Mai Trung Thứ và bức bích họa trong nhà thờ Saint-Pierre ở Mâcon năm 1941
Mai Trung Thứ chụp cùng cha mình là Mai Trung Cát
Ông xuất thân trong một gia đình danh giá với ông nội là Mai Trung Quế, tri châu Tuần Giáo kiêm nhiệm châu Luân, quyền tri phủ phủ Điện Biên, tỉnh Sơn La (cũ) được triều đình Huế phong tặng Thái Thường Tự Khanh, gia tặng Đô Sát Viện hữu phó Đô Ngự Sử.
Cha là Mai Trung Cát, Tổng đốc Bắc Ninh, được gia phong hàm Thái tử Thiếu bảo Đông Các Đại học sĩ, tước Văn Tân nam và chính quyền Pháp phong tước hiệu Nam tước (Baron).
Mai Trung Thứ cùng bạn học và thầy Victor Tardieu tại trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương.
Theo thứ tự từ trái qua phải: Lê Phổ. Mai Trung Thứ, Georges Khánh, thầy Victor Tardieu, Nguyễn Phan Chánh, Công Văn Trung, Lê Văn Đệ
Tốt nghiệp năm 1930, Mai Trung Thứ được bổ nhiệm dạy vẽ tại trường Quốc học Huế từ năm 1931 đến năm 1937. Trong thời gian này, ông bắt đầu học âm nhạc truyền thống, chơi đàn bầu, đàn tranh, đàn nguyệt và sáo trúc. Song song với việc dạy học, ông vẽ tranh, chủ yếu trên chất liệu tranh sơn dầu trên vải, và gửi tham gia triển lãm trong nước và quốc tế.
Từ năm 1935 đến năm 1937, ông vẽ nhiều chân dung một người phụ nữ bí ẩn và để tên Mademoiselle Phượng. Cùng những bức tranh phụ nữ Huế trong trang phục áo dài, dự án thiết kế tem bưu chính của ông từ năm 1929 đến năm 1936 cũng được trưng bày chung trong không gian triển lãm tại thời kỳ này
Năm 1937, Mai Trung Thứ rời Việt Nam cùng Lê Phổ và Vũ Cao Đàm. Năm 1939, ông đăng ký tham gia quân đội Pháp trong chiến tranh và dừng chân lại Mâcon từ năm 1940 đến năm 1942. Thời kỳ sống ở Macon là quãng thời gian chuyển đổi phong cách rõ nét của họa sĩ. Ông ngừng vẽ tranh sơn dầu và quay lại với tranh lụa. Những bức tranh vẽ chân dung gia đình quý tộc phương Tây được thể hiện bằng nét vẽ Á đông trên chất liệu mềm mại của lụa đã tạo nên vẻ đẹp đặc biệt. Năm 1948, Mai Trung Thứ sản xuất phim tài liệu về tranh lụa. Bộ phim này hiện không lưu giữ được, nhưng từng được trình chiếu trong một vài triển lãm của ông, trong đó triển lãm tranh lụa của Mai Trung Thứ được tổ chức vào năm 1954 tại Mâcon khi ông quay lại thành phố này (4).
Tại triển lãm, ngoài những bức chân dung các gia đình ở Mâcon, người xem còn được thấy lại những kỷ vật của Mai Trung Thứ như bút, bảng màu, thư viết tay, áp phích triển lãm tranh lụa, ảnh Mai Trung Thứ và vợ tới thăm gia đình người bạn thân thiết ở Mâcon, bản phác thảo của bức bích họa trong nhà thờ Saint-Pierre. Trong bản phác thảo này không có hình ảnh Đức mẹ (Vierge Marie) nhưng trên bức tranh tường trong nhà thờ khi đã hoàn thiện, Mai Trung Thứ đã vẽ hình ảnh Đức mẹ với khuôn mặt có những đường nét của phụ nữ Á đông
Chân dung những người phụ nữ ở Mâcon trong tranh Mai Trung Thứ, sáng tác từ năm 1939 đến năm 1941, trên chất liệu tranh lụa và than chì.
Bích họa của Mai Trung Thứ trong nhà thờ Saint-Pierre ở Mâcon, năm 1941.
Năm 1943, Mai Trung Thứ dừng chân lại Paris trong một căn hộ nhỏ nơi ông sống và vẽ đến cuối đời. Ngoài vẽ tranh ông còn cẩn thận tự làm khung tranh bằng các họa tiết tỉ mỉ và tinh tế, sơn phủ bằng sơn mài hoặc dát lên nhiều lớp vàng và bạc mỏng.
