VĨNH BIỆT “LỜI KINH ĐÊM” (Hạt Sương Khuya)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Chỉ còn vài tiếng nữa thôi, thân xác Anh sẽ đi vào lòng đất. Kể từ cái ngày kinh hoàng ấy, nhận được hung tin anh đã ra đi, tôi không tin vào tai mình, vội vàng bấm những con số quen thuộc hy vọng câu trả lời sẽ không phải là một đáp số chung, tôi lặng đi thật sâu như thể không còn tồn tại trên thế gian này, ừ… chỉ là một giấc mơ thôi. Chị ts…. chị còn nghe em không, nghe …nghe rõ lắm…nghe em báo anh Việt Dũng đã ra đi không bao giờ còn trở lại. Lạ quá..nước mắt không rơi mà sao nỗi buồn như quặn thắt, nghe trống vắng cả một khung trời.Mới đó mà đã ba mươi năm kể từ lần đầu tiên tôi gặp anh Việt Dũng và chị Nguyệt Ánh, cả hai trong bộ đồ màu đen như một tiêu biểu cho sự tang thương, không tang thương sao được khi đất nước bị rơi vào tay của loài quỷ dữ. Hình ảnh chị Nguyệt Ánh và anh Việt Dũng đứng trên sân khấu đã chiếm trọn trái tim tôi như một biểu tượng góp phần không ít trên con đường đấu tranh của tôi trong nhiều năm qua, những ngày đầu của thập niên 80 ấy, tôi thuộc nằm lòng tất cả những bài ca do anh chị sáng tác, một « Lời Kinh Đêm » đã lấy đi của tôi biết bao là nước mắt khi nhớ lại « Thuyền trôi xa về đâu ai biết…», con thuyền mong manh ấy đã đến được bến bờ bình an, nhưng nỗi kinh hoàng của một lần được sống lại từ cõi chết không sao vất ra khỏi sự hoài niệm trong những lần chạm phải.  

Lời Kinh Đêm – Nhạc: Việt Dzũng – Thơ: Mán Thuận – Trình bày: Việt Dzũng

Việt Dũng ! Người thanh niên với đôi nạng gỗ đồng hành cùng nỗi đau dân tộc, phải cần bao nhiêu trang giấy cho đủ để viết về anh, và phải cần bao nhiêu cuốn phim mới có thể quay đủ tất cả những gì anh đã niềm trải. Đọc hết một bài viết của tác giả Duy-Khiêm Vũ Xuân Tráng viết về tiểu sử của anh Việt Dũng, tôi thật không thể nào hiểu nổi làm sao anh có thể hoàn thành được tất cả những công việc mà tôi nghĩ rằng ngay cả một người bình thường cũng không thể chu toàn. Thú thật, tôi chưa bao giờ đọc qua một tiểu sử nào dài như thế, và tôi cũng chưa từng thấy một con người bình thường nào có thể đảm trách được bấy nhiêu công việc trong gần 40 năm không biết mệt mỏi, không tán thán như những người bạn, người em đồng nghiệp chia sẻ trong một chương trình tưởng niệm Việt Dũng do hai chị Ngọc Đan Thanh và Diệu Quyên thực hiện.

Con người ai cũng muốn có thật nhiều của cải vật chất để làm giàu cho bản thân, Việt Dũng đã đi ngược lại bản năng «thèm khát»của con người, đóng góp phần vật chất bằng trí tuệ, công sức, yêu thương của chính anh để làm giàu cho thế hệ mai sau, ai không một lần mang ơn khi biết đến Việt Dũng cho dù hạnh phúc hay khổ đau.

Viết đến đây tôi chợt nhớ đến bài hát «Kinh Hòa Bình» của Linh Mục Kim Long qua tiếng hát của Việt Dũng.

