Định cư tại Mỹ từ 1994, Phương Hoa vừa làm nail vừa học. Năm 2012, bà tốt nghiệp ngành dạy trẻ tại Chapman University khi đã 62 tuổi và trở thành bà giáo tại Marrysville, thành phố cổ vùng Bắc Calif. Với loạt bài về Vietnam Museum, “Bảo Tàng Cho Những Người Lính Bị Bỏ Quên,” tác giả đã nhận giải chung kết 2014. và vẫn tiếp tục gắn bó với Viết Về Nước Mỹ. Sau đây, thêm một bài viết mới của tác giả.
***
Người Việt yêu tiếng Việt, là lẽ đương nhiên. Nhưng phụ huynh người Mỹ yêu tiếng Việt mới là điều đặc biệt.
Tuy dạy ngôn ngữ chính là tiếng Anh, tôi luôn khuyến khích phụ huynh người Việt và bạn bè thân hữu hãy cố gắng cho con em học tiếng Việt để bảo tồn văn hóa và ngôn ngữ chúng ta nơi hải ngoại. Tôi chưa bao giờ “dụ” một người Mỹ nào cho con cái họ đi học Việt Ngữ, vậy mà có duyên may tôi lại được một người Mỹ nhờ dạy tiếng Việt cho bà và cháu ngoại.
Thường ngày ngoài thời gian đi dạy và làm việc nhà, tôi lại còn bận thêm chuyện viết lách, phải chia thời gian thật kỹ để còn tập thể dục chút đỉnh, cho nên thời gian rảnh rất hiếm hoi. Một lần anh phó hiệu trưởng của trung tâm Việt Ngữ cách thành phố tôi ở khoảng ba chục dặm gọi nhờ tôi “take over” dùm lớp tiếng Việt vì cô giáo chính đã nghỉ dạy. Tôi chỉ nhận lời dạy tạm một thời gian. Nhưng đến lớp, nhìn mười mấy cái miệng chim non mỗi ngày ê a tiếng Việt ngọng nghịu chen lẫn tiếng Anh, tôi yêu các em quá đỗi. Và tôi đành “hy sinh” các ngày thứ Bảy trong tuần để dạy luôn đến mấy mùa, cho tới khi gia đình dọn đi nơi khác.
Niên khóa mùa Thu năm đó bà con người Việt đưa con em đến ghi danh khá đông. Tôi mải mê đứng ngắm cái hàng dài phụ huynh chờ làm thủ tục, trong khi các em cặp trên vai chạy nhảy vui đùa xung quanh mà lòng bồi hồi nhớ lại những ngày tuổi thơ. Ngày tựu tường xưa tôi hớn hở trong quần áo mới, mang cặp đi nghêu ngao trên đường làng, hái hoa đuổi bướm bắt chuồn chuồn. Những ngôi trường mái ngói rêu phong, có cây đa cổ thụ rợp bóng mát cạnh đình làng. Nhớ lại để mà quý mà thương các thầy cô, ban chấp hành, các vị cố vấn, và những thiện nguyện viên đã bỏ bao công sức để cho trường Việt Ngữ được tồn tại nơi hải ngoại.
Các lớp học xưa ở quê nhà có cả một hệ thống giáo dục của chính phủ Quốc Gia ủng hộ chở che. Nhưng những lớp Việt Ngữ nơi quê hương thứ hai này, ban điều hành và mọi người đã phải “tự biên tự diễn” tự lo liệu tất cả. Hầu hết giáo viên và nhân sự ở đây đều làm thiện nguyện, chỉ một số ít nhận chút lương tượng trưng. Học phí thu vào một lần cho cả học kỳ chẳng được là bao, mà phải chi phí đủ thứ, từ dụng cụ giảng dạy đến thức ăn vặt cho bọn trẻ trong giờ chơi như bánh kẹo, nước, trái cây, rồi tốn kém cho các chương trình văn nghệ, lễ Tết này kia, làm cho ban điều hành đôi khi cũng phải chới với. May mắn là trường tiểu học thành phố cho mượn mấy phòng học trong những ngày cuối tuần nên khỏi phải trả tiền thuê địa điểm.
Ngày đầu tiên đến lớp tôi trao đổi với cô phụ giáo tên Linh về chương trình giảng dạy mà tôi soạn sẵn. Vì trường không thể cung cấp sách và truyện Việt Ngữ để dạy, nên tôi tự soạn chương trình, vẽ những hình ảnh minh hoạ theo các mẫu tự giống như trong sách tiếng Anh để cho các em dễ nhớ. Tôi cũng mua các loại truyện nhi đồng Anh Ngữ về rồi dùng bút marker ghi chữ Việt thật lớn bên cạnh những hàng chữ tiếng Anh để đọc cho các em nghe và tập các em đọc. Chỉ là “ngộ biến tùng quyền”, nhưng về sau tôi thấy cách này dạy các em cũng rất hiệu quả.
