Mai Tâm
Thế giới đang xúc động về cái chết thảm thương của 39 người Việt trong thùng xe đông lạnh ở Anh liên quan đến đường giây buôn người bắt đầu từ Việt Nam nhắc người ta nhớ vụ buôn người Việt gây chấn động công luận Hoa Kỳ 20 năm về trước.
Công ty may mặc Daewoosa American Samoa do ông Kil Soo Lee người Nam Hàn làm chủ tại đảo thuộc địa American Samoa của Hoa Kỳ. Hãng may mặc của ông Lee được thành lập từ năm 1998, công nhân của họ gồm người Việt, hầu hết là phụ nữ, người Hoa, toàn là người nam. Họ được đưa từ đất nước của họ sang làm việc dưới dạng xuất khẩu lao động. Đây là lần đầu tiên Việt Nam xuất khẩu lao động sang Hoa Kỳ và đây là vụ buôn người lớn nhất từ trước tới nay trong lịch sử chính quyền liên bang Hoa Kỳ đưa ra pháp luật.
Số công nhân người Việt được đưa sang nhà máy Daewoosa chia ra làm nhiều đợt. Đa số họ là những người nông dân miền Bắc, được hai công ty quốc doanh là Công Ty Du Lịch 12 và Cơ Quan Xuất Khẩu Lao Đông IMS thuộc Bộ Lao Động Việt Nam, đưa sang American Samoa làm việc. Những người này đã phải trả một khoản tiền không nhỏ từ $4000-$8000 đô la để bảo đảm một chỗ làm tại nhà máy Daewoosa. Số tiền này họ đã kiếm được bằng cách bán nhà hay vay nặng lãi.
Các công nhân Việt lúc còn ở đảo American Samoa
Họ phải làm việc trong một môi trường rất khắc nghiệt. Ông Lee quản lý chặt chẽ tất cả mọi thứ có liên quan đến đời sống của công nhân, từ miếng ăn đến giấc ngủ . Tệ hại hơn nữa có một số phụ nữ bị hãm hiếp.
Họ phải về khu nhà tập thể sau giờ làm việc đúng quy định. Những ai về trễ bị đánh và kiểm tra túi sách. Vì điều kiện sinh hoạt thiếu thốn và không đủ ăn nên rất nhiều công nhân bị bệnh và suy dinh dưỡng. Có những người phụ nữ đã ngưng kinh nguyệt vì cơ thể quá suy nhược. Nhiều khu nhà ở tập thể không có nước và nhân viên không được tắm rửa mỗi ngày. Cơ thể họ bốc ra những mùi hôi thối của chất thải cơ thể và mồ hôi.
Họ phải làm việc 18 tiếng mỗi ngày, nhưng có tháng không được trả lương hay trả không đủ. Trong khi đó ông chủ Lee bắt mỗi công nhân phải trả $200 mỗi tháng cho ăn, ở. Trước đó công ty môi giới bên Việt Nam cho họ biết họ được hưởng chế độ ăn ở hoàn toàn miễn phí. Vài công nhân lên tiếng, biểu tình bị đánh đập, giam cầm và bỏ đói. Một phụ nữ trẻ tuổi đã bị đánh đến hư một mắt và một người đàn ông bị đánh thủng màng nhĩ. Ông Lee đe dọa sẽ trừng phạt nếu họ không làm việc siêng năng và nếu nghỉ việc thì sẽ bị phạt $5000 vì vi phạm hợp đồng. Nạn nhân chỉ biết lặng câm.
Vụ việc chỉ được biết khi hai nữ công nhân leo hàng rào trốn ra ngoài cầu cứu. Họ được giới thiệu với một luật sư người Mỹ. Ông này nhận can thiệp miễn phí cho họ để đòi tiền lương. Qua ông Grover Joseph Rees, đang làm ở Quốc Hội với Dân Biểu Christopher Smith, vị luật sư này đã liên lạc với tổ chức BPSOS nhờ phiên dịch giấy tờ lập hồ sơ kiện ông Lee đòi trả lương đầy đủ cho công nhân.
Công Ty Xuất Khẩu Lao Đông IMS thuộc Bộ Lao Động của chính phủ Việt Nam không muốn sự việc ảnh hưởng đến việc làm ăn của họ, đưa người sang vận động công nhân ngưng đấu tranh và quay lại làm việc. Người dẫn đầu phái đoàn IMS là Ông Phạm Đỗ Nhật Tân, quản lý chương trình xuất khẩu lao động của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội. Tại buổi họp với 2 nữ công nhân vượt rào ra cầu cứu với luật sư, Ông Tân răn đe 2 nữ công nhân này đã vi phạm kỷ luật và yêu cầu họ huỷ vụ kiện. Chính quyền Việt Nam qua bộ Lao Động và Thương Binh Xã Hội không có biện pháp can thiệp với chủ nhà máy này để giảm bớt tình trạng làm việc, ăn ở như nô lệ của công nhân. Hơn thế nữa, họ vẫn tiếp tục tuyển thêm người sang làm việc cho xưởng may Daewoosa và ăn tiền cả hai đầu, người đi xuất khẩu và chủ xưởng may.
