Chính sách của nhà cầm quyền Bắc Kinh hiện nay không chấp nhận một trường hợp nhiễm Covid nào (Zero-Covid) làm nhà báo Li Yuan (Lý Nguyên) của New York Times liên tưởng tới chiến dịch “Diệt Chim Sẻ” dưới thời Mao Trạch Đông cứ như lịch sử được lặp lại và cho thấy chế độ chuyên chế gây tai hại cho nhân dân như thế nào. “Ở Trung Quốc người ta sợ chính sách chống coronavirus quyết liệt đã biến thành một chiến dịch chính trị kiểu Mao với những tác động hết sức tai hại,” nhà báo Lý viết.
Rất lâu trước khi có chính sách “zero Covid”, Trung Quốc đã có chính sách “Diệt Chim Sẻ”. Lãnh tụ Trung Quốc Mao Trạch Đông tuyên bố chim sẻ là loại phá hoại mùa màng. Mùa xuân năm 1958, chính phủ Trung Quốc huy động toàn dân tiêu diệt chim sẻ. Khắp nơi, người ta đập xoong nồi, đốt pháo và phất cờ ngăn không cho chim đậu xuống đất, khiến chim sẻ chết vì kiệt sức. Theo một ước tính, trong vòng vài tháng, gần hai tỷ con chim sẻ đã bị giết trên toàn Trung Quốc. Việc chim sẻ gần như tuyệt chủng dẫn đến dịch côn trùng phá hoại mùa màng và góp phần gây ra nạn đói lớn, khiến hàng chục triệu người Trung Quốc chết đói trong ba năm sau đó.
Chính sách “zero Covid” của Trung Quốc hiện nay đã trở thành một chiến dịch chính trị kiểu Mao dựa trên ý chí của một người, của nhà lãnh đạo đất nước Tập Cận Bình – và cũng như chiến dịch “Diệt Chim Sẻ”, nó có thể gây tổn thương cho tất cả mọi người.
Giống như Mao và các phụ tá của ông ta đã phớt lờ sự phản đối chính sách diệt chim sẻ của họ từ các nhà khoa học, Bắc Kinh hiện nay cũng phớt lờ lời khuyên của các chuyên gia rằng Trung Quốc nên từ bỏ chiến lược “zero Covid” tốn kém và học cách chung sống với coronavirus, đặc biệt là khi virus đã tiến hóa thành một biến thể có khả năng lây nhiễm cao hơn nhưng nhẹ hơn, ít gây tử vong.
Thay vì vậy, Bắc Kinh cương quyết tuân theo một kịch bản từ năm 2020, chống dịch bằng cách xét nghiệm hàng loạt, cách ly để kiểm dịch và phong tỏa để ngăn chặn sự lây lan. Cách làm này đã khiến cuộc sống của hàng trăm triệu người bị đảo lộn, hàng chục nghìn người bị giam các trại cách ly tạm thời và nhiều bệnh nhân không nhiễm Covid bị tước đi việc điều trị y tế.
“Họ không chống đại dịch. Họ đang tạo ra thảm họa,” Ye Qing (Diệp Thanh), một học giả luật được biết đến với bút danh Xiao Han (Tiểu Hàn) viết trong một bài báo đã bị xóa nhanh chóng.
Ông Tập kiên trì đi theo chiến lược này vì ông muốn có một nhiệm kỳ thứ ba tại một đại hội quan trọng của Đảng Cộng sản vào cuối năm nay. Ông ta muốn sử dụng thành công của Trung Quốc trong việc ngăn chặn Covid-19 để chứng minh rằng mô hình quản trị từ trên xuống của nước này vượt trội hơn các nền dân chủ tự do.
***
“Đại dịch này đã bị chính trị hóa”, bà Zhu Weiping (Châu Vệ Bình), một quan chức trong bộ máy kiểm soát dịch bệnh của Thượng Hải, nói với một người đang phàn nàn về cách chống dịch của thành phố. Trong một cuộc trò chuyện điện thoại được ghi âm lại, quan chức này cho biết bà đã khuyến cáo chính quyền hãy để những người không có hoặc có triệu chứng nhẹ được cách ly tại nhà và hãy tập trung đẩy mạnh việc tiêm chủng. Nhưng không ai nghe cả, bà nói. “Bạn phát điên vì chuyện này à? Các tổ chức chuyên nghiệp như chúng tôi cũng đang phát điên đây,” bà Châu nói. Đoạn ghi âm đã được chia sẻ rộng rãi trên mạng trước khi nó bị kiểm duyệt xóa bỏ.
