“TÔI BẢO VỆ TỰ DO CỦA TÔI,TỰ DO CỦA DÂN TỘC,TỰ DO CỦA MỌI NGƯỜI…” * (Hữu Loan 1916-2010)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hữu Loan 1916 – 2010

Phần I (ngày 5-10-02) nói về nguồn gốc của Tác phẩm Mầu Tím Hoa Sim và những hệ lụy của bài Thơ này đối với tính mạng và cuộc sống thăng trầm từ một Nhà thơ nổi tiếng tụt xuống hàng lao động và nông dân bần cùng của Nhà thơ Hữu Loan.

Năm nay ông Hữu Loan 87 tuổi ta (sinh ngày 2-4-1916), đang “ở nhà trông vườn”ở làng Nguyên Hoàn — nơi ông gọi là chỗ “quê đẻ của tôi đấỷ”thuộc Xã Mai Lĩnh, huyện Nga Sơn tỉnh Thanh Hóạ Tuy đã lớn tuổi, nhưng giọng nói của Nhà thơ rất rõ ràng, khúc chiết và đanh thép như khi ông còn thanh niên. Nhà Thơ Hữu Loan còn có một trí nhớ phi thường vì phần lớn cuộc đời ông đã phải chịu những đầy ải lao động cực hình giáng xuống đầu ông và gia đình ông bởi cái đảng mà ông đã đem hết tinh thần và sức lực phục vụ trong thời kháng chiến chống Pháp.

Tuy nhiên, dù gian khổ và chết hụt nhiều lần, Hữu Loan vẫn không bao giờ chịu quỵ lụy hay khuất phục bọn cường quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Việt Nam (CSVN). Khí phách hiên ngang của một Hữu Loan trí thức đã tỏa rộng trong cuộc phỏng vấn với BBC-Vietnamese Program.

TÔI KHÔNG QUỴ LỤY ĐƯỢC

Được hỏi “Tại sao từ chỗ một Nhà thơ mà bây giờ lại về quê làm nông?”, Hữu Loan đáp: “Cái tính tôi không chịu quỵ lụy được. Bởi vì (hồi ấy) ra làm ở ngoài Trung Ương thì bắt phải theo Cộng sản nên tôi bỏ tôi về. Tôi bỏ về nó không cho về … Nó làm tôi tam tình, tứ tội, làm đủ cách để thủ tiêu nhưng mà tôi vẫn tin là tôi có sự che chở của Trời – Phật cho nên không thủ tiêu nổi, bao nhiều lần đầu độc không xong… “

Những em nàng có em chưa biết nói
Khi tóc nàng xanh xanh
Tôi người Vệ quốc quân xa gia đình
Yêu nàng như tình yêu em gái
Ngày hợp hôn nàng không đòi may áo mới
Tôi mặc đồ quân nhân
Đôi giầy đinh bết bùn đất hành quân
Nàng cười xinh xinh bên anh chồng độc đáo
Tôi ở đơn vị về
Cưới nhau xong là đi
Từ chiến khu xa nhớ về ái ngại
Lấy chồng đời chiến chinh
Mấy người đi trở lại
Nhỡ khi mình không về
Thì thương người vợ chờ bẻ bỏng chiều quê
***
Nhưng không chết người trai khói lửa
Mà chết người gái nhỏ hậu phương
Tôi về không gặp nàng
Má tôi ngồi bên mộ con đầy bóng tối
Chiếc bình hoa ngày cưới
Thành bình hương tàn lạnh vây quanh
Tóc nàng xanh xanh
Năm chưa đầy búi
Em ơi giây phút cuối
Không được nghe nhau nói
Không được trông nhau một lần
Ngày xưa nàng yêu hoa sim tím
Áo nàng mầu tím hoa sim
Ngày xưa đèn khuya bóng nhỏ
Nàng vá cho chồng tấm áo ngày xưa
***
Một chiều rừng mưa
Ba người anh bị chiến trường đông bắc
Biết tin em gái mất
Trước tin em lấy chồng
Gió sớm thu về rờn rợn nước sông
Em nhỏ lớn lên Ngỡ ngàng nhìn ảnh chị
Khi gió sớm thu về
Cỏ vàng chân mộ chí
Chiều hành quân qua những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim
Những đồi hoa sim dài trong chiều không hết
Mầu tìm hoa sim tím chiều hoang biền biệt.”

