TÂM THỨC LƯU VONG (Ngô Quốc Sĩ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Trong những năm qua, tôi đã đem hết tim óc để viết về lòng yêu nước của các thi sĩ tâm huyết như Nguyễn Chí Thiện, Hà Thượng Nhân, Hoàng Phong Linh, Nguyên Sa. Bùi Minh Quốc,Ngô Minh Hằng cùng với các nhạc sĩ nổi tiếng như Anh Bằng, Lê Thương, Lê Văn Khoa, Việt Dzũng, Trúc Hồ và Tuấn Khanh..
Hôm nay, xin được dành ít phút để chia sẻ tâm tình của chính mình, một gã lưu vong, sống nơi đất khách quê người, mà lòng luôn luôn hướng về quê hương, không phải để khoe khoang hay than thân trách phận, mà chỉ để chia sẻ tâm tình của người lữ khách vào tuổi hoa râm..
Có người hỏi rằng, sao Ngô Quốc Sĩ-Ngô Đức Diễm là một nhà giáo dạy môn Triết, lại biến thành một nhà thơ, một người làm truyền thông, và một người dấn thân đấu tranh cho tự do dân chủ, đến nỗi cộng sản Việt Nam phải lên án là “tên phản động ác ôn chạy theo đề quốc”? Xin thưa rằng, tôi chọn con đường đấu tranh chống cộng, bởi lẽ, tôi đã có cơ hội chứng kiến tận mắt những tội ác tày trời của cộng sản khi còn ấu thơ tại Hà Tĩnh trong chiến dịch “đấu tố địa chủ cường hào ác bá” tại Liên Khu Tư, cộng với những hiểu biết về chủ thuyết cộng sản qua sách vở, nhất là theo dõi những hành động đàn áp tôn giáo, cướp đoạt tự do dân chủ và nhân quyền của chế độ độc tài toàn trị tại Việt Nam..
Tôi còn nhớ tuổi thơ tại Hà Tĩnh, khi còn là cậu bé cắp sách tới trường, tôi chỉ mong có được “đôi dép râu” có đế cao su dày hơn lớp bố để khoe với bạn bè! Giấc mơ tuổi trẻ dưới chế độ cộng sản đáng thương đến thế là cùng! Tôi cũng còn nhớ những ngày sống êm đềm tại miền Nam sau cuộc di cư 54, học hành tốt nghiệp rồi làm nhà giáo, vui với phấn trắng bảng đen, với những mái đầu xanh thân thương..Nhất là tôi không thể quên những ngày tháng ngắn ngủi sau 75, tôi trở thành tên “mất dạy” và chọn sống qua ngày bằng nghề lơ xe đò để chuẩn bị vượt biển tìm tự do cuối năm 1976..
Lao vào biển cả tìm 1% cái sống trong 99% cái chết, tôi đã thầm nguyện với trời xanh biển gió:
Anh lặng nghe sóng vỗ
Như tiếng vọng ngàn xưa
Gian khổ bạo quyền chưa một lần khuất phục
Bàn chân ngạo nghễ tiến bước hiên ngang
Anh sẽ về trong chiến thắng vinh quang
Cho dân ta được sống
Được tự do làm người
Qủy sứ ma vương chấp tay đền tội
Đêm qua rồi ta chào đón bình minh
Bơ vơ trên đất lạ tại bến bờ tự do, lời nguyện trên sóng đã thúc đẩy tôi dấn thân vào con đường đấu tranh từ năm 1978. Tôi đã cùng với anh em Phục Hưng Việt Nam xuôi ngược năm châu vận động cho tự do dân chủ. Ngoài các tiểu bang có đông người Việt tại Hoa Kỳ, chúng tôi cũng đã đặt chân đến Pháp, Đức, Bỉ, Tiệp, Đan Mạch, Hòa Lan, Úc, Tân tây Lan và Nga để cổ võ đấu tranh.
