VỀ LA VANG VỚI NGÔ THẾ VINH (Phan Nhật Nam)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Một.

Elie Wiesel, nhà văn Do Thái được Huy Chương Tự Do của Tổng Thống Mỹ; Huy Chương Vàng Quốc Hội Mỹ, Bắc Đẩu Bội Tinh – Quân Đoàn Lê Dương Danh Dự Pháp Quốc, và Giải Nobel Hòa Bình 1986 bởi sự nghiệp to lớn qua những chức năng cao quý, Nhà Văn-Nhà Giáo Dục-Chứng Nhân. Elie Wiesle đã sống sót qua một thời đại hỗn loạn, thảm họa, ác độc hiện thực từ trước, sau Đệ Nhị Thế Chiến (1939-1945) với hàng chục triệu người tan thân trong lửa đạn từ các phe lâm chiến.. Đau thương điễn hình cụ thể là 6 Triệu người Do Thái, đồng bào của ông bị thảm sát bởi nhà Nước Phát Xít Đức dưới quyền lãnh đạo của Hitler (1921-1945). Sáu triệu người Do Thái không chỉ bị giết chết bởi lò hơi ngạt, thiêu cháy, bắn bỏ, chôn lấp (sống/chết)..nhưng bị hóa KHÔNG – Hũy diệt toàn diện và triệt để – Sáu triệu người Do Thái bị phủ nhận trước/sau khi chết! Elie Wiesel vĩ đại bởi đã nêu lên câu hỏi: Tại sao? Tại sao Người-Giết-Người ngang nhiên, chính thức, khôn khéo, tỉnh táo trước đồng thuận im lặng cả một thế giới nhân loại? Tại sao? IIse Kock, nữ giám thị nổi tiếng bạo dâm, quỷ dữ của Trại Tập Trung Buchenwald vẫn sống đời bình yên với hạnh phúc gia đình sau khi trại giải tán với thành tích 56, 545 người chết không ra dạng hình của một người chết!! Tại sao?

Hai.

Ngày đầu Tháng7, 1972.. Anh đang ở trên cây số 9 từ Quảng Trị kể đến, vùng Thôn Mai Đẳng, Xã Giáp Hậu, Quận Hải Lăng cảnh tượng trước mặt, chỉ có thể im lặng, chỉ có thể nghiến răng, bặm môi, dù răng vỡ, môi chảy máu tươi, tay luống cuống, mắt mờ nhạt, mũi phập phồng. Không biết gì khi thân thể đang sụp xuống, co quắp, luống cuốn trước cảnh tượng tàn khốc trước mặt. Trời ơi! Hình như có tiếng kêu mơ hồ dội ngược trong ngực, sâu cổ họng, nơi óc não, hay chỉ là ảo giác khi mất hết khả năng kiểm soát.. Anh không là người đang sống, vì sống là sống cùng với người sống, chia xẻ vui buồn, đau đớn lo âu với người sống. Nhưng bây giờ chung quanh, trước mặt chỉ còn một cảnh tượng, một vũng lầy – Chết. Phải. Chỉ Sự chết bao trùm vây chặt, che kín, chụp xuống..

Anh đã sống trong cảnh chết của trận Bình Giả Tháng 12, 1964, Đồng Xoài Tháng 11, 1965, và mới đây, tháng 4 năm 1972 nầy ở An Lộc với những ngôi mộ vô danh, mộ tập thể, những cái chết câm lặng đến độ cuối đau đớn kinh hoàng.. Người cha im lặng đi tìm từng bàn chân, cánh tay của năm đứa con vừa bị tan thây vì quả đạn đại pháo! Nhưng dẫu sao vẫn còn được một dạng người – Bên cạnh người chết vẫn có người sống. Ờ An Lộc dù sao cũng còn dạng Người. Nhưng nơi đây, Giáp Hậu, Mai Đẳng, Hải Lâm thì khác,  Sự Chết trên 9 cây số đường này là 9 cây số trời chết, đất chết, chết trên mỗi hạt cát, chết trên đầu ngọn lá, chết vương vãi từng mảnh thịt, chết từng cụm xương sống, đốt xương sườn, chết lăn lóc đầu lâu, chết rã rời từng bàn tay cong cong đen đúa…

Làm được gì bây giờ? Cảnh chết tập thể của người Do Thái ở các trại tập trung trong Thế Chiến thứ Hai gây nên bàng hoàng xúc động vì người chứng kiến thấy được”xác người”- Xác Con Người chồng chồng lớp lớp thứ tự, gọn ghẽ nguyên vẹn… Nhưng tại 9 cây số đường chết của Quảng Trị ở Việt Nam không thể dùng danh từ”xác chết” nữa, vì nơi đây chết tan nát, chết tung tóe, chết vỡ bùng… Chết quá cái chết. Không còn được”người chết” trên đoạn đường kinh khiếp của một chốn quê hương. Quảng Trị.

