Một bài bút ký nhưng riêng tôi coi như một bài tham luận rất sâu sắc đáng ghi nhớ. Cả thế giới ngày nay hỗn loạn rồi, dù nước Mỹ không toàn hảo như mong muồn nhưng nước Mỹ vẫn là nơi cưu mang những người thất cơ lơ vận, không nơi nương tựa như chính người Việt di tản chúng ta,,, Đúng, dù thương nhớ nơi “chôn nhau cắt rốn” nhưng không còn chỗ cho chúng ta nương thân thì “Chính nước Mỹ là quê hương chúng ta hiện nay…” và chúng ta nên xây đắp cho quê hương mới này mỗi ngày được tốt đẹp hơn…(VietHaiTran)
Vào những năm cuối của thập niên 1990 đầu những năm 2000, tôi thường có dịp đi công tác qua Nhật hay Hong Kong để đặt hàng và duyệt hàng trước khi nhập về hãng. Trong số hơn 300 hành khách cùng có mặt với tôi trên những chiếc Boeing 747, chiếc máy bay thông dụng cho các chuyến bay đường dài thời đó, tôi luôn gặp các đồng hương Việt Nam. Họ đều đáp cùng chuyến bay với tôi từ Mỹ về đến Tokyo hay Hong Kong để từ đó bay về Việt Nam. Nói chung tôi biết họ là người Việt do các câu chuyện họ đối thoại rôm rả cùng nhau trong lúc chờ đợi. Ngược lại có lẽ ít ai trong số họ có thể biết được tôi là người Việt Nam vì tôi thường đi cùng với các đồng nghiệp Mỹ hay Nhật. Chiếc máy bay lớn ngồi rải rác nên tôi cũng không có dịp bắt chuyện làm quen với họ. Chỉ có một lần duy nhất, lần đó tôi bay từ phi trường Dulles, Washington DC đến Tokyo, tôi được xếp ngồi cạnh một anh thanh niên Việt Nam trạc tuổi tôi. Có một người đồng hương trạc tuổi mình làm bạn đồng hành cho chặng đường mười mấy tiếng là một điều may mắn.
Ban đầu tôi cứ nghĩ anh ta cũng về Việt Nam chơi như những người khác tôi thường gặp trong các chuyến công tác nhưng sau vài câu xã giao, tôi mới vỡ lẽ anh từ Việt Nam qua công tác và hiện trên đường quay về. Thời gian đó rất hiếm trường hợp người từ Việt Nam qua Mỹ du lịch, thường chỉ là đi công tác. Anh cho biết làm cho công ty Trục Vớt Cứu Hộ qua Mỹ để tham dự bán đấu giá các món đồ cổ. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là đối với các nước phát triển các món đồ cổ đều được xem là báu vật quốc gia trong khi công ty của nhà nước Việt Nam lại đem các món đồ cổ trục vớt được để đem ra nước ngoài bán đấu giá. Khi tôi nêu thắc mắc này lên, anh đã giải thích rằng nhà nước có quy định phải giữ lại một số cổ vật, phần còn lại được phép đem bán ra nước ngoài để trang trải chi phí. Khi tôi hỏi tiếp tỷ lệ được cho phép đem bán là bao nhiêu thì anh ta nói nhà nước quy định phải giữ lại 10% số cổ vật kiếm được, số còn lại thì có thể đem ra nước ngoài đấu giá. Có nghĩa là trong 10 món cổ vật có thể gọi là báu vật quốc gia, chỉ còn một món được giữ lại trong nước. Tôi nghe mà ngán ngẩm nên chuyển qua đề tài khác.
Chúng tôi nói về các chuyến đi xa công tác từ đó đề cập đến các phi trường. Anh ta nói Việt Nam đang có kế hoạch xây dựng một sân bay mới cho Sài Gòn. Theo lời anh ta thì “cỡ sân bay này (Dulles) thì thường quá rồi, các ổng đã dự tính sân bay mới sẽ phải bằng hoặc hơn sân bay Incheon của Hàn Quốc”. Tôi nghe lại ngán ngẩm thêm một lần nữa vì vẫn cái tật muốn khoe khoang phô trương tôi biết được từ cái thời còn ở Việt Nam. Cái khoảng thời gian những năm đầu thập niên 1980 khi nhà hát Hòa Bình bắt đầu được xây dựng trong khuôn viên Viện Hóa Đạo (Việt Nam Quốc Tự) trên đường Trần Quốc Toản cũ thì tôi đã được nghe đây là nhà hát “lớn nhất Đông Nam Á”. Lần này điều tôi cảm thấy không vui là do không phải tôi đọc được câu này trên báo chí hay phương tiện truyền thông tuyên truyền mà là từ miệng của một người mà tôi cho là trí thức trẻ. Tại sao anh ta không nghĩ đến bao giờ Sài Gòn có thể thu hút được một lượng khách du lịch nhiều hơn thủ đô Washington DC của Mỹ hay Seoul của Đại Hàn mà lại tự hào về kế hoạch xây dựng một sân bay to lớn tối tân hơn sân bay của người ta ?
