Theo trang website của Mỹ (https://www.census.gov/foreign-trade/), năm 2024 Việt Nam có thương mại lớn thứ 7 của Mỹ (1). Việt Nam cung cấp 2.1% tổng số hàng hoá nhập khẩu của Hoa Kỳ. Mối quan hệ kinh tế Việt-Mỹ đã tăng theo cấp số lũy tiến từ khi bắt đầu bình thường hoá bang giao đến nay. Năm 1995, bang giao Mỹ-Việt bắt đầu thì thương mại có 300 triệu USD, 27 năm sau, vào năm 2022 nền giao thương Mỹ-Việt lên đến 128 tỉ USD, tăng gấp 427 lần. Đầu năm 2025 Trump chính thức trở lại nắm quyền, tương lai Việt-Mỹ sẽ ra sao?
I) Những thuận lợi trước mắt:
Thứ nhất: Việt Nam được hưởng một phần của chuỗi cung ứng dãn ra từ Trung Cộng:
Quan hệ Mỹ-Việt chính là giao thương kinh tế, ông Trump trở lại nắm quyền đầu năm 2025 [tạm gọi Trump 2.0], Việt Nam được hưởng món lợi đáng kể từ chủ trương chung của Hoa Kỳ: “Mỹ cần phân phối chuỗi cung ứng” để không bị lệ thuộc vào nguồn cung ứng duy nhất từ Trung Cộng… Ông Trump đã tuyên bố sẽ đánh thuế nhập khẩu hàng của Trung Cộng lên 60% (thuế cao chưa từng thấy đối với hàng nhập khẩu). Điều này tạo cơ hội cho các công ty sản xuất hàng tiêu dùng ở 10 nước ASEAN. Việt Nam là nước có cơ hội nhiều nhất vì có địa thế sát sườn với Trung Cộng, có nhân công rẻ, thợ [không phải thầy] có tay nghề không kém thợ Trung Cộng là bao, điều kiện dễ dàng cho việc xây dựng cơ sở sản xuất… Đó là những thuận lợi mời gọi các công ty “low end technology” (kỷ thuật công nghệ cấp thấp – gồm các công ty lắp ráp hàng điện tử) vào đầu tư. Hiện có một số công ty nước ngoài đã chuyển từ Trung Cộng sang Việt Nam. Đó là mối lợi có được một cách tự nhiên như “chó ngáp phải ruồi”.
Thứ hai:
Trong cuộc chạy đua vào Toà Bạch Ốc năm 2024, ông Trump thắng vẻ vang, một phần nhờ tỷ phú giàu nhất thế giới Elon Musk nhảy vào vận động trong những tháng cuối cùng. Khi chiến thắng Tổng Tuyển Cử 5/11, ông Trump xem Musk là đồng minh số 1. Trump và Musk đều đầu tư vào Việt Nam hàng tỷ USD.
– Vào tháng 8/2024 (2), Công ty Trump Organization hợp tác với Tổng Công Ty Phát Triển Đô Thị Kinh Bắc (KBC) để xây dựng một khu phức hợp trị giá 1.5 tỷ USD tại tỉnh Hưng Yên, gần Hà Nội. Khu phức hợp bao gồm một khách sạn, một sân Golf hạng sang và một khu nhà ở, tất cả đều là tiêu chuẩn của thương hiệu của Trump về phục vụ cao cấp và mang tính độc quyền. Ông Trump với con trai Eric Trump, Phó Chủ Tịch điều hành của Trump Organization, đã có mặt tham dự ngày lễ ký kết.
– Vào tháng 9/2024, Công ty SpaceX của Elon Musk có dự án đầu tư ở Việt Nam 1.5 tỷ USD (3). Và Musk cũng đang muốn biến Việt Nam thành một trung tâm sản xuất quan trọng cho dự án Internet vệ tinh Starlink và chuyển sản xuất điện tử của Starlink từ Đài Loan sang Việt Nam. Nói là để tránh những rủi ro do Trung Cộng mang đến.
Ông Trump và Musk có tầm nhìn chiến lược kinh doanh giống nhau tại Việt Nam, từ du lịch đến kỹ thuật công nghệ. Sợ rằng sư thân thiện của hai ông sẽ cùng nhau giúp đỡ kinh tế cho nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam (CSVN). Từ đó họ sẽ vỗ ngực hô hào “đảng ta làm kinh tế giỏi”, đó là kim bài miễn tử của CSVN trong việc chiếm giữ quyền cai trị người dân Việt Nam dưới chế độ độc tài cộng sản!