Đến La Vang thượng, anh xuống xe đi bộ vào La Vang Chính Tòa, nơi đơn vị bạn, Tiểu Đoàn 11 Dù đang chiếm giữ. Hai cây số đường đất giữa ruộng lúa xanh cỏ, anh đi như người sống sót độc nhất sau trận bão lửa đã đốt cháy hết loài người. Đường vắng, trời ủ giông, đất dưới chân mềm mềm theo mỗi bước đi, gió mát và không khí thênh thang. Ngồi xuống vệ đường bỏ tay xuống ao nước kỳ cọ từng ngón một – Anh muốn tẩy một phần sự chết bao quanh? Anh có cảm giác lạ: Là kẻ phạm tội. Tội được sống. Phải, anh có cảm giác như chính mình vừa giết người và giành quyền được sống. Chính bàn tay anh vừa tham dự vào cuộc tàn khốc, vô tâm kia. Anh muốn hỏi điều khắc nghiệt: TẠI SAO NGƯỜI GIẾT NGƯỜI? Tại sao Người -Giết-Người tỉnh táo, tàn nhẫn đến thế kia? Anh muốn hỏi, hỏi ngàn lần, hỏi vạn lần những kẻ mang danh hiệu bộ đội Miền Bắc, Quân Đội Nhân Dân. Nhân Dân để gọi những ai? Anh  muốn hỏi một triệu triệu lần với tiếng thét vô âm nổ bùng trong đầu khi ngồi giữa đồng trống:Ai Có Quyền Giết-Con Người?! Ai?!   

Đi vòng vòng ở sân Vương Cung Thánh Đường, nhìn dãy tượng Thiên Thần gãy đổ, tượng Đức Mẹ lổ chổ mảnh đạn, hàng dương liễu cháy xám… Cảnh sắc nơi chốn này là kỷ niệm năm 1967, trước Mậu Thân, nhưng bây giờ sau khi qua 9 cây số chết, lòng cứng, não trơ, anh đi xiêu vẹo ngã nghiêng trong bóng nắng và gió nồng ẫm… Đi qua ngôi nhà ngày trước buổi mùa Đông 1966, 67, anh và các bạn.. Võ Văn Thừa, Nguyễn Văn Hổ, Thuận Văn Chàng và anh Nguyễn Đình Bảo ngồi gác chân lên gốc cây thông, hả hê uống bia đá sau 15 ngày nằm sâu đầu Sông Thạch Hãn. Bây giờ những bạn xưa đã không còn, anh thì đang bị vây khốn trong một cảnh đời khốc hận! Làm gì bây giờ? Còn gác chuông của nhà ông Trùm họ đạo, anh nhớ căn nhà này có một cô gái trẻ, Hổ đã hỏi trêu cô ta một câu ngắn trước khi quân đi..  Hổ, Chàng, và Võ Văn Thừa chết đúng đêm Giao Thừa Mậu Thân, 1968 nơi làng Tri Bưu bên kia phía Đông Cổ Thành Quảng Trị. Cô gái bây giờ ở đâu, hay cũng đã chết tan thân trong một vùng lửa đạn? Bước qua gạch ngói của căn nhà đổ nát, anh đến gác chuông kéo sợi giây.. Hai quả chuông quá nặng, phải kéo bằng hai tay… Kính… coong… Tiếng chuông âm u vang động.. Vang vào trong núi không nhỉ? Nơi đây là bình nguyên trùng điệp và Trường Sơn bao vây nơi xa… Vắng vẻ quá! Anh nói thật lớn cho chính mình nghe. Chẳng biết nên làm gì? Giật dây chuông thêm một lần nữa…Kính..coong..coong.. vang.. La…Vang.. 

Ba.

25 Tháng 4, 2015, Thiếu Tướng Nguyễn Văn Côn, Tư Lệnh Binh Chủng Pháo Binh thừa ủy nhiệm Chủ Tịch Nước CHXHCNVN Trương Tấn Sang trao bằng chứng nhận danh hiệu Anh hùng Lực Lượng Vũ Trang Nhân Dân cho Trung Đoàn Pháo Binh 38 – Bông Lau.

Trung Đoàn Pháo Binh 38-Bông Lau là đơn vị dưới quyền chỉ huy của Đại Tá Nguyễn Quý Hải thuộc Quân Đội Nhân Dân nước VNDCCH có thủ đô Hà Nội đã lập nên kỳ tích tác xạ trúng mục tiêu: 1.841 người dân chạy loạn đếm đủ xác trên 9 cây số Đại Lộ Kinh Hoàng thuộc Xã Giáp Hậu, Quận Hải Lăng, Tỉnh Quảng Trị trong ngày 29/4/1972. 1,841 thuần là THƯỜNG DÂN. Lính VNCH không kể đến. 

Phan Nhật Nam

Viết lại,

Tháng 1/1968-7/1972-1/2019