VUI BUỒN NGHỀ MUA BÁN (Bài 9) ĂN KHÔNG ĐƯỢC THÌ PHÁ THÚI (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

Thế nào là người bán hàng giỏi?
Nhắc lại định nghĩa: Người bán hàng giỏi là người bán được món hàng mình muốn bán, với giá mình định bán, chớ hỏng phải bán món hàng khách muốn mua, với giá khách muốn trả.
Định nghĩa vậy có khó hiểu quá không? Tất cả những bài viết của tôi về cách bán hàng, đều tập trung vô câu “thần chú” này.
Hôm nay tôi viết đề tài: When you think that you can’t make it, burn it! Khi thấy khó ăn, hãy thiêu rụi nó! Nói kiểu Việt Nam là “ăn không được thì phá thúi”.
Dịch sát nghĩa là thiêu rụi nghe giống khủng bố quá. Phá thúi có lẽ hay hơn, hay là dùng chữ burn cho ngắn gọn.
Burn có hai loại. Cách thứ nhất là burn cái món hàng khách tìm mua mà mình không có, để bán thứ mình có. Cách thứ hai, burn cả món hàng mình đang có, khi không còn hy vọng bán được cho khách.
1. Burn thứ mình không có.
Ai sống ở Mỹ, chắc chắn cũng đã từng trải nghiệm việc đi mua xe. Đi mua xe, chẳng thú vị chút nào! Vui buồn lẫn lộn, và có lẽ cái cảm giác bực bội là đậm nét nhứt.
Trong tất cả các loại salesmen (người bán hàng), dân bán xe lì nhất, ma mãnh nhất, nếu không muốn nói là mất dạy nhất. Hơn ai hết, họ biết rằng người đi mua xe không phải như người đi mua đồ ăn, hay sắm đồ xài cho gia đình. Trung bình cỡ 10 năm trở lên, người ta mới nghĩ tới chuyện đổi xe mới. Họ biết rằng, nếu không bán được, để khách bước ra khỏi dealer, có nghĩa là cái cơ hội bán xe hoàn toàn tan theo mây khói, là ngàn trùng vĩnh biệt, là bóng chim tăm cá! Cho nên bằng mọi giá, họ phải bán cho bằng được.
Họ sẽ làm đủ cách, giở đủ trò, từ năn nỉ, ngon ngọt, đến nói móc họng, khích bác, để không cho khách bước ra khỏi dealer (nơi bán xe). Khi biết không kham nổi, nuốt không trôi, thì họ chuyền tay từ salesman này sang salesman khác, rồi đến superviser (sếp), và manager (quản lý). Người khách như trái banh trên sân cỏ, cho chúng tha hồ đá qua đá lại, cho tới khi lọt vô goal! Banh không tung lưới, thì banh cũng nhừ tử, hết hơi! Mất cả nửa buổi, chưa chắc gì ra khỏi dealer của họ được. Trong cái “xa luân chiến” đó, nhứt định thế nào cũng có cái chiêu “When you think you can’t make it, burn it!”
Đây là một chiêu thức người bán hàng nào cũng phải biết. Ra chiêu như thế nào, phải coi nội công của người bán thâm hậu tới đâu.
Để tôi kể cho quí vị nghe một chuyện có thiệt, mà cho dù một tay mua bán lâu năm, có thể nói là rất “sừng sỏ” như tôi, cũng thua cho mấy tên bán xe.
Trong một lần cao hứng, tôi đã “lỡ” hứa với bà xã:
– Kỷ niệm 25 năm ngày cưới, anh sẽ mua cho em chiếc Mercedes.
– Có thiệt mới nói nghe honey! Hỏng có đồng xu cạo gió mà dám hứa?
– Anh đã gạt em lần nào chưa nè? Chưa có tiền, không có nghĩa là sẽ hỏng có! Không tin chồng hả? Một nụ cười rạng rỡ, đầy tin tưởng, khó quên.
Phải nói là trong tâm thức của người Việt, thì Mecedes luôn là số một. Cho dù lái xe cũ, xe rẻ nhất của Mercedes, nhìn vào cũng thấy “sang”! Tôi hứa Mercedes có nghĩa là món quà của tôi không có thứ nào “sang” hơn được! Vợ mình, không cưng thì cưng ai? Bả bỏ đói cho chết! Quân tử phải nhứt ngôn, hứa phải làm. Thất hứa với ai cũng được, nhưng với bà xã thì mệt cầm canh!
