XUÂN CƯỜI TRÊN CĂN GÁC NHÀ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN (Trịnh Thanh Thủy)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Đã từ lâu tôi muốn viết một cái gì đó về Nguyễn Đình Toàn, người nghệ sĩ tài hoa mà tôi rất mến mộ. Tôi đã nghe nhạc, nghe lời thoại của chương trình phát thanh “Bông hồng tạ ơn”, đọc các tác phẩm văn học của ông. Loay hoay mãi, tôi ngẫm ra một điều, viết gì về ông cũng bằng thừa. Bởi vì những tác phẩm, những ca khúc, thi phẩm hay các lời nhạc thoại đã nói hết, nói hay một cách tuyệt vời và bộc lộ gần như hết tâm tư của con người mà tôi muốn viết về. Tôi chỉ còn quyết định đến thăm để trò chuyện với ông thôi là đủ.

Thế là tôi đến thăm Nguyễn Đình Toàn, người vừa là nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ có tiếng nói hiếm quý của đài phát thanh Sài Gòn năm nào vào một sáng đầu xuân. Hơn nữa lại gặp dịp Câu Lạc Bộ Văn Nghệ Viện Việt Học có tổ chức một buổi Nhạc Nguyễn Đình Toàn với chủ đề “Một ngày sau chiến tranh”, tôi muốn tìm đến ông để hỏi thêm về chương trình này. Chương trình được diễn ra tại Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt ngày Thứ Bảy 13 tháng 4, năm 2019 từ 7:00 PM-10:00 PM. Vào cửa tự do. 

blank

Chiếc cầu thang cũ kỹ căn gác appt ông thuê đón chân tôi với nét mặt nhăn nhó ngầm bảo “Này cô, sao không cởi ngay đôi giày cao gót mà lên cho dễ leo?” Tôi gọi ông là chú vì thường gặp ông trong các buổi mạn đàm văn chương của các bè bạn thân quen nhưng chưa bao giờ thăm ông trên căn gác này.

Người đàn ông tuổi đã 83 mà vẫn còn nét thư sinh, tóc vẫn nhiều tiêu hơn muối, có giọng nói dịu ngọt như thủ thỉ, thầm thì cho riêng người yêu trên đài phát thanh ngày xưa, ra tận cửa đón tôi.  Ông mời tôi ngồi, gió xuân man mát thổi từ khung cửa lùa vào mang theo những tiếng cười nói của các em bé ngôi trường tiểu học đối diện vào giờ ra chơi. Tôi bỗng nhớ tới tác phẩm “Giờ ra chơi”, của ông với những đứa con gái như tôi ngày mới lớn. Nhớ tới mùa hè Sài Gòn đầy nắng, thi thoảng có những cơn mưa như trút nước xuống hè phố. Khi tạnh, gió thổi lá me đọng nước bay rắc confetti lên mái tóc đen mun của tôi, lúc đi học về.

Tôi bắt đầu hỏi han ông về chuyện nhà và sức khoẻ của ông. Bỗng chợt nhớ ra điều cần hỏi, tôi bảo ông, “Trong hai tác phẩm Áo Mơ Phai và Đồng Cỏ mà chú linh cảm được hai biến cố lịch sử sẽ xảy ra là mất Hà Nội và Sài Gòn trong đó, cháu thích lối ví von của chú về đàn bà và đàn ông. Chú ví đàn bà lạnh giống như Hà Nội, đàn ông thì nóng như Sài Gòn. Chú còn viết “Đàn bà giống như chim sẻ, đẹp hơn trong một ngày trời lạnh“. Vậy giữa Hà Nội và Sài Gòn chú yêu nơi nào hơn?”. Ông cười, nói, ông rời Hà Nội năm 18, 19 tuổi, đối với Hà Nội, ông sống từ bé nên Hà Nội trong ông còn lại cái đẹp. Tuy nhiên, ông lại thân thiết với Sài Gòn hơn vì Sài Gòn là đời sống trong khi Hà Nội chỉ là một nơi chốn. Sài Gòn nóng hừng hực như ngọn lửa, đang nắng bỗng mưa.

Tôi xem thơ, nghe nhạc và đọc truyện của ông thấy ông là một người viết tinh tế, sâu sắc và cái lòng luyến quê của ông tràn đầy trong tác phẩm. Tôi nghĩ các nhân vật trong tiểu thuyết của ông đã thể hiện con người, lối tư duy và cuộc sống của chính ông ngoài đời. Tôi hỏi có phải ông chính là cô Phụng trong tác phẩm “Đồng Cỏ”không?. Ông gật gù bảo phải, “Đúng vậy như cô Phụng trước khi đi khỏi VN, cô để lại cái gì, cô để lại trinh tiết ở VN. Cô nghĩ rằng nếu cô trở về cô có lý do chính đáng để trở về. Nếu cô không trở về đó nữa thì cô không có gì để mất cả. Giống như tâm trạng của chú vậy. Một người con gái sinh ra không có gì quý bằng trinh tiết, cô ra đi và để lại cái quý nhất của mình rồi, mà đi chỉ có cái xác đi mà thôi.”

