Ngày 30 tháng 4 năm 2001, chuyến máy bay American Airlines cất cánh lúc 11 giờ sáng đã đưa tôi trở về Thành Phố Ann Arbor. Suốt 5 ngày ở tại Nam Cali, tôi đã phụ giúp các niên trưởng cựu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, các chiến hữu và thân hữu tổ chức Lễ Tưởng Niệm Ngày Quốc Hận, Vinh Danh cuộc chiến đấu cho chính nghĩa Quốc Gia và lý tưởng Tự Do của quân dân miền Nam trước năm 75 và ra Mắt tác phẩm “Nguyễn Khoa Nam.” Năm ngày tích cực hoạt động mà kết quả thành công thật tốt đẹp đã mang đến cho mọi người niềm vui tinh thần khó gì so sánh được. Tôi tin rằng tất cả những người liên hệ đến kế hoạch thực hiện sách “Nguyễn Khoa Nam” cách này hay cách khác, đều cảm thấy hãnh diện đã dự phần vào công việc đầy ý nghĩa này. Giờ đây, ngồi trong thư phòng vắng lặng giữa đêm khuya, nghĩ lại mọi việc đã qua kể từ ngày đầu tiên tôi và anh Nguyễn Mạnh Trí khởi công, tôi bồi hồi xúc động.
Cầm quyển “Nguyễn Khoa Nam” trên tay, tôi lật sách và đọc lại một đoạn:
“…Cái chết của ông thật lặng lẽ, âm thầm và cô đơn nhưng lại chuyển vào mạch sống của dân tộc. Ông đã để lại cho lịch sử khúc ca chính khí.
“Tôi viết lên những giòng này vào giữa đêm khuya, trong phòng vắng. Đến đây, tôi ngừng viết, đọc lại những gì ghi trên giấy, nước mắt bỗng tuôn tràn trên gò má. Tôi khóc cho ông, người thầy của tôi, cho những người nằm xuống. Nhưng tôi cũng khóc cho tôi, cho những người thân, cho những bạn bè đã hứng chịu những hệ lụy bi đát sau ngày tàn cuộc chiến. Tôi khóc vì cảm động trước đắng cay mà đồng bào tôi đang sống trong màn đêm bạo tàn ở ngay chính trên quê hương của mình.
“Tôi viết những dòng này, trước ngày húy nhật thứ 26 của ông để dâng lên ông lòng kính trọng. Tôi không ca tụng ông vì danh ông lớn quá, ca tụng cũng bằng thừa. Tôi chỉ ghi lại vài mẩu chuyện rất “người” của một con người bình thường, nhưng đã vươn lên cao, nếu không muốn nói là vĩ đại.”
Đọc tiếp một đoạn khác:
“…Đứng trên phà Cần Thơ nhìn mặt nước mênh mông và khung cảnh mộc mạc hai bên bờ sông, tự nhiên tôi có ý nghĩ: “Có lẽ mình nên rải một ít tro của Tướng Nam ở đây vì thuở sinh tiền người đã chiến đấu và chết cho vùng đồng bằng sông Cửu Long này.” Nghĩ là làm ngay, tôi đi lần ra phía mũi phà, trong lúc không có ai để ý, tôi mở một bao ny-lông đựng tro cốt Tướng Nam và rắc xuống sông một nửa. Tro cốt hòa vào làn nước đục phù sa, và ít bụi tro bay theo làn gió sông vừa lướt qua mặt tôi lành lạnh. Tôi có cảm tưởng như anh linh của Tướng Nam và các vị tướng sĩ khác vẫn hiện diện khắp nơi trên núi sông đất nước để phù trợ, quan phòng cho quê hương và dân tộc Việt Nam. Tôi gói bao ny-lông còn nửa phần tro cốt lại, định sẽ làm như vậy khi qua sông Tiền Giang ở bắc Mỹ Thuận…”
Lật qua vài trang thuộc chương cuối:
“…Tư Lệnh đi từ đầu phòng đến cuối phòng hỏi thăm từng bệnh nhân, rồi Tư Lệnh đi qua dãy kế bên và tiếp tục hơn một giờ thăm viếng thương, bệnh binh buồn tẻ và nặng nề. Gần giường một thương binh, anh cụt hai chân, vải băng trắng xóa, máu còn rịn ra lốm đốm đỏ cuối phần chân đã mất. Tư Lệnh đứng sát bên và hỏi:
-Vết thương của em đã lành chưa?