Từ đây, không gian của triển lãm chuyển sang trưng bày tranh của Mai Trung Thứ từ năm 1938 đến năm 1980 theo chủ đề, riêng phần phụ nữ chơi nhạc truyền thống có trộn lẫn vài bức họa sĩ vẽ những năm ở Huế
Đúng như tiêu đề của triển lãm Mai Thứ, tiếng vọng của một Việt Nam trong mơ, tranh của Mai Trung Thứ là cái nhìn hoài nhớ, mộng mơ hay nỗi niềm đau đáu khắc khoải của ông về quê hương.
Truyền thống văn hóa Việt Nam trong tranh Mai Trung Thứ được thể hiện qua những bức tranh trẻ em trong trang phục ngày tết, trong trò chơi dân gian; phụ nữ trong trang phục áo cưới truyền thống; chân dung gia đình ba thế hệ; bức tranh minh họa trích đoạn Kiều gặp Kim Trọng từ tác phẩm của Nguyễn Du
Phụ nữ và trẻ em là đề tài được Mai Trung Thứ đặc biệt khai thác. Ở phần tranh những cô gái chơi nhạc cụ truyền thống có sự khác biệt giữa tranh vẽ năm 1930, 1935 với giai đoạn sau khi ông ở Pháp. Phụ nữ trong tranh Mai Trung Thứ trước khi sang Pháp là những nét vẽ tả thực, còn sau là vẽ trong ký ức, trong giấc mơ nên có nhiều nét ước lệ.
Ngoài ra, ngay trong thời kỳ Mai Trung Thứ ở Pháp, những nét vẽ trong tranh của ông cũng có sự thay đổi theo thời gian. Bà Anne Fort, đại diện của bảo tàng Cernuschi, có những nghiên cứu về tranh của Mai Trung Thứ, nhận xét: Trong những bức tranh của Mai Trung Thứ những năm 1940, khuôn mặt của những người phụ nữ thường có hình trái xoan hoặc có vầng trán cao và hơi vuông, với những đôi mắt sâu. Thân hình họ được vẽ với những chi tiết và đường nét gợi nên những chuyển động uyển chuyển.
Từ những năm 1950, Mai Trung Thứ bớt tả thực, ông vẽ những người phụ nữ với cánh tay mỏng hơn và khuôn mặt tròn hơn. Trong những tác phẩm từ năm 1960, khuôn mặt phụ nữ và trẻ em trong tranh ông rất tròn, mũi ngắn, và hầu như không chuyển động. Trong giai đoạn từ năm 1960 đến năm 1970, tranh của Mai Trung Thứ có tông màu acide nhiều hơn, hình dáng người trong tranh đơn giản hơn và thường không có phong cảnh hay họa tiết làm nền phía sau.
Mai Trung Thứ thường sử dụng họa tiết ri-đô trong tranh của mình. Những chiếc ri-đô trong suốt giúp cho hình ảnh những người phụ nữ trong tranh trở nên quyến rũ hơn. Ngoài ra, những chiếc ri-đô giúp cho nhân vật trong tranh có một khoảng cách với người xem, như người xem đang xem một phân cảnh trong một vở kịch.
Mai Trung Thứ luôn hướng về quê hương với nỗi niềm đau đáu. Đề tài chiến tranh trong tranh của ông luôn có hình ảnh của những người phụ nữ và trẻ em, khi bồng bế nhau trong gió bão, khi lặng lẽ nguyện cầu. Từ năm 1960 đến năm 1965 ông đã hợp tác với quỹ Nhi đồng Liên hợp Quốc UNICEF để vẽ những bức tranh gây quỹ giúp đỡ trẻ em nghèo và bất hạnh.
Tranh tĩnh vật của Mai Trung Thứ là sự kết hợp giữa phương Đông và phương Tây. Ông đã lấy những đề tài trong tranh tĩnh vật phương Tây truyền thống và vẽ bằng kỹ thuật tranh lụa phương Đông, đồng thời đưa vào trong tranh những hình ảnh rau củ quả đặc trưng của Việt Nam, đôi đũa, chai nước mắm, hộp sơn mài, lọ gốm, bát gốm, hộp gốm…
Bức “Kim vân kiều” của Mai Trung Thứ
Bức “Thưởng trà”
Bức “Điểm trang cho đám cưới”
Bức “Cô gái làm thơ”
TRIỂN LÃM MAI THỨ,
TIẾNG VỌNG CỦA MỘT VIỆT NAM TRONG MƠ
(Sơn Ca)