Vào tháng Tư -1975 hai chữ “ đổi đời” đột ngột đến với nhiều số phận khác nhau, đúng như câu
“ Kẻ lên voi, người xuống chó”. Hàng trăm ngàn người dân miền Nam không chỉ phải “ xuống chó” theo nghĩa bóng mà bị đổi thật sự qua kiếp khác, kiếp “ vượn người“.
Khi thoát khỏi chốn rừng xanh, nơi ẩn náo không biết bao nhiêu trại cải tạo, bỗng chốc người ta được trở lại kiếp người, dù không hẵn đã là “ người tự do”. Người ta chỉ cảm thấy thật tự do khi thoát khỏi Việt Nam. Tự do đó rất đắt giá, vì phải đánh đổi bằng cả tài sản, sinh mệnh, luôn cả quê hương.
Nhưng có một người đã từ chối đến chốn Tự Do, nơi hàng trăm ngàn người đang mơ ước, vào thời điểm trên, để giử lại cho riêng mình một thành phố.
Để được sống cùng niềm vui, nỗi buồn và gửi nhịp thở thành phố đó ra chốn tự do.
Sau 1975, nhà văn Văn Quang đã bị đưa qua nhiều trại tù từ miền Nam tới miền Bắc trong khoảng thời gian dài hơn 12 năm. Sau khi ra tù, dù được bảo lãnh đi theo diện HO, ông đã từ chối, để ở lại Sài Gòn.
Giải thích lý do lựa chọn trên, ông đã nói :
“Cuộc sống “lên voi, xuống chó” quay quắt, nếu nhìn như một kẻ ngoài cuộc, nó sinh động hơn một sân khấu với đầy đủ bi hài kịch thú vị. Có quá nhiều đề tài mới lạ cho mình ghi nhận. Làm một nhân chứng sống có lẽ hay hơn. Và cũng vì sự “gặm nhấm” của tôi về “người bạn đồng minh” nên tôi quyết định ở lại.” (Gió O phỏng vấn nhà văn Văn Quang-2007)
Với cuộc đời viết văn gần 60 năm cầm bút, trong đó hơn 30 năm viết “chui” dưới chế độ XHCN, với hàng nghìn bài viết, hàng tháng, hàng tuần gửi đều đặn ra hải ngoại, trong các mục “Lẩm cẩm Sài Gòn Thiên Hạ sự “ hay “ Văn Quang viết từ Sàigòn” đã tạo nên tầm vóc
của “ Người ở lại Sài Gòn”.
Cuộc sống sau 75 được tô vẽ như một “Chân trời hồng cách mạng” từ từ sậm màu đỏ máu.
Giữa xã hội rực lửa một màu đỏ, màu tím bị kết tội là màu của “ tiểu tư sản”.
Trong hoàn cảnh như thế, còn ai dám nhắc chi đến “ Chân trời tím” cùng những ngày tháng cũ xa xưa trước 75.
“Anh yêu những chân trời tím. Màu tím của thắm thiết yêu đương. Của hai đứa chúng mình đi vào tình yêu, đi vào kỷ niệm. Anh sẽ đưa em tới đó. Anh sẽ sống bên em như màu tím và chân trời, nhưng anh biết không bao giờ, không bao giờ chúng ta tới đó…”
Ước mơ vừa chớm nở đã ẩn hiện mối tuyệt vọng não nề trong “Chân trời tím” phải chăng không chỉ là số phận của nhân vật trong truyện mà đã là định mệnh tàn khốc dành cho nhiều người Việt Nam sau 75, ly tan, chia lìa để trọn đời ôm muôn vàn thương nhớ khôn nguôi.
Qua bao năm tháng dù bị vùi dập, bị xóa nhòa trong xã hội mới, “ Chân trời tím” vẫn còn đó như một giấc mơ đẹp và buồn.
Sau cùng “ Chân trời tím” đã chính thức xuất hiện trở lại qua bản in vào năm 2006 của NXB Tiếng Quê Hương.
Giữa cảnh hỗn mang của một xã hội „dở dở ương ương tiến lên Xã hội chủ nghĩa“, ngòi bút của Tuổi trẻ, Tình yêu, Thân phận, Xã hội trước 75 đã chuyển ngoặc qua giai đoạn tàn khốc dữ dội . Xã hội bây giờ không còn chiến tranh nhưng có nhiều cảnh chém giết, tàn nhẫn hơn cả trên chiến trường, cùng nhiều chuyện “ khó tin nhưng có thật“ .
Chỉ đọc đề tựa vài bài phóng sự của ” Văn Quang viết từ Sài Gòn”, người ta đã thấy bộ mặt trăm chiều lầm than, khốn khó của “ hiện thực xã hội” hoàn toàn không có màu tím, có chăng chỉ một màu đen:
“… Xã hội đen, xã hội đỏ „, „Người nghèo phải chết „, „Một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại“, „Chỉ có người dân cười không nổi“, „Án bỏ túi áo” và “án bỏ túi quần”,“ Thuế nuôi vịt“ vv..