Vì sách truyện các em học ở trường đều là tiếng Anh, nên dùng loại sách này dịch ra tiếng Việt đi kèm các em cảm thấy quen thuộc nên rất thích học và còn dễ nhớ nữa. Nhìn đám trẻ loi nhoi với độ tuổi từ 5 đến 6, có bé mới hơn 4 tuổi, tôi biết dạy lớp này không hề đơn giản chút nào. Là lớp vỡ lòng, phần lớn các em không biết nhiều tiếng Việt, chỉ nghe, nói, và hiểu tiếng Anh, vì ngày thường bọn trẻ đang học Mẫu Giáo hoặc lớp Một ở trường Mỹ.
Để các em cảm nhận được bầu không khí quen thuộc như ở trường Mỹ, khi phụ huynh đưa các em đến tôi và Linh ra tận cửa đón chào từng em và dắt vào chỗ ngồi. Thầy hiệu trưởng vô lớp, giới thiệu chúng tôi với đám trò nhỏ rồi đi qua các phòng khác.
Bắt đầu buổi dạy, tôi nói tiếng Việt, nhưng nhiều em ngồi ngớ ra tỏ vẻ không hiểu, nên tôi phải dùng cả hai ngôn ngữ Việt Anh để làm quen các em. Sau đó chúng tôi bày bọn trẻ tự viết tên theo tiếng Việt vào mảnh giấy nhỏ rồi giúp chúng xếp thành hình tam giác để trước mặt cho các bạn chung bàn có thể đọc và nhớ tên nhau. Bất chợt tôi nhìn ra cửa sổ và thấy một phụ nữ Mỹ đứng dán mắt nhìn chăm chú vào lớp học. Tôi đưa tay vẩy chào bà rồi trở lại làm việc với đám học trò.
Không ngờ lát sau thì có tiếng gõ cửa. Tôi ra mở và thấy người đàn bà Mỹ khi nãy dắt một đứa bé gái xin được nói chuyện với tôi. Tôi tự giới thiệu tên, bà cũng cho biết tên bà là Kathy và đứa cháu gái tên Daisy rồi bà nói bằng giọng rất tha thiết:
– Cô giáo à! Nãy giờ từ ngoài kia tôi đã quan sát và rất thích cách dạy của cô, nói tiếng Việt bọn nhỏ không hiểu thì cô giải thích thêm bằng Anh Ngữ và tụi nó đã nghe lời, làm theo những gì cô dạy. Thật tốt quá. Vậy nên tôi đã mang đứa cháu này của tôi từ một lớp khác ở phòng bên kia sang đây nhờ cô giúp nó. Tôi chưa kịp trả lời bà đã nói tiếp giọng nài nỉ: – Làm ơn đi mà!
Tôi thấy hơi bất ngờ, hỏi bà làm như vậy có tiện không vì tôi là cô giáo mới của lớp này nên ngại quá. Bà trấn an tôi, nói không sao vì bà đã giải thích cho thầy giáo lớp bên kia hiểu rồi, vì đứa cháu của bà thuộc dạng “đặc biệt” nên bà cần phải chọn cô giáo cho nó.
Nghe nói học trò “đặc biệt” là tôi đã giật mình kêu khổ thầm. Trong thời gian đi thực tập và đi dạy tôi đã gặp nhiều em bé thuộc loại đặc biệt và vất vả không ít, như trường hợp đứa trẻ bị tổn thương chuyển sang bệnh tự kỷ tên Athan mà tôi đã từng kể trong một bài viết trước đây.
Vì không muốn làm mất lòng người giáo viên lớp bên cạnh, nơi mà bà đã lấy đứa cháu ra khỏi lớp, ngại vị đó sẽ tự ái thì không hay, tôi định từ chối. Nhưng khi nhìn bé Daisy, trái tim tôi bỗng dưng thắt lại. Bé gái này xinh như một con búp bê, mà sao thần sắc lại vô cùng bạc nhược như không còn sức sống. Dù có làn da trắng, mặt mũi bé tái xanh, đôi mắt như vô hồn nhìn tận đâu đâu, bé không đáp lại khi tôi chào bé. Tôi hỏi thêm vài câu thì được biết Kathy là bà ngoại của bé. Bà Kathy thấy tôi không phản đối biết tôi nhận lời nên ôm lấy bé vỗ vỗ vào bờ vai nó:
– Daisy, đây là cô giáo của con, hãy ở lại học nhé! Con bé nhìn trừng trừng vào bà, rồi nhìn qua tôi mà vẫn không đáp lại lời nào. Bà xoay qua tôi: – Cô làm ơn để ý kỹ dùm cháu, dù tinh thần có chút bất ổn, bé rất ngoan chứ không quậy phá đâu. Trước đây nó là đứa trẻ bình thường, rất thông minh nhanh nhẹn và hoạt bát. Chỉ là sau khi mẹ mất tinh thần Daisy mới suy sụp trầm trọng như thế. Bé nghe thì hiểu hết, nhưng không chịu mở miệng nói chuyện, chúng tôi đã nhờ nhiều bác sĩ, chuyên gia tâm lý chạy chữa cho bé, nhưng vẫn không ăn thua.
