Huế, Phú Vân Lâu, ngày chiếm lại
Dựng cờ vàng ngạo nghễ khoảng trời xanh
Anh hy sinh, thân cờ in vết đạn
Em vá cờ, em vá mảnh giang san…
********************
Tôi chưa từng đọc thơ chị, cho dù lên google đánh đầy đủ tên họ chị cũng không thấy thơ chị xuất hiện, .Chỉ đến khi bập vào bài thơ này trong ngày gây quỹ yểm trợ cho các nhà dân chủ trong Quốc nội tại San Diego, lập tức tôi rơi vào trạng thái choáng váng, ngây ngất như người say sóng, đi không thật vững, bước không thật chân, cứ bập bềnh, thực ảo vì tứ thơ lan tỏa trong đầu. Chỉ bốn câu mà làm sống dậy cả không gian, thời gian, địa điểm và không khí khốc liệt của chiến dịch Mậu Thân 1968:
Huế, Phú Vân Lâu, ngày chiếm lại
Dựng cờ vàng ngạo nghễ khoảng trời xanh
Khi đó thế sự diễn ra ác liệt, ngay trong đêm 30 Tết, lợi dụng không khí đón xuân tưng bừng náo nhiệt, cũng là tin vào lệnh ngưng chiến nhân ngày Tết cổ truyền của toàn thể bà con và quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bộ đội Bắc Việt đã đột nhập vào đại nội Huế, đồng loạt bắn phá các mục tiêu rồi treo cờ máu lên… Suốt 25 ngày trong thế gò lì căng thẳng, tranh nhau từng ngôi nhà, mảnh đất, từng cây cầu, phố xá, chiều 24/2 Huế, Phú Vân Lâu được lấy lại. Một trung sĩ quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã làm một việc đầy ý nghĩa, báo hiệu sự chiến thắng, đó là dựng lại lá cờ vàng ba sọc đỏ thay cho cờ của cái gọi là Mặt Trận Dân Tộc Giải Phóng Miền Nam (hai nửa xanh và đỏ có sao vàng ở giữa). Bị Việt cộng bất ngờ pháo kích, anh lặng lẽ hy sinh, lá cờ do anh cầm cũng lập tức ngã theo, lỗ chỗ vết đạn. Vợ anh, sau nỗi đau khôn tả, vật vã khóc than vì thương chồng, thương thân, cố giấu niềm đau, nỗi uất nghẹn vào lòng, ngồi vá lại lá cờ bị thủng, rách, gửi thương nhớ theo từng mũi chỉ, đường kim.
Bài thơ dung dị nhưng có điểm tỏa sáng ở mỗi câu chữ, thấp thoáng nỗi xót xa chuyện đời, chuyện tình của người góa phụ mất chồng, nhưng không mất niềm tin với vận mệnh dân tộc thông qua việc vá cờ.
Chỉ bằng bốn câu thơ minh họa cho bức tranh của nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh, song bài thơ đã được mọi người chú ý, vì những câu thơ giàu biểu tượng, có sức khái quát cao, dễ găm sâu vào lòng người đọc, người nghe, người xem những tình cảm ngậm ngùi, trân trọng, cao quý, thiêng liêng. Hình ảnh ngạo nghễ của lá cờ giữa khoảng trời xanh quê hương, khi khói lửa chưa tàn, đã in đậm trong trí óc người xem nhờ chiều sâu tâm huyết của tâm hồn tác giả. Trong khúc ngoặt của lịch sử, cũng là trước bờ vực của sự tồn vong, trước máu xương của 44 nghìn bà con đã đổ trong đại nội Huế, chị lặng lẽ viết hai câu kết:
Anh hy sinh, thân cờ in vết đạn
Em vá cờ, em vá mảnh giang san…
Bài thơ nhờ thế đã neo đậu trong bến bờ tâm cảm của người đọc mà không phải bất cứ người làm thơ nào cũng may mắn có được. Tuy chẳng có phép thuật gì khi gieo vần, chọn chữ, tìm ý tứ, hình ảnh, chi tiết nhưng nhờ bức ảnh sống động, những câu thơ bỗng lung linh lạ thường, như thể tâm hồn chị đã đạt đến sự xúc cảm mãnh liệt, một tâm hồn thực sự nhạy cảm, non tơ, biết rung động mạnh mẽ trước hình ảnh sống động thiêng thiêng là vá lại lá cờ của Tổ Quốc, vốn có từ thời Bà Triệu ( năm Mậu Thìn 248 ). Gần hai nghìn năm trước, hình ảnh Bà Triệu: “Đầu voi phất ngọn cờ vàng” thì cũng gần hai nghìn năm sau, hình ảnh người lính Việt Nam Cộng Hòa: “Dựng cờ vàng ngạo nghễ khoảng trời xanh”. Tuy là hai động tác khác nhau: “Dựng” và “Phất” nhưng khí phách hiên ngang, oai hùng là sự kế thừa, tiếp nối từ ngàn xưa đến mai sau. Máu anh hùng đã đổ, Bà Triệu tuẫn tiết trên núi Tùng (xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) còn anh trung sĩ ngã xuống ngay dưới chân cột cờ (Huế), nhưng sắc cờ vàng ba sọc đỏ, biểu tượng của lòng yêu nước của cả dân tộc Việt Nam thì còn tồn tại mãi mãi.
