Bản đồ Vũ Hán tam trấn do người Nhật vẽ năm 1930 (ảnh: Wikimedia Commons).
Là thành phố đông dân nhất miền trung Trung Quốc, có vị trí then chốt ở ngã ba sông Dương Tử và sông Hán – thủ phủ Hồ Bắc còn được mệnh danh là “Chicago” của phương Đông” với nền kinh tế phát triển rực rỡ, đồng thời lưu giữ nhiều giá trị văn hóa – lịch sử Trung Quốc. Đặc biệt hơn, đây còn là nơi có tuyệt cảnh Hoàng Hạc Lâu, từng đi vào văn chương nghệ thuật bao thế hệ.
Nằm ở ngã ba sông, với tam trấn Vũ Xương, Hán Khẩu, Hán Dương tạo thành thế chân vạc, Vũ Hán còn có tên gọi Giang Thành. Với hệ thống vận tải đường thủy phát triển, sản vật phong phú, đây là một trong những cái nôi cơ sở cho sự phát triển của văn hóa Trung Hoa, cũng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa quan trọng của miền trung Trung Quốc.
Vũ Hán còn được gọi “Cửu tỉnh thông cù” nghĩa là đại lộ thông thương với 9 tỉnh. Hán Thủy, nhánh sông lớn nhất của sông Trường Giang, chia Vũ Hán Thành ba vùng Vũ Xương, Hán Dương, Hán Khẩu, trong lịch sử được gọi là “Vũ Hán tam trấn”.
Với nền văn hóa lịch sử lâu đời, nơi đây có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hoàng Hạc Lâu, núi Mộc Lan… Trải qua hàng nghìn năm thăng trầm và thay đổi, nơi đây ẩn chứa lịch sử văn hóa sâu sắc, giống như một bản sao của cuốn sách sử với những âm vị lâu dài.
Giang Thành ngũ nguyệt lạc mai hoa
Ngoài tên gọi hành chính, rất nhiều thành phố ở Trung Quốc còn có những mĩ danh khác, ví dụ Bắc Kinh được gọi là Kinh Thành, Quảng Châu được gọi là Dương Thành, Côn Minh được gọi là Xuân Thành. Còn Vũ Hán được gọi là Giang Thành.
Giang Thành có nghĩa là thành phố gần bờ sông lớn. Tên gọi này đã được đặt cho Vũ Hán cách đây hơn 1300 năm. Đầu đuôi câu chuyện có mối liên hệ mật thiết tới một trong những nhà thơ lớn nhất Trung Hoa: Lý Bạch.
Lý Bạch thích du ngoạn những nơi danh thắng. Hồ Bắc từng là nơi dừng chân ưa thích của ông. Từ khi còn là một chàng thiếu niên, ông đã tự gọi mình là “Thiếu Trường Giang hán”, “Ngã bản Sở cuồng nhân”. Ông cũng sáng tác nhiều bài thơ liên quan tới Hồ Bắc. Vào năm Khai Nguyên thời Đường Huyền Tông Lý Long Cơ, ông sáng tác bài: “Hoàng Hạc Lâu tống Mạnh Hạo Nhiên chi Quảng Lăng”:
Cố nhân tây từ Hoàng Hạc lâu,
Yên hoa tam nguyệt hạ Dương Châu.
Cô phàm viễn ảnh bích không tận,
Duy kiến Trường Giang thiên tế lưu.
Dịch nghĩa:
Bạn cũ từ biệt tại lầu Hoàng Hạc đi về phía tây,
Tháng ba hoa khói, xuống Dương Châu.
Bóng chiếc buồm đơn màu xanh mất hút,
Chỉ thấy Trường Giang vẫn chảy bên trời.
Một bài thơ thất ngôn tuyệt cú khác nổi tiếng của ông cũng có liên quan tới Hồ Bắc đó là “Dữ Sử lang trung khâm thính Hoàng Hạc lâu thượng xuy địch” (Cùng quan Lang trung họ Sử uống rượu nghe sáo trên lầu Hoàng Hạc):
Nhất vi thiên khách khứ Trường Sa,
Tây vọng Trường An bất kiến gia.
Hoàng Hạc lâu trung xuy ngọc địch,
Giang Thành ngũ nguyệt “Lạc mai hoa”.
