Vĩnh biệt nhà thơ Nguyễn Chí Thiện-Nguyễn Xuân Hoàng

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

                 Nhà thơ Nguyễn Chí Thiện

                Tiểu Sử Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện

Nguyễn Chí Thiện sinh ngày 27.2.1939 tại Hà Nội, là tác giả tập thơ nổi tiếng “Hoa Địa Ngục” sản phẩm của 27 năm trong lao tù cộng sản.

Tập thơ, vì đưa lậu ra hải ngoại nên đã được in ra dưới những tựa đề khác nhau như “Tiếng Vọng Từ Đáy Vực” và “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam” cũng như được gán cho một tác giả vô danh đã gây ra nhiều vụ tranh cãi một thời gian. Sang Mỹ vào cuối năm 1995, Nguyễn Chí Thiện cho xuất bản tập thơ “Hoa Địa Ngục 2” tức “Hạt Máu Thơ” (1996) và tập truyện ngắn “Hỏa Lò”, tác phẩm thứ ba của ông.

Thơ của Nguyễn Chí Thiện được dịch sang nhiều các tiếng Anh, Pháp, Đức, Tàu, Nhật, Tiệp và được các nhạc sĩ tên tuổi phổ nhạc. Hai lần ông được đề nghị trao giải Nobel Văn học. Nghị viện các nhà văn (Parlement des Ecrivains) Âu Châu đã mời và đài thọ ông ăn ở trong hai năm tại Strasbourg rồi St. Lô ở Pháp để nghỉ ngơi và viết sách.

Tập truyện “Hỏa Lò” và một bản dịch Pháp văn “Hoa Địa Ngục” ( Fleurs De L’enfer) là kết quả của 2 năm này.

Chỗ đứng của Nguyễn Chí Thiện trong nền văn học thế giới ngày nay được ghi trong sách “Who’s who in Twentieth-century World Poetry” do Mark Willhard chủ biên (London & New York, Routledge, 2000).

——————————————————

               Hôm thứ Năm tuần trước tôi đến Quận Cam để dự buổi họp mặt chúc mừng thọ của anh em ký giả Nhật báo Chính Luận trước năm 1975 và các thân hữu. Sáng thứ Sáu tôi gọi điện thoại cho Nguyễn Chí Thiện để mời anh đi ăn sáng nhưng không được. Tôi gọi cho anh Trần Phong Vũ. Tôi biết anh Trần Phong Vũ trong thời gian gần đây thường xuyên gần gũi Nguyễn Chí Thiện để đưa anh đi khám bệnh bác sĩ, đi ăn uống cũng như gặp gỡ tiếp xúc bạn bè thân hoặc lên đài truyền thanh, truyền hình.

Tôi vừa ngỏ lời, anh Trần Phong Vũ nói ngay: “Thiện đã vào bệnh viện cấp cứu. Tôi đang ở đó anh tới ngay nhé!”.

Tôi và bà xã vội phóng xe tới bệnh viện. Anh Thiện nằm tầng thứ 6. Anh Trần Phong Vũ và bác sĩ Nguyễn Văn Quát (tới thăm) đứng bên giường bệnh. Các cô y tá đang làm công việc đo nhịp tim và nghe phổi để sửa soạn đưa Thiện xuống phòng chuyên môn làm biopsy. Vì Thiện tim đập và nhịp thở quá yếu, người hoàn toàn mất sức, họ phải tiêm thuớc tăng lực và để anh nằm nghỉ một lúc. Tôi thấy mặt Thiện trắng bệch gầy guộc, đôi má hóp, lưỡng quyền nhô cao nhưng đôi mắt vẫn sáng. Anh nhận ra tôi ngay và đưa tay bắt. Anh cũng nhận ra bà xã tôi, mặc dầu mới gặp anh lần đầu cách đây dăm bẩy tháng. Khi các y tá đưa Thiện xuống phòng xét nghiệm, tôi mới có dịp hỏi Trần Phong Vũ về bệnh tình của anh. Anh Vũ cho biết: Thiện mắc bệnh phổi và vài bệnh khác từ lúc còn ở trong nhà tù cộng sản.

Sang Mỹ, Thiện rất ít lo việc chữa bệnh. Bạn bè hối thúc anh mới chịu đi. Nhưng cũng chỉ chữa qua loa, đỡ thì thôi. Trong vòng hơn năm trở lại đây, tuy thường xuyên ốm đau mệt mỏi, thân thể nhức nhối (khổ lắm) không ăn không ngủ được nhưng các đoàn thể hiệp hội gần xa mời anh tới dự hay nói chuyện anh vẫn cố gắng đi. Rồi các đài phát thanh, truyền hình địa phương liên tục mời anh tới phỏng vấn anh cũng đến với họ. Mấy tháng nay bệnh Thiện chuyển sang nặng, anh sống gần như khép kín trong căn phòng nhỏ nơi lầu 4 một chung cư ở Quận Cam. Anh ít tiếp xúc với mọi người. Anh mệt mỏi chán nản “hết muốn sống”. Anh nói với Trần Phong Vũ như vậy.