Thời gian từ 1998 đến 2002, kinh tế Mỹ lên chưa từng thấy. Mua bán ào ào nên tiền vô như nước. Trong 25 năm mua bán, thì thời gian 5 năm đó, tôi kiếm tiền nhiều hơn 20 năm kia cộng lại. May mắn cho tôi, thiên thời, địa lợi, nhân cũng hoà, nên không cần phải ăn mì gói, nhịn cà phê, cử thuốc lá, mặc đồ vá, đi chân đất,… cũng có thể thực hiện được lời hứa với bà xã.
Mở ngoặc nói thêm vài câu để người đọc đừng có nghĩ rằng tôi muốn show up, muốn khoe khoang nhe. Tính tới thời điểm đó, tôi đã ở Mỹ gần 20 năm. Đối với người Việt mình, với gần 20 năm cày bừa cực khổ và tiện tặn, thì chuyện mua nhà, sắm xe chiến, dễ như húp cháo nguội. Những người Việt thành công, họ đã tậu nhà, sắm xế hộp sang trọng, từ rất khuya rồi. Tui vì cần vốn làm ăn nên còn dè xẻn. Hơn nữa, chuyện mua xe hơi ở Mỹ, nó dễ dàng như người ta mua xe đạp hay xe gắn máy ở VN thôi. Mua xe hơi ở VN có lẽ chỉ có đại gia, hay mấy tay đại tư bản (đỏ lòm), hay đám COCC (đỏ lòm luôn), mới rớ được. Camry bên này chừng 20K. Con tôi mỗi đứa tốt nghiệp High School, đều được ba mẹ mua cho một chiếc mới tinh để đi Đại Học. Về bển nghe nói nó thành 50K vì bị bóc và bị lột! Trung lưu và dân nghèo chỉ có hít khói, chớ cách gì mà trèo lên ngồi sau tay lái, để nghênh ngang với đời? Thôi, không nói chuyện VN nữa.
Tháng 12, năm 2000, tôi chở bà xã đi coi xe. Cuối tháng 2-2001 mới tới 25th Anniversary. Còn vài tháng nữa, mình đi coi lần lần là vừa. Mua xe chớ đâu phải mua con cá, cọng hành, đôi giày, cái áo,… mà chụp mua đại, cho bà xã ngạc nhiên. Phải để bả chọn đúng ý bả, bả mới vui, và nhất là mình được yên thân!
Hai vợ chồng chạy đến Fremont Auto Mall, cách nhà chừng 30 miles, vì nơi đây là ổ bán xe. Từ dealer Honda, Toyota, đến Acura, Lexus, BMW, Mercedes, Porsche, Jaguar,… chiếm hết cả hai bên một đoạn đường dài. Mục tiêu của chúng tôi là Mercedes dealer.
Trước khi đến Mercedes dealer, tôi hứng chí rủ bà xã ghé dealer của Lexus coi chơi cho biết. Dĩ nhiên bả cũng đồng ý, vì thời đó Lexus cũng nổi như cồn, dù chưa qua nổi BMW hay Mercedes. Coi thôi mà, có chết thằng tây nào. Coi cho biết để so sánh với Mercedes cũng là chuyện nên làm.
Vì không muốn mấy anh chàng salesman đeo dính đít mình như đỉa đói, nên sau khi chào hỏi xã giao, giới thiệu tên, tôi chặn họng hắn trước:
– We just stop by to check out what you have. We’re not gonna buy any car today. Don’t waste your time on us. (Chúng tôi chỉ tạt ngang coi chơi. Chúng tôi hỏng có mua xe bữa nay đâu. Đừng mất giờ với chúng tôi chi.)