Giữa lúc nhiều ngòi bút lặng câm, bặt tiếng hay chỉ viết vu vơ những dòng thơ, văn “ ru mình, ru đời”, giữa thời buổi báo chí, văn nghệ bị kiểm soát, canh giữ khe khắt, nhà văn Văn Quang đã không ngần ngại cầm bút viết về các đề tài “ nhạy cảm”.
“Vâng, tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ nữa. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điếu gì xấu, không “phá hoại”… thì cứ lừng lững mà làm. “Danh chính ngôn thuận” và “đường ta ta cứ đi”. Cái gì có thật thì tôi viết. Không bới móc lung tung, không phao tin đồn nhảm. Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật đã và đang xảy ra.”
(Gió O phỏng vấn nhà văn Văn Quang-2007)“
Đánh dấu bước “ đổi đời” trong sự nghiệp cầm bút của ông là tác phẩm đồ sộ mang tên
“ Lên Đời” , thiên phóng sự về những ” đổi đời trên quê hương”, gồm 2 quyển sách, hơn ngàn trang giấy, với những cảnh “lên voi, xuống chó” tại Viêt Nam sau 75.
Qua đó nhà văn Văn Quang đã là nhân chứng sống, người quan sát, nhà văn với tấm lòng yêu đồng bào, yêu xã hội, yêu nơi chốn mình đang sống, đặc biệt là tình yêu dành cho thành phố Sài Gòn, đã được khắc ghi qua bút ký “ 60 năm Sài Gòn trong tôi”.
Trong những ngày tháng ở lại Sài Gòn, ông có niềm vui qua từng buổi gặp lại bạn bè hòa quyện với nỗi đau khi “Chỉ trong 7 ngày 3 người bạn ra đi”.
Tuổi đời như ít hơn so với những muộn phiền chồng chất khi phải nhìn cảnh SàiGòn đổi thay. Phải nhìn từng góc phố, con đường, chốn thân quen bị tàn phá, đập bỏ, để nhiều ngày không còn muốn bước chân ra đường.
Đọc những bài phóng sự về hiện trạng xã hội ở Việt Nam, với từng hình ảnh chắt chiu, tỉ mỉ minh họa đến từng chi tiết, nhiều người đọc không hề biết, đó là công sức của một người cầm bút đã bước qua tuổi 80.
Niềm an ủi của nhà văn Văn Quang hiện nay có lẽ là những buổi phát hình chương trình thể thao bóng đá, quần vợt. Ngoài hàng ngàn bài viết phóng sự diễn tả cuộc sống xã hội muôn chiều, ông còn có nhiều bài viết hiếm quý tường thuật sinh động, hào hứng, am hiểu về đá banh, gói ghém tình yêu bóng đá qua ngòi bút một nhà văn. Từ đó người ta cũng thấy ông không chỉ là một nhà văn mà thật sự là một phóng viên lão luyện trong làng báo chí Việt Nam. Dù ngòi bút như “ không có đất sống“ , không có lương, những thiên phóng sự của ông sau 75 sẽ sống mãi trong lòng hàng triệu độc giả „online“, trong mạng ảo với những cảnh thực của „hiện thực XHCN“.
Khi nghĩ về ông, về “ Anh Hai Bàn Cờ“, tôi thường nhớ đến “Ngã tư hoàng hôn”, tựa đề tác phẩm ông viết ngay sau khi thoát chốn lao tù và là một trong những quyển sách đầu tiên của Tủ sách Tiếng Quê Hương.
Qua “Ngã tư hoàng hôn” độc giả hẳn phải ngạc nhiên trước sức sống bừng dậy của ngòi bút tưởng phải cạn kiệt sau 12 năm bị giam hãm chốn tù đày.
Vẫn còn đó tình người vượt lên trên lòng hận thù, đưa chút ánh sáng hy vọng đến những cảnh đời bi đát .
Nhiều nhà văn lớn Miền Nam trước 75 như Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh… đã viết về xã hội đen, về những mảnh đời giang hồ, về kiếp “ ngựa hoang”, đôi khi quá tàn khốc, dữ dội như khắc câu “ hận đời đen bạc” lên những trang giấy.
Qua các tác phẩm của nhà Văn Quang, dù được viết trước 75 hay sau 75, tính nhân bản, thuần lương, lương tâm, lẽ phải… luôn có trên từng trang sách, để người ta có thể tiếp tục hy vọng, tiếp tục cất bước, dù thật phân vân, không biết đi về đâu, vì như đang đứng giữa “ Ngã tư hoàng hôn”.
Dương Hoàng Mai
Munich.
22.05.2015