Hôm nay tôi đi lễ Chúa Nhật với con gái và hai thằng cháu ngoại. Xong lễ, con gái ghé siêu thị mua ít đồ ăn và đồ xài. Chuyện đi chợ không có gì đáng nói cả. Đáng nói ở cái vỉ trứng quên trả tiền.
Cũng như thường lệ, ai thích đọc chuyện tào lao của tui thì cứ “cái nồi ngồi trên cái cốc”, vừa đọc vừa nhâm nhi. Cũng là chuyện nọ xọ chuyện kia. Viết bắt quàng tùm lum. Viết thiệt như chơi. Viết chơi như thiệt. Chán hay mệt thì nghỉ.
Các siêu thị bây giờ họ có quày tự trả tiền. Ai không muốn xếp hàng ở quày bình thường, không muốn để cho người ta tính tiền cho mình, thì cứ vô quày tự trả tiền, vì “lao động vinh quang” mà. Kéo món hàng ngang máy, nó đọc mã số từ barcodes, beep một cái, giá tiền nhảy lên màn hình. Đọc hết món mày tới món khác, nhanh chóng, nhẹ nhàng, và cũng vui vui.
Bên này cũng không ai bán bánh tráng bày dưới lòng đường, không lo sợ lỡ vô ý đạp bể, rồi không có sẵn vài đồng tiền lẻ để đền, rồi bị người ta lôi đầu! Cho nên, thời buổi này, xách đít đi chợ không cần mang theo tiền mặt, chỉ nhét vô bóp cái thẻ nhựa, nhẹ nhàng, gọn gàng. Cho nó đọc xong, kéo cái thẻ nhựa cái rẹt, hay ấn thẻ vào khe cho nó đọc con chip, rồi trong nháy mắt, ký tên lên máy là xong.
Mười mấy quày tự tính tiền, chỉ có một người đứng coi. Thật ra họ đứng coi để giúp khách hàng khi cần, chớ không phải đứng canh coi khách hàng có ăn cắp, có gian lận hay không. Chuyện ăn cắp ở Mỹ cũng có, nhưng nó vô cùng hiếm, vì người Mỹ có tinh thần tự giác, và nhất là công tâm rất là cao.
Đi Hawaii, dọc đường, người ta bày nông sản như dừa tươi, cam, quít, xoài, ổi,… ra trước nhà bán, với vỏn vẹn một thùng giấy nhỏ để kế bên mà không có ai đứng bán. Người mua coi giá ghi trên tấm giấy carton, tự giác móc tiền bỏ vào thùng giấy. Nếu ở xứ thiên đường, nó không những không trả tiền, mà hốt hết lên xe, hốt luôn thùng tiền cho gọn! Coi như chì chài gì cũng biến trong nháy mắt! Tiền trong túi nó còn rọc, huống hồ tiền để khơi khơi kiểu mỡ treo miệng mèo!
Mua sắm ở xứ giãy hoài không chịu chết, bi giờ nó văn minh, tiện lợi, và nhanh chóng như vậy.
Nhắc chuyện đi chợ và cái vụ đạp bánh tráng, để tui kể nghe chơi chuyện hồi nhỏ bị má tui hù. Cái vỉ trứng quên trả tiền, đã nhắc tới, là đề tài chính, cứ để đó, chẳng hư thúi gì. Viết tào lao một hồi, rồi quay trở lại nó.
Nhà tui ở quê, cách chợ cả chục cây số. Mỗi lần đi chợ, phải chèo ghe, bơi xuồng, hay nhà khá giả thì chạy máy đuôi tôm. Cả buổi mới tới chợ. Đi máy còn khoẻ, chớ chèo ghe hay bơi xuồng thì mệt sút xương hom! Bơi xuồng thì oải tay. Chèo ghe thì bung ba sườn! Gặp nước ngược, hay bị lục bình đùn cục, kín mít cả dòng sông, thì mồ hôi mẹ mồ hôi con cũng không còn để chảy ra giọt nào!
Thường thì người nhà quê phải thức dậy thật sớm, chừng canh ba canh tư, nói nôm na là trước khi gà gáy khá lâu, để đi chợ. Ra tới chợ, trời còn tờ mờ, thì mới dễ kiếm bạn hàng để bán nông sản, và cũng còn có đồ ngon đồ tươi để kịp mua đem về. Đi trễ, mặt trời lên cả sào, thì coi như khó bán, và nhứt là phải mua đồ ế, đồ dở, vì đồ ngon thiên hạ lượm hết.