Có lẽ cũng do cái ý nghĩ thích so sánh mà có một số người Việt Nam đi du lịch Mỹ sau này thường hay kiếm một cái gì đó để so sánh và để chê nước Mỹ. Có một số đông người Việt trước khi đi du lịch Mỹ thì đã từng được ghé thăm các nước Châu Âu nên những thắng cảnh, các lâu đài của Châu Âu thường được lôi ra để so sánh chê bai nước Mỹ. Một điều hiển nhiên là nước Mỹ chỉ mới được thành lập chưa đến 300 năm thì chắc chắn không thể có một lịch sử lâu dài như các nước Châu Âu. Nếu đem các lâu đài cổ của Châu Âu ra để so sánh với Mỹ thì quả là khập khiễng. Hơn nữa nước Mỹ đã đi trước thế giới bao nhiêu năm thì dĩ nhiên nhiều cơ sở vật chất được xây dựng từ lâu ấy đều không thể có cái hào nhoáng của những thứ được xây dựng sau này ở những nước mới phát triển.
Nhưng có phải ai cũng cố tìm kiếm khuyết điểm để chê nước Mỹ như vậy hay không ? Hôm vừa rồi vị Chủ tịch và Giám đốc Điều hành người Nhật của Tổng công ty khu vực toàn Châu Mỹ của hãng tôi đã ghé thăm và có một buổi nói chuyện với các nhân viên tại chi nhánh ở Virginia của tôi. Ông ta đã có hơn 40 năm làm việc tại khắp các chi nhánh khác nhau trên thế giới trong đó có hơn 20 năm làm việc tại Mỹ. Trong buổi nói chuyện đó, ông ta đã nói rằng “America is an amazing country”. Ông ta cho biết trong thời gian làm việc tại các nước khác trên thế giới ông thường tiếp xúc với giới trẻ tại các nước đó và đều đưa ra một câu hỏi cho họ là nước nào trên thế giới mà họ muốn thăm viếng hoặc sinh sống. Và 100% câu trả lời là nước Mỹ. Tôi nghe và cảm thấy tự hào vì đây là quê hương thứ hai của mình.
Tôi thường đọc được ở đâu đó câu “Cuộc đời là những chuyến đi”, nhưng riêng với tôi những chuyến đi chỉ là một phần của cuộc đời. Cuộc đời có những chuyến đi ta dự định trước và có cả những chuyến đi thật bất ngờ. Có những chuyến đi ngắn hạn để rồi không lâu sau đó ta sẽ trở về điểm xuất phát. Có những chuyến mà khi bước chân ra đi, ta không thể biết được sẽ còn có ngày quay trở lại nơi chốn cũ hay không. Có những chuyến đi ngắn ngủi nhưng cũng đủ làm thay đổi suy nghĩ, thay đổi cách nhìn của ta về cuộc sống hàng ngày. Và có những chuyến đi đã hướng cuộc đời của ta sang một ngã rẽ khác. Đó chính là chuyến đi đã đưa tôi đến đất nước có 50 tiểu bang này.
Cùng với đại đa số người dân ở Sài Gòn cũng như miền Nam vào những năm cuối thập niên 1970 đầu thập niên 1980, gia đình chúng tôi luôn tìm kiếm cơ hội để thực hiện những chuyến vượt biên để đến bến bờ tự do. Mỗi một chuyến đi là một chương trong quyển sách cuộc đời của tôi, là một bài học góp phần cho mớ kiến thức để làm hành trang trên đường đời cũng như truyền lại cho con cháu sau này. Chuyến vượt biên bất thành năm 1979 đã cho chúng tôi một bài học tuy cay đắng nhưng thật giá trị. Chúng tôi biết được bộ mặt thật của gia đình người bạn thân thiết của ba mẹ tôi khi có cơ hội đã sẵn sàng phản bội lại bạn mình.