Dịch nghĩa:
Một lần làm khách đi đày đến Trường Sa
Nhìn về phía tây thành Trường An chẳng thấy nhà
Trong lầu Hoàng Hạc nghe tiếng sáo ngọc
Thành Giang Hạ tháng năm nghe khúc “Lạc mai hoa”.
Vì sự kiện Vĩnh vương, Lý Bạch lưu vong tới Hồ Bắc, khi nghe thấy tiếng sáo trúc trên Hoàng Hạc Lâu trong lòng cảm thấy vô cùng thê lương, lạnh lẽo, giống như Giang Thành rơi đầy hoa mai vào tháng năm. Nhân vì cảnh đẹp, tình buồn, ông đã sáng tác bài thơ này. Đây cũng là lần đầu tiên Vũ Hán được gọi là “Giang Thành. Và cái tên Giang Thành này cũng trở thành tên gọi nổi tiếng ngàn năm tuổi của Vũ Hán.
Tri âm khó tìm: Bá Nha – Tử Kỳ
Vào thời Xuân Thu – Chiến Quốc, Vũ Hán thuộc về nước Sở. Câu chuyện của hai người bạn tri âm Bá Nha – Tử Kỳ cũng diễn ra tại đây. Trong “Liệt Tử – Thang Vấn” có chép, vào lúc Tấn, Sở đang giao hảo, Du Bá Nha là người nước Sở nhưng lại làm quan đến chức Thượng đại phu của nước Tấn. Bá Nha nổi tiếng là một phong lưu mặc khách, lại có ngón đàn tuyệt diệu nhất đời. Ngày đêm, Bá Nha không bao giờ rời tay cây Thất huyền cầm của mình.
Năm ấy, trên đường từ Sở về lại Tấn sau sau chuyến công vụ, Bá Nha cho thuyền đỗ lại bến Hàm Dương và mang đàn ra gảy. Ở vùng ấy có người tiều phu tên Chung Tử Kỳ đi ngang qua nghe được tiếng đàn, bèn sinh lòng đồng cảm, bất giác thốt lên: “Nguy nguy hồ nhược cao sơn, đãng đãng hồ nhược lưu thủy” (tạm dịch: “Cao vút tựa như núi, cuồn cuộn như nước chảy).
Bá Nha thất kinh, nhìn người tiều phu không ngớt mắt, thầm nghĩ: “Sao lại có người cảm thấu được tiếng đàn của mình?”. Dù ông đàn khúc nhạc nào, Tử Kỳ đều có thể nói rõ tên của bản nhạc và ý nghĩa của nó, ví như khúc Khổng Vọng Vi kể chuyện Đức Khổng Tử khóc trò Nhan Hồi. Không những vậy, người tiều phu còn vô cùng hiểu biết âm luật, biết cả những điều cấm kỵ của Thất huyền cầm: “Dao cầm có bốn điều kỵ là: rét lớn, nắng lớn, gió lớn và tuyết lớn; và bảy điều không nên là: không đàn ở đám tang, không đàn lúc lòng rối loạn, không đàn lúc lòng không thanh bạch, không đàn lúc bận rộn nhiều việc, không đàn lúc y trang không chỉnh tề, không đàn lúc không có trầm hương và không đàn lúc không có bạn tri âm”.
Hai người kết bạn tri âm và hẹn sang năm sau gặp lại. Năm sau, khi Bá Nha quay lại tìm gặp bạn hiền mới hay Tử Kỳ đã qua đời. Trước mộ Tử Kỳ, Bá Nha vừa lạy bạn xong, truyền đem đàn đến, ngồi trên tảng đá tấu khúc “Thiên thu trường hận”. Tiếng đàn đang réo rắt bỗng trầm hẳn xuống. Tiếng gió ngàn rít mạnh, bầu trời trở nên tối đen và tiếng tiếng chim từ xa vọng về nghe u uất não nùng.