Thứ ba: Khả năng của Việt Nam (VN) ngày nay:
Trong nhiều thập niên qua, Việt Nam sống được nhờ vào nền kinh tế chủ yếu gia công dày dép và may mặc, ngày nay VN đã tiến lên gia công lắp ráp điện tử và xe hơi, hai lãnh vực này đang thu hút nhiều FDI (Foreign Direct Investment / đầu tư trực tiếp của công ty nước ngoài vào Việt Nam). Do đó, Việt Nam đã nổi lên trong khối ASEAN nơi đã cung cấp gần 40% hàng xuất khẩu sang Bắc Mỹ (3).
Thứ 4: Những hợp tác kinh tế với Việt Nam dưới thời Trump 1.0
Trong nhiệm kỳ của Trump 1.0, đầu tư của Hoa Kỳ vào Việt Nam tăng đều. Theo tài liệu của Multinational Enterprise (MNE) thì dưới thời Trump 1.0, Hoa Kỳ chiếm đa số thị phần ở Việt Nam, tăng trưởng từ 13 tỷ USD năm 2017 lên 18.9 tỷ USD năm 2021. Số lượng nhân viên người Mỹ của MNE tại Việt Nam cũng tăng từ 54.700 người năm 2017 lên 75.700 người năm 2021.
Đặc biệt, chính quyền Trump 1.0 đã tích cực hợp tác năng lượng với Việt Nam, hối thúc Việt Nam gia tăng nhập khẩu khí hóa lỏng (LNG/Liquefied Natural Gas) của Hoa Kỳ như một biện pháp cân bằng thâm hụt thương mại. Khuyến khích các công ty năng lượng Hoa Kỳ mở rộng thị trường tại Việt Nam. Do vậy, công ty AES Corporation đầu tư vào Nhà Máy Điện Khí Sơn Mỹ II trị giá 5 tỷ USD tại tỉnh Bình Thuận, nhà máy này cần phải nhập LNG từ Mỹ gần 2 tỷ USD hằng năm để vận hành. Đồng thời Trump 1.0 cũng tạo cơ hội cho các công ty năng lượng như Exoon Mobile đầu tư vào Việt Nam…
II) Những bất lợi tiềm tàng:
Thứ nhất: Đại họa của Việt Nam
Đối với Hoa Kỳ, Việt Nam có nền thương mại lớn thứ 7, Trung Cộng là số 1, Mexico là số 2. Các nước này đều có thặng dư thương mại rất lớn đối với Hoa Kỳ. Như năm 2022 Trung Cộng thặng dư $367.4 tỷ USD (4), Mexico $131.1 tỷ USD (5) và Việt Nam là $114.6 Tỷ USD (6). Số thặng dư thương mại này Trump 2.0 sẽ giải quyết bằng cách buộc Trung Cộng, Mexico và Việt Nam phải nhập nhiều hàng Made in USA, nếu không thì Mỹ sẽ đánh thuế cao vào hàng xuất khẩu của họ để bù đắp thặng dư thương mại đó.
Ông Trump là nhà kinh doanh chuyên nghiệp làm chính trị với cái đầu của một doanh nhân – lợi hại tính bằng con số chứ không bằng cảm tính. Ông lại tôn thờ khẩu hiệu MAGA (Make American Great Again) mà cả trong giấc ngủ ông ta vẫn nằm mơ.
Điều này đã được chứng minh, mới thắng cử Tổng Thống Hoa Kỳ thứ 47, chưa tới ngày nhậm chức 20/01/2025, ông Trump đã cho Mexico và Canada nếm mùi MAGA, đe dọa đánh thuế quan 25% qua biên giới Hoa Kỳ. Bà T.T. Mexico Claudia Sheinbaum đã có những dấu hiệu nhượng bộ rõ rệt. Còn thủ tướng Canada Justin Trudeau (vốn ủng hộ Biden-Harris, không thích ông Trump) cũng phải vội vàng bay qua Mar-a-Lago để xuống nước điều đình…
Với Việt Nam, cũng không loại trừ chính quyền Trump 2.0 sẽ áp dụng chính sách MAGA như Mexcico và Canada để giải quyết thặng dư thương mại hằng trăm tỷ USD bằng cách buộc Việt Nam phải mua hàng từ Hoa Kỳ hoặc phải chịu đánh thuế quan lên hàng hoá bán vào Mỹ. Cả hai đều làm cho kinh tế Việt Nam rung rinh tận gốc rễ!
