30-4-1975 : THẮNG CUỘC HAY TỘI ĐỒ ? (Trần Gia Phụng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 2 people, outdoor

Chiến tranh Việt Nam kết thúc ngày 30-4-1975.  Cho đến nay, cộng sản Việt Nam (CSVN) thường tự hào họ là bên thắng cuộc.  Nhân mùa Quốc Hận năm nay, có lẽ nên thử trở lại vấn đề ai là bên thắng cuộc trong cuộc chiến 1960-1975?

1. Thế nào là bên thắng cuộc?

Trước hết cần phải xác định thế nào là thắng cuộc thì mới có thể biết bên nào thắng cuộc?  Thông thường, bên thắng cuộc là bên thực hiện được mục đích do chính bản thân đặt ra trước khi tham chiến.

Những bên tham chiến vừa qua là:  Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa (VNDCCH) hay Bắc Việt Nam (BVN) hay còn gọi là Việt Cộng (VC),  Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (MTDTGPMN), Việt Nam Cộng Hòa (VNCH) hay Nam Việt Nam (NVN).  Ngoài ra, phía BVN có Liên Xô và Trung Cộng viện trợ và gởi quân làm cố vấn và bảo vệ BVN.  Phía NVN có Hoa Kỳ viện trợ và gửi quân tham chiến.

Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa và MTDTGPMN tuy hai mà một, do đảng Lao Động (LĐ) tức là đảng cộng sản Việt Nam sáng lập và điều khiển.  Tại Hà Nội, từ 5-9 đến 10-9-1960, diễn ra Đại hội đảng LĐ lần thứ III, được mệnh danh là “Đại hội xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất nước nhà”, đưa ra hai mục tiêu lớn của đảng LĐ là xây dựng BVN tiến lên xã hội chủ nghĩa và “giải phóng hoàn toàn miền Nam…” (Lê Mậu Hãn chủ biên, Đại cương lịch sử Việt Nam, tập III, Hà Nội: Nxb Giáo Dục, 2001, tt. 154-155.)  Sau Đại hội này, đảng LĐ thành lập MTDTGPMNVN, ra mắt tại Hà Nội ngày 12-12-1960 và ra mắt tại xã Tân Lập, quận Châu Thành, tỉnh Tây Ninh (vùng chiến khu Dương Minh Châu) ngày 20-12-1960.

Trong chế độ dân chủ, quyền tuyên chiến, quyền quyết định chiến tranh, một vấn đề tối quan trọng, liên hệ đến vận mệnh đất nước, thuộc về quốc hội, đại diện toàn dân quyết định.  Ở BVN, quyết định chiến tranh và tuyên chiến, lại do đảng LĐ quyết định, chứ không do quốc hội, chứng tỏ rõ ràng rằng đảng LĐ nắm quyền tuyệt đối ở BVN, và bộ máy nhà cầm quyền Hà Nội chỉ là bù nhìn của đảng LĐ mà thôi.  Thế là BVN khởi binh đánh NVN.

Tuy viện cớ thống nhất đất nước, nhưng thực sự đảng LĐ quyết tâm đánh chiếm miền Nam vừa vì tham vọng bành trướng cố hữu của Cộng Sản Đệ Tam Quốc Tế, vừa làm tay sai quốc tế cho Liên Xô và Trung Cộng.  Lê Duẩn bí thư thứ nhất đảng LĐ, đã từng nói: “Ta đánh Mỹ là đánh cho Liên Xô, đánh cho Trung Cộng.” (Vũ Thư Hiên, Đêm giữa ban ngày, Nxb. Văn Nghệ, California, 1997, tr. 422 và tiết lộ của Nguyễn Mạnh Cầm, ngoại trưởng CSVN từ 1991 đến 2000, trong cuộc phỏng vấn của đài BBC ngày 24-1-2013.)

Liên Xô (LX) và Trung Cộng (TC) đều mang đặc tính chung của các nước CS là luôn luôn chủ trương bành trướng, bá quyền.  Tại LX, ngày 15-10-1964, Leonid Brezhnev đảo chánh và lên làm Bí thư thứ nhất đảng CSLX thay Nikita Khrushchev.  Brezhnev, tăng cường viện trợ BVN, gởi quân và chuyên viên sang giúp BVN.  Đây là khởi đầu chủ trương can thiệp mới của Liên Xô, mà về sau các nước Tây phương gọi là chủ thuyết Brezhnev, theo đó. “Nguyên lý Xô viết về luật quốc tế khẳng định quyền của Cộng đồng Cộng sản can thiệp bất cứ ở đâu mà các lực lượng nội tại và ngoại lai thù địch đối với chủ nghĩa cộng sản tìm cách biến đổi sự phát triển một nước theo chủ nghĩa xã hội hướng về chủ nghĩa tư bản, một tình thế được xem có tính cách đe dọa đối với tất cả các nước cộng sản.” (The New Lexicon Webster’s Encyclopedic Dictionary of English Language, Nxb. Lexicon, New York, 1988, mục “Brezhnev Doctrine”.)