Hữu Loan

  LAO ĐỘNG

Vì Hồ Chí Minh và đảng CSVN đã xúc phạm đến danh dự và tình cảm thiêng liêng của Hữu Loan dành cho người vợ yêu quý, nên Nhà thơ đã quyết định bỏ đảng, bỏ cơ quan, bỏ Vệ quốc quân về mà không cần xin phép, nạp đơn từ nhiệm.

Ông nói:

“Năm 1956, tôi không ở nữa mà tôi bỏ tôi về thẳng, bỏ Đảng, bỏ Cơ quan để về thẳng nhà để đi cày, đi thồ. Cánh ấy (bọn ấy) không cho bỏ, bắt tôi phải xin, bắt tôi phải viết đơn xin, tôi không xin… tôi có cái tự do của tôi… cái chuyện bỏ Đảng là tôi muốn bỏ là tôi bỏ không ai bắt được… .

Tôi bỏ tôi về, tôi cứ về… tôi phải đi cày, đi bừa, đi thồ, đi đốn củi đưa về, đi xe đá để bán thì là nó làm tôi đủ cách, xe nó không cho xe, nó bắt xe đến nỗi sau cuối cùng không xe được tôi phải đi xe cút kít (Chú thích: Xe đóng bằng gỗ, có một bánh xe cũng bằng gỗ phía trước, có hai càng phìa sau thùng gỗ để đủn hay kéo đi).

Tôi làm cái xe cút kít tôi đi..xe cút kít nó cũng không cho … nó xui người bắt bánh xe, không bán cho tôi nữa… có lần tôi phải gánh bộ, gánh bằng vai… tôi cũng cứ nhận để tôi gánh..Tôi cứ gánh tôi làm, không bao giờ tôi chịu khuất phục.””… Vợ con nó có vẻ oán tôi lắm.. (cho rằng) tại tôi bướng bỉnh cho nên là chúng nó khổ… thế nhưng mà tôi làm đủ mọi thứ… không cái gì là không làm chỉ có cái đi làm hại ai là không bao giờ hại còn cái gì tôi cũng làm hết. Làm thì nó theo dõi, nó ngăn cản, nó tìm cách hại mình nhưng mà … cái chuyện là vẫn là có Trời không bao giờ nó hại được tôi… vì là đi đến đâu cũng có Công an mật đi theo hết. Chỗ nào cũng cho người theo hại tôi, nhưng mà lúc nào là cũng như có người cứu tôi. “Có một cái lạ là những bài Thơ của tôi ấy là bài nào là nó cũng cứu sống tôi. Bởi vì lắm khi người ta bố trí công an mật đi để giết tôi mà thì lắm khi nó không nỡ giết là vì nó thích thơ tôi mà nó không nỡ giết.”

Nhà Thơ Hữu Loan đã nói đến trường hợp một mật vụ được giao lệnh giết ông: “Nó nói thật với tôi. Nói đúng là người ta bố trí tôi để giết ông nhưng mà tôi là cái thằng rất yêu Quê hương, yêu với Quê tôi… tôi nhớ Quê tôi tôi đem cái Bài Thơ của ông, cái bài thơ Yên Mô (tỉnh Ninh Bình) đấy để tôi đọc, để cho đỡ nhớ thì tôi không thể nỡ giết ông là vì ông tả cái Quê tôi hay quá. Mỗi một lúc nhớ quê hương thì tôi lại đem cái bài thơ ông làm về Yên Mô ra tôi đọc. “Ngoài bài Yên Mô, ông Hữu Loan còn làm nhiều bài Thơ khác trong thời gian đi lao động kiếm ăn, trong đó ông kể thêm các bài Đèo Cả, bài Tò He, bài Những Nàng Đi Qua, bài Hoa Lúa v.v.

TỰ DO VÀ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM

Khi nói đến tư cách của Kẻ Sỹ bất khuất trước đe dọa và bạo quyền, Nhà Thơ Hữu Loan nói với BBC: “Tôi là một thằng thích được tự do mà tôi bảo vệ tự do của tôi với tự do của mình và tự do của dân tộc… tự do của mọi người.

