Tro Cốt nhà thơ Thomas More NGUYỄN CHÍ THIỆN

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Tro Cốt nhà thơ Thomas More NGUYỄN CHÍ THIỆN

được an vị tại Khu Vườn Tưởng Nhớ của Nhà Thờ Kiếng (Crystal Cathedral)

Số 12141 Lewis Street, Garden Grove, CA 92840

 

          SẼ CÓ MỘT NGÀY

Sẽ có một ngày con người hôm nay
Vất súng vất cùm, vất cờ, vất đảng.
Đội lại khăn tang quay ngang vòng nạng… oan khiên
Sẽ có một ngày con người hôm nay
Về với miếu đường mồ mả gia tiên.
Hàng chục năm qua bức bách nhạt nhòa cho quên.
Và hận thù xưa như làn hương thu tan về cao rộng.
Tất cả lùa qua một cơn ác mộng.
Kẻ lọc lừa kia bạo lực xô chân sống sót về đây.
Nghe tiếng bình tâm an nhờ phúc phận.
Trong buổi đoàn viên xum họp hàn huyên huynh đệ tương thân
Đứng bên nhau trên mất mát quây quần,
Kẻ bùi ngùi rưng rưng đặt vòng hoa ngộ lên mộ cha ông.
Khai sáng kỷ nguyên tã trắng thắng cờ hồng.
Sẽ có một ngày khắp nẻo quê hương.
Tiếng sáo mục đồng êm ả ngân nga,
Và bài hùng ca là tiếng sáo diều bao la…
Sẽ có một ngày vất cờ, vất đảng.

Nguyễn Chí Thiện

 

 
 
Dịch giả Huỳnh Sanh Thông (bên trái) gặp Nhà thơ Nguyễ Chí Thiện (bên phải)

tại thành phố New Haven, Connecticut, Tháng Tư 2005

 

 
                            Vài hình ảnh Nhà Thơ NGUYỄN CHÍ THIỆN

 

 
 
 
 
 
 
Ông đã đem kinh nghiệm về chế độ Cộng Sản (độc tài – gian ác) và kinh nghiệm tù đày trình bày

với các Cộng Đồng người Việt khắp các Tiểu Bang Hoa Kỳ và Âu Châu.

 

 
Ông được Đồng Hương quí mến chụp hình lưu niệm và mời nói chuyện trong các buổi Đại Hội

 

 
Ông đã đem kinh nghiệm về chế độ Cộng Sản, và kinh nghiệm tù đày trình bày trong buổi ra mắt sách

của Minh Võ: TÂM SỰ NƯỚC NON 2 và của Nguyễn Văn Lục: MỘT THỜI ĐỂ NHỚ (11/13/2011).

 

Người tù 27 năm

Ông Nguyễn Chí Thiện sinh năm 1939 tại Hà Nội. Ông có một người anh là sĩ quan cao cấp VNCH đang ở sống ở tiểu bang Virginia, hai người chị ở Việt Nam. Ông bị tù cộng sản tổng cộng 27 năm qua nhiều nhà tù miền Bắc, đặc biệt là nhà tù nổi tiếng Cổng Trời. Lần ra khỏi tù sau cùng của ông là ngày 28 Tháng Mười 1991.

Khi ông chạy vào Tòa Ðại Sứ Anh Quốc ở Hà Nội đưa tập thơ và xin tị nạn chính trị, viên chức tòa đại sứ chỉ nhận tập thơ để chuyển ra ngoại quốc và cho biết họ không giúp ông tỵ nạn chính trị được. Bước ra khỏi trụ sở Tòa Ðại Sứ Anh thì ông bị công an CSVN bắt giữ liền. Nhờ sự can thiệp đặc biệt của nhiều nhân vật quốc tế, ông đã được chế độ Hà Nội thả cho đi Mỹ định cư Tháng Giêng 1995. Ông đã đem kinh nghiệm về chế độ Cộng Sản, kinh nghiệm tù đày trình bày với các cộng đồng người Việt khắp nơi từ Hoa Kỳ, Canada, Âu Châu và Úc Châu.