Một người bán giỏi, cho dù bạn nói gì, hễ bạn ghé dealer, nhất là đi cả vợ chồng, thì họ nhứt định đeo như sam. Anh ta vẫn bám theo, gợi chuyện, hỏi thăm đủ thứ. Biết tôi là dân mua bán furniture lâu năm, anh ta càng tỏ ra hứng thú, vì anh ta đoán “dân có tiền”! Biết chúng tôi chủ đích là đi coi Mercedes, anh ta càng “hạ quyết tâm”, bởi vì anh ta biết chúng tôi là khách muốn mua xe đắt tiền, chớ hỏng phải dân đi nhìn để rửa mắt! Potential customers (khách tiềm năng), serious customers (khách chủ tâm), đúng là đối tượng anh ta đang trông ngóng. Vấn đề còn lại: Làm sao để chúng tôi quay 180 độ, từ Mercedes sang Lexus. Coi anh ta “đốt” cái tên Mercedes ra sao nhe.
Người mới vào nghề, sẽ burn bằng cách chê món hàng mình hỏng có, rồi khen món hàng mình có, để bán cho bằng được. Tìm đủ mọi cách để chê, chê thậm tệ món hàng người khác, và khen hàng của mình đến tận mây xanh. Người cao tay ấn, họ không chê đối thủ, ngược lại họ không ngớt lời khen, rồi song song với việc khen đối phương, họ chen vô khen hàng của họ. Họ tạo điều kiện để người khách so sánh hàng của họ và hàng của đối phương. Sau cùng, khi chính người khách đưa ra kết luận: Món hàng mình định mua cũng tốt, nhưng hàng của anh này tốt hơn, thì coi như người mua thua người bán.
Con người ai cũng có tự ái, nhất là cái tâm thức defense (phản kháng). Khi bạn “kết” một món đồ nào đó hết linh hồn, hết trí khôn, mà có ai dè bỉu, chê bai, tự nhiên bạn bị chạm tự ái và mất cảm tình với họ liền, vì thứ nhất gặp người không cùng sở thích, thứ hai, chê cái “khẩu vị” của bạn dở! Đương nhiên bạn sẽ dùng mọi lý lẽ để bảo vệ cái quan điểm, cái sở thích của bạn.
Từ đầu đến cuối, hắn không một lời chê Mercedes. Anh ta công nhận nó là một brand name (hàng nổi tiếng), lâu đời, thịnh hành, được cả thế giới biết đến và ưa chuộng. Anh ta cũng công nhận rằng Lexus là một thương hiệu mới, còn rất non trẻ của Toyota. Anh ta chỉ yêu cầu chúng tôi test drive (lái thử cho biết), trước khi sang coi và lái thử Mercedes. Chúng tôi hoàn hoàn có cảm tình với anh ta, vì anh ta không tấn công “thần tượng” của chúng tôi, không burn Mercedes trắng trợn, không quyết liệt như thói thường của những tay bán dở.
Anh ta cho chúng tôi lái thử chiếc LS430, chiếc xe đắt nhất (top of the line), vì thấy bà xã tôi cứ dán mắt vào nó. Sau khi lái một vòng, kể cả ra freeway chạy đường trường, anh ta mời chúng tôi ngồi yên trên xe, nhâm nhi cà phê anh ta ân cần mang tới, và bắt đầu “tán”.
Trước nhất là tiếng máy. Đề xe xong, anh ta hỏi chúng tôi có nghe tiếng máy nổ hay cảm thấy độ rung không? Hoàn toàn không nghe tiếng máy nổ và tuyệt đối không cảm nhận được xe rung chút xíu nào cả. Anh ta bảo rằng: “Nếu ông bà không nhìn đồng hồ này, không để ý máy chạy bao nhiêu vòng một phút (RPM = Revolution Per Minute), thì tôi cá, ông bà cứ tưởng xe chưa nổ máy, vì nó êm tới mức ông bà không hay biết gì hết”. Đồng ý hoàn toàn. Máy nổ êm tới mức khó tin! Anh ta còn chỉ thêm nhiều ưu điểm khác như: Dàn nhún của xe rất êm nên đi đường trường không bao giờ mệt mỏi; nệm ghế rất thoải mái; GPS màn hình lớn, hiện đại, dùng touch control (thời đó GPS mới có, rất thô sơ, nên touch control là vô cùng xịn); sound system thượng hạng; không hư lặt vặt như các hiệu xe khác; service không hãng xe nào so sánh nổi,…. Bla, bla….
