Để tưởng nhớ TRẦN VĂN HÒA Hoa tiêu Chinook CH47 Phi đoàn 249 Cần Thơ, hy sinh 1974 ở Mộc Hoá.
Qua khỏi khu vực phi đạo, rẽ phải, là đường đi về phòng họp của các Phi đoàn, và của đơn vị tôi, Phi Đội Tản Thương 259H. Con đường chỉ dài chừng 500 thước sao thấy bải hoải, không muốn cất bước. Rời khu vĩ sắt, chân tôi giẫm lên bãi cỏ để tìm chút yên bình, căng thẳng quá bước chân khập khễnh trên nền phi đạo cứng cũng làm mình mỏi mệt. Trước mặt, bên kia đường là quán Hồng Điểu của Đại úy Út, tôi định bước qua tìm cái ghế ngồi, kiếm chút đồ ăn may ra dằn xuống được cái bụng đang trạo trực vì đói và cũng vì đang lắc lư với cảm giác bàng hoàng lúc ban chiều nhưng chợt nhớ là quán Hồng Điểu giờ này đâu còn gì ăn nữa, hoạ chăng là chỉ có trà đá nước chanh vì hầu như là quán chỉ bán đồ ăn sáng cho các phi hành đoàn ghé qua trước khi ra tàu. Thôi thì đành phải về phòng họp Phi Đội, ký vào Sổ phi lệnh đã rồi tính sau, thế là tôi cất bước chân nặng nề rời bãi cỏ, đưa cái túi helmet lên vai, chậm chạp hướng về Phòng họp.Trong bóng tối chập choạng, thấy có mấy người đi ngược chiều phía bên kia đuờng nên tôi nán giữ lề bên nay, định chờ họ qua khỏi để tránh cho họ khỏi phải ngửi thấy mùi mồ hôi, mùi thịt khét, máu me và bùn sình trên bộ áo bay của mình . Nhưng ngạc nhiên thay, họ bắt đầu băng qua đường, hướng thẳng về phía mình, níu kéo nhau, có tiếng kêu khóc văng vẳng, tôi không nghĩ là họ muốn gặp mình nên bước lần ra phía đường định băng qua bên kia thì có tiếng kêu: “Anh ơi… Anh ơi…” và đám đông tiến lại gần, một thiếu phụ trẻ trong bộ đồ mặc ở nhà, níu lấy áo tôi, giọng thất thanh , hụp hưởi :
“Anh ơi… anh ơi… anh đi bay về có gặp chồng tui không anh… chồng tui đó anh…”
Thì ra đây là một người thân của phi hành đoàn Chinook vừa mới rớt chiều nay, tôi không biết chồng chị là ai, mà cũng không dám hỏi, và ngay cả cũng không biết phi hành đoàn nầy gồm những ai , chỉ nghe nói có vị Phi đoàn trưởng mới về nhậm chức và hôm nay ông bay chuyến đầu tiên làm quen vùng, thường gọi là Orientation. Bây giờ trước mắt tôi, người thiếu phụ đau đớn hoảng loạn, đang bấu víu vào tôi như bấu víu vào một cái phao hy vọng nào đó, trông chờ phép lạ xảy ra, và những người đi theo chị chắc là thân nhân hoặc các anh chị ở kế cận trong cư xá, họ đi theo để khuyên lơn an ủi chị mà chắc cũng để tìm xem có thêm tin tức gì nữa về tai nạn hay không. Sau một thời gian làm pilot tản thương, đã chở biết bao nhiêu thương binh, tử sĩ, tôi chưa bao giờ lâm vào hoàn cảnh như hiện tại, những cha mẹ, vợ con họ người thì kêu gào than khóc, họ lăn lộn bên xác người thân, bên quan tài, người thì sững sờ, tê liệt, mắt ráo hoảnh như cứ nhìn vào hư không… nhưng chưa có ai bấu víu vào tôi như lúc nầy làm tôi rất lýnh quýnh, không dám nói thiệt mà cũng không biết nói láo ra sao, tôi biết mình không phải là cái phao của chị rồi, nhưng cũng không đành dứt áo bỏ đi.