Tôi thấy thương đứa bé đến xót xa, mới chừng này tuổi mà đã mồ côi mẹ thật là tội nghiệp. Bà Kathy cám ơn rối rít khi tôi trả lời sẽ nhận Daisy. Bà chào tôi ra về, nhưng suốt buổi học tôi thấy bà vẫn đứng ngoài cửa sổ dõi mắt nhìn vào lớp quan sát đứa cháu, làm tôi dù chăm chú dạy mà cũng có chút hơi…lúng túng, giống như ngày xưa khi dạy thực tập có các giáo sư đứng sau bức màn theo dõi chấm điểm vậy.
Điều đặc biệt làm tôi cảm động, là tấm lòng thiết tha mong muốn cháu mình học được tiếng Việt của bà ngoại Mỹ Trắng này. Mỗi thứ Bảy cuối tuần thay vì đưa cháu đi dã ngoại, đi chơi xa như phần đông những gia đình Mỹ, bà chịu khó đưa cháu đến trường Việt Ngữ, và chưa bao giờ bỏ một ngày nào.
Không phải chỉ ngày đầu, hầu như mỗi buổi học của Daisy bà Kathy đều đứng ngoài cửa kính nhìn vào, lúc lớp ra chơi thì bà lảng vảng gần đó quan sát, khi vô lớp lại thấy bà đứng bên ngoài. Mỗi khi tan lớp học, bà vào nhận cháu lúc nào cũng hỏi tôi hôm nay Daisy làm những gì, có viết, có nói được tiếng nào không, có nghe lời cô không. Cảm động vì tấm lòng của bà chúng tôi gom góp hết bài học, bài tập viết, tập vẽ của các em không bỏ sót một bài nào, cho Daisy và bọn nhỏ mang về khoe với gia đình.
Đáng buồn là học mấy tuần rồi mà tình trạng bé Daisy vẫn như ngày đầu đến lớp chứ chẳng khá hơn chút nào. Tôi và Linh rất thương con bé, luôn luôn kèm cặp, vỗ về chăm sóc đặc biệt, mua cho bé những món đồ chơi nho nhỏ, và nói chuyện với bé thường xuyên. Bé nghe và hiểu hết những gì tôi nói, kêu làm thì làm, bảo viết thì viết, vẽ cũng đẹp, cắt giấy cũng okay, viết chữ cũng rất đúng. Nhưng bé chỉ đáp lại bằng gật đầu hay lắc đầu, chứ tuyệt không mở miệng. Lúc nào con bé nhìn cũng lẻ loi, cô đơn rất tội nghiệp.
Còn vài tháng nữa thì đến Tết Trung Thu, trường Việt Ngữ tổ chức đêm văn nghệ Trăng Rằm để nhắc nhở các em về cái Tết Trăng Tròn truyền thống của trẻ em Việt Nam. Các tiết mục được chuẩn bị dàn dựng kỹ lưỡng, mỗi thầy cô lớp lớn sẽ tập dợt cho các em lớp mình trình diễn một màn. Các cô phụ trách dạy những điệu múa cổ truyền Việt Nam rộn ràng bàn tính, gửi về Việt Nam mua những chiếc gùi tí hon, đặt may trang phục đầy sắc màu cho các điệu múa của người Dân Tộc.