Những ưu điểm anh ta nói, tôi đều đồng ý, vì tôi đã từng lái Mercedes S500 của ông chủ người Việt khi tôi mới vô nghề này. Nói chung, tất cả những thiết bị trên một chiếc xe sang trọng, Lexus không thiếu thứ gì. Có một vài thứ tôi quan tâm nhứt như: Ghế nệm Mercedes cứng ngắc, không êm lưng, không êm cái bàn toạ chút nào. Còn ghế xe Lexus thì ngược lại, êm như ngồi sa lông, lại thêm các túi bơm hơi chỉnh cứng mềm theo ý, có cả heat sưởi ấm khi mùa đông, và đương nhiên điều chỉnh tới lui, lên xuống, đều tự động…
Cái tôi thích nhứt là độ êm của Lexus. Chạy như không chạy. Còn Mercedes thì nhồi tưng tưng như cỡi ngựa! Đi đường trường, gặp đường hơi xấu, không lộn ruột thì cũng dập mật! Anh ta giải thích: Châu Âu vận tốc xe không giới hạn, cho nên họ chú ý nhất tới handling (điều khiển), tức là dàn nhún phải cứng, khi quẹo cua với tốc độ nhanh xe rất vững. Ở Mỹ chỉ cho chạy 55 mph (bây giờ cho 65 hay 70 mph), nên quan trọng nhất là độ êm, nhất là cho người trung niên và lớn tuổi, chớ không cần dàn nhún cứng như xe Đức.
Nói chung, tất cả những điểm anh ta nêu ra, tôi thấy điểm nào cũng trúng và vượt hẳn Mercedes. Chúng tôi hơi xiêu lòng. Ngay lúc đó, họ lại đang xuống hàng hơn 10 chiếc xe mới tinh. Bà xã tôi nhìn chiếc xe màu trắng, bên trong nệm ghế màu trắng ngà (ivory), bả thích ngay vì đó là màu bả mê.
Anh ta sáng mắt lắm. Liếc cái là biết tới ruột khách hàng đang nghĩ gì, muốn gì. Anh ta bồi thêm: Quí vị biết, hay từng nghe nói, Lexus chúng tôi đang rất nóng hàng. Những chiếc xe top of the line này, thường phải order (đặt hàng) vài tháng mới có. Ông bà may mắn, hôm nay chúng tôi nhập hàng hơn chục chiếc. Bất cứ quí vị thích chiếc nào, trừ chiếc này, chiếc này,… chúng tôi order cho khách, thì tôi sẽ hỏi ông quản lý để tính giá hết sức đặc biệt cho quí vị. Chúng tôi không muốn quí vị tới Mercedes!
Chúng tôi cũng đã từng nghe bạn bè nói rằng Lexus đang rất nóng, phải order và chờ cả vài tháng mới có xe, và vì nóng, nên một xu họ cũng không bớt. Bà xã trả bỏ, bớt một cái $5000, một con số lớn gấp mười lần chiếc xe cà tèng đầu đời tui mua khi đến Mỹ! Nghĩ rằng nó không bán, để chúng tôi có cớ đi qua coi Mercedes. Nó cù cưa cù nhằn, làm bộ chạy tới chạy lui năn nỉ manager, và sau cùng thì manager gật đầu! Cái trò đó chúng tôi cũng đã biết rồi. Định trả bỏ, hỏng dè nó bán.
Chúng tôi đi mình không. Không tiền mặt, không check book, vì đâu có định mua đâu mà mang. Nó trả lời: “Không sao, ông bà cứ làm giấy tờ, cứ lái xe về nhà hôm nay, chúng tôi cho người chạy theo ông bà về nhà lấy tiền!”
Trời! Một chiếc xe luxury, trị giá gần cả nửa căn nhà nhỏ thời đó, vậy mà nó bán như bán đồ chơi, và chúng tôi cũng mua như mua con cá! Tên salesman hoàn toàn burn cái tên Mercedes cháy rụi trong tim vợ chồng tôi! Cho dù nó không bán cho tôi được hôm nay, thì nó cũng đã “phá thúi” cái tên Mercedes trong lòng chúng tôi rồi! Nó quá giỏi!
Tôi chẳng lạ gì cái chiêu này, bởi vì tôi vẫn áp dụng nó hàng ngày trong nghề bán nệm của mình. Nệm cũng như xe, trung bình 10 năm mới mua một lần. Không bán được hôm nay, là coi như quắc muôn đời!