Mấy người đi theo chắc họ tỉnh táo hơn nên tìm cách khuyên can, đại để là : “Anh nầy cũng mới đi bay về, có biết gì hơn mình đâu…thôi để vô Phi đoàn hỏi thăm nghen…” nhờ đó tôi mới nghĩ ra một câu nói láo rất vô duyên: “Dạ, tôi cũng không biết gì hơn mấy anh chị, tôi đi bay ở hướng nầy mà…” và tôi chỉ về hướng ngược lại với nơi xảy ra tai nạn.
Chị không nghe câu nói của tôi, mà chắc chị cũng không nghe ai nói gì chung quanh cả nên chị cứ tiếp tục lắp bắp:
“Anh ơi…anh ơi, họ tìm ra ảnh chưa anh, chồng tui đó anh, anh Hoà đó anh…”
Đến lượt tôi rụng rời tay chân, vì Hoà bạn tôi đang ở Phi đoàn Chinook nầy . Hoà đang là phi đội trưởng hay phi đội phó chi đó, và theo tôi đưọc biết từ trên tần số chiều nay thì tân Phi đoàn trưởng bay chung với một người trong “ staff ”, không ngờ lại là Hòa, vậy là Trần văn Hòa, bạn tôi, về từ Phi đoàn 229, bay chuyến đầu tiên với tân Phi đoàn trưởng, Thiếu tá Trung. Tôi bàng hoàng vì chiến trường lúc nầy không có gì hot lắm, vả lại Chinook cũng được xem là khá an toàn, pilot trực thăng mà lái Chinook thì xem như chữ thọ chắc hơn so với UH , vậy mà không những Chinook rớt mà người chết lại bạn mình nên tôi khá rúng động, không còn giữ được bình tĩnh, sáng suốt nữa, do đó khi chị hỏi tìm ra Hòa chưa thì tôi lúng túng: “ …hình như họ tìm thấy rồi”, chắc chị nghe được nên hỏi tới dồn dập: Tìm ra rồi hả anh, ảnh có sao không anh, chở ảnh về chưa, ảnh đâu rồi anh ….một loạt các câu hỏi mà tôi không dám trả lời, đành phải từ từ gỡ tay chị ra với sự giúp đỡ của những người đi theo rồi xách nón dọt lẹ qua bên kia đường. Quay lại thấy chị vẫn trì kéo đi tới, mấy người kia cố gắng giữ lại, kéo lui, để rồi tôi đau đớn thấy chị rủ xuống trong tay họ, miệng vẫn kêu nài, lắp bắp. Một bóng người khác đang đi tới, chắc là một người nữa trong phi hành đoàn của tôi, cũng bị níu lại hỏi han…
Trả lời với chị như thế nào bây giờ, khi cách đây chỉ mới 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi rời vùng thì xác của 2 phi công và ngay cả của cái cockpit vẫn chưa tìm ra. Trời đã tối và xác người vung vãi trên một diện tích quá lớn, đơn vị Bộ Binh phải ngưng công việc tìm kiếm tử thi và phi hành đoàn để lo bao vùng phòng thủ vì chắc chắn rằng Việt Cộng sẽ mò vô đêm nay lục lạo
**************
Trần văn Hòa, bóng hình như hiện ra trước mắt, chúng tôi gặp nhau rất thường, hắn lúc nào cũng vui vẻ, khoái chí vì 2 việc mà hắn mơ ước đều thành hiện thực, qua bay Chinook, và về vùng 4 Chiến thuật, sau này khi hắn đưa vợ con về Cần Thơ chúng tôi ít có dịp ăn uống, cà phê cà pháo với nhau nhưng cũng gặp thường ngoài phi đạo, trên đường ra check tàu mỗi sáng.