Theo ước tính của các nhà kinh tế tại ngân hàng đầu tư Nomura, do biến thể Omicron lan rộng, đến thứ Hai vừa qua đã có khoảng 373 triệu người tại 45 thành phố của Trung Quốc bị phong tỏa toàn bộ hoặc một phần. Những thành phố này chiếm 26% dân số và 40% sản lượng kinh tế của Trung Quốc. Họ cảnh báo nguy cơ suy thoái đang gia tăng khi chính quyền các địa phương cạnh tranh với nhau để đưa ra các biện pháp ngăn chặn virus quyết liệt nhất.
Chính phủ Bắc Kinh đang thúc giục chính quyền các địa phương phải tạo được sự cân bằng giữa kiểm soát đại dịch và sản xuất kinh tế; nhưng tất cả mọi người trong hệ thống quan liêu đều biết đặt ưu tiên vào đâu.
Tại thành phố Jixi (Kê Tây) ở tỉnh Hắc Long Giang cực bắc Trung Quốc, 18 quan chức bao gồm lãnh đạo thị trấn, người đứng đầu cơ quan công lực cũng như giám đốc một bệnh viện và nhà tang lễ, gần đây đã bị kỷ luật hoặc khiển trách vì lơ là trách nhiệm trong việc kiểm soát đại dịch. Tại Thượng Hải, thành phố lớn nhất và giàu có nhất Trung Quốc, ít nhất tám quan chức cấp trung đã bị cách chức hoặc đình chỉ chức vụ sau khi thành phố thực hiện kém hiệu quả các vụ phong tỏa, gây ra hỗn loạn và tình trạng thiếu lương thực trầm trọng.
***
Tình nguyện viên phân chia rau củ để tiếp tế cho một khu dân cư bị phong tỏa ở Thượng Hải hôm 7 tháng Tư, 2022. Ảnh Yang Jianzheng/VCG via Getty Images
Sau khi thành phố 25 triệu cư dân này bị đóng cửa, các dịch vụ giao hàng bị ngừng vào đầu tháng Tư, nhiều người đã gặp khó khăn trong việc tìm nguồn thực phẩm, bất kể tình trạng kinh tế xã hội của họ như thế nào.
Trong vài ngày qua, chủ đề nóng của các nhóm WeChat – giống như Twitter của Trung Quốc – là liệu khoai tây mọc mầm có ăn được không; phương thức hàng đổi hàng được ưa chuộng, chẳng hạn như đổi quả bắp cải lấy chai nước tương. Coca-Cola trở thành hàng hiếm, thành “ngoại tệ mạnh”!
Ngay cả tầng lớp có tiền cũng phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực. Wang Lixiong (Vương Lập Hùng) – tác giả của cuốn tiểu thuyết về ngày tận thế “China Tidal Wave” (Sóng triều Trung Quốc) dự báo một nạn đói lớn do hậu quả của mùa đông hạt nhân – tin rằng những cuộc khủng hoảng do con người gây ra như ở Thượng Hải là điều không thể tránh khỏi dưới chế độ chuyên chế của Trung Quốc. Trong một cuộc phỏng vấn, ông cho biết trong những năm gần đây, rủi ro ngày càng gia tăng khi Bắc Kinh kiểm soát gần như mọi khía cạnh của xã hội dân sự.
Sau khi chuyển đến căn hộ bỏ trống của một người bạn ở Thượng Hải vào mùa đông năm ngoái, ông Wang đã tích trữ gạo, mì, đồ hộp và rượu whisky để duy trì cuộc sống trong vài tháng trong trường hợp xảy ra khủng hoảng. Nhưng nhiều cư dân trong khu chung cư sang trọng, có những căn hộ trị giá hơn $3 triệu, đã không chuẩn bị khi vụ phong tỏa bắt đầu. Ông thấy những người hàng xóm của mình, những người mà vài hôm trước còn xúng xính trong những bộ áo quần hàng hiệu, đã phải mạo hiểm mò vào khu vườn tươi tốt của khu nhà để đào măng về ăn.