Trung Cộng ở sát ngay phía bắc của Việt Nam.  Từ năm 1950, TC giúp CSVN vừa vì sự cầu viện của CSVN và của Hồ Chí Minh, vừa vì lợi ích an ninh bản địa TC.  Mao Trạch Đông đã từng nói: “Không thể chỉ nói Trung Cộng giúp Việt Nam, phải nói rằng Việt Nam cũng giúp Trung Cộng là sự giúp đỡ lẫn nhau.” (La Quý Ba, “Mẫu mực sáng ngời của chủ nghĩa quốc tế vô sản”, trong Ghi chép thực về việc đoàn cố vấn quân sự Trung Cộng viện trợ Việt Nam chống Pháp, một nhóm tác giả, Bắc Kinh: Nxb Lịch sử đảng Cộng Sản Trung Cộng, 2002, Trần Hữu Nghĩa, Dương Danh Dy dịch. Montreal: Nxb. Tạp chí Truyền Thông (in lại), số 32 & 33, 2009, tr. 27.)

Thật vậy, từ năm 1956, mối bang giao TC – LX rạn nứt.  Liên Xô bao vây TC ở phía bắc và phía tây.  Phía tây nam, Ấn  Độ chận TC.  Phía đông (biển Thái Bình) là hàng rào ba nước đồng minh của Hoa Kỳ và ký hiệp ước phòng thủ song phương với Hoa Kỳ là Nam Hàn, Nhật Bản và Trung Hoa Dân Quốc (Đài Loan). Nếu để cho Hoa Kỳ bao vây luôn BVN, thì TC bị chặn hết các đường ra biển.  Vì vậy, TC giúp BVN chẳng những do ý thức hệ CS và sự cầu viện của BVN, nhưng đồng thời cũng do TC bị bao vây các mặt, trừ một phần phía nam TC là BVN.

Năm 1954, chính phủ Quốc Gia Việt Nam không đồng ý chia hai đất nước, nhưng nghiêm chỉnh thi hành hiệp định Genève (20-7-1954).  Thủ tướng Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập nền Việt Nam Cộng Hòa năm 1955.  Việt Nam Cộng Hòa theo chế độ tự do dân chủ, dầu hạn chế vì chiến tranh, duy trì nền văn hóa dân tộc cổ truyền, hệ thống giáo dục khai phóng, cởi mở, quyết tâm chiến đấu để bảo vệ nền tự do dân chủ ở NVN, chống lại cuộc xâm lăng của BVN.  Tuy nhiên, vì yếu sức, VNCH phải nhờ đến sự giúp đỡ của Hoa Kỳ.

Sau thế chiến thứ hai, từ năm 1946, trên thế giới bắt đầu xảy ra chiến tranh lạnh giữa hai khối Tư Bản và Cộng Sản.  Hai khối tư bản và CS tranh chấp quyết liệt trên toàn cầu.  Tuy vậy Hoa Kỳ và Liên Xô tránh đụng độ trực tiếp vì cả hai đều thủ đắc võ khí nguyên tử, sợ chiến tranh nguyên tử xảy ra thì cả hai đều thiệt hại.  Tình trạng tranh chấp căng thẳng nhưng không đánh nhau gọi là chiến tranh lạnh (Cold War).

Trong chiến tranh lạnh, Liên Xô và khối CS dùng chiêu bài giải phóng dân tộc để tuyên truyền và bành trướng thế lực.  Hoa Kỳ và khối tư bản cho rằng khi một nước bị CS chiếm quyền, thì các nước lân bang dần dần sẽ bị mất vào tay CS, nghĩa là một quân cờ domino sụp đổ, thì các quân cờ domino khác cũng sụp theo.  Đó là nguồn gốc thuyết domino tại các nước Tây phương, nhất là Hoa Kỳ.