Không ai đi chợ mỗi ngày như mấy người sống ở thành thị: sáng nào cũng xách giỏ ra chợ, mua mớ rau, con cá, cục thịt cho ngày hôm đó. Hôm sau lại xách giỏ nhỏng nhỏng ra chợ tiếp. Mỗi ngày đều như vậy. Người nhà quê chân lấm tay bùn, làm lụng quanh năm không thấy ngày nghỉ, giờ đâu đi chợ như vậy. Cần đi bán lúa, đi chà gạo, đi bán cá vừa tát đìa, hay bán tôm vừa dở đống chà, bán mớ chôm chôm vừa thu hoạch,… thì mới chèo chống ra chợ. Đi chợ mất cả ngày. Một ngày làm ở quê là tiền là bạc chớ hỏng giống như dân thành thị xách đít đi cà nhỏng, la cà ở quán, cà phê cà pháo suốt.
Đi chợ đối với người lớn là chuyện “cực chẳng đã”, phải đi, nhưng với bọn con nít thì ôi thôi không có gì sướng bằng. Nội cái được nhìn người ta đông đúc, ồn ào, quần là áo lượt, xe cộ ào ào, cũng đã con mắt nhà quê rồi! Mà đi chợ thì làm gì má không mua cho ổ bánh mì thịt, hay ít nhất cũng một ổ bánh mì đồng trinh (chỉ chan nước mà không có thịt, hay bánh mì trơn không nước không thịt). Tệ lắm, kẹo lắm, bà già cũng mua cho gói xôi cuốn bằng bánh phồng, hay gói bắp hầm có vài sợi dừa nạo, cộng thêm tí đường, vừa dẻo, vừa beo béo, vừa ngòn ngọt. Trước khi về, còn đòi má mua cho một cây cà rem mát lạnh, ngọt lịm, mút mút, chép chép từng chút, sướng từ miệng xuống tận xương khu! Không cà rem, thì cũng một vắt nước đá bào, chế xi rô vàng xanh đỏ, thơm mùi vanila, mát từ miệng vô tới tận ruột! Chả bù lại quanh năm suốt tháng cứ hái sắn, bẻ bần, ăn xoài chua chấm nước mắm đường mía (với mấy bà chị đang tuổi dậy thì). Xước mía, hay ăn khoai lang, khoai mì lùi, riết ngán tới cổ họng! Sầu riêng, măng cụt, chôm chôm, dâu,… ăn hoài cũng chán ngắt! Một ổ bánh mì, một gói xôi, một cây cà rem, một vắt đá bào,… có đổi một trái sầu riêng, tui cũng đổi không cần suy nghĩ. Giống thằng Bờm mê cái nắm xôi của phú ông vậy thôi. Chợ là thiên đường! Chợ muôn năm! Con nít nhà quê luôn yêu chợ!
Bữa nào nghe má tui bàn chuyện mai đi chợ, thì tui và thằng em theo nịnh má hết mình! Phải ngoan ngoãn ngó thấy, thì bà già mới động lòng cho đi chợ. Được má hứa cho đi chợ thì ôi thôi lòng dạ bồi hồi, trăn trở, không ngủ được như người ta luỵ tình, nhớ nhung ai đó đến quên cả ngủ. Chỉ trông cho trời mau sáng để được đi chợ với má. Nằm mơ cứ thấy bánh mì thịt, gói xôi, cây cà rem, vắt đá bào,…
Thường thì má giữ lời hứa, nhưng thỉnh thoảng bà già nổi hứng lên, hay vì lý do gì đó mà “nuốt lời”: Sáng sớm thức dậy, không thấy má đâu hết! Nước mắt tuôn trào vì biết mình bị bà già bỏ lại! Còn gì đau khổ hơn bị má hứa cho đi chợ rồi phản phé, bỏ thằng nhỏ ở nhà, đi mình ên!? Buồn, giận, trách móc, và nhứt là ấm ức không thể nào tả hết! Má có biết niềm vui được đi chợ nó to lớn, quan trọng tới chừng nào với thằng bé nhà quê tám chín tuổi không?
Tuổi đời giờ đã lưng chừng giữa hàng sáu và hàng bảy bó, mà vẫn không quên cái cảm giác không được đi chợ với má. Phải nói là cái cảm giác bị má thất hứa, hứa lèo, mới trúng! Thà bà già đừng hứa, thì cũng buồn, nhưng buồn ít. Hứa rồi không giữ lời, dù là hứa với một đứa bé hỉ mũi chưa sạch, cũng là một sự bội tín vô cùng to tát, không thể quên được. Một sự bội tín còn lớn hơn chuyện người ta nuốt lời, vi phạm Hiệp Định Paris, xua quân đánh cướp miền Nam năm nẳm!