Về cộng sản: Ông Trump từng tuyên bố vào ngày 27/06/2024 khi nói về người nhập cư rằng: cấm “những người cộng sản” và “những người theo chủ nghĩa Marx” nhập cảnh vào nước này [Mỹ]” – đủ thấy ông Trump không thích cộng sản và chủ nghĩa Max chút nào. Vậy xin ông tạo sức ép để đảng CSVN tôn sùng chủ nghĩa Max phải giải thể cho người dân Việt Nam được sống dưới thể chế tự do dân chủ thì người dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên ơn ông!
Về ngoại giao: Hiện Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao cao nhất với Hoa Kỳ vào tháng 9/2023 là “đối tác chiến lược toàn diện Việt-Mỹ”. Tuy nhiên, giấc mơ “MAGA” của Trump có thể đặt Việt Nam vào tình trạng bấp bênh. Chính sách “American First” của Trump 2.0 ưu tiên sản xuất hàng hoá trong nước Mỹ. Điều này không phải thời Trump 2.0 mới có mà bắt đầu từ Trump 1.0 ông đã gán cho Mexico là “kẻ đánh cắp việc làm”. Đó là một áp lực rất mạnh đối với quốc gia láng giềng phía Nam nước Mỹ bao nhiêu năm sống nhờ bán hàng qua Hoa Kỳ.
Trước tình trạng như thế, nếu Việt Nam khư khư tính ích kỹ cố hữu, chỉ nghĩ đến mối lợi riêng của mình như chế độ CSVN thường làm để sống an toàn trên mức thặng dư thương mại với Mỹ, chắc chắn sẽ bị đòn MAGA của Trump 2.0 đánh tới không đỡ nổi.
Thứ 2: Tai hại khôn lường:
Việt Nam có thể làm chuyện điên rồ và ngu dại là gia tăng tiếp nhận hàng hóa Trung Cộng chuyển qua Việt Nam để “lách” thuế quan, thâm chí có những mặt hàng dán nhãn hiệu “Made In Vietnam” trong ruột còn nguyên hàng làm từ Trung Cộng. Như vậy chẳng khác gì Việt Nam tiếp tay với Trung Cộng để chống lệnh Mỹ trừng phạt thương mại đối với đối thủ này. Việt Nam cần hành động thận trọng để tránh phản ứng dữ dội của Trump 2.0 mà tính khí của ông thất thường khó lường nỗi.
Thứ 3: Những điều Trump 1.0 đã thực hiện bất lợi cho Việt Nam nay vẫn tiếp tục
Trong nhiệm kỳ Trump 1.0, vào năm 2017, ông Trump nhanh chóng rút khỏi các cuộc đàm phán về Hiệp Định Xuyên Thái Bình Dương (TPP), đó là một chính sách quan trọng của Tổng Thống Barack Obama. TPP gồm 12 quốc gia Thái Bình Dương, trong đó có Hoa Kỳ và Việt Nam, sẽ giúp mở rộng thương mại song phương bằng cách xóa bỏ luật lệ rắc rối thương mại và giảm thuế quan giữa các thành viên TPP. Quyết định rút khỏi TPP kéo dài cho đến ngày nay. Trump 2.0 chắt chắn sẽ không tham gia vào tổ chức kinh tế này dù nó được cải biến thành CPTPP.
Thứ 4: Việt Nam có thể bị hồi tố Mục 301 chưa có hồi kết dưới thời Trump 1.0 được Biden hủy bỏ:
Chắc chắn trong nhiệm kỳ Trump 2.0 sẽ đã đảo ngược phần lớn tiến trình quan hệ thương mại Mỹ-Việt do Joe Biden để lại. Chính sách thương mại của Trump 2.0 sẽ tập trung xem xét rất kỹ lưỡng vấn đề thâm hụt thương mại của các nước ngoài đối với Hoa Kỳ. Đứng đầu là Trung Cộng, Việt Nam chắc chắn trong tầm nhắm kỹ lưỡng vì có thặng dư thương mại hằng trăm tỷ USD.