Vì vậy, khi TC (ngày 18-1-1950) rồi LX (ngày 30-1-1950) thừa nhận nhà nước VNDCCH do Hồ Chí Minh làm chủ tịch, thì Hoa Kỳ (ngày 4-2-1950) và Anh (ngày 7-2-1950) thừa nhận chính phủ QGVN do Bảo Đại làm quốc trưởng. Từ đó, Hoa Kỳ giúp Pháp và QGVN chống lại CSVN.

Sau hiệp định Genève, Việt Nam bị chia hai.  Để ngăn chặn làn sóng CS ở Đông Nam Á, nhất là ngăn chận Trung Cộng xuống phía nam, Hoa Kỳ vận động ký kết Hiệp ước Hỗ tương Phòng thủ Đông Nam Á (Southeast Asia Collective Defence Treaty) tại Manila, thủ đô Phi Luật Tân, ngày 8-9-1954.  Từ đó ra đời Tổ Chức Liên phòng Đông Nam Á (Southeast Asia Treaty Organization – SEATO), gồm các nước Australia (Úc), France (Pháp), New Zealand (Tân Tây Lan) Pakistan (Hồi Quốc), Philippines (Phi Luật Tân), Thailand (Thái Lan), United Kingdom (Anh), và United States of America (Hoa Kỳ).

Trong phụ bản (protocol) của hiệp ước SEATO, ba nước Cambodia (Cao Miên), Laos (Lào) và NVN được liệt kê trong vùng lãnh thổ được SEATO bảo vệ.  Hoa Kỳ dựa vào phụ bản này để minh chứng sự ủng hộ của họ đối với các chế độ chống cộng ở Đông Nam Á, và giúp xây dựng NVN thành một “tiền đồn chống cộng”.  Lúc đầu, Hoa Kỳ chỉ gởi cố vấn sang giúp NVN.  Từ năm 1965, Hoa Kỳ đưa quân trực tiếp tham chiến.

Tuy nhiên, vào cuối thập niên 60, tình hình thay đổi.  1) Giới phản chiến Hoa Kỳ hoạt động mạnh, yêu cầu chính phủ Hoa Kỳ rút quân khỏi Việt Nam. 2) Trong khối CS, cuộc tranh chấp LX-TC càng ngày càng trầm trọng.  Chính phủ Hoa Kỳ liền thay đổi chính sách ngoại giao toàn cầu.  Khi lên cầm quyền năm 1969, tổng thống Hoa Kỳ Richard Nixon quyết định rút quân ra khỏi NVN bằng kế hoạch Việt Nam Hóa chiến tranh nhằm yên lòng dân chúng Hoa Kỳ; đồng thời Nixon thay đổi chính sách ngoại giao đối với khối CS, hòa hoãn với Trung Cộng và Liên Xô, đào sâu sự chia rẽ giữa LX và TC.

Richard Nixon sang thăm TC từ 21-2 đến 28-2-1972, và ký kết với thủ tướng Trung Cộng Chu Ân Lai  bản Thông cáo chung Thượng Hải (Shanghai) ngày 28-2-1972, làm nền tảng cho chính sách của cả hai bên về Đông Á cho đến ngày nay.  Tiếp theo, Richard Nixon thăm Liên Xô từ 22 đến 30-5-1972, cùng Leonid Brezhnev ký kết hiệp ước SALT (Strategic Arms Limitation Treaty – Hiệp ước Giới hạn Vũ khí Chiến lược) ngày 26-5-1972, và hứa hẹn sẽ cho Liên Xô quy chế tối huệ quốc (most favored nation).

Sau hai cuộc viếng thăm này, Hoa Kỳ ký hiệp định Paris ngày 27-1-1973, đơn phương rút quân khỏi Việt Nam. Quốc hội Hoa Kỳ giảm viện trợ cho VNCH.  Quân đội VNCH thiếu nhiên liệu, thiếu phương tiện chiến đấu, đành buông súng; VNCH sụp đổ ngày 30-4-1975.

2.  Ai là bên thắng cuộc

Dựa trên mục đích của các bên tham chiến và diễn tiến tình hình chiến tranh Việt Nam được sơ lược trên đây, vấn đề đặt ra là ai là bên thắng cuộc trong cuộc chiến 1954-1975?