Tập thơ Hoa Ðịa Ngục đã được dịch ra Anh, Pháp, Ðức và Hòa Lan.

Sau khi đến Mỹ, năm 2001 ông cho xuất bản tập truyện Hỏa Lò. Tập truyện Hai Chuyện Tù được ông xuất bản năm 2008.

Ông Nguyễn Chí Thiện từng gặp cha Chính Vinh, cha Nguyễn Văn Lý trong nhà tù CSVN. Nhân cách và cái chết của cha Chính Vinh tại nhà tù Cổng Trời (tỉnh Hà Giang) được nhiều người viết hồi ký kể lại trong đó có ông Kiều Duy Vĩnh. Ông Vĩnh là một trong rất ít người thoát chết trở về sau nhiều năm bị giam ở trại Cổng Trời, mới qua đời hồi Tháng Bảy vừa qua và cũng đã chịu các phép bí tích để trở thành tín đồ Thiên Chúa Giáo. Những kỷ niệm cũng như nhân cách của cha Chính Vinh, Linh Mục Lý đã gây ấn tượng sâu sắc thúc đẩy nhà thơ Nguyễn Chí Thiện chọn đức tin Công Giáo và lấy tên thánh là Thomas More.

Tác giả Hoa Địa Ngục

Vào năm 1980, người ta thấy xuất hiện ở hải ngoại một tập thơ không có tên tác giả, xuất bản bởi “Ủy Ban Tranh Ðấu cho Tù Nhân Chính Trị tại Việt Nam”. Tập thơ mang tựa đề “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực” mà tác giả là “Ngục sĩ” hay khuyết danh. Ít tuần lễ sau, tạp chí Văn Nghệ Tiền Phong đưa ra một ấn bản cùng một nội dung nhưng với tựa đề “Bản Chúc Thư Của Một Người Việt Nam”.

Tựa đề tập thơ Hoa Ðịa Ngục có từ khi Yale Center for International & Area Studies ấn hành bản Anh ngữ Flowers From Hell do ông Huỳnh Sanh Thông dịch. Sau người ta mới biết tác giả tập thơ là Nguyễn Chí Thiện. Những bài thơ của ông trong tập Hoa Ðịa Ngục gây xúc động sâu xa trong tâm thức người đọc về cái đói, sự đày đọa ác độc, sự gian ác của chế độ Cộng Sản đối với con người.

Tập thơ thoát ra khỏi Việt Nam khi nhà thơ lén lút mang tới Tòa Ðại Sứ Anh tại Hà Nội và được Giáo Sư Patrick J. Honey thuộc đại học London sang Việt Nam Tháng Bảy năm 1979 và mang về. Kèm trong tập thơ 400 trang viết tay này là lá thư mở đầu với lời ngỏ: “Nhân danh hàng triệu nạn nhân vô tội của chế độ độc tài, đã ngã gục hay còn đang phải chịu đựng một cái chết dần mòn và đau đớn trong gông cùm cộng sản, tôi xin ông vui lòng cho phổ biến những bài thơ này trên mảnh đất tự do của quý quốc. Ðó là kết quả 20 năm làm việc của tôi, phần lớn được sáng tác trong những năm tôi bị giam cầm.”

 

 

TIỄN BƯỚC ANH, NGƯỜI THƠ BẤT KHUẤT

(Tiễn chân Ngục sĩ NGUYỄN CHÍ THIỆN, người Thi Sĩ Đấu Tranh cho một Việt Nam Không Cộng Sản, từng bị bạo quyền Việt cộng nhốt tù 27 năm, vừa bỏ lại đau thương của dâu biển kiếp người để về nơi bình an miên viễn sáng ngày 2/10/2012 tại miền đất tạm dung, Nam California, Mỹ Quốc) 

 

Người bạn gọi báo tin anh vừa mất
Tôi thấy lòng mình chùng xuống, mênh mông
Anh đi rồi à ? Người Thơ Bất Khuất …
Để lại dòng thơ máu lệ Lạc Hồng !

