Năm 1992 gia đình tôi tới Mỹ, một quốc gia tự do và nhân đạo, với 13 nhân khẩu. Không ngờ, vốn chỉ là một ca sĩ tài tử và đã bị chính quyền Cộng Sản giam cầm và cấm hát suốt 17 năm, tôi vẫn được một trung tâm ca nhạc tiếng tăm mời sang Paris tổ chức một buổi hội ngộ với thính giả và thu những băng nhạc nghệ thuật.
Các thính giả đã vào cả hậu trường chào mừng tôi, buồn vui, mừng tủi. Tôi chỉ còn nhớ, và nhớ mãi một câu chào, như mâu thuẫn và thật lòng : ‘Bác (hay chú) chẳng thay đổi gì cả, chỉ già đi nhiều thôi.’
Ồ ! Tôi đã già đi ! Chắc chắn rồi nhưng tôi đã không có thì giờ nghĩ đến. Làm sao có thì giờ nghĩ đến khi không biết ngày nào hết cảnh lao tù để về chung sức với vợ nuôi nấng 6 đứa con, 5 đứa cháu và một mẹ già đau yếu , nhất là nỗi đau mất 3 đứa con và 7 đứa cháu trên biển cả , nỗi đau quá lớn khiến mẹ đã té ngã và trở thành phế nhân với nửa người bất động.
Trong đời sống của mỗi con người, ai cũng có 3 giai đoạn : tuổi thơ, tuổi thanh xuân và tuổi già , riêng tôi tuổi thơ hầu như không có , cha mẹ mất sớm, bị những người lớn tuổi trong đại gia đình hành hạ ; năm 12 tuổi tôi đã bỏ đi sống một mình.
Tôi còn nhớ, hồi đó ở vùng kháng chiến Việt Bắc tôi thi vào trường Sư Phạm; với học bổng 18 kg gạo, 180 đồng tiền thức ăn, và 1 chai dầu dùng để thắp đèn học đêm. Nghỉ hè, trường không phát học bổng, tôi phải đi hái trà và đạp trà thuê , cuối ngày lãnh tiền đủ đong được chút gạo, hái rau rừng làm thức ăn. Với đủ mọi hình thức kiếm tiền lương thiện, tôi đã phấn đấu học hành, làm việc với châm ngôn do mình đặt ra: không hận thù những người đã hành hạ mình và phải cố gắng học cho thành tài. Cả hai châm ngôn này, tôi đã thực hiện đầy đủ và chân thành. Bỏ vùng Việt Bắc, trở về Hà Nội rồi di cư vào Nam, tôi đã cố gắng hoàn tất việc học, trở thành Luật Sư đồng thời lập gia đình năm 1961.
Ngẫm nghĩ lại, tuổi thơ không có, tuổi thanh xuân cũng không được bao nhiêu. Sau khi gia nhập Luật Sư Đoàn được 2 năm và lập gia đình được hơn 1 năm, vào năm 1962 tôi được gọi nhập ngũ. Dĩ nhiên, phục vụ đất nước trong thời chiến tranh là nghĩa vụ thiêng liêng của con dân một nước. Nhưng rời bỏ gia đình, bỏ lại vợ và con thơ để làm nghĩa vụ người trai trong 13 năm rưỡi rồi tiếp theo là 11 năm tù đày trong các trại tù Cộng Sản ; thì hỡi ôi tuổi thanh xuân của tôi đã mất hút tự bao giờ mà tôi cũng không còn nhớ được nữa.
Năm 1992 tôi tới Mỹ với một tấm thân tàn vì bệnh hoạn, đói khổ và tù đày. Nếu không nhờ nền y tế tối tân và siêu việt của quốc gia này, tôi không còn sống tới ngày hôm nay. Từ bệnh cao huyết áp, tiểu đường, nghẽn mạch máu tim, cao mỡ v.v.., tôi đã phải vào bệnh viện 5 lần, thông tim 4 lần, stroke nhẹ 2 lần. Tôi phải liên tục dùng thuốc trong mười mấy năm nay, tốn kém của nhà nước bao nhiêu tiền của. Tôi đã cố gắng tập thể dục, ăn uống kiêng cữ, và nhất là tìm một môn luyện tập thân thể theo phương pháp đông phương thích hợp với tuổi già.
Ra tù và sang đến Mỹ thì tôi đã ở vào tuổi 56. Các thính giả có bảo là già đi nhiều thì cũng phải thôi. Tiếp tục vật lộn với đời sống để nuôi gia đình nên mối ưu tư về tuổi già, về những chăm sóc cho tuổi già được sống hợp lý, tốt đẹp cũng không phải là điều dễ dàng. André Maurois đã viết : ‘Năm, sáu chục năm trời nếm trải những thành công và thất bại, hỏi ai còn có thể giữ được nguyên vẹn những điểm sung mãn thời trẻ ? Đi vào hoàng hôn của cuộc đời như đi vào vùng ánh sáng đã điều hòa, ít chói chang hơn, mắt khỏi bị lóa bởi những màu sắc rực rỡ của bao ham muốn. Và như vậy già là một tất yếu của vòng đời, một chuyện đương nhiên khi người ta tính tuổi, cớ sao phải lảng tránh ? Có trẻ thì có già, đó là nhịp điệu của vũ trụ, đâu cần phải khổ đau vì già ? Trái lại, phải làm sao để có một tuổi già hạnh phúc.