Tôi hỏi khi có dự cảm mất Sài Gòn, sao chú không ra đi năm 1975 ?. Ông nói rất muốn đi nhưng không đi được nên trốn mà không thoát, bị bắt, phải bị đi tù hoài, cộng chung là 6 năm đó chứ. Tôi thêm, “Thảo nào trong bài hát “Căn nhà xưa” mà chú làm sau 75 có câu “Ở đó có những tháng năm buồn tênh, khốn khó quyết nuôi tình duyên, đã trốn thoát qua nhiều phen” phải không chú?” Ông đùa “Nói một nghĩa khác, trốn, cái đó là trốn các cô ấy chứ”. Tôi hiểu ra, cười nắc nẻ. Ông cũng cười lớn vang cả căn phòng. Tiếng cười thú vị của hai chú cháu hoà cùng tiếng đùa giỡn của lũ trẻ trường bên, rung vang căn gác nhỏ buổi sáng xuân.

Quay qua chủ đề chính của buổi nhạc Nguyễn Đình Toàn với bài hát “Một ngày sau chiến tranh”. Tôi xin ông tiết lộ vài chi tiết về bài nhạc này. Ông nói bài này chưa ai hát bao giờ, nói lên tâm tình của một người lính ngày trở về thấy mình đã già vì cuộc chiến tranh quá dài. Khi đi là thanh niên, lúc về thì đã già. Tôi được xem bài nhạc thì biết đây là một bài dài có 5 lời khác nhau mà ông gọi là nhạc chuỗi. Ca sĩ sẽ hát liên tục 5 lời này. Tôi hỏi thêm bài này ông viết có lâu không. Ông bảo không bài hát nào ông viết quá 12 tiếng đồng hồ.

Nguyễn Đình Toàn học và mê nhạc từ lúc còn bé. Ông có mộng làm nhạc sĩ nhưng rồi không biết sao dần dần đi lạc vào nhà văn. Ông bắt đầu làm thơ từ hồi bé tí. Những ca từ trong ca khúc của ông đều là những bài thơ vì nguyên thủy chúng chính là thơ. Thi sĩ Thành Tôn đã ngồi soạn tất cả các bài thơ từ hơn 100 ca khúc của ông thành một cuốn “Thơ & Ca Từ” Nguyễn Đình Toàn, làm bằng tay, tặng ông.

blank

Ông và tôi  loanh quanh bên lề cuộc chiến và sự chết chóc. Ông bảo, tất cả những người còn lại ở VN hãy nhớ một điều, đi trên đường VN bây giờ đã dẫm lên mặt người đã chết nằm ở dưới. Phải biết như thế mới biết thế nào là yêu thương tổ quốc. Bởi vì qua bao cuộc chiến, người chết nhiều quá, đi mà không biết mình đã có dẫm lên mặt người chết hay không?

Ông đề nghị chúng ta nên làm 1 điều là chọn 1 ngày Việt Nam. Trong đó tất cả những người trên toàn nước VN hay ở hải ngoại cũng vậy, tự mình đi đến 1 chỗ cao nhất nơi mình ở, thắp 1 nén nhang và thả 1 trái bóng trong đó có túi hạt hoa cho nó bay xuống ở đâu và mọc hoa kệ nó. Nó sẽ xoá các vết bom đạn của chiến tranh. Đó là 1 hình thức để chiêu hồn đất nước. Nên có 1 ngày như vậy cho tất cả các người chết. Trong chương trình nhạc này có bài hát “Nụ vàng”, mang cái ý nghĩa như thế.

Đọc hay viết nhiều cũng không bằng đến tận nơi nghe những ca khúc Nguyễn Đình Toàn, để cảm nhận những ca từ sâu sắc, ý nhị, tha thiết cũng như các giai điệu buồn, nhói đau và xa xót. 

Kính  mời tất cả các quí thân hữu và đồng hương yêu mến dòng nhạc Nguyễn Đình Toàn ghé Phòng Sinh Hoạt Nhật Báo Người Việt ngày Thứ Bảy 13 tháng 4, năm 2019 từ 7:00 PM-10:00 PM. để thưởng thức buổi Nhạc Nguyễn Đình Toàn với chủ đề “Một ngày sau chiến tranh“. Vào cửa tự do.
 

Trịnh Thanh Thủy