PHE DÂN CHỦ THẮNG CƯỢC, TƯƠNG LAI HỒNG KÔNG VẪN MỊT MỜ (Minh Anh)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Các ủng hộ viên của ứng cử viên Kelvin Lam ăn mừng chiến thắng sau khi ông đắc cử hội đồng quận trong cuộc bầu cử ngày 24/11/2019 (REUTERS/Thomas Peter) 

Tại Hồng Kông, ý nguyện của người dân đã rõ trong cuộc bỏ phiếu hôm 24/11. Kết quả cho thấy người dân yêu chuộng tự do dân chủ…  nhiều bình luận gia tây phương cho chiến thắng đó làm cho Bắc Kinh thất bại cai trị ở Hồng Kông.  Sự thật, dưới bất cứ chế độ độc tài cai trị của Cộng Sản, nếu người dân tự do đi bỏ phiếu sẽ chắc chắn trên 90% không tín nhiệm chế độ Cộng Sản. 
Tuy vậy, dưới chế độ Cộng Sản họ bất chấp thủ đoạn để  Đảng bám giữ quyền lực, có bao giờ họ nghe và để ý đến ý nguyện của người dân đâu?  Vì vậy cho nên sự chiến thắng dân chủ ở Hồng Kông vừa rồi chưa có thể đem lại tương lai tươi sáng cho dân Hồng Kông khi mà Bắc Kinh quyết tâm nhúng tay vào nền độc tài bạo trị ở xứ này. Chúng ta có thể xem sự chiến thắng của phe dân chủ ở Hồng Kông trong cuộc bầu cử cấp quận ngày 24/11 là một thông điệp của dân Hồng Kông đối với nhà cầm quyền Bắc Kinh và là điều kiện tiếp tục đấu tranh cho tự do dân chủ.  Bài bình luận dưới đây phản ảnh đồng quan điểm: “Phe dân chủ thắng cược, tương lai Hồng Kông vẫn mịt mù”. (VQ2)

Phe ủng hộ dân chủ Hồng Kông giành thắng lợi lớn tại 17/18 quận trong cuộc bầu cử địa phương ngày Chủ Nhật 24/11/2019. Kết quả này khẳng định một cuộc cá cược thành công của phe ủng hộ dân chủ, một cái tát trời giáng dành cho lãnh đạo đặc khu và một vố đau cho chính quyền Bắc Kinh.

Sau sáu tháng chính quyền “bịt tai, bịt mắt” trước những đòi hỏi của người dân Hồng Kông, bất chấp các cuộc biểu tình bạo lực, cử tri đã quyết định dùng đến lá phiếu bày tỏ nỗi bất bình. Với một tỷ lệ tham gia bầu cử đông đảo chưa từng có (71% so với 47% năm 2015), phe đối lập chiếm đa số ghế tại 17/18 hội đồng quận và sẽ có thêm 117 đại diện tại ủy ban bầu cử để chọn lãnh đạo hành pháp.

Kết quả cuộc “trắc nghiệm” này, như đánh giá của giới chuyên gia trước khi diễn ra bầu cử, là một đòn trừng phạt, lên án thái độ “bất động” của chính phủ và các hành động bạo lực của cảnh sát. Lá phiếu của cử tri Hồng Kông đã cho thấy rõ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với “Năm yêu sách” mà những người biểu tình đòi hỏi trong suốt mấy tháng qua.

Trong số những đòi hỏi này, yêu cầu cấp bách nhất là lập một cơ quan điều tra độc lập về các hành động bạo lực của cảnh sát và yêu cầu đổi mới phương thức bầu cử lập pháp và chọn lãnh đạo theo phổ thông đầu phiếu.

Đối với người dân Hồng Kông, quy chế hiện hành “một nhà nước, hai chế độ” chỉ là một cái vỏ bọc, bởi vì trong thực chất, việc “cảnh sát tham gia vào trấn áp những người đòi dân chủ cho thấy là Bắc Kinh đã can thiệp vào chuyện nội bộ Hồng Kông” như nhận xét của chuyên gia Philippe Le Corre, nhà nghiên cứu trường đại học Harvard, với đài RFI.

Thắng lợi này khẳng định sự gắn bó của người dân Hồng Kông đối với những quyền tự do cơ bản mà Bắc Kinh đang tìm mọi cách tước đoạt. Đương nhiên, chính quyền trung ương khó mà chấp nhận thất bại ê chề này, và sẽ hạ thấp tầm mức quan trọng của cuộc bầu cử, cho rằng đây chỉ là “bầu cử địa phương, không ảnh hưởng gì đến hệ thống chính trị Hồng Kông hiện nay, nghĩa là một hệ thống do Bắc Kinh kiểm soát và đa số các chính khách là do nhà nước Trung Cộng chỉ định“, như phân tích của ông Philippe Le Corre.

Giờ đây, với việc có thêm 117 cộng với 350 ghế đã có ở ủy ban bầu cử, phe đối lập Hồng Kông đang tiến gần đến đa số, và điều này cho phép gia tăng đáng kể ảnh hưởng của đối lập trong việc bầu chọn lãnh đạo đặc khu sắp tới. “Diện mạo mới này tại ủy ban sẽ biến ông Li Ka-shing (tỷ phú có ảnh hưởng lớn nhất tại Hồng Kông) thành người nắm vai trò quyết định trong kỳ bầu cử lãnh đạo sắp tới, trong khi Bắc Kinh lại bực tức chống lại ông này” theo như quan sát của giáo sư luật Benny Tai với báo Le Monde.

Rượu mừng đã uống, bước kế tiếp phải làm gì? Đây không phải là chuyện dễ làm. “Cuộc chiến vẫn còn dài, còn xa mới thắng” như nhận định của một lãnh đạo phong trào sinh viên. Chính quyền Bắc Kinh hôm nay đã lên tiếng cảnh báo “Hồng Kông là một phần lãnh thổ Trung Cộng” bất kể kết quả bầu cử ra sao.

Chỉ có điều, trong cuộc chiến này, người dân Hồng Kông đơn độc hơn bao giờ hết. Cách nay 30 năm, các nền dân chủ phương Tây không ngần ngại thông qua các biện pháp trừng phạt Trung Cộng trấn áp tàn bạo phong trào Thiên An Môn. Giờ thì vị thế của Trung Cộng và nền kinh tế của nước này quan trọng đến mức chúng làm tê liệt phần lớn các cường quốc khác, buộc họ phải làm ngơ Hồng Kông!

Theo Minh Anh