Sau khi trò chuyện với cha của Tử Kỳ, Bá Nha cầm cây Dao cầm nâng lên cao, đập mạnh xuống tảng đá làm vỡ tung từng mảnh, trụ ngọc, phím đàn đồng rơi lả tả. Tình bạn của họ đã được khắc họa trong một bản nhạc kinh điển nhất của nhạc cổ Trung Hoa: Cao Sơn Lưu Thủy. Đó là bản nhạc mà Bá Nha đã chơi vào ngày gặp Tử Kỳ. Tuyệt phẩm Cao Sơn Lưu Thủy thậm chí còn được NASA gửi vào không gian vũ trụ trên các tàu thám hiểm Voyager 1 và Voyager 2 như một ước vọng thiết tha của loài người gửi vào vũ trụ…
Tử Kỳ là người Hán Dương nước Sở (nay là Thái Điện, Vũ Hán). Ngày nay, Hán Dương vẫn còn lưu lại những di tích kiến trúc cổ xưa lưu lại như Cổ cầm đài, mộ Chung Tử Kỳ và những địa danh lịch sử như “Cầm đoạn khẩu”. Do vậy, Vũ Hán còn được gọi là cố hương của “tri âm”.
Sở kịch – môn nghệ thuật có tính truyền thừa
Sở kịch là một loại hí kịch truyền thống của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc, chủ yếu phổ biến ở tỉnh này. Các tiết mục phản ánh câu chuyện dân gian và cuộc sống hằng ngày với lối biểu diễn đơn giản, hài hước. Các vở kịch tiêu biểu truyền thống bao gồm: “Cát ma”, “Đả đậu hũ”, “Bách nhật duyên”…
Hồ Bắc chính là địa phương biểu diễn hí kịch hàng đầu tại Trung Quốc. Đây là loại hình nghệ thuật được hình thành trong thời kỳ vua Khang Hy và Càn Long đời nhà Thanh trị vì và liên tục phát triển trong những thời kỳ sau. Nó đã có lịch sử phát triển hơn 300 năm. Đây được coi là di sản văn hóa lịch sử lâu dài, cũng là một nét đặc sắc trong văn hóa truyền thống của Trung Hoa.
Sở kịch vốn được gọi là Kịch Hoa cổ Hồ Bắc, phổ biến ở Hồ Bắc và Giang Tây. Ban đầu nó là những màn ca vũ, nói hát dân gian, sau đó tiếp thu phương pháp biểu diễn và thanh nhạc của Hán kịch và Kinh kịch, dần phát triển trở thành Sở kịch.
Thiên hạ giang sơn đệ nhất lâu
Hoàng Hạc Lâu được xây dựng trên ghềnh đá Hoàng Hạc thuộc huyện Vũ Xương, tỉnh Hồ Bắc vào năm Hoàng Vũ thứ 2 đời nhà Ngô thời Tam Quốc (năm 223). Đến nay suốt 1762 năm đã có 12 lần toà lầu bị thiêu hủy, 12 lần xây cất lại, mỗi lần lại cao hơn và có nhiều tầng hơn.
Tên gọi Hoàng Hạc Lâu bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian. Tương truyền Phí Văn Vi, một tu sĩ đắc đạo thành tiên thường cưỡi hạc vàng ngao du sơn thủy. Một hôm, tiên và hạc bay ngang Vũ Hán, dừng chân lại trên núi Xà Sơn để ngắm cảnh, một bên là cảnh đẹp hùng vĩ của Trường Giang và bên kia là Ngũ Hồ trong khói sương diễm lệ. Từ nơi tiên cưỡi hạc vàng bay đi, người đời sau đã xây lên một tháp lầu đặt tên là Hoàng Hạc Lâu.
Hoàng Hạc Lâu gồm 5 tầng, mỗi tầng trưng bày nhiều hiện vật theo một chủ đề khác nhau. Tầng thứ nhất có bức bích họa bằng gốm sứ diện tích 54m2 mô tả cảnh tiên giới với trời mây, nước, tiên hạc… Tầng thứ ba trưng bày các bài thơ được làm trong nhiều triều đại ca ngợi vẻ đẹp của lầu Hoàng Hạc. Bên trong Hoàng Hạc Lâu được chống đỡ bằng 72 cột trụ tròn, bên ngoài có 60 kiểu gác mái trải dài hướng ra ngoài. Mái lầu được lợp bằng hơn 100.000 viên ngói lưu ly vàng. Đây còn là thắng cảnh nổi tiếng gắn liền với trận chiến Xích Bích; trận Khổng Minh mượn gió đông; Khuất Nguyên viết Ly tao, Tôn Quyền xem trận thế… trong thời Tam Quốc.
