TÔ THÙY YÊN (1938-2019) NHÀ THƠ VIỆT NAM (Đặng Tiến)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be art of one or more people

Nhà thơ Tô Thùy Yên tên thật là Đinh Thành Tiên, từ trần tại Houston (Hoa Kỳ) lúc 21g15 ngày 21-5-2019, thọ 81 tuổi. Vào tuổi ấy, và sau bao nhiêu gian truân, ông ra đi vẫn gây ra nhiều tiếc nuối trong giới độc giả trong và ngoài nước. Cái tang chung cho giới văn học đặt ra một câu hỏi khẩn thiết: tác phẩm Tô Thùy Yên đứng ở đâu trong dòng văn học Việt Nam hôm nay?
Tựa đề bài này khẳng định: Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam. Không phải là nhà thơ hải ngoại hay của Miền Nam cũ. Lý do đơn giản: ông là người Việt Nam, viết văn, làm thơ bằng tiếng Việt Nam. Huống hồ đời ông gắn bó với lịch sử đất nước trong mỗi chặng đường, thơ ông đầy ắp tình tự dân tộc, thắm thiết phong cảnh quê hương, ngôn ngữ Việt Nam phong phú, đa dạng, vừa uyên bác vừa sâu đậm lời ăn tiếng nói dân gian, tục ngữ, ca dao. Thơ ông đặc sắc, từ nội dung nhân đạo, tư tưởng cao sâu đến lời thơ tài hoa, hào sảng, giàu hình ảnh lạ trong tiết điệu thân quen. Nghệ thuật vi diệu của ông làm vinh dự cho tiếng Việt và văn hóa Việt. Tô Thùy Yên là nhà thơ Việt Nam bên cạnh Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Khuyến, Tản Đà.
Tôi đã ngần ngại nhiều ngày trước khi đưa ra nhận định như trên, e rằng mình chủ quan, quá lời, cho đến khi đọc trên mạng ngày 28-5, bài của nhà thơ Thanh Thảo, không được đăng trên các báo giấy trong nước, có đoạn: “Tô Thùy Yên là một nhà thơ lớn (…) khi một nhà thơ Việt được công nhận bởi tài năng và nhân cách của mình, thì dù họ sống ở xa tổ quốc, thơ họ vẫn thuộc về đất nước, về dân tộc Việt Nam. Đó là thơ của một nhà thơ Việt thuần chất, trong đau khổ vẫn giữ được phẩm chất người của mình, vẫn yêu thương mà không oán hận, dù số phận mình hết sức trớ trêu”. Thanh Thảo, sau 20 năm đọc thơ Tô Thùy Yên, đã nắm bắt được hai yếu tố chính: chất dân tộc và chất người, làm nên nhân cách nhà thơ. Tôi đặt tên cho bài viết: Tô Thùy Yên nhà thơ Việt Nam, tưởng là đã chắc nịch, trong khi Thanh Thảo dùng chữ “nhà thơ Việt” ngắn gọn hơn, nhưng sắc bén, sâu xa hơn cái quốc hiệu tôi đưa ra. Thanh Thảo, cùng với Tô Thùy Yên là nhà thơ, họ sử dụng ngôn ngữ theo trực cảm, từ đáy vực tâm linh của lời nói. Lại nhớ đến Trần Đĩnh, tác giả Đèn Cù khi anh nhận xét “Tô Thùy Yên là nhà địa chất học đầu tiên nhặt lên những quặng chữ chưa ai từng phát hiện để đặt chúng bên nhau mà phát xạ” (Văn Việt 28-5-2019). Tôi thấy an tâm vì mình vinh danh thơ Tô Thùy Yên, nhất là vào giờ vĩnh biệt nhà thơ, không phải là chủ quan quá đáng.