Ôi những dòng thơ viết trong ngục tối
Xiềng xích, gông cùm, đói, bịnh, hờn đau
Đấy, tội ác của tà quyền Hà Nội
Bán nước, giết dân, luồn cúi Nga-Tàu !

Tôi đọc thơ anh, lòng đau muối xát
Thương quá tài năng, xót quá phận người
Hai muơi bảy năm hung đồ chà đạp
Thơ vẫn hiên ngang, hào khí tung trời

Thơ đã bay cao vang rền bốn cõi
Lay gọi người trúng độc tỉnh cơn mê
Giục nhân loại, lương tâm, lên tiếng nói
Về một Việt Nam thảm khốc, ê chề …

Đã sắp rồi anh ngày quê quang phục
Dân vùng lên đòi quyền sống con người
Lấy máu Tiên Rồng rửa hờn quốc nhục
Chính nghĩa, cờ Vàng rực rỡ muôn nơi

Sáng hôm nay tôi nghe tin anh mất
Bỏ lại đau thương dâu biển kiếp người
Anh biết đấy, khi buồn vui chất ngất
Bút sẽ thành thơ chảy với dòng đời

Tôi viết bài thơ tiễn anh về đất
Lòng đất hiền, anh ngủ nhé, ngàn thu …
Thôi, đã hết, đời không còn oan khuất
Chỉ còn Thơ chiến đấu diệt quân thù.

  Ngô Minh Hằng

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

      TIỄN BẠN NGUYỄN CHÍ THIỆN
 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những hạt lúa làm thực phẩm cho Con Người

Phải chết dưới bùn mới trổ lá, đâm bông

Những mùa Xuân nồng ấm tươi hồng

Phải kết nụ bằng mùa Đông giá rét

Những tác phẩm vượt lên trên hết

Phải sản sinh bằng lửa tự Trái Tim

Những bài thơ cho Dân Tộc đắm chìm

Phải gọt dũa bằng máu xương tác giả

Những thi sĩ bị kẻ gian nguyền rủa

Lại chính là Tiếng Nói Lương Tâm

Nguyễn Chí Thiện, người ngục sĩ âm thầm

Đã trăn trở sống một đời kỳ dị

Đã uống cạn những nồng cay thế kỷ

Cười với tù giam, giỡn mặt Tử Thần

Đòn thù không màng, dù nát châu thân

Vẫn ngạo nghễ, lấy cùm đêm làm bạn

Ngày trơ xương, nhìn mặt trời nứt rạn

Mà khinh thường lũ bọ rệp vây quanh

Lấy mùa Đông tăng niềm nhớ mong manh

Lấy mùa Hạ để dâng cơn phẫn nộ

Dùng cơn đói làm bài thơ đồ sộ

Giấc ngủ xà lim nâng trí thức lên cao

Khi bình yên, thương một điếu thuốc lào

Lúc bệnh ốm, cười đợi chờ Thần Chết

Chỉ có hai điều, nhà Thơ cần hơn hết

Nhìn quê hương sạch bóng nội thù

Nhìn Việt Nam rực rỡ muôn thu

Và được chết nơi trận tiền, quê Mẹ

Trong tư cách một người không câu nệ

Hy sinh thân mình cho Tổ Quốc yêu thương..

Giờ đây! Giờ đây! Anh đã lên đường

Về đất Tổ, gặp những người Hùng muôn thế hệ

Chúng tôi, những chiến hữu của anh, không thể ngăn giọt lệ

Tiễn anh đi mà tim thắt, đoạn trường

Xin lung linh của ánh nến, nén hương

Dẫn anh đến nơi Thiên Đường hoan lạc

Không còn những đau thương bàng bạc

Vẫn trường kỳ đeo bám Kiếp Phù Sinh…

 

Một lần cuối, xin cúi chào Anh,

Vĩnh Biệt!

 

Chu Tất Tiến