Quê hương Hoa Mộc Lan
Tại khu Hoàng Bi ở phía bắc thành phố Vũ Hán có một ngọn núi tên gọi Mộc Lan. Tương truyền, đây là quê hương của Hoa Mộc Lan, được đặt tên theo truyền thuyết về “Mộc Lan tòng quân”. Truyền thuyết làm ngọn núi ẩn chứa những điều bí ẩn, huyền diệu. Trên núi có khoảng 7 cung điện 8 đền thờ Đạo giáo và hàng nghìn bức tượng Phật.
Hoa Mộc Lan là nhân vật lịch sử nổi tiếng của Trung Quốc. Cô là con gái nhà họ Hoa, sinh ra và lớn lên tại một ngôi làng nhỏ ở vùng nông thôn miền bắc Trung Quốc. Mộc Lan sống vào thời nhà Tùy (581 – 618). Cha của Mộc Lan là một người lính và nuôi dạy cô như con trai. Cô không chỉ học dệt vải và thêu thùa từ mẹ cô mà còn được luyện tập võ thuật, cưỡi ngựa, bắn cung, và đấu kiếm với cha. Vào thời đó, các bộ lạc du mục phía Bắc thường tràn xuống quấy rối vùng đất phía Nam, cướp bóc và giết bất cứ ai chúng gặp trên đường, thậm chí cả phụ nữ và trẻ em. Do đó, Hoàng đế đã ban chiếu chỉ thành lập một đạo quân và thực hiện chế độ quân dịch khắp cả nước để dẹp giặc dọc theo biên giới phía Bắc. Theo chiếu chỉ đó, tất cả thanh niên trai tráng kể cả người cha già ốm yếu của Mộc Lan đều cần phải đăng ký.
Khi Mộc Lan nghĩ về việc cha mình sắp ra trận, cô biết ông có thể sẽ hy sinh, và hy sinh một cách vô ích. Em trai của Mộc Lan vẫn còn quá nhỏ chưa thể tòng quân, vì vậy Mộc Lan quyết định cải trang thành một người đàn ông, thay thế vị trí của cha cô trong đoàn quân. Suốt 12 năm trường Mộc Lan phục vụ trong quân đội và nhận được nhiều danh hiệu.
Núi Mộc Lan cũng là một kho báu sinh thái tự nhiên. Ở đây có những ngọn núi rất tráng lệ và phong cảnh rất đẹp. Thiên nhiên kỳ diệu và truyền thuyết về Hoa Mộc Lan đã tạo nên vẻ huyền thoại cho ngọn núi này. Người ta có cảm tưởng như từng ngọn núi, khe nước, cây cỏ và hoa trái đều ẩn chứa câu chuyện huyền thoại về tướng quân Mộc Lan, kế thừa tinh thần “trung, hiếu, tiết, nghĩa” của Mộc Lan.
Núi Võ Đang – Thiên đường bước ra từ tiểu thuyết của nhà văn Kim Dung
Núi Võ Đang hay còn gọi là núi Thái Hòa, cách Vũ Hán khoảng 400km về phía Tây Bắc. Nơi đây là vùng đất thánh của Đạo giáo, khai sinh môn võ Thái Cực Quyền được cả thế giới biết đến. Ngoài ra, tín đồ tiểu thuyết kiếm hiệp Kim Dung cũng đã rất quen thuộc với núi Võ Đang, vì đây là nơi “khai sinh” phái Võ Đang – một trong 3 môn phái lớn rất hay xuất hiện trong tiểu thuyết của ông, ngay từ bộ Anh hùng xạ điêu và Thần điêu hiệp lữ.
Ngày nay quần thể công trình này được gìn giữ khá nguyên vẹn, với đoạn đường dài 70km từ chân núi đến đỉnh, với 32 đền thờ Đạo Giáo và tòa Trúc Kim Điện với 405 tấn đồng mạ vàng tọa lạc trên đỉnh núi. Võ Đang là một địa điểm cho những du khách nào yêu thích khung cảnh thiên nhiên trong lành, tránh xa bụi trần tìm đến với những điều nhẹ nhàng, thanh tịnh.
Kiên Định
Theo Secret China