Lớp tôi dạy các em còn khá nhỏ nên thầy hiệu trưởng cho tôi toàn quyền quyết định chọn bất cứ màn trình diễn nào tiện cho các em. Tôi chọn tiết mục đơn giản nhất, là sẽ mở lên bài hát “Rước Đèn Tháng Tám” của nhạc sĩ Đức Quỳnh, rồi cho các em xách lồng đèn vừa đi vòng sân khấu vừa hát theo băng đĩa. Tôi và Linh cắt dán cho mỗi em một chiếc mũ giống vương miện với đủ màu sắc. Trang phục thì em nào có gì mặc nấy, áo bà ba, áo dài truyền thống, đồng phục học sinh của trường các em đang theo học, đồ bình thường…
Bà Kathy nghe có văn nghệ Tết Trung Thu cho các em thì mừng lắm. Bà thấy có vài đứa bé mặc áo dài chữ thọ truyền thống Việt Nam thì thích thú nên nhờ tôi đến tiệm người Việt mua dùm một bộ màu hồng cho Daisy. Những ngày Chúa Nhật chúng tôi tập dợt cho các bé bà đều đưa Daisy đến và ở lại xem từ đầu đến cuối. Các em nhỏ rất hào hứng, cùng nhau đi vòng quanh phòng học và hát theo “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi, em rước đèn đi khắp phố phường…”
Ngày đầu tập dượt, cả lớp vui vẻ. Khổ nỗi, bé Daisy nhất quyết không tham gia tập dợt dù tôi và bà ngoại bé hết sức dỗ dành. Tội nghiệp bà Kathy, cố gắng mọi cách cho bé tham gia mà vẫn không thành công. Dầu vậy bà không chịu bỏ cuộc, dù đưa bé đến chỉ để bé nhìn các bạn bà vẫn làm.
Đến giờ giải lao của buổi tập thứ hai, tôi ra ngồi nơi băng ghế ngoài sân trường canh chừng bọn nhỏ chơi đùa sau khi nhận phần quà ăn vặt và nước trái cây. Daisy cũng nhận phần bánh của mình và đứng ăn một cách từ tốn chỗ bồn hoa. Bỗng bà Kathy bước lại và ngồi xuống cạnh tôi.
– Xin lỗi bà! Tôi nói, mắt nhìn Daisy. – Tôi đã cố gắng để giúp Daisy hoà nhập tham gia tập luyện văn nghệ cùng với các bạn, nhưng không thành công. Dù tôi từng gặp và giúp thay đổi được nhiều học sinh có tình trạng “đặc biệt”, nhưng với Daisy thì đành bó tay rồi!
– Không phải lỗi do cô đâu! Bà nói giọng thật buồn. – Bữa giờ tôi chưa có dịp tâm sự chi tiết cùng cô về nguyên nhân đã khiến bé bị như vậy.
– Có phải bé bị bệnh tự kỷ không? -Cuối cùng tôi cũng đã hỏi ra một câu không đáng hỏi mà tôi cố dằn lòng lâu nay. – Tôi cũng từng gặp nhiều em bị tình trạng như bé vậy. Chịu khó chăm sóc kỹ càng, đôi khi sau một thời gian thì bé sẽ khá trở lại.
Bà cười buồn:
– Cũng mong là vậy. Đã hơn sáu tháng rồi, không biết đến bao giờ đây.
– Tội nghiệp bé quá! Tôi nói. – Tuy vậy, Daisy vẫn còn diễm phúc có bà ngoại tốt như bà. Tôi thấy bà lo lắng chăm sóc bé đủ điều đâu thua gì mẹ ruột.
– Thật ra, tôi không phải là bà ngoại ruột của Daisy đâu, ngoại ruột bé là người Việt Nam.
– Ủa? Tôi kêu lên. – Sao bé không có vẻ gì giống người Việt hết? Vậy bà ngoại ruột bé đâu rồi?
– Mẹ bé Daisy là trẻ lai, con riêng của chồng tôi. Bà ngoại bé mất trước, nửa năm sau là mẹ nó mất luôn. Cho nên nếu tôi không giúp thì chẳng còn ai trên đời này giúp cho bé cả!
– Trời! Sao mà con bé tội nghiệp đến thế! Tôi kêu lên lần nữa và nhìn bà chăm chú.
Thấy tôi tỏ vẻ ngạc nhiên, bà Kathy do dự một chút, rồi bắt đầu kể tôi nghe về thảm họa của gia đình bé Daisy. Giọng bà nghe thật buồn giữa tiếng nô đùa huyên náo của đám học trò.
Chồng bà, ông Robert từng là một cựu chiến binh Việt Nam. Bà trẻ hơn ông gần chục tuổi. Hai người kết hôn sau khi ông trở về từ Việt Nam, đi học tiếp tốt nghiệp luật sư và ra đi làm.
Thời gian chiến đấu bên Việt Nam, Robert còn là chàng trai độc thân. Năm 1974, sau khi anh rời Việt Nam trở về Mỹ, Tha, cô bạn gái người Việt nơi anh đồn trú mới biết mình có thai. Sau đó Robert gửi thư qua Việt Nam, và cô ấy nhờ người viết dùm thư báo cho anh biết chuyện đứa con trong bụng. Robert đã hồi âm là sẽ tìm cách qua Việt Nam lần nữa để đem cô qua Mỹ. Tuy nhiên, ngay sau đó chiến tranh lan tới vùng cô ở nên sau cái thư thứ hai của Robert là họ bị mất liên lạc cho tới tháng Tư năm 1975.