Chuyến ra khơi năm 1981 đã cho tôi thấy mình nhỏ nhoi ra sao trước thiên nhiên. Những ngày tháng tù tội ở Năm Căn đã cho tôi thấy giá trị của hai chữ tự do quý giá đến mức nào. Cái giá của những ngày bị giam cầm tại Năm Căn còn là căn bệnh sốt rét đã khiến tôi sau đó phải nằm bệnh viện Chợ Quán một thời gian. Để từ đó tôi rút thêm được một bài học đáng giá nữa đó là ngoài tự do, sức khỏe cũng là một báu vật mà ta cần phải nâng niu và quý trọng.
Những chuyến tìm đường vượt biển liên tục trong quãng thời gian đó đều kết thúc bằng việc tôi lại quay trở về mái nhà thân yêu của mình. Chỉ cho đến khi giấy tờ xuất cảnh cầm trong tay thì gia đình tôi mới chính thức thực hiện một chuyến đi “đổi đời”. Lần ra đi đó đã đưa cả gia đình chúng tôi sang một ngã rẽ mới tựa như dòng sông đời mình đã chảy qua một hướng hoàn toàn khác. Chuyến đi bắt đầu bằng những giọt nước mắt tiễn đưa tại phi trường Tân Sơn Nhất. Nước mắt của người ở lại thương nhớ người ra đi. Nước mắt của người ra đi xót thương cho người ở lại. Tâm trạng người ra đi trĩu nặng với quá khứ bỏ lại sau lưng và tương lai vô định trước mắt. Mặc dù biết trước rằng ra đi để tìm tự do nhưng liệu cái giá phải trả để đạt được ước mơ đó có quá lớn hay không ?
Một việc ngoài ý muốn đã xảy ra đó là chuyến đi từ Việt Nam qua Mỹ của tôi đã phải mất sáu tháng trời. Ra đi từ Sài Gòn vào một ngày đầu Thu năm 1989 qua Bangkok đến Manila. Trải qua một mùa Đông xa xứ tại Morong, Bataan của Philippines để rồi mãi đến mùa Xuân năm 1990, tôi mới chính thức được đặt chân đến Mỹ quốc. Không biết rằng trong suốt thời gian đó có ai ngồi đếm từng ngày chờ đợi tôi như người thiếu phụ trong Chinh Phụ Ngâm Khúc năm xưa.
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu
Hỏi ngày về nước nẻo quyên ca
Nay quyên đã giục oanh già
Ý nhi lại gáy trước nhà líu lo
Không ai có thể giải thích cho chúng tôi biết vì sao tôi và người chị phải tách khỏi gia đình để qua Phi thay vì được đi thẳng đến Mỹ. Mặc dù việc này đã làm chậm trễ thời gian tôi được hội nhập vào cuộc sống ở Mỹ nhưng quãng thời gian sống tại Bataan đã thêm vào quyển sách cuộc đời của tôi một chương đặc biệt. Tại đây tôi được trải nghiệm cuộc sống của trại tị nạn, nơi tôi đáng lẽ đã phải trải qua trước kia nếu một trong những chuyến vượt biên không bị thất bại.
Và cứ như thế, xuân sanh, hạ trưởng, thu liễm, đông tàn, bốn mùa cứ trôi đi và cuốn tôi theo như những chiếc lá trôi bềnh bồng trên sóng nước. Chặng đường khởi hành từ Tân Sơn Nhất mùa Thu năm trước cuối cùng cũng đã kết thúc vào mùa Xuân năm sau tại phi trường của thành phố Charlotte tiểu bang North Carolina. Một chương mới trong quyển sách cuộc đời của tôi đã bắt đầu bằng hình ảnh một tên thanh niên ngày hai buổi đi bộ qua những con phố yên bình của thị trấn Belmont đến một nhà hàng steakhouse để làm công việc rửa chén bát, công việc đầu tiên được trả lương bằng đồng dollar Mỹ của tôi.
Cuộc sống của tôi ở North Carolina chỉ vỏn vẹn hơn một tháng. Vào ngày lễ Memorial Day năm 1990, tôi đã dọn đến Virginia và cư ngụ tại đây cho đến tận bây giờ. Hơn ba mươi năm ở Virginia tôi đã trải qua nhiều nghề khác nhau bên cạnh việc quay lại với trường lớp, sách vở. Từ xếp cua vào dây chuyền để máy cắt chân lột mai, điều khiển máy rung để lóc thịt cua, đổ gần trăm thùng càng cua mỗi ngày vào máy xay, dọn dẹp thu xếp dụng cụ phòng lab trong trường community college cho đến đứng ủi quần áo ca tối, rửa chén bát ở nhà hàng ngày weekend, trước khi kiếm được công việc hiện tại. Với quãng thời gian sống tại Virginia đã vượt qua khoảng thời gian tôi sống tại Sài Gòn nên chắc không một ai, kể cả những người khó tính nhất có thể trách khi tôi xem Virginia cũng là một quê hương của mình.