Tất cả cùng một nguyên tắc: Burn! Khi burn, nhớ đừng trắng trợn, đừng chà đạp, chỉ làm cho khách thấy được cái món mình muốn bán, nó tốt hơn cái món tốt trong lòng khách. Tên salesman bán được xe Lexus cho vợ chồng tôi, trong khi chúng tôi quyết mua Mercedes, vì hắn cũng áp dụng nguyên tắc đó. Nếu nó chỉ chê Mercedes từ đầu đến cuối, mà không lo chỉ ra những ưu điểm của Lexus, thì cách nào nó bán được cho tôi. Thay vì chê Mercedes thậm tệ, nó chỉ cho tôi thấy Lexus có nhiều ưu điểm mà Mercedes không có. Rõ ràng là nó gián tiếp burn Mercedes chớ còn gì nữa?
Tôi không bị nó gạt. Tôi bị dẫn dụ để mua cái món hàng tôi chưa từng nghĩ sẽ mua. Mà nó tốt thiệt, chớ không phải nó lừa chúng tôi. Lexus rõ ràng trong một thời gian ngắn, đã tạo cho mình một tiếng tăm không thua gì Mercedes, BMW.
Sau khi lái nó ra khỏi dealer, bà xã tôi quên đứt chiếc Mercedes tôi hứa năm xưa. Đến bây giờ vẫn không nhắc, không nghĩ tới, nghĩa là bả đã hoàn toàn “falls in love” với “người tình ngang xương” Lexus, kể từ hôm đó.
Người khách vào tiệm hỏi mua bộ nệm Sealy. Tôi nhứt định đốt cho Sealy cháy rụi! Chỉ cần bốn ưu điểm của Simmons mà Sealy không có, thì Sealy rụi ngay:
a. Simmons lò xo gói riêng từng cái, không cột dính chùm, cho nên không bao giờ kêu kẽo kẹt, không sợ “làm phiền hàng xóm” lúc canh ba gà gáy!
b. Simmons lò xo không cột chằng chịt, mỗi lò so chuyển động độc lập, nên ông nhúc nhích bà không hay. Người già, người khó ngủ, nghe chỗ này là chịu liền.
c. Simmons lò xo không cột chùm, nên khi nằm nó sẽ ôm theo đường cong của cơ thể, cho nên nằm ngửa, nằm nghiêng, nằm sấp, nằm kiểu khỉ gì cũng không sợ đau lưng.
d. Báo Consummer Report cho điểm Simmons cao nhất, không có hiệu nào được điểm như vậy, kể cả Sealy. Đây là tờ báo người Mỹ lận lưng, dùng làm kim chỉ Nam khi đi mua đồ xài. Đưa báo cho họ coi.
Sau cùng tôi ghi hoá đơn bộ nệm Simmons cho người khách đi tìm nệm Sealy, bởi vì tôi độc quyền Simmons, tôi chỉ muốn bán Simmmons mà thôi.
Người chưa từng xài Simmons bị tôi “dụ” mua Simmons dễ như cái búng tay. Người đã từng xài qua Simmons mà có ác cảm với Simmons vì gặp nhằm bộ nệm bị hư, tôi vẫn có thể gạt phăng cái ý định mua Sealy của họ, để ghi hoá đơn một bộ nệm Simmons nữa, cũng không phải là khó.
Gặp trường hợp khách có ác cảm với Simmons vì bộ nệm của họ bị hư, thông thường người bán sẽ không cố gắng chinh phục người mua, vì biết nó khó hơn lên Hoả Tinh. Tôi không sợ! Chỉ cần vài câu hỏi, là xoá sạch cái ký ức không vui của họ, tạo cho họ niềm tin trở lại với Simmons liền. Đó mới là bản lĩnh của người bán hàng giỏi! Bán cái thứ mình muốn bán.
Câu thứ nhất: Simmons có giữ đúng lời hứa, có hăng hái, nhiệt tình sửa, hay thay nệm khác cho ông bà trong thời gian nhanh nhất không? Họ trả lời có, và rất vui lòng với cung cách phục vụ của hãng khi sản phẩm có vấn đề. Tôi cho họ biết: Thời gian warranty (bảo đảm) của các hãng nệm đều như nhau. Chỉ khác nhau ở chỗ cách thức họ phục vụ. Tôi kể chi tiết tiến trình các hãng khác so với Simmons. Simmons nhanh nhất, dễ dàng nhất, ân cần nhất. Simmons số zách!
