CHÉN HẬN CHƯA VƠI (Ngô Quốc Sĩ)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Ba Mươi Tháng Tư, mốc điểm lịch sử đau thương của dân Việt được ghi dấu như Ngày Quốc Hận, sau 43 năm vẫn còn rỉ máu. Dân Việt năm châu vẫn hướng lòng về quê hương để tưởng niệm những nỗi đau chất ngất, như thể cùng nhấp chén hận chưa vơi..
Niềm tủi hận đó đã tuôn chảy như những giọt máu còn tươi, những dòng nước mắt còn nóng với những mơ ước còn đầy..
Trước hết, Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích đã nhỏ vào thơ những giọt lệ Tháng Tư thật thê lương. Nắng tháng Tư vàng rưng mắt, trăng tháng Tư thấm lạnh môi, làm cho lòng dân Việt nát tan:
Tháng Tư nắng đổ vàng rưng mắt
Loáng ánh trăng liềm thấm lạnh môi
Nghe ấm đất người lòng quặn thắt
Hồn quê rạn vỡ mảnh trời đôi!
Rồi, đó là những giọt lệ nhỏ xuống trên quê hương ngục tù của Trần Trung Đạo. Nhà thơ đã cảm thấy đứt ruột từng đêm, nghe tiếng quốc văng vẳng từ trùng xa:
Tôi một dạo hay ôm đàn đứng hát
Bài ca buồn tiếng quốc vọng đêm khuya
Quảng Nam ơi khúc ruột đã chia lìa
Chiều viễn xứ ngậm ngùi cho non nước
Ngậm ngùi cho non nước, nhà thơ đã cảm thấy phẫn nộ khi nhìn đất mẹ bị đọa đày dưới gót qủy đỏ:
Dải đất Việt Nam 
Nằm co ro như một kẻ ăn mày 
Đang thoi thóp cuộc đời trên góc phố 
Như giọt lệ chảy dài nhưng chưa nhỏ 
Như chiếc lưng khòm Mẹ gánh cả trời thương. 
Thái Tú Hạp cũng đã nhỏ những giọt lệ thương cảm cho dân Việt phải bỏ nước ra đi, làm than du mục, mà luôn luôn canh cánh bên lòng hình ảnh quê mẹ dấu yêu: 
suốt một đời du mục 
thăm thẳm hồn cố hương
núi sông đầy ẩn tích
em mắt sầu đông phương
Chấp nhận đất khách quê người làm quê hương thứ hai, dân Việt lưu vong luôn mang cảm thức bị lưu đày, giống như cảm thức bị lưu đày trên quê hương mình của dân Việt tại quê nhà:
Tang thương vừng nguyệt úa
trên quê hương xứ người 
ta và anh tù ngục 
hai phương trời giống nhau
Lưu lạc hai chân trời, Hoàng Phong Linh vẫn ngày đêm gạt nước mắt đi tìm hình bóng mẹ Việt Nam đang bị lũ con hoang xâu xé :
Bốn mươi ba năm rồi
Con vẫn đi tìm Mẹ.
Vết thương mồ côi còn hoen máu lệ
Bao đêm ác mộng bùng lên. 