Ngày còn ở Pleiku, là vào thời gian Phi đoàn tân lập của chúng tôi đang vừa hành quân vừa huấn luyện, chiến trường cũng vẫn đang êm ả, bay bổng rất vui, chiều tối về còn ở lại Phòng hành quân Phi đoàn đấu láo vì đa số còn độc thân, chưa có xe đi, từ phi trường ra ngoài phố Pleiku rất xa, lên núi xuống đèo mấy lần, mà thiệt ra cũng không biết đi đâu nơi cái xứ phố núi đi năm phút đã về chốn cũ nầy.
Lúc đó Hòa đang được dợt để check out Hoa tiêu chánh hành quân nên hắn hơi lo, tuy vậy lúc nào cũng thổ lộ với tôi mơ ước chuyển qua bay Chinook, rồi xin về vùng 4. Hắn thường xuýt xoa: Đã lắm, mầy dzề dzùng 4 bay ê.ê..m lắm, hổng có núi non như dzầy đâu. Còn nhậu nhẹt… thôi…hết biết, tôm cua rùa rắn cua đinh cần đước, muốn con gì cũng có, gái Cần Thơ thì …chậc…chậc…hết xẩy, hết xẩy luôn, hổng có như ở đây đâu…lần nào nói chuyện hắn đều miên man “tán” về cái vùng 4 mà hắn mơ ước làm tôi nghe riết cũng bắt phát thèm, lúc đó chưa biết cái “ở đây” mà cũng chưa biết cái Cần Thơ ra sao nên còn rạo rực lắm, nghe hắn tán riết tôi cũng đâm ra có ý tưởng nơi thuyên chuyển kế tiếp sẽ là Cần Thơ, và rồi nhờ có số phận đưa đẩy, sau đó tôi và hắn đều chuyển về Cần Thơ. Trần văn Hoà được cho đi học bay Chinook như nguyện vọng, và chuyển về Phi đoàn 249 Mãnh Long, còn tôi rời Pleiku đầu 1974 sau 3 năm biên trấn, về Phi đoàn 217, hành quân khoảng nửa năm, được cho đi học lái Chinook, đang làm thủ tục xuất ngoại thì có lệnh hủy bỏ khóa học vì không có ngân khoản viện trợ , mà BTL/KQ thì không chịu đài thọ nên các SQ khoá sinh đuợc trả về đơn vị gốc, Phi đoàn 217 không muốn cưu mang tôi nữa nên chuyển qua Phi đội Tản thương 259H, và trở thành pilot “Dust-off” từ đó. Vì vậy tôi và Hòa tuy khác đơn vị, nhưng cùng ở chung một phi trường, đó là Căn Cứ 40 Chiến Thuật Không Quân, thường được gọi là phi trường Cần Thơ, vì ở gần thành phố Cần Thơ, để phân biệt với phi trường Bình Thủy, có phi đạo dài hơn cho L19, khu trục, A37 và là BTL của SĐ4KQ.
****************
Trở lại cái ngày định mệnh, đó là một phi vụ chuyển quân, mà lâu quá tôi đã quên tên đơn vị cũng như địa danh, chỉ nhớ vùng đó là khu Tứ giác Dinh điền Phước Xuyên, nằm giữa phía nam của Mộc Hóa và phía bắc của Cai Lậy, Định Tường, tình hình trong khu tứ giác sôi động nên số lượng quân trấn đóng chung quanh luôn được bổ sung đầy đủ và thường hoán chuyển để họ không bị căng thẳng, VC cũng hay quấy rối giữ chân quân ta hầu dễ dàng phá phách những chỗ khác, nơi đây ghi nhận có SA7, một loại hỏa tiễn tầm nhiệt cầm tay để chống phi cơ vì KQVN phải yểm trợ vùng nầy hằng ngày với máy bay đủ loại.