Kể tới đây bà Kathy thở dài:
– Tha sinh con gái đặt tên là My, và sau chiến tranh mẹ con cô ấy bị đuổi đi vùng rừng núi sống cuộc đời vất vả đói khát, thật là tội nghiệp.
– Đúng rồi! Tôi tiếp lời bà. – Sau 1975, những người có con lai bị chế độ mới đối xử rất tệ, cũng giống như gia đình tôi, chồng tôi là quân nhân Nam Việt Nam nên chúng tôi từ thành phố cũng bị đuổi đi vùng rừng sâu nước độc mà họ gọi là kinh tế mới để phát rừng trồng trọt mà sống!
Bà Kathy kể tiếp.
– Trong những năm con lai được đưa qua Mỹ, chồng tôi Robert cố gắng tìm kiếm mẹ con bà ấy nhưng không được. Bà Tha vì đau yếu triền miên, con gái lớn lên cơ cực không được học hành nên họ đã không còn nghĩ đến việc tìm lại ông ấy. Mãi đến sau này, hội thánh Tin Lành giúp tìm lại được bọn họ, nhờ vào lá thư sau cùng chồng tôi gửi bà Tha còn dấu được mang theo, tuy đã cũ nát và phai màu, chỉ còn nhận ra mỗi chữ ký của Robert mà thôi. Khi chồng tôi gặp lại được họ, thì bé Daisy đã hai tuổi. Nhưng rồi vì sức yếu bà Tha đã ra đi, bỏ lại My đứa con gái còm cõi và đứa cháu ngoại tội nghiệp này.
– Chuyện quả thật ly kỳ! Tôi nói. – Và thật là tội nghiệp! Nhưng cũng còn may, Thượng Đế đã giúp họ tìm lại được ông ấy trước khi họ lìa đời. Cho nên bây giờ bé Daisy mới có chỗ nương thân mà không phải vào viện mồ côi. Còn cha của bé đâu hả bà?
Bà Kathy lắc đầu:
– Chúng tôi thật tình không biết! My bị chứng còi xương vì thuở nhỏ nuôi dưỡng trong tình trạng đói khổ nên lớn không nổi, gần bốn chục tuổi mà nhỏ xíu như đứa trẻ mười mấy, lại ốm yếu, dù mặt mũi nhìn cũng okay mà chẳng có ai thương. Nhưng rồi không biết cái đứa khốn kiếp nào đã dụ con nhỏ và làm cho nó mang bầu. Khi gặp lại chồng tôi rất giận, tra hỏi mãi muốn tìm thằng đó để trừng trị, nhưng My không chịu nói tên cha của đứa bé là ai. Gia đình họ sau đó dọn về sống cùng thành phố với chúng tôi. Tôi đã chứng kiến Daisy rất thương bà ngoại Tha và bà cũng cưng quý bé hơn bất cứ thứ gì. Bà nuôi bé kỹ càng, ngày lo cho ăn uống, tối hát ru bé ngủ. Bé ít khi ngủ với mẹ đến khi bà ngoại mất.
– Vậy mẹ bé bị tai nạn ra sao mà mất?
– Bị xe đụng, mới năm ngoái thôi. Hôm đó My đưa Daisy đi Walmart, đậu xe xong My dắt con bé đi vào thì một bà già lui xe đụng phải My. Thay vì đạp thắng, bà hoảng hốt đạp ga và cưỡi lên người My trước sự chứng kiến của Daisy.
– Trời đất ơi! Tôi thấy lạnh cả người, và tôi nói như muốn khóc. – Thảo nào! Bé đã bị hai cú sốc quá lớn, mất bà rồi lại mất mẹ trong một thời gian ngắn làm sao trái tim bé bỏng chịu nổi chứ!
Giọng bà Kathy cũng trở nên nghẹn ngào:
– Robert nhà tôi đau lòng vô kể. – Ông ấy nằm liệt giường cả tháng trời. Rồi khi dậy được thì bắt đầu uống rượu để quên. Tôi phải giúp ông ấy, đưa Daisy về ở vói chúng tôi và lo cho nó, vì ngoài tôi ra không còn ai có thể giúp bé hết! May mà hai đứa con của chúng tôi đã lớn và dọn ra ngoài hết rồi.
Tôi thật cảm phục tấm lòng nhân hậu của bà Kathy. Không có bà, Daisy tội nghiệp biết làm sao. Người ta nói người Mỹ rất lạnh lùng và rạch ròi về tình cảm liên quan của gia đình, hay đúng hơn là “mạnh ai nấy mạnh.” Nhưng bà Kathy đã thương yêu đứa cháu ngoại của chồng mình bằng cả trái tim của người bà, người mẹ ruột. Thật là chuyện hiếm thấy. Tôi nói với bà suy nghĩ của tôi.