Tôi thấy ai mất tự do thì tôi bênh vực cái người ấy và tôi cũng không bao giờ để cho tôi mất tự do. Như là tôi làm những cái mà… bao giờ cũng làm cái đạo đức tức là thương người. Thấy đói thì thương, ai rách thì cho mà ai bị áp bức thì binh vực. Nhưng mà có một cái là không ai áp bức tôi được. Áp bức là tôi chống lạị Chống bất cứ ai mà ngay cả đến cần phải đánh nhau..cả hàng lũ người mà làm tôi mất tự do tôi cũng chống lại và nếu cần đánh là cũng phải đánh.”

Hữu Loan, theo lời ông, đã tham gia trực tiếp vào những Giai phẩm Mùa Thu, Giai phẩm Mùa Xuân và Giai phẩm Mùa Đông xuất bản chống chính sách Đảng vào giai đoàn 1955-1956. Ông nói:”Đấy là Nhà xuất bản của chúng tôi làm… của mấy thằng Nhân Văn làm mà. Khi Hương Ly hỏi trong nhóm Nhân Văn Giải Phẩm hồi ấy thì ông chơi thân nhất với ai và ai là người mà ông coi là bạn tri kỷ tâm đắc nhất?

Hữu Loan đáp:”Gần gũi thì đông. Như là Chế Lan Viên này rồi là cánh Nhà văn thì họ thích tôi hết cả. Xuân Diệu hay là… Nói chung thì cánh Nhà văn thì họ đều thích tôi. Có trừ một vài cái anh bất tài. (Nhiều người) họ cũng chống quân trên, (nhưng) họ không dám nóị Hồi đó thì chúng tôi thành một khối với nhau cả… những Trần Dần với lệ Phùng Quán này … “Hữu Loan cũng cho biết, ngoài ông đảng CSVN còn thù hận cả gia đình ông, nhất là các con của ông là những người học hành thông minh nhưng cứ nại cớ bắt học đi học lại không cho lên Phổ thong (Trung học).

TRẦN ĐỘ VÀ HỮU LOAN

Khi BBC hỏi tại sao khi ông bị rầy rà, bị nhiều cấp chính quyền tìm cách phá công chuyện làm ăn kiếm sống của mình thì ông có lên Ủy ban hay giới chức để hỏi cho ra lẽ không? Hữu Loan trả lời: “Hỏi thì hỏi cho biết thôi chứ đến với chúng nó là chửi bới thôi chứ hỏi làm gì. Tôi chỉ có chửi bới vào mặt với đánh thôi. Tôi đánh nhiều đứa vỡ mặt vỡ mũi chảy máu mồm máu mặt đấy.”

Hương Ly: “Nhưng mà thưa ông, tức là ông dùng bạo lực như thế thì có khi cũng không phải là cái phương cách tốt để mà ngồi xuống nói chuyện, để mà đối thoại với nhau ạ? Hữu Loan: “Đối thoại có đường cái đồng cánh gì mà đối thoại. Nó là cứ Đảng là trên hết mà. Đảng là chính. Đối thoại không được chứ.. Đối thoại là nó lại ấy nó không… Những ngươi binh tôi là bị hết. Anh Trần Độ anh ấy binh tôi rồi anh ấy bị nó hãm hại đấỵ  Anh có nói như thế này, anh Trần Độ nói như thế này này: Từ thời Nhà Lý thì chọn ra được 11 bài Thơ tình thì trong đấy là cái bài Thơ Màu tím Hoa Sim của ông Loan là cái bài Thơ hay nhất. Thế là anh Trần Độ… đề cao tôi như vậy mà nó bao vây anh Trần Độ, nó không cho làm cái gì.”

Nhưng khi được hỏi bây giờ đã sống tới 87 tuổi thì Nhà thơ “ngẫm nghĩ về cuộc đời của mình” như thế nào thì Hữu Loan nói ngay: “Tôi rất bằng lòng về tôi bởi vì tôi đã bênh vực được những người nghèo. Tôi đã làm được những các chức việc đạo đức mà tôi đã đánh những cái quân gọi là cái quân cường quyền, cái quân mà gọi là lừa đảo, bịp bợm… lừa Trời dối Đất … Tôi đã đánh được quân ấy cho cả Nước và tôi không có ngơi một lúc nào, không có cách nào, là tôi cũng vẫn kiếm cách để tôi đánh chúng nó…

