả (CPJ) xếp vào danh sách những quốc gia có chế độ kiểm duyệt báo chí và internet nghiêm ngặt nhất, không ngạc nhiên gì khi trong báo cáo mới nhất của mình, CPJ đã xếp hạng Trung Cộng đứng đầu danh sách các quốc gia bỏ tù ký giả nhiều nhất, với ít nhất 48 ký giả đã bị bắt và bỏ tù trong năm 2019 này.

Trong vài chục năm qua, chế độ kiểm duyệt và tự kiểm duyệt tại Hoa Lục đã rất nghiêm ngặt. Nguyên tắc “Ba T”, tức Tibet, Tienanmen và Taiwan, liên quan đến Tây Tạng, Thiên An Môn và Đài Loan là những vấn đề cấm kỵ. Thời gian qua, danh sách cấm kỵ này còn thêm vào vô số điều, từ Pháp Luân Công cho đến người Duy Ngô Nhĩ và mới nhất là Hồng Kông. Đưa tin về Hồng Kông là một rủi ro lớn. Hồi tháng Mười vừa qua, Trung Cộng đã bắt giữ một ký giả tự do chuyên viết các phóng sự điều tra là Sophia Xueqin ngay sau khi cô này tường thuật trên blog của mình về cuộc tuần hành của giới trẻ Hồng Kông bằng chính trải nghiệm tham gia cá nhân ngay trên đường phố Hồng Kông .

Hình minh họa. Người biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong hôm 26/11/2019
Hình minh họa. Người biểu tình đòi dân chủ cho Hong Kong hôm 26/11/2019 AFP
 

Những cuộc bắt giữ này đã liên tục gia tăng từ khi Tập Cận Bình thu tóm quyền lực và gia tăng việc kiểm soát truyền thông và internet. Từ sách báo, truyền hình, phim ảnh, âm nhạc cho đến trò chơi điện tử, đặc biệt là các trang mạng xã hội. Hàng ngàn trang mạng lớn và được đông đảo người khắp thế giới sử dụng như Google, Facebook, YouTube, Twitter… đều bị chặn tại Hoa Lục. Việc kiểm duyệt không chỉ trong mục đích chính trị mà còn để kiểm soát và tuyên truyền những gì nhà cầm quyền muốn người dân nghe-đọc và biết đến.

Không bỏ tù được các ký giả ngoại quốc của các hãng tin quốc tế đang thường trú tại Bắc Kinh, cách Trung Cộng vẫn hay áp dụng là trục xuất hay không tái gia hạn visa với những ký giả vi phạm sự kiểm duyệt. Trong năm nay Bắc Kinh đã không tái cấp visa cho một số ký giả của New York Times, Bloomberg, WSJ… sau khi các tờ báo này đăng vài bài báo liên quan đến sự giàu có của các gia đình lãnh tụ Trung Cộng hay liên quan đến thân nhân, bà con của Tập Cận Bình.

Chế độ kiểm duyệt, trấn áp quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận cùng quyền biểu đạt của người dân của mình vốn được áp dụng khắt khe trong các thể chế cộng sản và độc tài từ lâu. Nhưng không dừng ở đó,  hiện nay Trung Cộng đang đưa chế độ kiểm duyệt này ra tận nước ngoài, đến các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp thế giới trong những năm qua.

Như vài năm trước, Yun Shen – một đoàn ca vũ nhạc thường lưu diễn khắp nước Mỹ và thế giới và bị Trung Cộng xem là thuộc nhóm Pháp Luân Công, đã từng bị một nhà hát của Moldova – một quốc gia Đông Âu thuộc Liên Bang Xô Viết cũ bất ngờ hủy sô không báo trước ngay trước giờ trình diễn. Sự việc tương tự đã xảy ra tại Đan Mạch, điều mà sau đó một ký giả đã điều tra được là chính Đại Sứ Quán Trung Cộng đã làm áp lực với các nhà hát này để hủy bỏ các sô diễn của Yun Shen.

Mới hồi tháng Tám, Bảo Tàng Viện Quốc Gia Victoria tại Úc cũng đã hủy sô diễn của nữ ca sĩ Hồng Kông Denise Hà Vận Thi, một trong những nhà tranh đấu mạnh mẽ tại Hồng Kông hiện nay với “lý do an ninh” được đưa ra.  Denise chỉ trích là bảo tàng viện này đã “tự kiểm duyệt” trước Bắc Kinh. Denise cũng từng bị hãng mỹ phẩm Lancome của Pháp hủy bỏ giao kèo tài trợ sau khi cô bị Bắc Kinh đưa vào danh sách đen.