Kinh Hòa Bình (Việt Dzũng)- Nhạc: Kim Long 

Anh đã thấm nhuần sự hy sinh của Chúa Jesu như một sứ giả hòa bình cho nhân loại, đức tin và niềm hy vọng chính là sức mạnh đã dắt Anh vượt qua những gai đời, tận hiến thân xác và tâm hồn cho quê hương qua lời kinh phục vụ của Thánh Inhaxiô…

Lạy Chúa Jesu, xin dạy con :

Biết phụng sự Chúa cho xứng đáng

Biết cho đi mà không tính toán

Biết làm việc mà không lo tìm an nhàn

Biết chiến đấu mà không sợ vết thương

Biết tiêu hao mình đi mà không lo tìm một phần thưởng nào khác, ngoài việc biết rằng con đã  thi hành theo ý Chúa. Amen.

Noel này vắng anh… thật buồn, anh ra đi quá bất ngờ, không kịp hưởng một ngày sum họp  bên cạnh gia đình người thân yêu. Đêm mai sẽ là ngày đón giao thừa năm 2014, làm thân tị nạn ai chẳng mang trong mình một cảnh hai quê, hội nhập vào môi trường sống là điều tất yếu để dễ sinh tồn, tất cả rồi cũng trở thành thói quen theo năm tháng, ngày mai này sẽ có biết bao người ngồi nhớ anh, khóc anh, tiếc anh, gậm nhấm khúc đoạn trường nghe tan vỡ mảnh sầu ly biệt. Có bao nhiêu cái chết để lại sự nuối tiếc một cách sâu lắng trong lòng người như anh,  anh chẳng là một danh nhân, cũng chả có huy chương nào để chứng minh anh là «anh hùng dân tộc», nhưng ai dám phủ nhận công sức và trái tim anh đã dành cho đất nước qua sự thể hiện bằng hành động trong suốt gần 40 năm qua. Thật tội nghiệp cho những cái chết được trưng bày thật « hoành tráng » với những giọt nước mắt cùng lên đồng tập thể mà phần thưởng của nó có thể là một chiếc bánh mì hay một cái bằng khen đem theo bên mình như một của nợ.

            Việt Dũng người mang trên mình một thân phận nghiệt ngã, biết xuôi theo dòng định mệnh để được chảy êm đềm trên những con sóng đời. Bụi trần gian có ai không niềm trải, kiếp nhân sinh cũng chỉ khóc, hay cười. Từ Tủi Nhục Ca, Kinh Tị Nạn, Tình ca hay Đấu Tranh ca…tất cả đều được vắt ra từ tim óc, không có một khó khăn nào bị từ chối nơi anh, dòng suối Cam Lồ ấy cứ chảy dài bất tận trên cánh đồng tha nhân.

Hôm nay đây ngày 30 tháng 12 năm 2013, một ngày cuối năm buồn bã. Từ chốn xa xôi bằng tâm thức tôi tiễn anh vào cõi hư vô, đôi mắt, nụ cười, giọng nói, tiếng ca tất cả đang mờ dần trên những ngón tay từ biệt, xa xa vọng về Lời Kinh Đêm quyện cùng tiếng sóng biển, có tiếng oan hồn đang bậc khóc giữa canh khuya….

Người buông xuôi về nơi đáy nước

Người có mộng một nấm mồ xanh

Biển ngây ngô hay biển man rợ

Biển có buồn, hay biển chỉ làm ngơ…

Vĩnh biệt anh, vĩnh biệt người tình văn nghệ, vĩnh biệt trái tim Tự Do, vĩnh biệt người con yêu của nước Việt.

Việt Dũng, người gánh giang sơn trên đôi nạng bước đi cùng năm tháng, không sờn lòng, không tuyệt vọng, những bước đi của anh hôm nay sẽ là viên gạch nối cho thế hệ mai sau cùng sánh bước, anh chết đi bằng thân xác nhưng để lại cho đời một triết lý sống vĩnh cửu, hãy cho đi và cho mãi, để lúc chết đi là khi vui sống muôn đời.

Em tiễn anh, đi vào mộ khúc

Giấc ngàn thu, yên một phận người

Khúc mộ đời, anh còn ấp ủ

Nối chí anh, em nguyện đi cùng.

Paris ngày 30 tháng 12 năm 2013

Hạt sương khuya