VA LUNG TUNG VIẾT LINH TINH (Chu Mộng Long)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tục & Thiêng (tranh Picasso)

Một bạn đọc bài tôi đối thoại với nhà báo Nguyễn Thông về cái lon và thơ ca, hỏi tôi: Đồng ý cái lon không mắc tội giết thơ, nhưng nếu thơ mà phơi trần cái lon ra thì có còn là thơ không?
Hỏi khó và hay. Thơ chỉ là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn từ chỉ là ký hiệu, cái thay thế cho sự thật, tức chỉ là lớp vỏ giả tạo, thì có thể phơi trần được cái gì? Một âm hay một chữ viết, dù ký âm hay tượng hình, kể cả một chuỗi biểu đạt vô tận, cũng không thể phơi bày hết bí mật bên trong lẫn lông lá bên ngoài của sự vật. Sự thật rốt cuộc chỉ nằm trong tưởng tượng chứ không ký hiệu nào phơi trần ra được. Dưới dạng kí hiệu, anh tưởng tượng thế nào thì nó ra thế ấy. Tưởng tượng nó Thiêng thì thấy Thiêng, tưởng tượng nó Tục thì thấy Tục. Ngay cả khi Hồ Xuân Hương viết về cái hang đá: “Trời đất sinh ra đá một chòm/ Nứt làm hai mảnh hõm hòm hom”, anh tưởng tượng ra cái cội nguồn, tổ tông của anh thì nó Thiêng, còn anh tưởng tượng một thứ xác thịt để anh chiếm đoạt thì nó sẽ Tục.
Bản chất của kí hiệu – biểu tượng là gợi liên tưởng – nối kết tương đương của những dị biệt, từ đó đi đến sáng tạo ra cái mới – cái trừu tượng của tư duy chứ không phải trực quan từ cái cụ thể của tự nhiên. Tầm anh lớn thì anh tưởng tượng lớn, còn tầm anh nhỏ thì anh cũng chỉ hời hợt nhìn qua làn rêu hoặc xoi mói cái gì ẩn trong đám rêu mà không thấy hết tầm vóc của cái hang.
Vấn đề nằm ở quan niệm thẩm mỹ: Tục và Thiêng. Do đối lập cực đoan giữa Tục và Thiêng nên mới có chuyện người ta coi thơ là Thiêng, dẫn đến sự cực đoan khác, kẻ lấy Tục giải Thiêng, trong khi ngược lại, kẻ xem thơ là Thiêng thì ắt coi Tục như kẻ thù. Xem thơ là cái gì thiêng liêng sẽ không thuyết phục khi người ta dẫn ra vô thiên lủng thơ tục. Rất khó phủ nhận Tục không phải là thơ. Trong khi cái bị cho là Tục, cụ thể ở đây là cái lon, tự thân nó chứa đầy nghịch lý của thi ca: hữu hạn và vô hạn, đen tối và trong sáng, sinh và diệt, hạnh phúc lẫn khổ đau. Nó khởi phát như là nguồn cội đồng thời cũng là mục tiêu của cuộc sống. Chỉ một câu của nữ sĩ họ Hồ, đủ khái quát về lon: “Chành ra ba góc da còn thiếu/ Khép lại đôi bên thịt vẫn thừa”. Đạo trời trong Kinh Dịch luận từ Đạo ở cái lon. Cái lon chứa đựng mọi bí ẩn của càn khôn.
Nghe đến đấy, bạn lại hỏi: Nói như vậy khác nào cổ vũ loại thơ văng lon một cách tuỳ tiện, bừa bãi?