– Đó là chuyện tôi phải làm mà. Kathy nói với vẻ khiêm nhượng. – Chỉ có điều là từ khi vợ chồng tôi đem bé về nuôi, bé không có cơ hội nói tiếng Việt với ai hết. Đó là lý do Bác sĩ tâm lý kêu tôi cho bé đi học Việt Ngữ. Nhưng đến giờ bé cũng chưa nói được câu nào. Thật là buồn!
Nói đến đây bà Kathy chào tôi, nói bà cần đi toa lét. Tôi ngồi suy nghĩ lan man, chợt từ đâu hai đứa học sinh lớp lớn rượt đuổi nhau chạy ào qua sân trường. Một đứa bỗng đâm sầm vào Daisy làm con bé ngã xuống đất, và nó khóc thét lên. Tôi vội chạy tới đỡ bé dậy, vén áo đầm bé lên thì thấy nơi đầu gối bị một vết thâm tím. Đau đớn làm bé khóc không ngừng. Tôi dắt Daisy lại chỗ bàn cung cấp thức ăn, chộp vội chai nước trái cây còn lạnh rồi đưa bé trở lại chỗ ngồi. Đặt bé ngồi trên đùi, tôi lăn nhè nhẹ chai nước lên chỗ bầm để hơi lạnh làm cho tan sưng.
Con bé có lẽ bớt đau nên nín khóc ngồi im, đầu tựa vào ngực tôi. Ôm đứa trẻ vào lòng, tôi chợt nhớ lại những gì bà Kathy vừa kể, và một niềm thương cảm dâng lên làm tôi nghẹn ngào. Tai hoạ đã giáng xuống đầu đứa bé tội nghiệp này, còn nhỏ xíu mà đã chịu mồ côi, chứng kiến cảnh mẹ mất kinh hoàng bảo sao bé không bị chấn động tâm thần cho được. Tôi từng tuổi này mà khi mất mẹ còn đau đớn vô ngần, huống chi đứa bé còn đang cần sự vỗ về của mẹ. Suy nghĩ miên man trong vô thức, tự nhiên bàn tay tôi vỗ nhè nhẹ lên vai Daisy và buột miệng hát bâng quơ nho nhỏ vài câu ru em:
– Ầu ơ… Ví dầu cầu ván đóng đinh, cầu tre lắt lẻo gập ghềnh khó đi. Khó đi mẹ dắt con đi, con thi trường học… mẹ thi trường đời…
Đột nhiên tôi giật mình vì cảm giác có một bàn tay nhỏ mềm mại sờ lên mặt tôi. Rồi có tiếng gọi:
– Cô ơi!
Tôi sững sờ, không tin vào tai mình. Đó là tiếng của bé Daisy. Tôi nhìn xuống, thì ra là bé gọi tôi, bàn tay bé vẫn còn sờ lên mặt tôi, ánh mắt bé ngước nhìn thật là thân thiện và đầy vẻ tin cậy.
– Con mới gọi cô hả? Tôi lập cập hỏi, cảm thấy tim mình đập thật nhanh.
– Cô ơi! Daisy gọi lần nữa. – Con… lạnh…
Chai nước trái cây trên đầu gối Daisy rời khỏi tay tôi, rơi đánh bộp xuống đất. Tôi đưa bàn tay lạnh ngắt vì nãy giờ cầm chai nước, nắm lấy bàn tay nhỏ xíu đang sờ mặt tôi và hôn lên đó. Nước mắt tôi rơi làm ướt tay con bé. Vậy là bé đã mở miệng. – Cám ơn con! Tôi thì thầm, siết chặt bé vào lòng.
– Oh my God!
Có tiếng kêu đầy ngạc nhiên bên cạnh. Tôi quay lại thì thấy bà Kathy đang đứng mồm há hốc, mắt trợn tròn nhìn chằm chằm vào Daisy.
– Bé vừa gọi tôi “Cô ơi” bằng tiếng Việt đấy bà ạ! Tôi la lên với bà bằng nỗi vui mừng khôn tả. Bà Kathy nghe thế thì kêu to hơn:
– God! Chúa ơi! Con bé đã nói được! Bà nói xong chạy lại ngồi xuống cạnh tôi rồi choàng tay qua ôm lấy Daisy, nói trong tiếng khóc: – Oh My God! Cháu tôi đã nói chuyện lại được rồi! Thật không uổng công tôi đưa bé đến đây!
Và bà lấy điện thoại ra gọi ông chồng, líu lo hớn hở khoe với ông Robert về chuyện bé Daisy đã nói được, mà còn nói tiếng Việt.