Hoạt động ở đây chúng tôi rất cẩn thận, vì bay thấp thì bị đạn súng cá nhân, tàu bị bắn thủng lỗ là chuyện thường, còn bay thì cao coi chừng SA7, hỏa tiễn tầm nhiệt. Như tên gọi, SA7 hoạt động theo nguyên tắc dò tìm hơi nóng thoát ra từ exhaust phi cơ, nhất là những động cơ phản lực nhiệt độ exhaust cao rất dễ cho SA7 định hướng, dù là vùng đồng bằng nhưng SA7 cũng không bắn ngang hoặc với góc độ thấp được vì vướng cây cối hoặc chướng ngại vật nên thường được bắn với góc độ phải từ trên 30, 45 độ, vừa khai hỏa và còn ở dưới cao độ 3000ft, hoả tiễn bay chậm để tự điều chỉnh hướng, đàng sau đuôi vẫn còn một vùng lửa màu da cam do đó nếu canh chừng kỹ lưỡng có thể thấy được để tránh né, còn khi đã lên cao vùng lửa đỏ không còn nữa và hoả tiễn cũng vụt lên tốc độ rất nhanh, đến giai đoạn nầy thì đã trễ. Đối với UH-1, SA7 cũng “ dễ trị”, biết mình bị bắn, liền cúp ga đưa engine xuống idle để giảm hơi nóng, cơ phi xạ thủ tung ra vài trái sáng tay (được trang bị nếu hoạt động trong vùng có SA7), pilot chúi đầu xuống giảm cao độ tức khắc và quẹo tàu lại 180 độ , hỏa tiễn sẽ đuổi theo hơi nóng của mấy trái hỏa châu và nổ ở đó, hoặc mất phương hướng, bay thẳng lên và nổ đâu đó trên cao luôn. Nguyên tắc tránh né là như vậy, và sẽ thoát nạn nếu thấy được sớm, không biết vị thế của cơ phi, xạ thủ và áp tải Chinook ngồi ra sao, còn trên UH1 họ ngồi nhìn xuống 2 bên nên việc quan sát không khó, vấn đề là khi tránh SA7 đảo xuống thấp thì sẽ đối đầu với những hỏa lực phòng không khác nữa, tránh vỏ dưa rồi sẽ gặp vỏ dừa.
Ngày hôm đó phi đội tôi hết ca nghỉ, một phi cơ ở Cần Thơ đưa những bạn xuống ca về Sài Gòn, đáp tàu ở W7, chúng tôi từ SG sẽ bay chiếc nầy về Cần Thơ để ngày mai bắt đầu 5 ngày làm việc. Cất cánh lúc 3 rưởi hay 4 giờ gì đó, sau khi rời tần số phi trường qua Kiểm báo Paris (Sài Gòn) báo cáo phi vụ, lộ trình… thì vài phút sau, khi vừa qua khỏi Long An, Paris gọi lại, bảo liên lạc với Paddy (Cần Thơ) trên cùng tần số, Paddy chuyển lệnh của Phòng Hành Quân Chiến Cuộc KĐ64CT:
“ Hồng Điểu ### bạn đáp phi trường Mộc Hóa, thả hết hành khách xuống đó, lên lạc với Tiểu khu Kiến Tường và ALO đang có mặt để nhận phi vụ tản thương khẩn cấp, giới chức ra lệnh là :….”
Chúng tôi nhìn nhau, phi vụ khẩn cấp là chuyện thường xảy ra, có thể bị điều động bất cứ giờ phút nào, nhưng lần nầy phải thả hành khách xuống một phi trường nhỏ và thỉnh thoảng bị pháo kích là việc khác, nhỡ có chuyện gì xảy ra thì rắc rối lắm, nhưng giới chức ra lệnh là KĐT ( hay Tư lệnh SĐ, tôi không còn nhớ) nên hẳn là việc quan trọng, thôi thì cứ đáp xem tình hình rồi tính sau. Dĩ nhiên là hành khách nghe tin có vẻ bất mãn lắm. Một anh càu nhàu: Đi Cần Thơ mà bỏ xuống Mộc Hoá là sao? Chúng tôi cũng đành lắc đầu.