Câu hỏi thứ hai: Quí vị có bao giờ nghe nói xe mới tinh, đồ hiệu như Mercedes, Cadilac vừa ra khỏi dealer bị overheat, lột dên chưa? Họ trả lời có. Tôi từ từ dẫn dụ thêm: Trên đời này không có thứ gì hoàn hảo, kể cả Thượng Đế dựng nên con người, vẫn có khuyết điểm, có người tật nguyền. Quí vị biết phi thuyền Apoplo 13 vừa rời dàn phóng thì nổ. Phi thuyền không đơn giản như một chiếc xe hay một bộ nệm. Nó được chế tạo bằng vật liệu tốt nhất trần gian, do những bộ óc thông minh siêu việt nhất trên thế giới, vậy mà còn có sai trật, hư hại. Mười ba chiếc phi thuyền, có một chiếc nổ. Tỉ lệ gần 10%! Nệm tỉ lệ sai sót, hư hại chưa tới 1%! Bán 100 bộ, chỉ hư một bộ, tôi là người bán cũng nhức đầu, huống hồ người mua! Sealy hay những hãng khác, tỉ lệ sai sót, hư hại cũng từ bằng tới hơn Simmons. Quí vị xui xẻo nên mua nhằm bộ nệm sai sót, có thể do công nhân lơ đễnh, bỏ sai vật liệu, làm trật tiến trình,… Chẳng lẽ bộ nào cũng vậy, thì tiếng tăm Simmons còn gì? Hãng sập là cái chắc. Simmons vẫn number one!
Họ quên chuyện bộ nệm bị hư. Họ tin Simmons trở lại. Và tôi ghi hoá đơn một bộ nệm Simmons cho họ nữa.
2. Cách burn thứ hai.
Đó là khách tìm món hàng mình đang có, nhưng mình không thể nào chinh phục họ mua, thì phá thúi, khiến khách không thể nào mua được nó ở bất cứ nơi nào khác.
Burn cách nào? Trước khi họ bước ra cửa, cho họ giá thật thấp, ngay giá vốn, hay dưới giá vốn luôn. Người khách chạy lòng vòng tới hết xăng, mòn bánh xe, hết xí quách, cũng không thể tìm đâu ra cái giá rẻ thúi đó. Ta không bán được, thì đừng hòng có đứa nào bán được! Ha! Ha!
Rồi sao? Khách nhứt định quay lại. Nên nhớ, sau khi chạy mệt hả họng không tìm ra chỗ nào bán rẻ hơn, thì họ đã tin giá của mình rẻ nhất thế giới rồi. Khách đã tin như vậy, họ trở lại mà không bán được món hàng, thì… đi chết đi!
Rồi sao? Thì bán hàng. Bán giá đã cho thì huề hay lỗ à? Ngu sao bán huề hay bán lỗ! Rồi sao? Burn món hàng đó, để bán món hàng khác lời hơn chớ sao!
Burn cách nào? Nhiều lắm! Nếu là dealer xe, nó sẽ nói rằng: “Ông bà vừa ra khỏi tiệm, thằng salesman bạn tui, nó bán cho người khác chiếc xe đó rồi. Tiếc quá! Để tôi giới thiệu ông bà chiếc xe khác có options (thiết bị) khác đôi chút, giá chỉ chênh lệch chút xíu hà….”. Mua chiếc khác giá đắt đôi chút tức là nó có lời rồi. Người mua thua người bán nữa!
Nếu là furniture, thì nó vẫn tỉnh bơ ghi hoá đơn với giá đã hứa. Nó hẹn ngày giờ chở. Khách trả tiền mà lòng dạ vô cùng hân hoan, vì biết mình đã mua được một món hàng không thể rẻ hơn. Về nhà chờ họ giao hàng. Gần tới giờ chở, nó gọi lại: “Xin lỗi ông bà, món hàng ông bà mua, khi vô kho lấy, mới hay nó bị nứt chổ này, bể chổ kia, trầy xước chỗ nọ,… bla… bla… Để tui order cái mới cho ông bà. Chắc chừng hai tuần thì có hàng.” Khách mừng hụt nhưng vẫn vui lòng, và tin họ như tin Phật. Chờ gần hai tuần, nó lại gọi lại với lý do: “Hãng đang out món hàng đó, phải chờ đến khi hãng có hàng, nó ship cho tiệm, và tiệm sẽ giao cho.” Chờ thêm hai tuần, vẫn không có hàng, nó nói một lý do khác, cũng đầy tính thuyết phục.