Giữa trùng dương thuyền như lá lênh đênh
Trần Hoài Thư cũng đã chia sẻ nỗi đau xa xứ của dân Việt với tâm cảm bơ vơ, lạc lỏng giữa đất trời bao la :
Ở đâu cũng vẫn đất trời
Cũng rừng cô tịch cũng đồi tà dương
Cũng ngày nắng cũng đêm sương
Cũng qua cũng lại phố phường người dưng
Qua thơ Cung Trầm tưởng, chúng ta lại tìm thấy những giọt nước mắt nhỏ xuống trên thân phận lưu vong như con thuyền không bến, như chiếc lá bị cuốn trôi giữa dòng đời hờ hững :
Chiều đầu sông ngóng cuối sông 
Quê ai một rẻo lau bồng lẻ loi 
Nước nguồn cuốn lá nguồn trôi 
Thừng côi cút buộc thuyền côi cút bờ 
Bơ vơ này níu bơ vơ 
Kia mây núi vấn mây chờ nẻo mây 
Cùng mang tâm thức mất nước, Trần Tuấn Kiệt đã nhỏ lệ vào những vần thơ thật truyền cảm. Chim mãi nhớ tổ. Người mãi nhớ nguồn, như trăng sao vỗ cánh gọi về tổ ấm:
Vẫn ngày tháng trăng sao ngàn cánh gọi
Vẫn muôn trùng chim nhớ tổ kêu vang
Vẫn từng ấy buổi chiều xanh tựa ngọc
Mộng êm đềm kiều diễm bủa vây em
Về lại được tổ ấm, thì tất cả sẽ đổi thay. Trần gian không còn là tù ngục mà biến thành trần gian ân ái. Mùa đông lạnh lẽo khô chết sẽ qua đi, nhường chỗ cho mùa xuân ấp áp với giấc mộng thanh bình:
Tôi hát khúc trần gian đầy ân ái
Em dạo cung hồ cầm đó ngày xưa
Cơn gió xuân xa, lưng trời thổi lại
Mộng bình yên thôi đã mất bao giờ
Cùng chia sẻ tâm thức mất nước đó, Nguyễn Bắc Sơn cũng đã nhỏ vào thơ những giọt lệ hờn tủi, thương cảm cho thân phận hẩm hiu của người dân mất nước như kiếp ngựa qùe”
Bây giờ ta đã thành ti tiểu 
Uốn vào khuôn khổ cuộc đời kia 
Loanh quanh trong chiếc chuồng vuông chật 
Sống đủ trăm năm kiếp ngựa què. 
Nhưng nhà thơ đã không chán chường tuyệt vọng, trái lại đã trải lên thơ những giọt lệ hưng phấn, hy vọng về một tương lai tươi sáng của dân tộc sau khi bóng tối qua đi, bình minh chiếu rạng trên quê hương. Lúc ấy, Việt Nam có núi có sông có rừng có biển đã dành lại được trong tay ngoại xâm, và toàn dân đứng lên xây lại ngôi nhà Việt Nam:
Ta định tặng cho mọi người 
Một món quà thật lớn 
Trong gói quà 
Có núi có sông 
Có rừng có biển.. 
Có một Việt Nam 
Quằn quại trong cơn đau 
Có khí thế đang lên 
Xây đời hậu chiến 
Cũng trong tâm cảm ly hương, Phan Thị Ngôn Ngữ đã gửi vào thơ những giọt lệ Tháng Tư thật ngậm ngùi: 
Tháng Tư phượng bói đỏ cành
Muốn quên sao chẳng thể đành lòng quên
Sông dài chia những dòng kênh 
Hồn quê chia những miếu đền phế hưng
Nhưng với hồn quê lai láng, nhà thơ đã cùng dân Việt siết tay nhau chia sẻ niềm đau, và cùng nhau chờ đón ngày hội ngộ nơi quê cha đất tổ, trong bọc mẹ yêu thương.
Ở đây đèn phố trăng ngàn 
Đêm chong dạ nhớ ngày vàng mắt trông
Quê cha đổi mạch thay dòng
Tứ phương về trụ giữa lòng mẹ xưa…
Đặc biệt, Nguyên Thạch nhân dịp tưởng niệm quốc hận, đã gửi cho mẹ Việt Nam những giọt lệ nồng ấm, như lời tuyên chiến hùng hồn với các thế lực phản bội:
Chắc mẹ đã biết, bao nhiêu năm chúng con chịu đựng
Dưới gót hung tàn, bao tang chứng đau thương
Trong tim chúng con vẫn yêu Tổ Quốc quí Quê Hương
Trong khốn khó…chúng con sẽ tìm đường đứng dậy.
Toàn dân tìm đường đứng dậy quyết tâm diệt nội thù, đuổi ngoại tặc để viết trang sử mới. 
Đồng bào ta ơi, hãy vùng lên diệt Hán
Đánh tan bầy buôn bán non sông
Hãy cùng nhau dựng lại ngày hội Diên Hồng
Đã đến lúc phải đồng lòng đứng dậy…
Đó là lời hịch Tháng Tư. Đó là những giọt lệ và những giọt máu nhỏ xuống đất mẹ chắc chắn sẽ nở thành hoa như Nguyễn Chí Thiện đã mơ ước:
Máu ươm hoa hoa máu chan hòa
Hoa sẽ nở muôn nhà muôn vạn đóa.. 

Ngô Quốc Sĩ