-Thưa Thiếu Tướng, vết thương mới mấy ngày còn ra máu chưa lành.
Với nét mặt buồn buồn, Tư Lệnh nhíu mày lại làm cặp mắt kiếng đen lay động. Tư Lệnh chưa kịp nói thêm thì anh thương binh này bất chợt chụp tay Tư Lệnh mếu máo:
-Thiếu Tướng đừng bỏ tụi em nhé Thiếu Tướng.
-Qua không bỏ các em đâu! Qua ở lại với các em.
Qua ánh đèn của bệnh viện, tôi thấy Tư Lệnh đưa tay nâng sửa cặp mắt kính đen và hai giọt nước mắt từ từ chảy lăn dài trên khuôn mặt đau thương của ông. Tư Lệnh cố nén xúc động, nhưng người đã khóc, khóc không thành tiếng và những giọt nước mắt tự nhiên tuôn trào. Tư Lệnh vịn vai người thương binh nói trong nghẹn ngào:
-Em cố gắng điều trị… có qua ở đây.
Tư Lệnh bước nhanh ra cửa bệnh viện, khi ra đến ngoài sân Tư Lệnh dừng lại quay mắt nhìn về bệnh viện. Tư Lệnh đứng yên bất động khoảng một phút rồi bước vội ra xe không nói gì nữa cả. Trên suốt đường về tư dinh, Tư Lệnh không nói một lời nào khiến tôi cảm thấy sự im lặng quá nặng nề…”
Tôi nhắm mắt, tưởng tượng ra cảnh Tướng Nam đứng nhìn non sông lần cuối, tưởng tượng ra hình ảnh ông đi thăm thương bệnh binh khi cuộc chiến đã tàn, khi mà một số đồng đội không qui hàng, bỏ nước tìm tự do đã yên lành trên một chiến hạm thuộc Đệ Thất Hạm Đội hay một quốc gia đệ tam nào đó mà lòng thương cảm, sót xa, kính phục ông hơn. Nước mắt tôi không ràn rụa như lần đầu tiên sửa chữa bản thảo, nhưng lòng tôi vẫn còn quá đỗi bùi ngùi. Là một vị tướng liêm khiết, yêu nước, thương dân, hết lòng lo lắng cho chiến sĩ thuộc cấp, Tướng Nam đã chọn cách tuẫn tiết để “ở lại với thuộc cấp,” để giữ tròn tiết tháo của một tướng lãnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thật dễ hiểu khi một số tướng lãnh, sĩ quan và binh sĩ dưới quyền cũng đã chọn lối xử sự như ông và quân nhân các cấp thuộc Quân Đoàn IV chịu cảnh tù đày cải tạo đông nhất. “Ninh thọ tử bất ninh thọ nhục” đã thành quyết tâm của những bậc anh hùng khi chấp nhận cuộc chiến sắp đặt, thiếu công bằng, chiến đấu đến cùng nhất định không hàng giặc. Trong hoàn cảnh tứ bề thụ địch, mà Quân Lực VNCH đã giữ vững miền Nam trong suốt 20 năm thù trong giặc ngoài, để dân miền Nam được hưởng 20 năm trời tương đối dân chủ, tự do và có đời sống sung túc gấp bội lần người dân miền Bắc, công tâm mà nói, thành quả đó đã đáng ngưỡng mộ rồi. Quân dân miền Nam đã hoàn tất trách nhiệm và bổn phận được tổ quốc giao phó, dù không như ý muốn, nhưng chúng ta không phải “cúi mặt” vì mặc cảm chiến bại nữa. Bởi lẽ, tuy là kẻ thắng trận, chính quyền miền Bắc khởi động cuộc chiến 20 năm tương tàn đã phá tan hoang đất nước. Sau hơn một phần tư thế kỷ, thống nhất đất nước dưới chế độ áp đặt Cộng Sản, nước Việt trở thành một trong những quốc gia nghèo khổ và chậm tiến nhất trên thế giới. Cộng Sản Việt Nam đã làm được điều gì, khả dĩ được kể là “công” của chế độ? Nếu không muốn nói là có “tội” lớn đối với tổ quốc vì bán nước hại dân? Tất nhiên, cả dân tộc đã có thể tránh được cuộc tương tàn từ đầu, nếu đất nước ta có những minh quân tài đức, nếu mọi người dân ý thức được bổn phận, trách nhiệm và đồng lòng thiết tha chung lo việc nước. Phải chăng tất cả sự kiện lịch sử xảy ra đều nằm trong định mệnh đã dành cho dân tộc ta, hay phận dân nhược tiểu đã bị sắp đặt mà “thành hay bại” chúng ta phải nhận chịu? Tướng Độc Nhãn Moshen Dayan