Lại là câu hỏi khó và cũng chạm đến sự thú vị nhất của vấn đề. Nhân loại, trừ thổ dân ở truồng, đã từng không cổ vũ mà cấm, thậm chí có lúc cấm ngặt. Có mấy lý do nhân loại cấm, không chỉ cấm thơ văng lon tuỳ tiện và cấm cả trong nói năng. Cấm kỵ là một hiện tượng tâm lý. Các cấm kỵ nói chung ban đầu đều sinh ra từ các phức cảm: đáng sợ và thích thú, ghét bỏ và yêu quý,… Loài người khi tri giác và trải nghiệm với cái lon đã nhận ra, chính cái lon đưa con người vào cực lạc lẫn mệt mỏi đớn đau, hưng phấn lẫn bệnh hoạn. Chính nó đặt con người vào ranh giới mong manh giữa sinh và diệt nên mới ra luật cấm, sau này gọi là cấm Tục, cấm Dục. Cấm ở đây không có nghĩa là vứt bỏ mà che đậy, nguỵ trang bằng nhiều hình thức. Về hiện thực, đó là cái lá vả, cái váy, cái quần bao bọc quanh nó. Về tưởng tượng, đó là những cái thay thế như hang đá, lá môn, con bướm, đoá hoa… Về ngôn ngữ, cái ký hiệu hay từ ngữ đầu tiên cũng không được phép nói ra, viết ra, phải nói né nói tránh. Nhiều người hiểu, có như vậy thì Tục mới thành Thanh hay Thiêng. Thực chất có làm cách nào thì cái lon vẫn là cái lon vốn được Thượng đế đặt ở trung tâm của một sinh thể, giống như cái lỗ đen ở trung tâm của dải Ngân hà. Nó đầy ám thị, day dứt loài người. Đó là trò chơi khôn ngoan, càng kín đáo, huyền bí, càng lôi cuốn, hấp dẫn và đầy kích thích. Và đấy mới là thơ. Lon thành thần sáng tạo ra thơ nhờ lon bị cấm. Nếu thơ mà phơi trần cái lon ra, tôi đảm bảo không còn là thơ nữa. Điều này cũng giống như bạn và tôi, tất cả đều phơi phần hết ra, ắt không còn gì để tưởng tượng và cũng chẳng còn gì để hứng thú và sáng tạo. Khi ấy, bạn chỉ thấy lon đáng sợ và đáng ghét bỏ.
Con người khi nhìn vào bất cứ sự vật, hiện tượng nào, các sự vật, hiện tượng ấy đều không còn đơn thuần là vật chất mà tồn tại dưới dạng tinh thần. Bạn thổi hồn vào cái mình thích thú và yêu quý, tự cái ấy sẽ mang tâm hồn của bạn, và sự hoà điệu sẽ diễn ra. Lon là nhục dục đồng thời là tinh thần, cho nên xấu thành đẹp và tục thành thiêng nếu bạn không xem nó là thuần tuý xác thịt và dùng nó như một công cụ.
Tóm gọn lại là, phàm là cái gì văng ra bừa bãi thì chỉ có thể là rác rưởi, dẫu đó là thánh thần chứ đừng nói là cái lon. Do bị cấm nên mỗi khi văng ra thấy sướng miệng chứ cho thả tự do thì chẳng ai muốn văng lon… như văng mạng. Với thơ, sau hàng ngàn năm cái lon (và những thứ tương tự) bị che đậy trong cái quần và nguỵ trang, trá hình sang hoa, bướm, bến đò, hang đá… cho nên khi có nhà thơ phơi ra thì nhiều người thích, nhưng theo tôi chỉ là cái thích nhất thời. Đơn giản thế này, một bạn gái nào đó dù xinh đẹp cỡ nào mà phơi lon suốt ngày cho mọi người ngắm, cái sự thích cũng chỉ diễn ra chóng vánh. Bạn có hiểu vì sao ngày xưa, khi thể hiện tình yêu với nửa khác của mình, người ta phải tắt đèn không? Bí quyết khôn ngoan để duy trì tình yêu vĩnh cửu đấy! Điều này cũng phân biệt rõ tình yêu của con người và nhục dục của động vật.
Chu Mộng Long