Thí dụ như khi tôi về rồi (chú thich: sau 1956) thì thấy cái cảnh Cán bộ khổ quá tôi làm cái bài thơ Chiếc Chiếu đấy. Cái Bài thơ Chiếc Chiếu đấy thì tôi làm ra một cái thì, nghĩ về gần Cán bộ khổ quá, nhà ai cũng vậy chiếc chiếu nằm cũng không có mà nằm… Cán bộ đói đến đến như vậỵ Thế thì là đầu tiên tôi làm cái bài ấy thì Trần Dân cũng bảo là đấy cũng là Chiếu của Văn nghệ… Chiếu của Hữu Loan tức là Chiếu của Văn nghệ Sỹ.

Nhưng mà đến sau này thì cái Chiếu ấy lan ra cả Công nhân, Viên chức. Công nhân, Viên chức nào cũng có cái chiếc chiếu giống như cái chiếc Chiếu mà tôi viết đấy là Chiếu của Hữu Loan đấy. Sau đó, Hữu Loan đã đọc lại nguyên văn bài thơ Chiếc Chiếu:

“Có ai thấy một người cha
Từng buổi, từng buổi
Trước tủ kính cửa hàng mậu dịch dòm như nổ mắt
Tì mũi dẹp như quả bóng xuống hơi
Thầm đọc đi đọc lại giá hàng từng thứ đồ chơi
Dù nhiều lần đã hạ giá
Trong óc nổi bòng bong từng mớ
Những cơm đến gạo đến quần đến áo
Những đôi chiếu nằm rách từ giữa rách ra
Tục ngữ nói rằng những chiếc nhà dột từ nóc trên dột xuống
Từng sáng mai nhìn gầm giường
Đốt cói rụng đầy như chiếu rụng đốt xương
Gió thổi từ dưới thổi lên
Muỗi cũng đốt từ dưới đốt lên
Nhưng con đái dầm lại tiện
Ròng rã mười năm kháng chiến
Cầm vững hai tay
Một cái tình thần
Choảng nhau với súng với bom
Gian khổ còn ư?
Bố con ta lại vung cái tinh thần như tráng sỹ vung gươm
Chong chóng không quay
Con vứt đi phụng phịu
Sáng kiến làm đồ chơi
Bố thì không thiếu
Bố lại lấy lá dứa vận cho con cái kèn
Bố thổi nó kêu lên
Tò he… tò he
Con đắc trí giật kèn đi thổi khắp Ô Kim Mã
Tò he… tò he
Như một thiên sứ hài đồng
Xuống lệnh điềm tin
Tò he… tò he…
Nhớ truyện Đông Chu sao đỏ, sao đen
Tò he… tò he…

PHỤC HỒI CÁI GÌ?

Nhà Thơ Hữu Loan xác nhận một số Thơ làm về Bộ đội của ông đã được Nhà xuất bản Quân đội chọn xuất bản thành tập cũng như một số bài khác, dù có nội dung “chống đối”hay được coi là “có vấn đề” với Nhà nước đã được Nhà xuất bản Kim Đồng ở Hà Nội in ra, nhưng ông không coi đó là một đặc ân hay nhìn nhận công lao của ông. Ngược lại ông bảo, một phần vì cũng có người “trong cánh ấy” (trong nhóm ấy) biết công nhận Thơ của ông. Hoặc như Nhà Xuất bản Kim Đồng đã viết lời giới thiệu:”Phải đem Thơ ông Loan để dậy cho Thanh thiếu niên học ở đấy cái đạo làm người”

Hữu Loan nói với Hương Ly: “Nhưng mà cái chuyện mà họ đưa ra in… Nhà xuất bản Kim Đồng in thì đấy là cái to gan rồi đấy vì trước kia là họ không dám.