của Do Thái đã biết trước kết quả của cuộc chiến VN khi ông tuyên bố: “Chế độ Cộng Sản sẽ tan rã khi họ chiếm được miền Nam.” Phải chăng từ thập niên 60, số phận miền Nam đã được định đoạt, đổi chác giữa quyền lợi của các thế lực quốc tế? Phải chăng “để miền Bắc thống nhất đất nước, để toàn dân nhận chân chế độ Cộng Sản phi nhân mà vùng lên đạp đổ chế độ” là cách tốt nhất để giải quyết tận gốc rễ cuộc chiến ý-thức-hệ Quốc-Cộng tại Việt nam? Quá trễ để quân dân cả hai miền Bắc, Nam thay đổi kết quả của cuộc chiến, nhưng nếu không học bài học lịch sử vừa qua, dân tộc ta sẽ lại quá trễ để xây dựng đất nước phú cường và đủ sức bảo vệ giải giang sơn gấm vóc trước tham vọng bành trướng của kẻ thù Trung Cộng. Trong bản Bình Ngô Đại Cáo, Nguyễn Trãi đã viết:
“…Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt chỉ vì khử bạo
Như nước Việt ta từ trước, vốn xưng văn hiến đã lâu,
Sơn hà cương vực đã chia, phong tục bắc, nam cũng khác.
Từ Đinh, Lê, Lý, Trần gây nền độc lập,
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên hùng cứ một phương.
Dẫu cường nhược có lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có…”
Từ xưa đến nay, dân tộc Việt Nam không bao giờ thiếu những anh hùng: Từ Thiên Vương Phù Đổng đuổi giặc Ân, Lý Thường Kiệt phá Tống bình Chiêm, Hưng Đạo Đại Vương ba lần đánh tan quân Nguyên cho đến Bình Định Vương diệt Minh, Quang Trung Nguyễn Huệ phá quân Thanh. Tướng Nam và bao tướng sĩ khác đã lấy máu, phục hồi danh dự cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và trở nên những tấm gương trung liệt sáng rỡ, là niềm tin bất diệt và tinh thần bất khuất cho mọi người dân Việt chúng ta gìn giữ, noi theo. “Sinh vi tướng, tử vi thần,” anh linh các vị ấy vẫn hiện diện trên khắp núi sông đất nước để phù trợ, quan phòng cho quê hương, dân tộc. Toàn thể dân Việt phải nung đúc tinh thần bất khuất Nguyễn Khoa Nam như ngọn lửa thiêng muôn đời làm rạng ngời Tông Miếu của giống nòi Lạc Hồng. Cộng đồng Việt Nam Hải Ngoại cũng như nhân dân trong nước phải cố quên đi ngày đau buồn 30 tháng 4, để cùng nhau “ngẩng mặt,” mỗi người một tay, mỗi người một việc, nhất quyết góp tay thay đổi chế độ và xây dựng quê hương trong niềm tin bất diệt: “Bạo quyền Cộng Sản sớm muộn gì rồi cũng sụp đổ bởi dân chúng sẽ nổi dậy vì phẫn uất khi những người lãnh đạo chỉ lo vơ vét, ăn trên ngồi trốc mà chẳng lo cho cuộc sống ấm no hạnh phúc của dân chúng.” Sớm hay muộn? Tôi không biết! Nhưng tôi biết rất rõ một điều là chúng ta phải tích cực, dấn thân, gây dựng niềm tin, thu phục nhân tâm, tạo dựng uy tín trong cộng đồng, một lòng hi sinh vì đại nghĩa để hưng phục quê hương. Tôi hằng tin rằng những tấm lòng chân thành yêu quê hương dân tộc sẽ lại kết hợp với nhau thành giòng thác cách mạng cuốn phăng tất cả những rác rưới bất công, những bọt bèo hư vị, những tủi hận can qua để hòa nhập vào giòng lịch sử chính thống, thăng trầm, hào hùng của dân tộc. Như Tướng Nam, một đời vì đất nước, đã đứng chiêm ngưỡng non sông, khóc cho vận nước lần cuối trước khi tuẫn tiết. Như Tướng Hưng đã từng hứng chịu hàng vạn quả đạn pháo sấm sét trên công sự phòng thủ An Lộc chẳng hề nao núng mà “không thể sống nhục.” Như Tướng Hai khi tuẫn tiết vẫn mang trong lòng niềm tin son sắt: “Sớm muộn gì rồi đất nước ta cũng sẽ có ngày sáng sủa.”