Người góa phụ vá cờ, song trong con mắt nhà thơ, hình ảnh ấy còn mang một sự so sánh, liên tưởng rộng hơn: “Vá mảnh giang san” bởi giang san khi ấy đang chan chứa đôi hàng lệ. Không những bị ngăn cách bởi vĩ tuyến 17 ngày và đêm, trên nhịp cầu Hiền Lương, nơi bờ sông Bến Hải, mà còn cả nỗi đau xác thực là hàng chục hố chôn tập thể của đồng bào bị Việt Cộng tàn sát pháo kích, qua lời kêu gọi hiếu chiến, hiếu sát của tội đồ Hồ Chí Minh, đến nỗi cả triệu triệu nén hương thắp lên trong đêm cùng gục đầu thổn thức:
Xuân này thê thảm lắm xuân ơi
Máu đổ, xương tan khắp mọi nhà
Dân chúng thay nhau vùi thân xác
Tang thương tràn ngập Huế của ta
Bài thơ là một tổng thể hoàn chỉnh, mỗi câu thơ là một sự khai triển, kết nối và bung tỏa, làm lay động trái tim người nghệ sĩ (nhiếp ảnh gia Nguyễn Ngọc Hạnh) cùng cả nghìn, vạn, triệu con tim người xem tranh. Điều tác giả muốn làm rõ ngoài nội dung bức ảnh còn là một thông điệp khẩn đến thế hệ mai sau: Đường đến độc lập, tự do đầy máu và nước mắt, nhưng hạnh phúc mai sau đã bắt đầu từ trong chính việc làm dung dị mà cao cả, thiêng liêng này.
Thời nào cũng vậy, thơ muốn bay cao, muốn có tầm vóc thì phải có đôi cánh tư tưởng đập nhịp nhàng với luồng gió thời đại. Chính vì đạt tới điều này mà bài thơ có sức lan tỏa sâu rộng trong lòng bạn đọc, dù bất kỳ đối tượng nào… Chỉ cần bập vào bốn câu thơ của chị đề trang trọng dưới bức tranh thiêng là có thể nhớ ngay được, để lúc vui, lúc buồn có dịp ngâm ngợi, lẩm nhẩm đọc lại, vừa để gửi gắm tâm hồn mình, vừa để giãi bày nỗi lòng, tình cảm với tác giả bài thơ về một thời hào hùng, lửa cháy, có đau thương uất hận, có chiến thắng oai hùng
Nhờ bức ảnh sống động, thơ của chị có sức vượt thời gian, cũng như nhờ những câu thơ dung dị, lung linh huyền ảo mà bức ảnh sống mãi trong lòng người Việt Hải Ngoại. Giữa người chụp ảnh và người làm thơ có sự hài hòa, bổ xung, nâng cao nhau trong cuộc sống cũng như trong nghệ thuật. Cả hai đã đem tới cho người xem, người đọc một khát vọng giải phóng dân tộc từ bầu máu nóng của người trung sĩ đã ngã xuống năm nào…
Gia tài anh để lại là trái tim không tắt trên nền cờ Tổ Quốc, cũng chính là lá cờ đã bọc thi hài anh, được người vợ nâng niu vá lại để chờ ngày rửa nhục cho nhà, rửa hờn cho nước, trùm tự do, dân chủ, độc lập xuống ba miền, khi chế độ cộng sản hoàn toàn sụp đổ.
TKTT