VÌ SAO GỌI LÀ TRÁI “SẦU RIÊNG” (Hồ Như)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Thỉnh thoảng chắc cũng cần nhắc để nhớ, đôi điều người xưa đã mô tả về cỏ cây, con người… mà thời hiện đại lúc này con trẻ có lúc hỏi, cha mẹ cũng phải lắc đầu. Thế giới sống của người Việt từ xưa đơn giản và chân chất, nhưng các câu chuyện lý giải về mọi thứ chung quanh luôn thú vị để tìm về.

Như trái “sầu riêng” chẳng hạn, vì sao có cái tên lãng mạn đến vậy?

Chuyện xưa kể rằng, hồi ấy, vào thời Tây Sơn, tại vùng Đồng Nai có một chàng trai văn võ kiêm toàn. Trước cuộc khởi nghĩa của Tây Sơn, chàng đã vung gươm hưởng ứng và mấy lần cầm quân khiến bọn tớ thầy chúa Nguyễn vô cùng khiếp sợ.

Hết thời Tây Sơn, chẳng lui về quê nhà mượn nghề dạy trẻ để náu mình ẩn tích. Bỗng có tin dữ loan truyền làm mọi người xao xuyến. Gia Long trở lại ngôi vua thì cũng bắt đẩu giết hại những người đã từng theo Tây Sơn.

Triều đình Gia Long dựa vào chức tước lớn hay nhỏ mà gia hình: tư mã, quận công thì lăng trì, tùng xẻo; vệ uý, phân xuất thì đánh gậy, phạt roi…

Dân trong xóm sẵn lòng quý mến khuyên chàng trốn đi thiệt xa. Họ giúp tiền gạo và mọi thứ cần dùng trong đó có một chiếc thuyền nhỏ có mui lồng để tiện đi lại.

Và không muốn để rơi vào tay quân địch, chàng đã ra đi. Mượn dòng sông Cửu Long, chàng tiến sâu vào phía nam đất nước.

Một hôm, chàng cắm sào đặt ghe, lên bờ mua sắm thức ăn. Bước vào một cái quán bên đường, chàng thấy có một bà già ngồi ủ rũ bên cạnh một cô gái nằm mê man bất tỉnh. Đó là hai mẹ con đi dâng hương trên núi về đến đây thì con bệnh nặng. Vốn có biệt tài về nghề thuốc, chàng ra sức cứu chữa, cuối cùng đã giúp cô gái hồi phục được sức khoẻ. Và sẵn thuyền chàng đưa họ về tận nhà.

Nàng là gái chưa chồng, đã đến tuổi quay xa đạp cửi, lại có vẻ đẹp thùy mị, đã làm xao xuyến chàng trai ở tận nơi xa đến ngụ tại nhà nàng.

Sau một tuần chay tạ ơn Trời Phật, mẹ nàng cho biết là Phật báo mộng cho hai người lấy nhau. Chàng vui vẻ nhận lời và bắt đầu cuộc sống mới ở nơi đất khách quê người. Từ đây chàng có chỗ ở nhứt định. Nhà nàng làm ruộng, nuôi tằm. Những việc đó chàng làm được cả.

Mười năm trôi qua như một giấc mộng. Hai vợ chồng quấn quít bên nhau tựa đôi chim câu. Trong vườn nhà vợ, chàng trồng thứ cây ăn trái gọi là cây “tu-rên” mà ở xứ sở chàng không có. Lần ấy gặp kỳ trái chín đầu mùa, vợ chàng hái xuống một trái, tách vỏ đưa cho chồng ăn. Trái “tu-rên” vốn có mùi vị đặc biệt. Thấy chồng nhăn mặt, người vợ nói:

– Anh cứ ăn sẽ biết nó đậm đà như lòng em đây.

Không ngờ, một năm kia, vợ chàng đi chùa dâng hương về bị cảm. Chàng cố công chạy chữa nhưng không sao cứu được. Cái chết chia rẽ vợ chồng chàng một cách đột ngột. Không thể nói hết cảnh tượng đau khổ của người chồng. Tình thương sâu sắc khiến chàng thấy như hồn vợ luôn ở bên mình và chàng hứa trọn đời sẽ không lấy ai nữa. Hai người vẫn thường gặp nhau trong mộng.

Sự truy nã và trả thù của Gia Long đã bớt, bà con ở quê nhắn tin bảo chàng về. Những người ở quê vợ cũng muốn chàng đi đâu đó ít lâu để giải khuây. Chàng đành từ giã quê hương thứ hai của mình. Trước ngày lên đường, vợ chàng báo mộng cho biết sẽ theo chàng đến sơn cùng thuỷ tận.

Năm ấy cây “tu-rên” chỉ có một trái. Và trái “tu-rên” đó tự nhiên rụng xuống giữa lúc chàng ra thăm cây kỷ niệm của vợ. Chàng mừng rỡ quyết đưa nó cùng mình về quê nhà.

Chàng trở lại với nghề cũ. Nhưng nỗi buồn nhớ vợ canh cánh không bao giờ nguôi. Chàng ươm hột cây “tu-rên” rồi đem trồng trong vườn, ngoài ngõ.

Từ đây ngoài việc dạy học, chàng còn có công việc lo chăm sóc cây quý. Những cây “tu-rên” của chàng ngày một lớn khoẻ. Lại thêm mười năm đã trôi qua. Chàng trai ngày xưa bây giờ tóc đã đốm bạc. Nhưng con người ấy trong lòng bỗng thấy như trẻ lại khi thấy những cây quý ấy bấy lâu mình chăm sóc nay đã bắt đầu đơm hoa kết trái. Ông sung sướng mời bà con lối xóm tới dự đám giỗ vợ và nhân đó thưởng thức một thứ trái lạ lần đầu tiên trong vùng này. Khi bưng những trái “tu-rên” đặt trên bàn, mọi người thấy mùi khó chịu.

Nhưng chủ nhà biết ý nói trước:

– Nó xấu xí, mùi vị chưa quen, nhưng những múi của nó lại đẹp đẽ thơm tho như mối tình đậm đà của đôi vợ chồng son trẻ…

Anh vừa nói vừa tách những trái “tu-rên” ra từng múi, rồi chia cho mọi người cùng nếm. Đoạn anh kể hết mối tình duyên xưa mà từ lúc về đến nay mà anh vẫn giấu kính trong lòng, Anh kể mãi, kể mãi. Khi kể xong, ở khóe mắt của con người chung tình ấy long lanh ở hai giọt lệ nhỏ đúng vào múi “tu-rên” đang cầm trên tay. Tự nhiên hai giọt nước mắt ấy sôi lên sùng sục trên múi “tu-rên” như vôi gặp nước và thấm vào múi như giọt nước thấm vào đất.

Sau đám giỗ ba ngày, người đàn ông ấy bỗng dưng không bệnh mà chết. Từ đấy mỗi lần dân làng ăn thứ trái đó đều nhớ đến người gây giống, nhớ đến người đàn ông chung tình. Họ gọi “tu-rên” bằng hai tiếng “sầu riêng” để ghi nhớ mối tình chung thuỷ của hai người. Người ta còn nói những cây sầu riêng nào hột có hai giọt nước mắt của người chồng nhỏ vào thì mới là sầu riêng chính giống và ngon.