Vài biến cố thương mại của Trump 1.0 chưa xong với Việt Nam thì bị gãy cánh giữa đường:
– Vào tháng 10/2020, Đại Diện Thương Mại Hoa Kỳ (USTR/United State Trade Representative) đã tiến hành hai cuộc điều tra Việt Nam theo Mục 301. Thứ nhất, điều tra về việc liệu Việt Nam có định giá thấp đồng tiền của mình không? Thứ hai, điều tra việc nhập khẩu gỗ từ Việt Nam bị nghi ngờ. Trong một báo cáo về điều tra thứ nhất được công bố vào ngày 15/01/2021, USTR Hoa Kỳ kết luận rằng Việt Nam đã định giá thấp đồng tiền của mình để được lợi thế kinh tế và những hành động này đã góp phần gây mất cân bằng thương mại với Hoa Kỳ, do đó Mỹ đã liệt kê Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ. Trong một báo cáo khác USTR tuyên bố vào ngày 19/01/2021 cho rằng hành vi của Việt Nam là “có thể bị kiện” theo Mục 301. Hai cáo trạng đó đều rơi vào những ngày cuối cùng của nhiệm kỳ Trump 1.0 và là những ngày bảo lửa hỗn loạn ở Washington DC, cho nên chính quyền Trump chưa kịp có biện pháp trừng phạt liên quan đến những sự việc trên thì đã ra đi.
– Joe Biden lên nắm quyền, vào năm đầu tiên USTR (của Biden) đã nhanh chóng giải quyết các tranh chấp được nêu trong các cuộc điều tra theo Mục 301. Vào tháng 4/2021, USTR cho biết “không đủ bằng chứng để phân loại Việt Nam là nước thao túng tiền tệ”. Bốn năm của chính quyền Joe Biden không tiến hành bất kỳ cuộc điều tra, hoặc tìm kiếm bất kỳ tranh chấp thương mại nào đối với Việt Nam. USTR của Biden tiếp tục loại Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
TT Trump 2.0 có thể sẽ mở lại hồ sơ của Mục 301 thì kinh tế Việt Nam sẽ ra sao?
Thứ 5: Những điều nhiệm kỳ Trump 2.0 chú tâm trong đó có Việt Nam:
Việc Trump 2.0 lật ngược những quyết định và tiến trình của Biden là điều chắc chắn sẽ xảy ra dưới thời Trump 2.0, ngoại trừ chiến lược Ấn Độ-Thái Bình Dương. Do vậy, về thương mại, Trump 2.0 có thể có những tác động đáng kể đến giao thương Mỹ-Việt trái với quyết định 4 năm của Joe Biden. Thêm nữa, với lập trường MAGA và những chỉ trích liên tục về thâm hụt thương mại của Trump 1.0 đối với Việt Nam, có thể Trump 2.0 mở lại các cuộc điều tra theo Mục 301 đối với Việt Nam.
Trump tuyên bố mức thuế chung là 10% đối với hầu hết hàng hóa nước ngoài nhập khẩu vào Mỹ. Chính sách này nhằm bảo vệ các công ty của Hoa Kỳ và giải quyết các giao thương không công bằng… Việt Nam là nước đặc biệt rơi vào tầm nhắm này.
Một hậu quả có thể do nước Mỹ phục hưng MAGA là Việt Nam tìm đường tăng cường thương mại với Trung Cộng. Sự thay đổi này có thể bao gồm việc hợp tác kinh tế sâu sắc hơn và chạy theo kinh tế của khối BRIC, như vậy lọt vào phạm vi tối kỵ của Washington, lúc đó không những Việt Nam bị đánh thuế quan 10% mà lên đến 100% như ông Trump mới tuyên bố tăng thuế quan 100% với khối BRIC (7).
III) Về ngoại giao và quốc phòng dưới thời Trump 2.0 đối với Việt Nam:
Ngày nào chiến lược an ninh của Mỹ còn xem Trung Cộng là kẻ thù nguy hiển nhất thì bất chấp sự chỉ trích của Trump 2.0 về thương mại, chính quyền Trump 2.0 vẫn tiếp tục coi Việt Nam là đối tượng quan trọng của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương!