Chờ má đi chợ về thì òa lên khóc. Má tôi nửa đùa nửa thiệt:
– Mày là thằng lục lăng phá phách hỏng ai chịu nổi! Cho mày theo, lỡ mày chạy lung tung beng, đạp bể bánh tráng người ta, tiền đâu tao đền!?
Đang khóc, nghe bà già nói vậy cũng tức cười! Tui theo má đi chợ hoài, có thấy ai để bánh tráng dưới lề đường bán hồi nào đâu? Dù có, nó cũng rẻ mạt, làm gì má tui không đền nổi cái bánh tráng? Lại gạt con nít, hay chọc cười cho thằng nhỏ quên buồn! Thấy thương má quá!
Có khi má tôi dùng những lời giải thích nghe có vẻ rất hợp lý, và rất chân thành:
– Tao thấy mày ngủ mê như chết, kêu thức dậy tội nghiệp! Đêm khuya trời lạnh, cho mày theo, bịnh chết! Tao thấy trời chuyển mưa, nên sợ mày đi theo bị ướt,…
Tất cả những lời má tôi giải thích, dù chơi, dù thiệt, đều không bao giờ thoả mãn, và sự ấm ức không bao giờ được xoa dịu. Nếu biểu tui thức sáng đêm để chờ đi chợ, tui cũng thức! Nếu biểu ở trần đi chợ, tui cũng không sợ lạnh. Nếu biểu dầm mưa cả buổi từ nhà tới chợ, tui cũng không ngán! Không cần tội nghiệp. Không sợ bịnh chết. Không sợ bị ướt chết. Cái gì cũng không sợ! Được đi chợ, chuyện gì tui cũng dám hết! Ham đi chợ tới vậy. Bị gạt, không ấm ức sao được? Cho nên, cho dù đó là những lời giải thích chân thành, từ tấm lòng của một người mẹ thương con, chớ không phải lấp liếm cho qua, kiểu cán bộ giải thích với dân oan ba miền, thì thằng nhỏ vẫn ấm ức. Ấm ức cho tới chết!
Viết tới đây, lại nghĩ tới con mẹ điêu ngoa nào đó, chuyên hứa lèo, chuyên gạt người, bị người ta lấy dép liệng vô mặt, mà không nhịn được cười! Cô kia nội công và chiêu thức còn quá kém. Chắc hồi nhỏ không từng chơi trò dùng dép tạt lon, cho nên ném dở ẹc! Tui mà ném thì mười cái trúng đủ mười. Nội công bọn lục lăng tụi tui cũng vô cùng thâm hậu, cho nên cái lon chỉ tạt một lát là móp méo không còn hình dạng! Gặp tay bọn tui thì con mẹ kia không gẩy răng cũng dập mũi! Lạc đề rồi! Thôi U turn!
Tội nghiệp má tôi quê mùa, một chữ nhứt một cũng không biết viết. Má tôi vô phước, chưa từng được cắp sách đến trường một ngày nào cả. Má tôi làm sao biết cách dạy con cho đúng sách vở, đúng phương pháp giáo dục. Cách dạy của dân quê nói chung, của má tui nói riêng, tui thấy toàn “phản giáo dục” hết.
Cũng may, tui bỏ quê ra thành, được cha má tui cho ăn học tới nơi tới chốn, và rất may mắn được sống ở Mỹ, một xứ sở văn minh tiến bộ bậc nhất thế giới, cho nên mới biết được những thứ rất “phản giáo dục” đó. Tui dạy con cháu hoàn toàn không theo cách của cha má mình.
Gạt con nít làm nó mất niềm tin nơi người lớn và mọi người xung quanh. Gạt miết, nó coi chuyện gạt là bình thường, là một loại “văn hoá”. Nó sẽ gạt, và sống bằng lừa gạt! Tai hại biết chừng nào!
Tôi nhắc chuyện này không phải để trách má tôi. Giận và trách không còn nữa khi tôi có đủ trí khôn để phân định phải trái. Nhưng nhớ, thì vẫn nhớ. Có nghĩa là có những thứ một khi đã ghi khắc vào tâm trí con nít, thì nó là vĩnh viễn. Thời gian không làm gì được!
Dạy con nít không hề dễ, không bao giờ là chuyện tuỳ hứng. Học ăn, học nói, học gói, học mở. Cái gì cũng phải học mới biết. Nhưng tại sao người ta lại coi thường chuyện học cách dạy con cái? Nhìn bọn trẻ trong một gia đình thì biết giáo dục của bậc làm cha mẹ. Nhìn một thế hệ của một dân tộc, thì biết nền giáo dục của đất nước đó!
Trở lại chuyện chính, cái vỉ trứng.