Đáp Mộc Hóa, nghe tin dữ, một Chinook PĐ249 chuyển quân bị SA7 bắn rớt, PHĐ và nguyên một trung đội Bộ binh tử nạn, hiện đang điều động thêm phi cơ thả lính xuống bảo vệ khu vực rớt tàu và gom góp xác chết lại vì phi cơ nổ trên trời, xác văng tung tóe khắp nơi. Chúng tôi cũng bị chấn động vì sự thiệt hại lớn quá, không có lựa chọn bàn cãi gì nữa, tất cả hành khách, gồm phần lớn là nhân viên của Phi đội hết ca nghỉ, một vài anh bạn của đơn vị khác quá giang, kể cả vài người bạn Bộ binh, đều phải xuống tại phi trường, chúng tôi gỡ hết ghế để trống sàn tàu, rồi cất cánh lên vùng.
Giữ vòng bay phía bắc khu tứ giác, ở cao độ 1000ft để quan sát, một quang cảnh hãi hùng hiện ra, thân chiếc Chinook chỉ còn thấy được phần sau nám đen, rách te tua như bị xé, nằm không xa bờ kinh Ấp Bắc là mấy, chắc lộ trình của họ là bay dọc bờ kinh, nơi được xem là an toàn nhất, còn xác chết thì ôi thôi, nằm vương vãi khắp nơi, trên một diện tích quá lớn, dù đã được các sĩ quan Tiểu khu thuyết trình lúc nãy, chúng tôi vẫn thấy bàng hoàng vì cảnh tượng trước mắt, thật là thảm thương, như thế nầy, không ai có hy vọng sống sót.
Lực lượng lính vừa tăng cường lo gom xác lại, cả vùng nước ngập lúp xúp, cỏ năng cỏ lác mọc cao ngập đầu người, xác chết dễ thấy từ trên cao, nhưng càng xuống thấp càng khó thấy, nhiều chỗ nước sâu, xác nằm dập dình nửa trên nửa dưới đi sát bên cạnh đám cỏ rậm rạp chưa chắc đã nhìn thấy được, công việc của những người lính thu nhặt xác chết quả là gian nan, và chắc chắn là kéo dài, mà giờ đó trời đã về chiều, chỉ vài giờ nữa thôi mặt trời sẽ lặn, họ sẽ làm sao đây?
Những xác thu gom được, trong đó có người của phi hành đoàn, đã được xếp nằm trên bờ đê, nơi chúng tôi sẽ xuống bốc, mấy tiếng đồng hồ vừa qua, họ đã gom được khoảng trên 2,30 xác, và vẫn đang lùng xục trong đám “rừng” cỏ để tìm kiếm, hơn nữa, phần đầu phi cơ với 2 pilot vẫn chưa được tìm thấy nên công cuộc tìm kiếm chắc khó thể chấm dứt đêm nay.
Chúng tôi đáp xuống bờ đê, xác chết được tuần tự khiêng lên, nhìn gần mới thấy kinh hãi, tàu phát nổ nên nhiệt độ và áp suất quá lớn, phần lớn thi thể đều bị cháy đen, nứt nẻ, đa số cũng bị bể bụng, ruột gan lòng thòng ra ngoài, xác nào cũng ướt sũng máu và nước ruộng, nhiều xác bị sức ép mạnh quá bay mất quần áo, có xác chỉ còn lại chiếc dây nịt và dây thẻ bài. Một pilot tản thương đã nhìn thấy bao nhiêu xác chết mà tôi cũng còn thấy rúng động. Thật là thảm khốc. Thi thể một người trong PHĐ còn lại được một phần áo, trên tay vẫn còn phù hiệu SD4KQ, khuôn mặt ướt đẫm, đầu gục xuống vai, đằng sau họ là cả đống ba lô bèo nhèo tơi tả, gia tài của những người lính, và xa hơn chút nữa là mớ vũ khí thu nhặt lại được. Xác chết lần lượt được chở về sân bay Mộc Hóa, từ đó có xe Hồng thập tự đưa về nhà xác lo phần việc kế tiếp. Sau mấy chuyến đầu đơn độc, chúng tôi được tăng cường thêm nhiều phi cơ nữa, nhưng lúc đó thì việc nhặt xác bị chậm lại , vì chỉ còn những xác chết rớt sâu bên trong khu vực, cần đổ thêm quân và Trực thăng võ trang để bảo vệ họ, và bảo vệ vùng phi cơ rớt để tiếp tục tìm phần đầu và 2 pilot của chiếc phi cơ xấu số.
