70 NĂM TÌNH CA TRONG TÂN NHẠC VIỆT NAM – LÊ THƯƠNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tiểu sử Lê Thương
Lê Thương (1914-1996) tên thật là Ngô Ðình Hộ, sinh tại phố Hàm Long, Hà Nội, trong một gia đình bố mẹ là những nghệ sĩ cổ nhạc. Theo hồi ký của Phạm Duy, Lê Thương là một thầy tu nhà dòng hoàn tục. Ông từng là giáo sư Sử Ðịa, từng làm công chức ở Trung tâm Học liệu, bộ Quốc gia Giáo dục và là giảng viên Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ thời Việt Nam Cộng Hòa. Những tác phẩm tiêu biểu như, bộ ba Hòn Vọng Phu, Bản Ðàn Xuân, Tiếng Thu, Lời Kỹ Nữ, Học Sinh Hành Khúc, Thằng Cuội, Thu Trên Ðảo Kinh Châu, Ông Nỉnh ông Nang, Nàng Hà Tiên v.v…
Hoài Nam biên soạn
Thanh Thư chuyển văn bản

70 năm Tình Ca Việt Nam – Hoàng Quý & Lê Thương 
Hoài Nam – SBS Radio (Australia) 

Nhạc sĩ thứ hai trong nhóm Ðồng Vọng sáng tác những bản nhạc tình hiếm hoi trong giai đoạn này là Lê Thương, người anh cả của nhóm, tính theo cả tuổi tác lẫn hoạt động cho tân nhạc. Giới thưởng ngoạn sau này mỗi khi nhắc tới Lê Thương lại nhớ tới ba bản Hòn Vọng Phu bất hủ. Và nếu đi xa hơn, người ta sẽ nhắc tới những ca khúc dành cho thiếu nhi như Tuổi ThơThằng CuộiÔng Ninh Ông Nang hoặc những ca khúc dân gian như Người Chơi Ðộc Huyền, Bà Tư Bán Hàng, Hoa Thủy Tiên,  Nàng Hà Tiên hoặc nhạc cảnh Trên Sông Dương Tử.


Thế nhưng, chỗ đứng và sự nghiệp của Lê Thương trong nền tân nhạc Việt Nam không chỉ có ngần ấy. Mà theo các nhạc sĩ thuộc thế hệ thứ nhất, ông còn là một trong các nhạc sĩ hàng đầu trong nền nhạc tình Việt Nam trong buổi sơ khai cùng thời với Dương Thiệu Tước, Thẩm Oánh, Văn Chung, Dzoãn Mẫn, tức là trước cả Văn Cao. Lê Thương đã từng đi tu nhà dòng và sau đó trở thành một nhà giáo, nhưng cứ theo lời Phạm Duy, ông lại là người soạn nhạc có nhiều tâm hồn thi sĩ nhất trong số các nhạc sĩ tiền phong của nền tân nhạc. Lời ca của Lê Thương từ các bản Bản Ðàn Xuân, Tiếng Ðàn Ðêm Khuya cho tới Một Ngày Xanh, Thu Trên Ðảo Kinh Châu, luôn luôn là những lời thơ tuyệt vời, mới mẻ, mà không trần trụi, thi vị mà không sáo ngữ. Chẳng hạn ca khúc đầu tay Bản Ðàn Xuân mà Phạm Duy đã khẳng định sẽ có ảnh hưởng sâu đậm tới hai ca khúc Buồn Tàn Thu của Văn Cao và Chinh Phụ ca của chính ông sau này.
Ngồi se chỉ hồng
Hỏi ai hiểu không
Tiếng oanh muốn nhắn lời hay những tiếng ngân
Như chiếc bóng người chưa dám nhấc chân 
Chờ tin thơ chim hoàng oanh đưa 
Còn xa bay trong áng sương mờ….
trích Bản Ðàn Xuân– Lê Thương- Ca sĩ Tâm Vấn

 

Hoặc như trong bản Một Ngày Xanh
Từ nay sông vắng im lìm lời ca
Ðời xanh em ngắn như ngàn đời hoa…
Có lẽ vì mang tâm hồn thi sĩ dạt dào như thế, nên Lê Thương đã là một trong những nhạc sĩ đi tiên phong trong việc phổ nhạc những bài thơ trong phong trào thơ mới. Tất cả những bài thơ được Lê Thương phổ thành ca khúc như Lời Kỹ Nữ thơ Xuân Diệu, Bông Hoa Rừng thơ Thế Lữ, Tiếng Thùy Dương thơ Huy Cận, Tiếng Thu thơ Lưu Trọng Lư, đều được đánh giá có giá trị về nhạc rất cao. Tuy nhiên vào thời gian tân nhạc chưa được phổ biến mạnh mẽ, sáng tác của Lê Thương, phổ thơ cũng như soạn cả nhạc lẫn lời, đều đã không được nhiều người biết đến.  Mãi đến sau này, khi Lê Thương đã nổi tiếng với ba bản Hòn Vọng Phu bất hủ, cuối thập niên 1950, đầu thập niên 1960, giới ca nhạc tại miền Nam mới tái khám phá ra bản Tiếng Thu do ông phổ từ thơ Lưu Trọng Lư và bỗng nhận ra giá trị để đời của một tác phẩm đã có từ gần 20 năm về trước.