Trước hết và rõ ràng nhất, sau cuộc chiến vừa qua, người CS thường huênh hoang tự hào là họ là kẻ thắng cuộc.  Quả thật, ngày 30-4-1975, VNCH sụp đổ, VNDCCH chiếm được NVN, thực hiện mục tiêu “giải phóng” miền Nam đã được đề ra trong Đại hội III đảng LĐ ở Hà Nội từ ngày 5 đến ngày 10-9-1960.  Tuy nhiên, sau khi CS làm chủ toàn bộ đất nước, CS có thật sự là bên thắng cuộc hay không?

Ngay tức khắc, sau khi CS chiếm NVN, khoảng 150,000 người di tản ra nước ngoài.  Tiếp đến là phong trào vượt biên.  Dầu CS kiểm soát gắt gao, khoảng trên 1,500,000 bỏ nước ra đi bằng tất cả các phương tiện, đ61n nỗi “cây cột đèn cũng muốn ra đi”, trong đó khoảng 500,000 người bỏ mình ở biển Đông.  Biển Đông trở thành nghĩa địa biển lớn nhất thế giới.  Ở trong nước, nhiều phong trào nổi lên chống đối CS đều bị đàn áp.  Như thế, CS chiến thắng bằng súng ống, chiếm được đất đai, nhưng hoàn toàn thất bại về nhân tâm, không chiếm được lòng người, không thống nhất được lòng dân.

Những người ra đi bị ghép tội “phản động”, chạy theo bơ sữa “đế quốc Mỹ” năm 1975, sau đó bỗng chốc trở thành “khúc ruột ngàn dặm”, “Việt kiều yêu nước”.  Nhà nước CS kêu gọi hòa giải hòa hợp với “khúc ruột ngàn dặm”, nhưng chỉ có một nhóm người đếm được trên đầu ngón tay, tìm kiếm chút hư danh, cam tâm về nước nói là “đóng góp xây dựng đất nước”, trong khi đại đa số người Việt hải ngoại chẳng có nhu cầu hòa giải hòa hợp với chế độ CS toàn trị.  Về Việt Nam du hí thì có, nhưng về Việt Nam để giúp chế độ CS thì không.  Như thế, CSVN có phải là “bên thắng cuộc” hay không?

Phải vay nợ súng ống thì mới có súng ống chiến đấu.  Cộng sản Vay nợ LX và TC.  Vay nợ thì phải trả nợ.  Sau năm 1975, CSVN trả nợ LX, giao hải cảng Cam Ranh cho LX và muốn chạy theo LX để xù nợ TC, liền bị TC dạy cho một bài học năm 1979, làm 6 tỉnh biên giới tan hoang, nát bấy.  Năm 1990, khối Đông Âu sụp đổ, CSVN quay qua đầu phục tòng TC ở Thành Đô bên Tàu, đưa đến các hiệp ước 1999 và 2000, mất đất mất biển.  Sau đó còn nhiều chuyện tiếp theo, thuê rừng, khai thác bauxite, tấn công ngư dân…

Sau năm 1975, một điểm nổi bật là hầu hết người BVN, từ cán bộ, bộ đội, đến thường dân, khi vào Nam đều học theo cách sống của người Nam, chứ người Nam không học theo người Bắc bao giờ.  Người Bắc (1975) thích ăn bận theo người Nam, đua đòi thời trang miền Nam, nghe nhạc miền Nam mà CS gọi là “nhạc vàng”, đọc sách Nam, từ tiểu thuyết trữ tình, tiểu thuyết kiếm hiệp đến văn chương, triết học, và làm tất cả các cách để thành người Nam.  Ngay cả những cán bộ cao cấp trong Bộ Chính Trị đảng LĐ (năm 1976 cải danh thành đảng CSVN) cũng từ bỏ bộ áo quần đại cán cao cổ để ăn bận Âu phục theo kiểu người Nam.  Chẳng những thế, hầu như toàn thề BVN cũng được Nam hóa, trang bị bằng sản phẩm của NVN, nghĩa là được đồng hóa theo NVN. Cho đến nay, CSVN muốn trở lại con đường của NVN, duy chỉ muốn bảo vệ quyền lực đảng CSVN.  Ngang đây, cũng tạm đủ để cho thấy CSVN có phải là kẻ thắng cuộc hay không?