Cơn ác mộng tồi tệ nhất của nhiều người dân Thượng Hải là xét nghiệm dương tính và bị đưa vào cơ sở cách ly kiểm dịch tập trung. Tình trạng của một số cơ sở tồi tệ đến mức trên mạng xã hội chúng được gọi là “trại tị nạn” và “trại tập trung”. Nhiều người chia sẻ cho nhau danh sách các vật dụng cần mang theo như mang theo nút bịt tai và mặt nạ che mắt vì các trại cách ly thường là nơi rất ồn ào như trung tâm hội nghị; đèn chiếu sáng cả ngày lẫn đêm; phải mang nhiều đồ lót dùng một lần vì không có chỗ tắm; và mang theo một lượng lớn giấy vệ sinh. Một số trại kiểm dịch được chuẩn bị kém đến mức mọi người phải tranh giành thức ăn, nước uống và chỗ ngủ.
Nhiều bài miêu tả tình trạng tuyệt vọng ở Thượng Hải đã khiến người dân ở các khu vực khác của Trung Quốc lao vào cơn sốt tích trữ hàng hóa vào cuối tuần trước. Ở Bắc Kinh, các siêu thị đông nghẹt người và một số ứng dụng bán hàng tạp hóa đã hết hàng.
***
Ngày càng nhiều người đặt câu hỏi liệu chiến lược “zero Covid” hà khắc và tốn kém như vậy có cần thiết hay không. Hôm thứ Ba, cơ quan y tế Thượng Hải báo cáo hơn 200,000 trường hợp nhiễm virus kể từ ngày 1 tháng Ba, chín trường hợp nghiêm trọng và không có trường hợp tử vong. Báo cáo không đề cập đến tình trạng lây nhiễm hàng loạt và tử vong tại các bệnh viện chăm sóc người cao tuổi.
Bây giờ, ngay cả những người ủng hộ chính sách “zero Covid” cũng tỏ ra nghi ngờ. Khi Thượng Hải thực hiện xét nghiệm Covid trên toàn thành phố vào ngày 4 tháng Tư, Lang Xianping (Lang Hiến Bình), một nhà kinh tế, đã viết trên mạng Weibo – giống như Facebook – rằng biện pháp đó chứng tỏ “sức mạnh của Trung Quốc”. Nhưng hôm thứ Hai 11 tháng Tư, ông ta cho biết mẹ ông đã qua đời sau khi các lệnh phong tỏa chống Covid khiến việc điều trị bệnh thận của bà bị trì hoãn. “Tôi hy vọng những thảm kịch như thế này sẽ không xảy ra nữa,” ông viết.
Chính sách “zero Covid” vẫn nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của công chúng. Nhiều người trên mạng xã hội cho rằng Thượng Hải không đủ nghiêm ngặt trong việc phong tỏa và kiểm dịch. Một nhà đầu tư mạo hiểm viết trên WeChat rằng ông ta sẽ không bỏ tiền vào những người khởi nghiệp nào không ủng hộ chính sách.
Không có gì đáng ngạc nhiên cả. Do người Trung Quốc bị hạn chế tiếp cận thông tin và không có công cụ để buộc các cơ quan thẩm quyền phải chịu trách nhiệm, đại đa số người Trung Quốc thường ủng hộ bất cứ điều gì mà chính phủ quyết định.
Trong hai năm qua, họ đã theo sự dẫn dắt của Bắc Kinh và tấn công những người chỉ trích chính sách chống đại dịch của nước này. Họ tập hợp xung quanh chính phủ Bắc Kinh, nơi ngày càng áp dụng cơ chế đàn áp xã hội đã thực hiện ở Tân Cương đối với phần còn lại của đất nước dưới danh nghĩa kiểm soát đại dịch. Bây giờ, nhiều người trong số họ đang phải gánh chịu hậu quả, nhưng trái với Vũ Hán hồi đầu dịch, đã không còn nhà báo công dân hoặc các nhóm tình nguyện lớn để giúp họ.
“Khi sự đàn áp chưa chạm vào họ, hầu hết người Trung Quốc đều phớt lờ chúng. Chúng tôi tin rằng đó chỉ là hy sinh lợi ích của thiểu số để có lợi cho tập thể,” Lawrence Li, một nhà tư vấn kinh doanh ở Thượng Hải, cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Giống như nhiều người, ông nói những gì đang diễn ra ở Thượng Hải giống với chiến dịch diệt chim sẻ. “Lịch sử cứ lặp đi lặp lại mãi,”