Việc kiểm duyệt và áp lực này lan sang đến Mỹ cùng các quốc gia tự do. Đầu tháng Mười vừa qua, sau mẩu tweet nhắn hàng chữ ủng hộ người biểu tình Hồng Kông từ tổng quản trị Daryl Morey của đội bóng rổ nhà nghề Houston Rockets, một chiến dịch tấn công Daryl đã được phát động rầm rộ trên các phương tiện truyền thông cùng các trang mạng xã hội tại Hoa Lục. Truyền hình, các liên đoàn thể thao, các nhà tài trợ, quảng cáo tại đây tuyên bố ngưng hợp tác với Houston Rockets và Liên Đoàn Bóng Rổ Quốc Gia Hoa Kỳ (NBA), không phát sóng các trận đấu NBA. Phản ứng này buộc NBA phải ra thông cáo chống chế, xin lỗi vụng về, dẫn đến việc một số nhà lập pháp và cổ động viên thể thao tại Mỹ đã lên tiếng chỉ trích thái độ của NBA.

Hình minh họa. Người dân cầm tấm ảnh ủng hộ cầu thủ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ chơi cho Arsenal, Mesut Ozil, trong một cuộc biểu tình ở Istabul hôm 4/12/2019
Hình minh họa. Người dân cầm tấm ảnh ủng hộ cầu thủ người gốc Thổ Nhĩ Kỳ chơi cho Arsenal, Mesut Ozil, trong một cuộc biểu tình ở Istabul hôm 4/12/2019 AFP

Và mới trong tuần qua, sự việc đã tái diễn với cầu thủ người Đức Mesut Ozin, vốn là một tuyển thủ Hồi Giáo gốc Thổ Nhĩ Kỳ đang chơi cho câu lạc bộ ngoại hạng Arsenal của Anh. Sau khi Mesut gởi ra tin nhắn chỉ trích Trung Cộng đã ngược đãi người Duy Ngô Nhĩ, anh đã lại bị cộng đồng mạng và báo chí Hoa Lục tấn công dữ dội, dù Bắc Kinh chưa có thông báo chính thức về việc trả đũa Mesut và CLB Arsenal như thế nào, có giống vụ NBA hay không.

Từ việc kiểm duyệt người dân trong nước, rõ ràng Trung Cộng đang ngày càng muốn kiểm duyệt cả quyền tự do ngôn luận của cộng đồng thế giới. Trung Cộng từng buộc Hollywood cũng như các hãng dĩa âm nhạc phải thay đổi kịch bản, lời thoại, diễn xuất nếu bị xem không đúng theo đường lối của họ để được công chiếu hay trình diễn tại đây.

Trung Quốc đang tái hiện một chủ nghĩa thực dân văn hóa khi áp đặt nền văn hóa kiểm duyệt lên cộng đồng quốc tế, dùng kinh tế như phương tiện kiểm soát và cưỡng chế công dân, doanh nghiệp, truyền thông, kỹ nghệ giải trí của nước khác. Thậm chí ở cấp quốc gia như vụ Moldova, Đan Mạch nói trên hay thái độ “tự kiểm duyệt” của các nước nhỏ, như việc Campuchia từng bắt giữ những người biểu tình chống Trung Cộng xây đập thủy điện hay Việt Nam cấm người dân của mình bày tỏ thái độ chống Trung Cộng.

Không phải cộng đồng quốc tế không nhận biết ý định của Trung Cộng, nhưng nó là bài toán khó cho các doanh nghiệp đơn lẻ. Đôi tháng trước, những nhà sản xuất phim hoạt họa truyền hình nhiều tập South Park đã ra tập phim “Ban Nhạc Trung Hoa” (Band of China) để giễu cợt việc kiểm duyệt truyền thông tại Trung Cộng cũng như chỉ trích thái độ thỏa hiệp của kỹ nghệ giải trí muốn làm hài lòng Bắc Kinh, dù họ biết rằng phải trả giá cho điều này. Trên thực tế, loạt phim truyền hình này đã bị cấm cửa và cái tên South Park đã lập tức bị xóa bỏ trên hầu hết các trang mạng xã hội tại Hoa Lục.

Thái độ ngang ngược của Trung Cộng khi muốn chứng tỏ một dạng “quyền lực mềm” qua việc kiểm duyệt này cần bị lên án và phải có biện pháp ngăn chặn. Bởi đó là hành động sách nhiễu và vi phạm nhân quyền. Nhượng bộ trước sự kiểm duyệt, lấn lướt của Trung Cộng có thể giữ được những mối lợi kinh tế nhất thời nhưng về lâu dài, nó giết chết những giá trị và tinh thần của xã hội dân chủ, tạo ra sự phụ thuộc vào chính sách tuyên truyền của Trung Cộng.

Chính lẽ đó, những chính sách đối ngoại, giao thương với Trung Cộng không chỉ dừng lại ở những thoả thuận trong vấn đề mua bán, đổi chác thương mại mà còn là việc nước Mỹ cùng thế giới tự do sẽ bảo vệ người dân và doanh nghiệp của mình như thế nào trước thái độ kiểm duyệt văn hóa và chính trị của Trung Cộng ngay chính trên lãnh thổ mình.

Đinh Yên Thảo
2019-12-19