Về phần VNCH, ngày 30-4-1975, quân đội VNCH vì thiếu tiếp liệu, súng ống, đành phải ngưng chiến đấu.  Chính phủ VNCH sụp đổ.  Cộng sản đặt ách thống trị lên NVN.  Tuy nhiên, dân chúng còn bị kẹt lại ở trong nước, vẫn quy hướng về chính thể VNCH, vẫn mong muốn hít thở không khí tự do dân chủ của VNCH, luôn luôn tưởng nhớ VNCH, nghĩa là linh hồn VNCH vẫn còn đó.  Vì bị đàn áp, dân chúng đành lặng thinh, nhưng ai ai cũng mong sẽ có ngày giải trừ chế độ CSVN, tái xây dựng chế độ Dân chủ Cộng hòa.  Vậy làm thế nào giải thích hiện tượng này?  Phải chăng VNCH chỉ tạm thời thất bại năm 1975 nhưng vẫn chưa bị tiêu diệt.  Anh linh VNCH còn đó.  Ai cũng tin sẽ có ngày VNCH phục sinh.  Thời gian sẽ trả lời.

Về các nước ngoài:  Hoa Kỳ mang tiếng là đã bị CSVN đánh cho “Mỹ cút”, nhưng thật sự Mỹ không cút, Mỹ cũng chẳng “tháo chạy” (như tựa đề quyển sách Khi đồng minh tháo chạy), mà phải nói cho thật đúng diễn tiến lịch sử là Mỹ tức Hoa Kỳ ngưng, không tiếp tục hiện diện ở Việt Nam vì thay đổi chiến lược toàn cầu của họ, và Hoa Kỳ đã thành công trong các mục tiêu chiến lược của họ:  Rút quân khỏi Việt Nam, giải quyết chuyện nội bộ Hoa Kỳ, bắt tay với Trung Cộng, và cuối cùng chiến thắng cuộc chiến tranh lạnh với LX khi LX sụp đổ năm 1991.  Riêng nội bộ Hoa Kỳ, nhân dân Hoa Kỳ mất gần 59,000 thanh niên ưu tú trong chiến tranh Việt Nam.  Đổi lại Hoa Kỳ thí nghiệm nhiều loại võ khí tối tân tại Việt Nam, kể cả những chuyến oanh kích thử nghiệm đầu tiên của B52.  Tư bản kỹ nghệ võ khí Hoa Kỳ thu lợi như thế nào thì không được thống kê đầy đủ.

Ngoài ra, một số đồng minh của Hoa Kỳ cũng hưởng lợi: Nhật Bản phục hưng nhanh chóng nền kỹ nghệ sau thế chiến thứ hai nhờ cung cấp hàng tiêu dùng cho Việt Nam, nhất là cho quân đội Hoa Kỳ phục vụ tại Việt Nam.  Thái Lan, Mã Lai, Phi Luật Tân nhờ VNCH làm lá chắn ngăn chận làn sóng CS và các nước này kịp phục hồi kinh tế và an ninh để chống lại sự bành trướng của TC.

Trung Cộng thu lợi nhiều mặt.  Trước hết, thông qua chiến tranh Việt Nam, TC bắt tay được với Mỹ năm 1972, được Mỹ thừa nhận chỉ có một nước TC, công nhận Đài Loan là một phần lãnh thổ TC, công nhận không kiếm cách làm chủ khu vực châu Á-Thái Bình Dương, và chống đối bất kỳ nước nào hay nhóm nước nào muốn làm bá chủ vùng này, ý là ám chỉ Liên Xô.  Đó là những điều TC mong muốn nhất.

Về biển Đông, Phạm Văn Đồng ký công hàm ngày 14-9-1958 thừa nhận Hoàng Sa và Trường Sa là của TC để TC viện trợ cho BVN đáng NVN.  Vì vậy năm 1974, nhân cơ hội VNCH bị Mỹ bỏ rơi, bị BVN tấn công dồn dập, TC ra tay cướp đoạt Hoàng Sa thuộc lãnh thổ VNCH.  Sau năm 1975, khi CSVN chạy theo LX, muốn trốn nợ TC.  Trung Cộng liền đánh 6 tỉnh biên giới năm 1979, dạy cho CSVN một bài học. Vì vậy, khi Cộng Sản Đông Âu lung lay gần sụp đổ, CSVN qua Thành Đô xin đầu hàng TC năm 1990, đưa đến hai hiệp ước 1999 và 2000.  Trung Cộng chiếm đất, chiếm biển của Việt Nam.  Như vậy, tuy không được tiếng là bên thắng cuộc, nhưng TC là kẻ chiếm lợi từ Việt Nam nhiều nhất sau chiến tranh Việt Nam.