Tháng 5 năm 1999, Bộ Lao Động Hoa Kỳ bất ngờ khám xét công ty để kiểm tra tình trạng lao động. Họ bắt ông Lee phải trả tiền lương cho nhân công và phạt tiền nhà máy Daewoosa vì đã vi phạm an toàn lao động. Lúc ấy Hoa Kỳ chưa có luật bảo vệ nạn nhân buôn người nên chưa thể giải cứu các nạn nhân.
Một sự trùng hợp may mắn, Ông Grover Joseph Rees lúc ấy đang soạn dự luật Bảo Vệ Nạn Nhân Buôn Người để DB Smith đưa vào Quốc Hội. Cuối năm 2000, Quốc Hội thông qua dự luật này, cho phép chính quyền liên bang giải cứu nạn nhân buôn người. Tháng 2 năm 2001, FBI vào cuộc giải cứu các nạn nhân gồm 250 Việt, hầu hết là phụ nữ và 30 nam công nhân người Hoa. Trước đó 90 người đã chấp nhận về Việt Nam vì bị người của công ty IMS hăm doạ.
Tất cả nạn nhân được giải cứu đã được đưa ngay ra phi trường, chuyển sang Honolulu nhằm tránh sự trả thù của IMS và ông Lee. Tổ chức BPSOS đã tài trợ tiền vé máy bay cho tất cả nạn nhân. Sau đó, BPSOS đã phối hợp với nhiều cộng đồng ở nội địa Hoa Kỳ di chuyển các nạn nhân đến các tiểu bang California, Washington, Virginia, Georgia, Texas, Pennsylvania… Một số nạn nhân chọn ở lại Hawaii.
Họp mặt với các nạn nhân American Samoa tại văn phòng BPSOS- Philadelphia
Trách Nhiệm của Chính Quyền Việt Nam
Trong vụ American Samoa, chính công ty dịch vụ của nhà nước đã hợp tác với chủ xử dụng lao động trấn áp nạn nhân, ép họ phải chấp nhận tình trạng bị bóc lột và bị chà đạp nhân phẩm. Chính Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội đã chiêu dụ người dân bằng những quảng cáo sai sự thật, như là nơi ở có hồ bơi, các bữa ăn dinh dưỡng, giải trí có sân thể thao… Đến khi tình trạng của công nhân bị đưa ra ánh sánh, họ vẫn tuyển mộ công nhân xuất khẩu lao động, thu tiền và đưa họ vào tròng nô lệ của ông chủ Lee.
Năm 2001, toà án tối cao của American Samoa xử công ty mộ dân xuất khẩu lao động của bô Thương Binh Xã hộ VN IMS và TC12 phải bồi thường 3.5 triệu Mỹ kim cho 280 nạn nhân. Để quỵt nợ, Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội đã giải tán công ty IMS.
Ông Phạm Đỗ Nhật Tân sau này được thăng chức Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm của Bộ Lao Động Thương Binh Xã Hội.
Ông Grover Joseph Rees sau này làm đại sứ Hoa Kỳ ở Đông Timor.
Ông Kil Soo Lee bị xử 40 năm tù và hiện bị giam ở Honolulu.
Chương trình xuất khẩu lao động từ Việt Nam bị Hoa Kỳ đình chỉ trong nhiều năm.
Các luật sư của BPSOS sau này đã giúp vợ, chồng, con của các nạn nhân được đến Hoa Kỳ đoàn tụ gia đình. Tổng cộng khoảng 600 người đã được chính phủ Hoa Kỳ cho định cư. Một số người trong số 90 người bị công ty IMS ép buộc trở về VN trước kia cũng được BPSOS can thiệp chính quyền Hoa Kỳ cho tỵ nạn cùng gia đình của họ.
Giờ đây hầu hết họ đã trở thành công dân Hoa Kỳ và phần lớn có đời sống ổn định, con cái đang học đại học hoặc đã thành đạt.
Đây là vụ buôn lao động lớn nhất bị Bộ Tư Pháp truy tố trong lịch sử Hoa Kỳ.
Hiện nay, hơn 90% các quốc gia thành viên LHQ đã có luật chống buôn người, theo gương của Hoa Kỳ.
Câu chuyện ở American Samoa cho thấy sự can thiệp của các tổ chứ NGO , trong trường hợp này là BPSOS, có thể thay đổi số phận cho nhiều nạn nhân và góp phần đáng kể cho công cuộc bài trừ nạn nô lệ mới trên thế giới.
Tiến Sĩ Nguyễn Đình Thắng Chủ tịch kiêm Tổng Giám Đốc, BPSOS và các nạn nhân American Samoa tại California