Như Tướng Phú, Tướng Vỹ, Đại Tá Hồ Ngọc Cẩn và hàng ngàn chiến sĩ anh hùng khác, thà chết chứ không chịu hàng giặc, hiên ngang tuẫn tiết để bảo toàn danh dự và trả nợ núi sông. Tương lai chúng ta phải do chính chúng ta định đoạt, tương lai con cháu chúng ta sẽ phải do chính thế hệ chúng ta sửa soạn. Dân Việt đã chứng tỏ tinh thần bất khuất từ ngàn năm xưa, “thắng, thua” là chuyện bình thường của tướng cầm quân, “thành, bại” là chu kỳ hưng suy của mỗi triều đại và “vinh, nhục” cũng chỉ là trạng thái tinh thần có tính cách giai đoạn. Chúng ta đừng để “nỗi nhục vong quốc” chôn chí cả một đời của bậc trượng phu, hay “thất bại trong quá khứ” làm bạc nhược tinh thần của những anh hùng “ngã ngựa.” Chúng ta hãy sẵn sàng góp phần hi sinh để đặt tương lai dân tộc trong tay những người tài đức, thật tâm yêu quê hương, dân tộc. Nếu chúng ta cảm thấy sự “hi sinh” của chúng ta xứng đáng thì hãy tích cực góp công, góp sức để biến tư tưởng đó thành hành động; dẹp bỏ tư lợi, tị hiềm để đoàn kết dân tộc; tạo dựng uy tín bằng cách mang lợi ích thiết thực cụ thể cho cộng đồng và quê hương và rồi cơ hội hưng quốc sẽ trở thành hiện thực sớm hơn. Ước mơ được sống yên bình và chết thanh thản trên mảnh đất quê hương mà “hồn nước, tình quê” đã bao đời gắn bó với “tình người” thành tự tình dân tộc luôn tràn trề trong huyết quản bất cứ người Việt Nam nào. Chính vì thế mà người dân Việt yêu tự do, dân chủ phải vững niềm tin sắt đá và quyết tâm đạt cho được ước mơ hiền hòa đó dù phải chịu nhiều cam go hay phải hi sinh xương máu để nêu cao chính nghĩa quốc gia.
Những xúc cảm của ngày 30 tháng 4 đã tạm thời lắng xuống, những âu lo chuẩn bị cho Lễ Tưởng Niệm 26 Năm Quốc Hận và Ra Mắt Sách cũng đã qua đi, điều chúng ta thật sự mong muốn là giữ cho ngọn đuốc thiêng “Tinh Thần Nguyễn Khoa Nam” được mãi mãi sáng tỏ, để gương trung liệt, vì nước vì dân và tinh thần bất khuất của Tướng Nam cùng các tướng sĩ đã tuẫn tiết sáng mãi trong lòng mọi người Việt tại hải ngoại cũng như ở quốc nội. Ngọn lửa thiêng “Tinh Thần Nguyễn Khoa Nam” phải được giữ gìn như ánh đuốc soi đường trong đêm tối, nêu cao chính nghĩa quốc gia, làm tâm niệm hành động trong công cuộc đấu tranh hưng quốc của người dân Việt yêu Tự Do, quê hương và dân tộc. Chính nghĩa Quốc Gia sẽ lại rạng rỡ hơn bao giờ hết, thách đố với chủ thuyết Cộng Sản phi nhân và rồi cuối cùng, chúng ta hãy tin rằng: “chính nghĩa bao giờ cũng thắng.”
Phạm Văn Thanh