Tại Tiệp, chúng tối đã có dịp đặt vòng hoa tưởng niệm tại quãng trường Praha năm 1991 để tưởng nhớ các chiến sĩ dân chủ đã bỏ xác tại đây trong mùa xuân Praha:
Hôm nay
Ta đến với em
Ngậm ngùi đoá hoa tưởng niệm
Sương chiều phủ kín quãng trường đá xám
Nghe chừng vang vọng tiếng nấc oan hồn
Mùa xuân năm ấy hy vọng nẩy mầm
Mùa xuân năm ấy hồn em loang máu..
Tại Nga, năm 1992, đứng giữa quãng trường Đỏ, cạnh mộ Lenin, tôi đã phải khóc vì sung sướng nhìn thấy cái nôi cộng sản đã bị dẫm nát:
Bia mộ ai nằm nghe nguyền rủa
Cẩm thạch rưng rưng cúi mặt thẹn thùng..
Tuyết vùi lấp mộ hồng
Nhục sử thôi đành quên
Sao lung linh đỉnh nắng
Thấp thoáng nẻo thiên đường
Đến Pháp, sau khi cùng với cô Irina thuyết trình về đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do từ Mạc Tư Khoa phát trực tiếp về Việt Nam, tôi có dịp ngồi trầm ngâm dưới chân cầu sông Seine, cạnh tháp Eiffel mà cảm nghiệm về kiếp nhân sinh chuyển hóa vô thường:
Dài thêm bóng ngả chân cầu
Ngỡ mình hóa kiếp ngàn sau lạc về
Dòng xanh trôi những hẹn thề
Lầu xưa vẫn đợi vai kề trăm năm
Tháp cao với tận mây ngàn
Cổ xưa bén gót thời gian ngập ngừng
Tưởng mình cởi áo sắc không
Ngàn năm hóa đá bên dòng nước trôi
Trở về với Hoa Kỳ, tôi có dịp đến vùng tuyết lạnh Colorado, mơ về quê hương Việt Nam sạch bóng thù:
Ta mơ
Xây nhà Việt Nam
Trên đỉnh cao tuyết phủ
Giữa tiếng nhạc thông reo
Mây trời lợp mái lá
Gió núi đan phên thưa..
Mỗi sáng
Mẹ lặng nghe nắng vào thung lũng
Lòng ấm như hơi ấm ngô khoai
Mỗi chiều
Cha tựa lưng vách đá
Thả hồn theo khói thuốc lào say..
Rồi trải qua những năm dài ươm mộng, tôi vẫn ngay đêm thao thức về số phận của mẹ Việt Nam đang bị lũ con hoang phản bội giày xéo:
Trăm con ngụp lặn sử đen
Nội thù giày xéo ngoại xâm đọa đày
Mặt nguời dạ thú cuồng say
Bàn tay đao phủ quyết xây ngai vàng
Tội đời chát mặn biển Đông
Lấm lem nhục sử nát lòng cháu con
Trong số trăm con khổ đau, có những đứa con đã can đảm đứng lên phất ngọn cờ dân chủ, thách đố với bạo quyền, tiêu biểu như Nguyễn Văn Đài, Phạm Thanh Nghiên, Mẹ Nấm, làm ấm lòng mẹ Âu Cơ:
Tim em rạo rực tình trần
Quyết đem nhân nghĩa đập tan bạo cường
Viết em trong sáng như gương
Nhức tim dã thú qủy vương mặt người
Thản nhiên em bước ngang trời
Bàn chân dẫm nát đười ươi mặt dày..
Nói chung, mọi nỗ lực tranh đấu đều nhằm giải thể chế độ cộng sản đang gieo rắc bao oan khiên lên đầu dân tộc, như vết chém mãi còn rướm máu. Mỗi vần thơ là một viên đạn nhắm thẳng vào tim địch, để trả thù cho cha, cho mẹ, cho em và cho dân tộc.
Ta khai hỏa
bằng viên đạn này
Bắn thẳng vào tim những tên phản bội
Buộc lũ bạo cuờng gục xuống ăn ăn
Cho tan dân đi những nỗi căm hờn
Cho vơi cạn bớt những dòng lệ tủi
Đạn vẫn bắn, vì kẻ thù còn đó, nghênh ngang trên ngai vàng đao phủ, trên giàn thiêu dân tộc…Chúng phải ngã qụy trước sức mạnh dân tộc một ngày không xa…