Lúc chúng tôi rời vùng để về Cần Thơ, trời đã tối mịt, quay trở lại Mộc Hóa đón hành khách của mình theo lời hứa ban chiều thì không còn thấy ai nữa, họ đã theo những chiếc khác về hết rồi, nhìn lại tàu của mình, chở ai được nữa đây khi tàu không ghế, sàn tàu ướt sũng những máu, nước, bùn sình và hôi mùi khét lẹt, chúng tôi cũng không khá hơn gì con tàu, cũng dính đầy máu, nước, bùn sình và mùi thịt cháy khét lẹt trên quần áo, là những bộ đồ đẹp nhất để mặc những ngày về phép .
Trên đường bay về Cần Thơ, chúng tôi im lặng, thương cho số phận các bạn mặc dù chưa biết họ, ai cũng ngậm ngùi nghĩ đến chữ Phi hành đoàn: đơn giản, nhưng lại gắn bó, một tai nạn xảy ra là cả PHĐ đều theo nhau vĩnh biệt.
Dường như chưa đủ thấm thía, số phận lại éo le hơn nữa khi vài hôm sau, tôi lại lái một trong hai chiếc đưa xác PHĐ Chinook bị nạn về Tân Sơn Nhất. Vì là một Phi đoàn trưởng, Cố Trung tá Trung được đưa tiễn bằng một nghi lễ từ giã của Bộ chỉ huy Căn cứ 40 và các Sĩ quan đồng đẳng cấp, chúng tôi đưa tàu đến dưới chân Đài kiểm soát Không lưu chờ đợi, và rồi thì sau cùng, 2 chiếc UH-1 cất cánh đưa thi hài các tử sĩ vĩnh viễn lìa khỏi chiến trường để về nơi an nghỉ. Trong nắng mai, 2 chiếc phi cơ lần lượt vượt qua sông Hậu Giang, lấy cao độ, bỏ lại sau lưng thuyền ghe ngược xuôi dập dềnh trên sông nước, bến phà Cần Thơ vẫn lao xao chen chúc bóng người, đó chắc là hình ảnh mà Trần văn Hòa hằng mong ước được thấy như đã từng tâm sự. Nhìn lại xác bạn đàng sau, tôi nói với hắn lần cuối:
Hòa ơi, mầy mong về vùng lV, về được rồi sao không chịu ở mà lại bỏ đi …
cổ họng tôi nghèn nghẹn, mắt thấy cay cay.
Mây trắng vẫn lững lờ trôi, trời vùng 4 vẫn trong xanh, nắng vùng 4 vẫn rực rỡ. Hai chiếc phi cơ im lặng theo nhau. Không xa, hướng 10 giờ dưới thấp là Dinh điền Phước Xuyên, nơi trái SA7 hôm đó đã nổ.
*************
Hơn 30 năm sau, trong một lần mò mẫm trên internet, tôi tình cờ lọt vào một website liệt kê các phi cơ mà quân đội Mỹ đã xử dụng, trong danh mục phi cơ trực thăng Chinook, có giòng chữ vô tri như sau:
Chinook CH47A(?) sn19010 crashed MocHoa, Vietnam by SA7 12/12/74. 50 killed.
30 năm sau , tất cả chỉ còn có vậy. Hòa ơi.
Vĩnh Toàn