Ra đến xe, chất đồ vô xe, con gái mới khám phá ra còn vỉ trứng để bên dưới xe đẩy. Vì không thấy, nên đã không kéo ngang máy để trả tiền.
Làm sao giờ?
– Tự nhiên, tỉnh bơ, chất đồ lên xe rồi về, chả sao cả, vì chỉ có mình biết và trời biết.
– Mình đâu có cố tình ăn gian đâu mà có tội!
– Siêu thị nó giàu vậy, thất thoát một vỉ trứng vài đô la, chết chóc gì nó!
– Đang gấp về cho mấy đứa nhỏ đi công viên, hơi đâu quay lại trả tiền!…
Ôi thôi có rất nhiều lý do để làm người xấu! Người xấu luôn tìm ra lý do để chuyện xấu bớt xấu, hay không còn xấu nữa, thậm chí biến chuyện xấu thành ra tốt luôn!
Không! Con gái biểu ba và hai đứa con đợi. Nó quày quả quay trở lại siêu thị để trả tiền cho người ta. Tốn thêm 10 phút, nhưng lòng thanh thản, nhẹ nhàng. Chắc chắn nhân viên trong siêu thị nhìn con gái bằng ánh mắt nể phục, và cảm tình hơn với người Á Đông, vốn mang nhiều tai tiếng mánh mung, gian xảo.
Với tôi, con gái hành xử rất đúng, rất đáng khâm phục. Tôi hãnh diện có một đứa con hiền lành, tốt bụng, và ngay thẳng như vậy.
Ngày đến Mỹ, cháu chưa đầy bốn tuổi. Ngoài cách dạy con của chúng tôi, con gái tôi hoàn toàn hấp thụ nền giáo dục Mỹ 100%, từ Kindergarten (Mẫu giáo) đến Doctor degree (Tiến sĩ). Hơn nữa, con nhà có đạo, vừa đi lễ nhà thờ ra đã gian dối, thì giữ đạo làm chi? Hai đứa cháu, một đứa 11, một đứa 9 tuổi, hàng tuần theo mẹ và ông ngoại đi lễ nhà thờ, hàng ngày nghe mẹ dạy làm người tốt, chúng nghĩ gì nếu thấy mẹ chúng ăn gian vài đồng từ vỉ trứng chưa trả tiền?
Ngàn lời dạy không bằng một tấm gương tốt.
Người tốt cũng không phải từ trời rơi xuống. Nó được đào tạo từ một môi trường giáo dục tốt, cụ thể nhất là từ gia đình, từ nhà trường, và từ xã hội.
Nhắc tới giáo dục, làm tôi liên tưởng đến chuyện giáo dục ở VN. Tôi rất ghét và khinh khi bọn đĩ bút, bọn điếm chữ, bọn nâng bi kiếm sống, tối ngày nguỵ biện bằng một lý lẽ rừng rú, kiểu tam đoạn luận, để bênh vực bọn cường hào ác bá, và nhất là để lừa người dân nhẹ dạ. Lý luận của họ đại loại:
– Người dân gian manh.
– Nhà nước từ dân mà ra.
– Vậy nhà nước gian manh là do dân!
Theo lý luận của bọn này, tất cả những thứ tồi tệ của đám quan chức là lỗi của dân, chớ chánh phủ hoàn toàn không có lỗi.
Chính vì cái lối suy nghĩ rừng rú như vậy, cho nên mới có chuyện toà xử phạt những kẻ đưa tiền hối lộ, chớ không xử tội thằng nhận hối lộ!
Giáo dục từ đâu ra? Đương nhiên là từ chính phủ. Họ được trả lương bằng tiền thuế của dân. Bổn phận của họ là tạo ra phương pháp giáo dục, cũng như mọi phương tiện để giáo dục cho công dân của mình. Giáo dục từ bé. Giáo dục trong học đường. Giáo dục ngoài xã hội thông qua luật pháp công minh, nghiêm khắt,…
“Nhân chi sơ, tính bổn thiện”, không dám đâu! Tính bổn ác thì có! Dân Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Nhựt, Singapore,…. nếu đất nước họ không có một nền giáo dục tốt, thì họ làm sao tốt được vậy? Họ được gia đình dạy chi li từ lúc mới bỏ tã. Họ được thày cô ở học đường dạy dỗ từng li từng tí. Họ có một nền luật pháp nghiêm minh từ chính phủ.
Nền giáo dục nhân bản, văn minh, là vô giá! Nó không tự trên trời rơi xuống. Chắc chắn một trăm phần trăm người tốt cũng không phải do “nhân chi sơ tính bổn thiện”, mà do giáo dục.
Một vỉ trứng đáng giá chỉ vài đồng, nhưng cách hành xử thì vô giá!
Peter Chánh Trần