Đúng một tháng chờ dài cổ! Rồi sao? Một là khách trở lại tiệm lấy tiền lại, hai là mua món khác tương tự, nhưng giá đắt hơn một chút. Nhất định lấy tiền lại thì họ trả, vì bán không lời, bán chi. Đàng nào cũng giữ tiền của họ một tháng, coi như mượn vốn xài chơi, không cần trả lời! Còn chịu mua món khác giá đắt hơn một chút, thì coi như lọt bẫy người bán rồi!
Tôi ghét cách làm ăn không thật thà này, cho nên dù học được từ ông chủ VN, nhưng không bao giờ xài tới cái chiêu “thất nhơn ác đức này”. Tôi bán ít khi vuột khách, nhưng khi cần chịu thua, thì tôi thua, và tôi để họ đi. Họ đi bình an, và nhất là chính mình cũng bình an trong lòng.
Làm ăn phải để đức cho con cháu. Step up, bán món đắt hơn, lời nhiều hơn, là kỹ thuật mua bán, dựa trên nguyên tắc thuận mua vừa bán, không lừa gạt ai. Làm ăn kiểu vừa kể là lừa, là gạt, là chơi xỏ, là láo cá,… là gian thương. Người Việt quen kiểu làm ăn chụp giựt, quen kiểu khôn vặt, nên họ tận dụng phương thức tà đạo này.
Nói chung, cách làm ăn mua bán của người Mỹ là chìu khách, trọng khách, cho nên không dùng phương pháp này (trừ cái đám bán xe hơi).
Nói chuyện trả lại hàng, refund (trả lại tiền) để tui mở ngoặc viết chút xíu nữa rồi nghỉ.
Ở Mỹ, cho dù bạn mua hàng đem về xài thử một thời gian, bạn không hài lòng, đem trả, họ không những không từ chối, mà còn rất vui vẻ nhận lại, dù nhận lại để quăng thùng rác.
Tôi từng bị xốc, khi đem trả mấy chậu xương rồng. Sau khi trả tiền lại cho tôi, cô gái quăng tất cả vào thùng rác! Tôi hỏi tại sao quăng, không để bán tiếp, vì cây vẫn tươi tốt, tôi chỉ đổi ý thôi mà? Cô ta cho biết: sau 30 ngày, phải bỏ, không được bán tiếp, đề phòng sâu bệnh,…
Đồ ăn bạn vừa mua xong, đem trả, họ cũng quăng thùng rác dù bao bì chưa mở, vì lý do vệ sinh và an toàn.
Họ biết rằng, số người trả lại hàng, chỉ chừng 1%. Trăm người mua, một người trả, thất thoát có đáng gì đâu. Cho họ trả dễ dàng, thì 1% đó sẽ trở lại mua tiếp. Làm khó dễ không cho trả, thì 1% đó vĩnh biệt chia tay. Đó mới là thiệt hại lâu dài. Họ bỏ cái lợi nhỏ để thu lợi lớn. Mỹ khôn lâu bền, chớ hỏng khôn vặt như dân Á Châu, chỉ thấy lợi nhỏ mà quên lợi lớn, lợi lâu dài.
Hôm nay tự dưng hứng chí viết quá dài, 7 trang, 4515 chữ. Viết cả 4500 chữ, coi đi coi lại, sửa tới sửa lui, mất giờ và mệt lắm! Có ai ngáp không? Có ai đọc được tới dòng chữ này, thì làm ơn viết cho ba chữ “Đã đọc hết” ở phần cmm. Biết chi? Coi có bao nhiêu người đọc. Ít người đọc thì tui viết ngắn lại, hoặc nghỉ viết luôn cho khoẻ. Làm ơn dùm nghen.
Peter Chánh Tran