Chuyên viên kinh tế Bùi Đông Triều, người đã từng cư ngụ ở nhiều nước khác nhau trên thế giới trong thời gian cộng tác với những cơ quan tài chính của Liên Hiệp Quốc, Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Á Châu, Ngân Hàng Phát Triển Phi Châu, v.v… trong bút ký của mình đã đề cập đến một điển tích trong bài thơ Đường về một người sinh ở Hằng Châu nhưng lại trưởng thành ở Tịnh Châu. Đến khi về già người này chỉ còn nhớ đến Tịnh Châu mà quên hẳn đất Hằng. Để rồi tác giả bút ký phải thắc mắc đi tìm đất Tịnh cho riêng mình. Có thể nói tuy cùng mang kiếp tha hương như Bùi Đông Triều nhưng tôi đã may mắn hơn ông vì đã tìm thấy đất Tịnh cho mình ở vùng Đông Nam Virginia này. Nhưng chắc chắn một điều, không giống người trong bài thơ Đường, khi về già tôi sẽ vẫn luôn nhớ đến cả Sài Gòn yêu dấu của mình.
Có điều nhớ thì vẫn nhớ, thương thì vẫn thương nhưng quê cha đất tổ đã bỏ lại sau lưng thì hiện tại và tương lai, tôi chỉ còn một quê hương là nước Mỹ. Nước Mỹ tất nhiên không phải là một thiên đường hoàn hảo ở mọi khía cạnh. Nước Mỹ vẫn còn những bất công ngoài xã hội. Nước Mỹ vẫn còn những chia rẽ trầm trọng trong lòng người dân. Nước Mỹ vừa trải qua một biến động lớn về chính trị trong bối cảnh dịch bệnh hoành hành vẫn còn kéo dài đến tận bây giờ. Có lẽ từ sau cuộc nội chiến Nam Bắc chưa có bao giờ lòng người dân ở Mỹ lại chia rẽ một cách nặng nề như đã xảy ra từ một hai năm nay. Có biết bao người trong gia đình không muốn gặp mặt nhau, có bao nhiêu bạn bè đoạn tuyệt với nhau, có bao nhiêu người quen xã giao trên các mạng xã hội đã unfriend hay block nhau.
Nước Mỹ là một quốc gia mà nếu muốn, bất cứ ai cũng có thể tìm thấy vô số những khuyết điểm để chê bai. Nhưng nước Mỹ cũng là miền đất hứa của biết bao nhiêu người khác. Nước Mỹ là mảnh đất đã tạo cơ hội cho biết bao nhiêu người vươn lên từ hai bàn tay trắng như bao nhiêu người tị nạn Việt Nam của vài thập niên trước cùng thế hệ với tôi. Nước Mỹ với hệ thống lập pháp, hành pháp và tư pháp tuy không thể nói là hoàn hảo một cách tuyệt đối, nhưng ít ra người dân còn có thể góp phần thay đổi bằng chính những lá phiếu, cũng như có thể tự do phát biểu chính kiến của mình.
Nước Mỹ là vậy đó. Nó có thể là cái gai trong mắt những nhà lãnh đạo độc tài trên thế giới, là mục tiêu để hứng chỉ trích cho những can thiệp ra nước ngoài, nhưng đồng thời cũng là tấm phao cứu rỗi cho bao nhiêu đất nước ở thế yếu bị láng giềng bắt nạt ; là ngọn đuốc soi sáng trong đêm tăm tối cho những phận đời mà tự do, nhân quyền đang bị chà đạp. Trước đây quê cha đất tổ đã không cho tôi cơ hội để có một tương lai sáng sủa khiến tôi phải rũ áo ra đi đến một nơi cách xa cả nửa vòng trái đất. Nơi đó đã cưu mang tôi bao lâu nay. Nơi mà thời gian tôi cư ngụ đã vượt xa thời gian sinh sống ở quê nhà. Nơi mà tương lai sẽ được định hình với sự đóng góp của các thế hệ con cháu của tôi. Thế thì tại sao tôi lại phải gọi nơi ấy là đất khách quê người ? Cho dù cuộc sống trước mặt còn có bao nhiêu sóng gió xảy ra thì tôi cũng vẫn xin được chọn nơi này làm quê hương cho phần đời còn lại của mình.
Thảo Lan.