Liên Xô viện trợ cho BVN không kém gì TC.  Đầu năm 1975, viện trợ của LX cho BVN để BVN đánh NVN tăng gấp bốn lần so với trước. (Henry Kissinger, Years of RenewalNew York: Simon & Schuster, 1999, tr. 481.)  Sau năm 1975, Việt Nam gia nhập khối COMECON (Council for Mutual Economic Assistance – Hội đồng Tương trợ Kinh tế) ngày 27-6-1978.  Ngày 3-11-1978, Lê Duẩn, tổng bí thư đảng CSVN, sang Liên Xô và ký với Leonid Brezhnev, tổng bí thư đảng CSLX  “Hiệp ước Hai mươi lăm năm Hỗ tương và Phòng thủ” giữa hai nước.  Từ sau hiệp ước này, hải quân Liên Xô bắt đầu tiến vào sử dụng hải cảng Cam Ranh làm căn cứ tại Viễn đông.

Có hai ảnh hưởng gián tiếp đáng ghi nhận sau chiến tranh Việt Nam:

1) Khi rời bỏ Việt Nam năm 1975, Hoa Kỳ chủ trương để lại nguyên vẹn và không phá hủy tất cả máy móc thiết bị mà Hoa Kỳ giao lại cho VNCH.  Cộng sản rất mừng tiếp nhận được những chiến lợi phẩm này.  Sau ngày 30-4-1975, đại diện các nước CS trên thế đến thăm viếng NVN, chúc mừng sự thành công của CSVN, rất ngạc nhiên về những chiến lợi phẩm này, sự tiến bộ vượt bậc về khoa học, kỹ thuật, y khoa của Hoa Kỳ so với Liên Xô mà lâu nay Liên Xô bưng bít, giấu kín.  Nhờ đó, các nước Đông Âu mới biết rõ sự cách biệt giữa Hoa Kỳ và Liên Xô, khiến họ giảm tin tưởng đối với đàn anh Liên Xô và bắt đầu nhìn về phía Hoa Kỳ, nhập cảng sản phẩm của Hoa Kỳ, tạo tâm lý thuận lợi cho sự sụp đổ của khối CS ở Đông Âu.

2) Làn sóng vượt biên vĩ đại của người Việt Nam chạy ra nước ngoài tỵ nạn CS sau năm 1975, khiến cho lương tâm thế giới, nhất là các nước Tây Âu, lâu nay xem thiên tả là một mốt “thời trang”, bừng tỉnh về giấc mộng “xã hội chủ nghĩa”, ghê sợ và chán ghét các chế độ CS.  Các nước Tây Âu quay qua giúp đỡ các phong trào kháng chiến ở các nước CS Đông Âu, góp phần dần dần đưa đến sự sụp đổ của hệ thống CS Đông Âu.

Kết luận

Đặt kết quả chiến tranh Việt Nam trong chiều rộng của không gian và trong chiều dài của thời gian, mà vẫn khó có thể thẩm định ai là bên thắng cuộc.  Tuy nhiên chắc chắn có hai điều rất rõ ràng:

1) Toàn dân Việt Nam ở cả Bắc và Nam Việt Nam đều thua cuộc về nhiều mặt.  Ngoài thiệt hại vật chất, nhà cửa, ruộng vườn, hàng triệu gia đình tan nát vì chủ nghĩa CS, hàng triệu người tử vong vì chiến tranh do CS gây ra, nền văn hóa và đạo đức suy đồi trầm trọng. 

2)  Thủ phạm của tấn thảm kịch nầy chính là kẻ đã du nhập chủ nghĩa CS ngoại lai bạo tàn, chính là kẻ đã rước voi về giày mồ tổ tiên, chính là kẻ chủ trương gây chiến để phục vụ quyền lợi ngoại bang và chỉ làm lợi cho ngoại bang dù là CS hay tư bản.  Chúng là những tên phản quốc dâng đất, dâng đảo, dâng biển cho kẻ thù phương bắc.  Đám nầy không ai khác hơn là tập đoàn lãnh đạo đảng CSVN.  Sau năm 1975, chúng dần dần lộ diện.  Chúng mất trắng tất cả vốn liếng chính trị mà chúng đã dày công lừa phỉnh toàn dân Việt Nam và thế giới.  Chúng không phải là bên thắng cuộc.  Chúng chẳng những trở thành kẻ thua cuộc, mà chúng còn là tội đồ dân tộc.  Lịch sử sẽ ghi tội, hậu thế sẽ đời đời lên án.

(Toronto, mùa Quốc Hận 30 tháng 4)

Trần Gia Phụng