Về tư tưởng và nghệ thuật Tô Thùy Yên, tôi đã từng sơ lược trình bày trong bài Ngựa phi đường xa, đăng trên báo Khởi Hành, California, số 20, tháng 12-1998. Từ bấy đến nay, non hai mươi năm, tình hình văn nghệ, báo chí đã không khá khẩm hơn, thậm chí còn u ám hơn. Văn thơ, đáng lẽ phải làm cho con người gần nhau, lại gây thêm tị hiềm, chia rẽ, thậm chí thù hận. Riêng Tô Thùy Yên thì có địa vị riêng, thơ ông đứng bên ngoài cõi ta bà đó và gây được sự đồng thuận giữa độc giả trong và ngoài nước, nhờ nội dung nhân ái và nghệ thuật vi diệu; và cũng nhờ kỹ thuật thông tin mạng hiện đại. Nhiều người truy cập được toàn bộ thơ văn Tô Thùy Yên, trong và ngoài nước, với ít nhiều thiện tâm, thiện chí, dù chính kiến, quá khứ có khác nhau, họ cũng thấy gần gũi qua những câu thơ:
“Ta về như lá rơi về cội,
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này”
Bài Ta Về làm 1985 khi tác giả vừa ra khỏi trại tù cải tạo, tuy có nhắc lại những lao khổ qua “mười năm chết dấp”; nhưng không thù hận. Ông xem những điêu linh, chiến tranh, lao lý, đổi đời như là hiện tượng tự nhiên, một cuộc biển dâu như người xưa vẫn quan niệm, mà Ôn Như Hầu hay Nguyễn Du đã từng nhắc lại đâu đó. Để bôi xóa quá khứ, để nuôi dưỡng sự sống, tác giả rót chén rượu giải oan, giống ai xưa đã lập đàn giải oan trên sông Tiền Đường, giải trừ oan nghiệt cho chúng sinh, cho một bếp lửa nhân quần ầm tối nay. Bếp lửa đầu tiên của loài người là của bộ lạc, rồi đến bếp lửa gia đình, không có kích cỡ nhân quần như nơi Tô Thùy Yên. Vì tâm hồn ông như vậy. Tầm nhìn (sinh thời ông ưa dùng chữ vision) như vậy thấy được “thế giới vui từ mỗi lẻ loi”.
Thơ Tô Thùy Yên là chuyện Con Người, chuyện một thân phận lẻ loi trong một nhân quần hạnh phúc. Chất thơ tinh luyện trong trước tác Tô Thùy Yên là nhân phẩm con người, từ đó ông thẩm quyền dõng dạc: “thơ còn con người còn” trong một bài nói tại Seattle ngày 26-7-1997; ông giải thích thêm, phân biệt “văn nghệ giải trí, giải muộn khác với văn nghệ ở cấp độ cao nhất là văn nghệ giải oan, giải thoát”. Dù sao thơ cũng cần đến những ẩn dụ hào hoa, chứ kỳ thật để “giải oan cho cuộc biển dâu này”, Tô quân không cần rưới chút rượu hồng nào cả. Thơ ông là đủ để hóa giải.
Tấm lòng cao quý như vậy, trong một tác phẩm lớn lao như vậy, mà cho đến nay độc giả trong nước không mấy người biết đến vì nhà cầm quyền không cho phép in ấn, thậm chí không cho chép nhắc tới. Dù chỉ đăng tin buồn. Người cộng sản không ưa Tô Thùy Yên thì chuyện dễ hiểu, nhưng khắc nghiệt đến mực ấy thì quả là bất thường, gây thiệt thòi cho quần chúng độc giả; nhất là giới trẻ không tiếp cận được với một nguồn thơ giàu có của đất nước họ. Mà giới chống cộng trong hay ngoài nước, cũng chưa chắc gì đã ưa lối thơ này, mà nhiều người chê là “thiếu lửa”, ví dụ bài Ta Về nổi tiếng. Họ đòi hỏi ở một nạn nhân cộng sản tính chiến đấu cao hơn, và ngờ vực tác giả còn giữ nhiều liên hệ với giới văn nghệ quốc nội và đã đôi ba lần về thăm đất nước. Nghe nói tập thơ cuối cùng mới in gần đây tại Mỹ không bán, tác giả xuất bản để tặng bạn bè.
Cuối cùng, thơ Tô Thùy Yên không dễ đọc. Độc giả trích dẫn nhiều, nhưng chỉ trích những câu, những đoạn vừa ý. Nói rằng tác giả dùng nhiều lời ăn tiếng nói dân gian, nhiều tục ngữ ca dao, nhưng không phải là người đọc nào cũng nắm bắt. Ngay hai câu đầu của Ta Về được truyền tụng nhiều nhất:
“Ta về – một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai”.