Cái to gan của trí thức Việt Nam… trí thức Việt Nam vẫn có cái khí phách mà vẫn đi đến chỗ mà gọi là dám làm những điều phải, dám binh vực cái lẽ phải”

Nhưng còn cái chuyện được gọi là đảng CSVN bây giờ không trù dập nữa hay đã phục hồi nhóm Nhân Văn – Giai Phẩm thì sao, Nhà thơ Hữu Loan nói về quan điểm của ông: “Cái phục hồi thì họ phục hồi hay không thì tôi cũng thế còn tôi thì cũng cứ vẫn là tôi. Tôi vẫn binh vực .. tôi vẫn làm đấy thôi chứ còn cái phục hồi kia lắm lúc nó cũng chỉ là, coi là lấy cái hình thức thôi. Thí dụ như là họ phục hồi cái kiểu như thế này: Thụy Điển, nước Thụy Điển ấy thì là xin đến thì nó không cho đến sau đến cuối cùng khi ông ta xin nhiều quá thì nó bảo là tôi chết rồi chứ có cho đến đâu.

Thế cho nên là sáu lần xin, sáu lần bảo tôi chết đến nỗi lắm… hồi ấy có người ở Hà Nội tưởng tôi chết thật đã viết thư về gọi là viếng cơ mà. Các bạn như Phùng Cung với các người khác ở Hà Nội đã viết thư để viếng. Họ úp mở… tai đến giờ họ có thật thà đâu mà mình… nghĩa là (họ) không có bao giờ thật thà.”

Hương Ly: “Nhưng mà thưa ông là khi mà một số những thành viên trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm mà được phục hồi như vậy đấy thế thì giới chức họ có về gặp ông để mà giống như là ngồi xuống nói chuyện rồi nói rằng là thôi bây giờ cái chuyện cũ đã qua rồi thì bây giờ tất cả những cái gì thuộc về qúa khứ thì bỏ qua một bên hay không ạ?”

Hữu Loan: “Họ về họ chụp ảnh ấy mà. Họ may cả Xích-Mốc-King (Chú thích: Smoking, loại áo đuôi tôm của đàn ông Tây phương mặc vào các dịp lễ lạc của dân Quý phái, Quý tộc hay dạ tiệc bây giờ), áo lễ phục cho tôi với lại ấy… nhưng mà tôi cũng không… tôi chán chúng nó chẳng qua cũng chỉ là cái hình thức thôi.

Tôi cũng bảo rằng tôi thì tôi sống quê mùa nó quen rồi, chứ còn các thứ áo đây thì các anh đem về cho những người khác bởi vì nếu bây giờ tôi mặc thì dân chúng chắc là họ lại kháo nhau bảo là cái ông này ngày trước có vẻ mẫu mực lắm, nhưng bây giờ có vẻ là lại được tí như bổng lộc gì đấy lại đi… gọi là đi theo”

Đó là con người và bản tính bất khuất của một Nhà Thơ nổi tiếng của Văn học Việt Nam. Hữu Loan còn các bút hiệu khác như Phương Hữu và Hữu Sinh. Ông xuất thân từ một giáo chức dạy Pháp văn năm 1939 và đã từng tham gia cướp chính quyền ở tỉnh Thanh Hóa tháng 8-1945.

Từ năm 1946 đến 1951, ông trong Ban Biên tập chủ lực Tạp chí Chiến Sĩ Quân khu 4. Nơi đây Hữu Loan gặp tướng Nguyễn Sơn là một trong số những người yêu quý Văn nghệ sỹ kháng chiến. Sau đó, ông đã từng giữ nhiều chức vụ huấn luyện cán bộ khác nhau cho đến khi Hữu Loan tham gia chống Đảng trong hai Tạp chí Nhân Văn và Đất Mới.

Sau khi bị Hồ Chí Minh và tay sai Văn nghê.-Công an đàn áp, Hữu Loan đã chịu chung số phận với nhiều Văn nghệ sỹ khác bị tù đầy và lao động khổ sai, có người cho đến chết.

Bây giờ, 48 năm sau kể từ 1954, mặc dù Việt Nam đang cố gắngđi lên trong thời kỳ được gọi là “đổi mới tư duy”nhưng đảng CSVN và đám hậu duệ Hồ Chí Minh vẫn chưa biết hối hận về hậu quả của những hành động đàn áp trí thức và Văn nghệ sỹ của thời Nhân văn – Giai phẩm. Ngược lại họ vẫn tiếp tục đi vào vết xe đổ bằng những đe dọa hung hãn hơn. -/-

Phạm Trần (10/2002)

(*Tựa do Gió O đặt. Tài liệu do gio-o.com
sưu tầm và lưu trữ, 2002, 2010)