Nhiệm kỳ Trump 1.0 đã có một số hoạt động ngoại giao cao cấp, như Trump đã đến thăm Việt Nam hai lần vào tháng 11/2017 và 2/2019. Bộ Trưởng Quốc Phòng Hoa Kỳ dưới thời Trump 1.0, James Mattis, đã có hai chuyến thăm tới Hà Nội vào tháng Giêng và tháng 10/2018 để phát triển quan hệ quân sự song phương. Trong chuyến thăm đầu tiên (8), Mattis gọi Hoa Kỳ và Việt Nam là “đối tác cùng chí hướng (Like-Minded Partners)”, tuyên bố rằng họ “chia sẻ các giá trị dựa trên sự tôn trọng lẫn nhau và lợi ích chung, bao gồm tự do hàng hải, tôn trọng luật pháp quốc tế…” Mattis đã ghé thăm phi trường Biên Hoà nơi cho là bị nhiễm chất độc màu da cam và hứa sẽ viện trợ để tẩy sạch chất độc ấy. Đầu năm 2018, USAID (United States Agency for International Development) đã ký thỏa thuận với Bộ Quốc phòng Việt Nam về dự án tẩy sạch chất độc da cam, trị giá 183 triệu USD trong vòng 5 năm tại phi trường Biên Hoà.
Một khía cạnh cực kỳ quan trọng như sợi móc xích trong hợp tác quốc phòng với Việt Nam là do sự đe dọa chung từ Trung Cộng. Tranh chấp của Việt Nam với Trung Cộng trên Biển Đông trùng khớp với mối quan tâm an ninh rộng lớn của Hoa Kỳ mong muốn kiềm chế ảnh hưởng của Trung Cộng ở khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương. Lợi ích chiến lược chung này đã dẫn đến việc tăng cường quan hệ quốc phòng giữa Mỹ-Việt. Mỹ giúp Việt Nam hiện đại hóa quân sự của mình và đã cung cấp cho Việt Nam thiết bị quốc phòng và đào tạo nhân sự để cùng nhau kiềm chế sự hung hăng thái quá của Trung cộng. Nhìn chung cho thấy chính sách của Hoa Kỳ trong vùng Ấn Độ – Thài Bình Dương liên tục từ Obama, đến Trump 1.0, đến Biden. Thời Trump 2.0 chắc cũng không thay đổi và sẽ tiếp tục xây dựng sự hợp tác với Việt Nam, dựa trên những điều đã đạt được của Joe Biden nhằm tăng cường ảnh hưởng của Hoa Kỳ ở Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Vào cuối năm 2017, chính quyền của Trump 1.0 đã khởi động sáng kiến “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương Tự do và Rộng mở”, tiếp nối chiến lược “Tái Cân Bằng sang Châu Á và Thái Bình Dương” của Barack Obama. Sáng kiến này là một phần của Chiến lược An ninh Quốc gia (NSS) của Trump 1.0, tiếp nối Joe Biden làm mạnh hơn, và chắc Trump 2.0 cũng cùng chính sách trong đó Việt Nam được phân loại là “đối tác an ninh và kinh tế đang phát triển”.
Hoa Kỳ đã thực hiện nhiều đợt chuyển giao vũ khí cho Việt Nam trong nhiệm kỳ của Trump 1.0. Theo Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ (DOD/Department of Defense), từ năm 2016 đến năm 2021, Hoa Kỳ đã cho phép bán 29.8 triệu USD quốc phòng sang Việt Nam.
Trump 2.0 sẽ tiếp tục hỗ trợ Việt Nam trong các vấn đề quốc phòng, vì lợi ích chiến lược chung, Trump 2.0 có thể tiếp tục cung cấp thiết bị quân sự và đào tạo, coi Việt Nam là đối tác quan trọng trong việc duy trì sự ổn định trong khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương.
Những vấn đề của Việt Nam trong thời đại Trump 2.0 đã cho ta một cái nhìn tổng thể về kinh tế và quốc phòng của Mỹ đối với Việt Nam trong tương lai.
Hoa Kỳ, ngày 3 tháng 12 năm 2024
Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
(1) https://www.reuters.com/business/trump-organization-develop-15-bln-golf-course-hotel-project-vietnam-2024-10-08/
(2) https://www.barrons.com/news/spacex-plans-15-bn-investment-in-vietnam-state-media-b3ce454c
(3) https://ustr.gov/countries-regions/china-mongolia-taiwan/peoples-republic-china/
(4) https://ustr.gov/countries-regions/americas/mexico
(5) https://ustr.gov/countries-regions/southeast-asia-pacific/vietnam
(6) https://apnews.com/article/trump-dollar-dominance-brics-treasury-8572985f41754fe008b98f38180945c3
(7) https://www.defense.gov/News/News-Stories/Article/Article/1424401/mattis-calls-us-vietnam-like-minded-partners/