Trước nay Thiện ít tâm sự riêng tư với bạn bè nhưng có lẽ ngày càng cảm thấy cuộc đời trống rỗng mênh mông và cô đơn đến tận cùng nên anh giãi bầy với Trần Phong Vũ những nỗi niềm riêng (phải chăng anh linh cảm mình sắp lìa xa cõi thế?). Thiện sống khắc khổ trong đơn độc. Anh đi chợ nấu ăn lấy. Bạn bè tới mời ăn uống thì đi chứ cũng không mấy thích thú vì “ăn chẳng được bao nhiêu lại làm phiền bạn bè đưa đón” .

Tôi nhớ cách đây vài năm Nguyễn Chí Thiện đến San Jose tham dự đại hội gì đó, tôi mời anh về nhà ăn uống chuyện trò. Trong lúc vui câu chuyện tôi hỏi anh sao không lập gia đình. Sống nơi xứ người bọn mình nên có một người bạn đời giúp đỡ chăm nom săn sóc, nhất là với anh thân thể mang đầy bệnh hoạn. Tôi biết có nhiều cô nhiều bà cảm mến quý trọng anh, muốn sống chung với anh. Thiện trả lời ngay: “Tôi cũng muốn lắm nhưng gần 30 năm tù đầy khổ ải, thân thể đầy bệnh tật, nếu lập gia đình tôi biết mình sẽ không làm trọn vai trò người chồng. Tôi không muốn họ khổ lây vì mình nên đành phải sống cu ky một mình thôi”. Anh nghèo, tất nhiên (vì biết làm gì ra tiền). Ngoài số tiền trợ cấp hàng tháng của Sở Xã Hội, anh chẳng có một thu nhập nào. Làm thơ thì không có nhuận bút, hơn nữa từ khi sang Mỹ anh đâu còn làm thơ! Ngay cả tập thơ “Hoa Địa Ngục” người ta in tràn lan nhưng anh không được lấy một xu bản quyền. Chỉ có tập truyện ngắn viết trong 2 năm có tiền bản quyền thì đã ăn tiêu, nhất là gửi cho bạn bè hết từ lâu. Với số tiền trợ cấp hàng tháng của Nhà Nước chẳng có là bao, chi cho riêng mình còn thiếu. Thế mà anh vẫn nhịn ăn nhịn tiêu cóp nhặt từng đồng gửi về cho bạn bè đang sống khốn khổ trong nước.

Anh không nhận mình là thi sĩ. Anh nói là chỉ làm công việc ghép vần những câu chữ để nói lên sự phẫn uất căm hờn bọn lãnh tụ và chế độ cộng sản tàn ác và thân phận tù đầy trong địa ngục trần gian. 27 năm tù đầy và gần 20 năm trải qua bao nghiệt ngã nơi xứ người. Anh vẫn không nản lòng thối chí, vẫn “đường ta, ta cứ đi” .

Tôi đang viết những giòng này anh Trần Phong Vũ điện thoại cho biết sáng nay, khoảng 9 giờ, khi hay tin Thiện mất, anh vội vã tới Bệnh viện “gặp” Thiện và theo anh, một “dấu hiệu lạ” đã diễn ra: “Ông ấy nằm bất động đôi mắt mở lớn, tôi đưa tay vuốt nhẹ đôi mắt từ từ nhắm lại”. Nguyễn Chí Thiện từ chối mọi giải phẫu vì “không muốn kéo dài cuộc sống trong bệnh tật”. Bác sĩ đã không cho giây truyền kéo dài thêm ít giờ hấp hối để chờ người anh ruột là ông Nguyễn Công Dân từ Washington DC tới, vì “Thiện không muốn”.

Và anh qua đời để lại bao ngổn ngang dang dở việc đời. Anh chết vì bệnh phổi và bệnh tim. Ngày hôm trước Thiện nắm tay Trần Phong Vũ nói những lời trăn trối: Anh không muốn tham gia các tổ chức đoàn thể hoạt động chính trị. Anh muốn tự mình cống hiến trọn vẹn cuộc đời cho quốc gia dân tộc, cho đấu tranh tự do dân chủ. Khi chết anh muốn bạn bè tổ chức an táng đơn giản theo nghi thức công giáo (anh nhập đạo Công giáo mấy tháng trước).  Lễ hỏa táng Nhà Thơ Nguyễn Chí Thiện tổ chức vào ngày thứ Bảy 6.10.2012 tại Quận Cam, bang California.

Thế là chấm dứt cuộc đời một người làm thơ đầy vinh quang nhưng cũng đầy gian nan nghiệt ngã. Bây giờ linh hồn Nguyễn Chí Thiện đang bay bổng nơi cõi Thiên Đường hay lại trở về quê hương đất nước san sẻ nỗi đau cùng Quốc Gia Dân Tộc và tiếp tục làm thơ tranh đấu?

Chúng ta tặng Nhà Thơ một bông hoa và mãi nhớ thương quý mến con người suốt đời hy sinh tranh đấu cho lý tưởng cao đẹp và sáng ngời ý chí bất khuất. Anh Nguyễn Chí Thiện! Anh ra đi chúng tôi mất một người bạn hiền, một người bạn quý. Vĩnh biệt Anh, Nguyễn Chí Thiện! .

                                                                                    Thanh Thương Hòang