Tôi cũng cảm động đến nghẹn lời. Hít sâu và thở vài hơi, tôi kể lại cho bà Kathy nghe về lời ru tiếng Việt tôi vừa hát ru để vỗ về cho bé nín khóc vì bị ngã sưng đầu gối. Lời ru mà bất cứ người mẹ, người bà Việt Nam nào cũng biết hát ru cho các bé thơ. Vậy là nhờ tiếng ru vô tình của tôi dỗ dành đã đánh thức được tâm trí của bé. Có lẽ là bà ngoại quá cố của bé hay mẹ bé cũng đã từng hát ru cho bé ngủ bằng bài hát ru này chăng?
Bà Kathy tỏ vẻ mừng rỡ vô cùng, luôn miệng lập đi lập lại hai chữ “Thần kỳ! Thần kỳ” (Miracle!).
Tôi cũng thấy quả đúng là thần kỳ! Lời ru con của người mẹ Việt Nam đã đánh thức được tâm trí bị đóng băng của đứa bé. Vô lại phòng tập, tôi đội cho Daisy chiếc vương miện và đưa bé cái lồng đèn. Lần này bé không đẩy ra nữa, mà nhập vào cũng các bạn rồi cầm lồng đèn đi vòng quanh, miệng bé cũng bập bẹ hát theo bài “Rước Đèn Tháng Tám.
Lúc chào tôi ra về, bà Kathy bất chợt cầm lấy tay tôi và nói một cách thiết tha:
– Cô giáo à! Tôi muôn vàn cám ơn cô! (Millions thanks!) Nhờ cô, mà bé Daisy đã nói lại được. Tôi nghĩ mình cũng có lỗi, vì trong nhà mọi người đều nói tiếng Anh, đáng lý tôi phải cho bé đi học tiếng Việt sớm hơn, hoặc chí ít tôi cũng phải tìm bạn Việt Nam cho chơi với bé! Bà do dự một chút rồi nói tiếp: – Tôi vừa nghĩ ra chuyện này, không biết cô có thể giúp tôi chăng?
– Bà cứ nói, nếu làm được tôi sẽ không ngại đâu.
– Tôi muốn học tiếng Việt! Bà cười vẻ bẽn lẽn. – Chắc là khó lắm đây, tôi chẳng biết có học nổi không. Nhưng tôi rất muốn học để về nhà tôi có thể nói chuyện trao đổi chút đỉnh vừa tiếng Việt vừa tiếng Anh với Daisy.
Nghĩ tới cái cảnh lâu nay bé không nói được lời nào tôi thương quá!
Tôi thật xúc động vì cái tình cảm bà Kathy dành cho Daisy. Tự nghĩ nếu mình ở vai trò “bà ngoại ghẻ” như bà không biết có đủ rộng lượng để làm như bà ấy hay không.
– Sure! Chắc chắn rồi! Tôi nói. – Bà là một bà ngoại tuyệt vời! Tôi rất vui được làm điều này cho bà. Tiếng Việt học thú vị lắm chứ không khó đâu! Bà sẽ học được!
Tôi kể bà nghe về cô ca sĩ Mỹ tóc vàng Dalena ban đầu không hể biết tiếng Việt, nhưng giờ thì hát tiếng Việt hay nổi tiếng khắp nơi, nhiều chương trình, băng đĩa, sân khấu tiếng Việt đã mời cô đến hát và cô có rất nhiều fan hâm mộ người Việt khắp nơi trên thế giới.
Bà Kathy mừng quính:
– Oh yeah! Thú vị thật! Robert chắc chắn sẽ vui lắm!
Từ đó mỗi buổi học bà Kathy đưa bé Daisy đến tôi kêu bà vô lớp ngồi học chung với Daisy. Tan học ra ngoài tôi nán lại nửa giờ đưa bà và bé Daisy vô ngồi trong xe tôi để dạy thêm cho họ. Ông xã tôi nghe kể chọc là tôi mở “Lớp học trong xe”.
Tôi về soạn thêm nhiều câu đàm thoại ngắn hàng ngày và những câu chào hỏi thông thường bên trên viết tiếng Việt bên dưới tiếng Anh và đưa cho bà Kathy đem về nhà học. Bà ấy rất thông minh và ham học. Bà kể ngày xưa bà từng học tiếng Tây Ban Nha (Spanish), ngôn ngữ mà cách phát âm gần giống tiếng Việt nên bây giờ học tiếng Việt khá dễ dàng. Bà đã nói đúng, tiếng Tây Ban Nha cách dùng chữ cũng tương tự Việt Ngữ của chúng ta, tính từ luôn đứng sau danh từ chứ không phải đứng trước như tiếng Anh. (Tiếng Anh: The red house, Việt: Cái nhà đỏ, Spanish: La casa roja).