Muốn hiểu cặn kẽ thì phải biết câu ca dao, có lẽ xuất phát từ quan họ:
“Người về ta chẳng cho về
Ta níu áo lại ta đề câu thơ”…
Thậm chí, cuối tập Thắp Tạ (2004) tác giả còn thêm phần phụ chú để giải thích… thơ mình.
Bài thơ làm 1999 có câu thật hay
“Em về giồng dưới qua bưng gió
Dạ bời bời nỗi sậy niềm mây”
Câu thơ tự nó đã hay, không cần giải thích. Nhưng tác giả đã tiết lộ xuất xứ từ ca dao Nam bộ:
“Em về giồng Dứa qua truông
Gió day bông sậy, bỏ buồn cho anh”
Tô Thùy Yên là nhà thơ uyên bác. Ông thông thạo thơ cổ điển Trung Quốc, có lần, trong trại học tập đã chép tặng bạn một bài thơ dài của Đỗ Phủ bằng chữ Hán. Ông đọc hầu hết thi ca Pháp hiện đại và đặc biệt thích Saint John Perse, một tác gia khó đọc. Ngoài ra ông tinh tường triết học Tây phương, do đó, câu thơ ông trầm tích nhiều ý tưởng hay ẩn dụ phức tạp, dễ khiến người đọc lạc lõng.
Tô Thùy Yên lại là người cầu toàn, trau chuốt câu thơ “Tôi giựt giành đổ máu với tôi/từng chữ một”, do đó câu thơ có lúc hồn nhiên, có lúc cầu kỳ. Thơ cần cảm hứng, nhưng Tô Thùy Yên khổ luyện thi hứng của mình, thành những bài thơ dài; (nhờ ngẫu hứng mà làm được vài ba câu thơ hay thì không khó, nhiều người làm được). Thơ, cũng như nhiều bộ môn nghệ thuật khác, đòi hỏi những công trình dài hơi, khả năng lao động trí tuệ bền bỉ, rung cảm sâu lắng. Tô Thùy Yên muốn làm thi sĩ thực sự, chứ không chỉ là một tao nhân mặc khách, “ngứa cổ hát chơi”. Và cuối cùng, ông đã là một nhà thơ đích thực, ở tầm cỡ thế giới.
Ngày nay, thơ ông phổ biến nhiều nhờ qua mạng Internet, nhưng đọc thơ trên mạng thì có cái gì đó phù du.
Tóm lại có những lý do khách quan, khiến tác phẩm Tô Thùy Yên khó đến với quảng đại quần chúng. Mà nay còn có chuyện cấm đoán nữa, thì càng thêm khó khăn, tai hại.
Giá trị thơ Tô Thùy Yên, về mặt tư tưởng, tình cảm, nghệ thuật, tôi đã trình bày nhiều ở phần đầu, và viện dẫn chứng từ của nhà thơ Thanh Thảo, nhà văn Trần Đĩnh, những tác gia nghiêm túc mà tên tuổi đủ bảo đảm cho lời nói, cất lên từ trong nước. Quý ở chỗ đó.
Phần sau là đặt tác phẩm vào thời sự, với những nghịch cảnh đáng tiếc. Phong trào Thơ Mới 1932-1945 nở rộ nhanh chóng và ảnh hưởng lâu dài, là nhờ sách báo và nhà trường thời đó. Ngày nay xã hội Việt Nam không còn được hai ưu thế đó. Ngay việc bình luận, nghiên cứu cũng bị phân tán, ngăn chặn, xuyên tạc.
Nhân một đám tang, chúng tôi muốn nêu lên vấn nạn chung, cho tác phẩm Tô Thùy Yên, mà cũng cho trước tác nhiều tác gia khác.
Cho hay khi con người sống có ích thì chết cũng có ích.
Và chúng tôi tin vào lời Tô Thùy Yên, ngày ông còn cả tiếng cùng nhân loại:
“Thơ còn con người còn”.
ĐẶNG TIẾN
(Orléans, 28-5-2019)