    

Em không nghe mùa thu
Dưới trăng mờ thổn thức
Em không nghe rạo rực
Hình ảnh kẻ chinh phu Trong lòng người cô phụ.
Em không nghe rừng thu
Lá thu kêu xào xạc

Con nai vàng ngơ ngác
Ðạp trên lá vàng khô.
trích Tiếng Thu– Lê Thương- Ca sĩ Khánh Ly

 

Như chúng tôi đã trình bày trong kỳ trước, về hình thức, mọi ca khúc của nền tân nhạc Việt Nam buổi sơ khai là một sự dung hòa giữa hệ thống Ngũ Cung của nhạc Dân Tộc và hệ thống Thất Cung của nhạc Tây Phương. Hai chữ dung hòa ấy, nghe qua thì ngắn gọn, nhưng đem thực hiện, lại gặp quá trình thử thách cam go, nhưng Lê Thương đã vượt qua thử thách ấy một cách tài tình. Và ông còn đi xa hơn nữa, khi sử dụng một âm giai trong nhạc Nhật Bản, gồm các nốt nhạc Rê, Mi, Fa, La và Si giảm để soạn bài Thu Trên Ðảo Kinh Châu.  Ngày ấy và cả sau này, một số người cho rằng, khi sáng tác bản này, Lê Thương đã bị ảnh hưởng hay nói trắng ra là đã bắt chước âm điệu của một bản nhạc nào đó của quần đảo Phù Tang. Ðịa danh đảo Kinh Châu lại phảng phất Ðông Kinh tức thủ Ðô Tokyo của Nhật Bản, càng có sức hỗ trợ cho lập luận này. Nhưng trên thực tế, khi Lê Thương sáng tác bản nhạc này, quân đội Thiên Hoàng chưa đặt chân lên Ðông Dương, thì không thể nói rằng ông đã bị ảnh hưởng hay bắt chước âm điệu của bản nhạc Nhật. Theo sự giải thích của Phạm Duy, rất có thể, vì đề tài là mùa thu trên một hòn đảo có tên là Kinh Châu, gần gũi với cái tên Ðông Kinh, thủ đô Nhật Bản, cho nên Lê Thương đã mạnh dạn sử dụng một âm giai trong nhạc Nhật, từ đó vô tình gây ra sự nghi ngờ của một số người kém hiểu biết. Thêm một chi tiết thú vị nữa, đó là trong một công cuộc nghiên cứu mới đây về hát quan họ miền Bắc, người ta đã khám phá ra rằng bài Thu Trên Ðảo Kinh Châu đã được đưa vào thể loại hát quan họ của miền Kinh Bắc ngay từ thập niên 1940.

Ðàn chim bay thiết tha, trên núi cao miền xa
Mang theo những nỗi buồn mộng mơ 
Nguồn thảm sầu đã qua.
Khi ta đi liễu đang còn xanh lá…
trích Thu Trên Ðảo Kinh Châu-Lê Thương- Ca sĩ Duy Trác

Chúng tôi cũng đã trình bày trong tuần trước, theo các nhà chuyên môn trong lãnh vực tân nhạc, thì điển hình tuyệt vời nhất trong việc dung hòa giữa hệ thống Ngũ Cung của nhạc Dân Tộc và hệ thống Thất Cung của Tây Phương chính là các trường ca Hòn Vọng Phu của Lê Thương, mà bài thứ hai trong bản trường ca này tựa đề Ai Xuôi Vạn Lý nói về người vợ ôm con chờ chồng, chính là một tình khúc tuyệt vời. Bởi vì, tình yêu đâu thể là tình thơ mộng của đôi trai gái mới lớn, đâu chỉ là tình say đắm của cặp tình nhân sôi nổi, mà còn là tình thắm thiết của vợ chồng đã chia sẻ bao mặn nồng, đã trao nhau từng hơi thở, đã kết tinh những hình hài. Có thể nói, người vọng phu là hình ảnh đẹp nhất, cao quý nhất của tình yêu đã thăng hoa trong huyền thoại Việt Nam, và trong trường hợp này đã trở thành bất tử, qua dòng nhạc và lời hát của Lê Thương. Chỉ có điều đáng buồn là trong khi trường ca Hòn Vọng Phu trở thành bất tử với thời gian, thì pho tượng Hòn Vọng Phu lại bị bàn tay con người phá hủy. Càng đáng buồn hơn, khi việc ấy lại xảy ra trước khi Lê Thương qua đời. Khi hay tin những người phá núi lấy đá nung vôi làm vật liệu xây dựng, đã phá hủy luôn cả pho tượng Hòn Vọng Phu, ông thở dài “Ðược bao nhiêu lợi, mà người ta nỡ làm như vậy”.  Cho nên với cả ba thế hệ đã từng rung cảm trước bản Ai Xuôi Vạn Lý, từ nay hình ảnh Hòn Vọng Phu chỉ còn trong trí tưởng, trong huyền thoại.
Trường ca Hòn Vọng Phu 1,2,3- Lê Thương
Nguồn: Phương Nam phim Trình bày: Đoàn Người Ra Đi – Tốp Ca Ai Xuôi Vạn Lý – Ánh Tuyết Người Chinh Phu Trở Về – Khắc Dũng
*
*     *

Hòn Vọng Phu 1,2&3 -Lê Thương -Thái Thanh, Ánh Tuyết & Ban Ngàn Khơi -NNS 
 

*
*     *
Trường Ca Hòn Vọng Phu (1,2&3 -Lê Thương) 
Thái Thanh, Ánh Tuyết & Ban Ngàn Khơi
*
*     *
Lê Thương và Trường Ca Hòn Vọng Phu 
Bích Huyền Trình bày
*
*     *
Nhạc sĩ Lê Thương (P1)
Thy Lan (Nụ Hồng Tạ Ơn)
*
*     *

Nhạc sĩ Lê Thương (P2)
Thy Lan (Nụ Hồng Tạ Ơn)