Daisy từ đó cũng siêng hơn nên tiếng bộ rất nhiều. Bà cháu học bằng cách mỗi ngày về nhà sau khi Daisy học và làm bài tập ở trường xong, thì hai bà cháu thực tập tiếng Việt với nhau. Mỗi buổi đến học bà đều khoe với tôi hai bà cháu học được bao nhiêu chữ. Bà cho tôi biết từ khi Daisy nói chuyện bình thường ông Robert đã thấy khoẻ hẳn ra và không uống rượu nữa. Hai người còn tính chuyện khi Daisy lớn lên, thế nào họ cũng sẽ đưa Daisy đi du lịch Việt nam một chuyến về thăm lại quê ngoại bé, cũng là nơi ông Robert từng đóng quân ngày xưa.
Rồi ngày văn nghệ Trung Thu cũng đến. Tối đó, sau khi sắp xếp cho tiết mục lớp tôi xong thì tôi giao lại cho cô Linh trông chừng bọn trẻ, tôi ra bên ngoài tìm ông xã. Tôi còn đang nhìn dáo dác, bỗng đâu bà Kathy đưa ông Robert lại gặp tôi, trên tay ông cầm một bó hoa. Mặc áo khoác màu lính, đầu đội mũ dìm có chữ “Viet Vet” và hàm râu quai nón, trông ông rất oai phong. Thảo nào bà Kathy lại yêu ông đến thế, tôi mỉm cười thầm nghĩ. Trong lòng tôi rất cảm động, Robert là luật sư đã về hưu, mà vẫn thích trang phục kiểu nhà binh thuở còn đi chiến đấu, chứng tỏ ông mê đời binh nghiệp hơn là cái nghề làm thầy cãi kiếm nhiều tiền sau này. Ông nghiêng mình chào và trao bó hoa cho tôi:
– Cám ơn cô thật nhiều, đã giúp cho Daisy nhà tôi trở lại trạng thái bình thường. Không thể nào nói hết lòng cám ơn của gia đình tôi đối với cô đâu!
– Dạ tôi không có công gì lớn đâu ông! Tôi cười, quay sang bà Kathy: – Ông phải cám ơn bà nhà mới đúng! Kathy quả là người phụ nữ thật nhân hậu. Ông có phúc lắm, bà Kathy đã thương và lo lắng chăm sóc bé Daisy rất thật lòng, lại còn chịu khó đi học tiếng Việt để còn nói chuyện với Daisy nữa chứ.
Ông cười, nụ cười tràn đầy hạnh phúc:
– Ở nhà Bà ấy và Daisy còn dạy tôi vài chữ tiếng Việt nữa đó! Tôi ở Việt Nam hơn một năm nhưng chỉ biết được mấy chữ “Xin chao”, “Cam on” thôi. Bà ấy nói học tiếng Việt thật là thú vị.
Tới đây thì loa thông báo buổi lễ sắp bắt đầu, tôi phải chào từ giã ông bà để vào cùng cô phụ giáo chuẩn bị cho tiết mục của lớp tôi.
Buổi lễ Tết Trung Thu hôm ấy thật là vui nhộn, các bài hát Trung Thu, điệu múa, kịch nói. Nhờ sự tận tâm của quý thầy cô, các em trình diễn hết mình, nhìn rất chuyên nghiệp, và nhận được nhiều tràng pháo tay vang dội.
Đến tiết mục “Rước Đèn” của lớp tôi, tôi đứng chỗ góc khán đài quan sát các em trình diễn. Chúng tôi trang điểm cho tất cả các em, kể cả con trai, bé nào cũng đều má đỏ môi hồng xinh xắn. Daisy nhìn rất dễ thương trong áo dài chữ thọ màu hồng, tay cầm lồng đèn con cá, vừa đi cùng các bạn vừa hát theo bài “Rước Đèn” trong CD. Bé bước lắc lư theo điệu nhạc, miệng hát tay ve vẩy lồng đèn, mặt mày rạng rỡ dưới ánh đèn sân khấu:
“Tết Trung Thu rước đèn đi chơi
Em rước đèn đi khắp phố phường
Lòng vui sướng với đèn trong tay
Em múa ca trong ánh trăng rằm…”
Liếc mắt qua chỗ vợ chồng bà Kathy, tôi thấy ông Robert cầm tay bà đưa lên cao vung vẩy qua lại theo nhịp bài hát của các bé, miệng hai người cười đến như không thể khép lại…
Giáng Sinh năm đó, tôi nhận được một giỏ quà với đủ loại trái cây tươi, được cắt sẵn theo những hình ngôi sao, trái tim, chim, cá… rồi nhúng vào sô cô la, của hảng “Edible Fresh Fruit Arrangements” đem giao tận nhà, có kèm theo tấm thiệp ghi bằng tiếng Việt, “Chúc Mừng Giáng Sinh Cô Giáo Linda. Học trò cô: Kathy và Daisy.”
Phương Hoa