NHỮNG MẢNH TRỜI NGHIÊNG ĐỔ BÊN BỜ SÔNG BA – (BẮC PHONG SÀI GÒN)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

” …Dòng thác người thoát đi từ Cao nguyên bức tử, từng đợt bỏ xác theo từng tấc đường oan nghiệt mùa xuân 1975. Lớp lớp người lính miền Nam súng trên tay mở đường, dân theo lính ra đi, một người lính mấy chục người dân nối đuôi theo sau. Những AK, những B40 của Bắc quân bắn xả vào đoàn người, những chiếc xe, từ xe tăng đến xe đò, dầy đặc người, người rụng xuống như sung khi bị B40 của Bắc quân nã trúng. Người lính miền Nam bắn trả, người lính miền Nam gục chết theo đường, người dân miền Nam gục chết theo lính. Những viên đạn oan nghiệt của Bắc quân đeo đuổi đoàn người chạy loạn và khựng lại tại Sông Ba. …” Người ta không biết bao nhiêu người đã chết dọc theo quốc lộ 14 rồi liên tỉnh lộ 7B. Rất nhiều, không ai biết ai đã chết, không ai xem căn cước người dân ngã xuống, không ai xem thẻ bài người lính ngã xuống dọc đường miên man, mê loạn… Những cái lệnh bỏ Cao Nguyên quái đản đưa đến một cuộc rút quân “không sách vở”, và trong đó có những cái chết anh dũng, có những hy sinh anh dũng mà người nằm xuống không cần ghi tên… Họ, những người lính miền Nam, những người lính Lôi Hổ, những người lính Biệt Động Quân, những người lính Bộ Binh… đã đem thân mở đường máu cho dân chạy giặc. “Giặc từ miền Bắc vô đây, bàn tay thấm máu anh em!” Lời hát đã hiện thực man rợ như một lời tiên tri bi thảm trên những con đường máu Cao Nguyên. … ” Chưa bao giờ trong cuộc chiến, người ta thấy người dân kinh sợ Bắc quân phải bỏ chạy và chết thảm dọc đường như ngày tận thế. Có những cái chết mà người dân đã chết trên lưng người lính. Họ đã dìu nhau đi, họ đã cõng nhau đi, và họ đã cùng nhau nhận những tràng AK và cùng gục xuống, họ đã cùng chết một chỗ. Những dòng máu đổ theo vệ đường di tản rút quân nối nhau từng đoạn, máu của người dân miền Nam, máu của người lính miền Nam, chan hòa, đậm đặc, khô cứng dưới trời Cao nguyên. Máu và xác người bị bỏ lại sau lưng. Dòng người cứ cuồn cuộn đổ về phía trước, ngơ ngác, bàng hoàng, mắt khô không lệ… Hàng cây xanh bên đường chết đứng, tang thương….” Bắc Phong Sài Gòn