TÌNH NGƯỜI TRONG CHIẾN TRANH (Bông Lau)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 6 people, military uniform and outdoors

Hình của phóng viên AP Koichiro Morita ngày 9 tháng 4 năm 1972. Thương binh Dù bị thương vì đạn súng cá nhân AK và súng chống chiến xa RPG (B-40, B-41) trên Quốc lộ 13. Một số thương binh phải nằm dưới đất vì không đủ băng ca.

May be an image of one or more people, people standing and outdoors

Hình của phóng viên AP, Huynh Minh Trinh chụp ngày 10 tháng 4 năm 1972. Quân Y Nhảy Dù đang cấp cứu một thương binh VC. Các bò đỏ chắc sẽ giải thích rằng: Lính Ngụy đang tra tấn mổ cầm trái tim của một chiến sỹ cách mạng. Chiến sỹ cách mạng này vẫn tiếp tục vùng vẫy kháng cự tới cùng.

May be an image of 5 people, aircraft and outdoors

Người bộ đội thương binh này sau đó được tản thương về hậu cứ VNCH bằng trực thăng.

May be a black-and-white image of 1 person, child and outdoors

Hình của phóng viên AP chụp ngày 13 tháng 4 năm 1972. Ngày sau cùng của quân Dù trên con đường 13 trước khi bàn giao lại cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Người lính Quân Y Nhảy Dù đẩy người thương binh VC vào bóng mát của tấm bạt. Hai chưn bị còng chắc thuộc thứ dữ.

May be an image of one or more people, people standing and outdoors

Hình của hãng tin AP chụp ngày 13 tháng 4 năm 1972. Một người lính thiết giáp VNCH bị thương vì xe tăng bị trúng đạn đại bác không giựt. Nhìn pháo tháp thì đây là chiến xa M-48.

May be an image of one or more people, people standing and outdoors

Hình của hãng tin AP chụp ngày 30 tháng 5 năm 1972. Lúc này Nhảy Dù đã rút khỏi đường 13 nhưng Thiết Giáp vẫn ở lại với Sư Đoàn 21 và họ bị phục kích. Các thương binh Thiết Giáp đang đợi được di tản. Có một thiếu niên ẵm xác của em trai mình. Cha mẹ của cậu này cũng bị pháo kích chết khi họ bỏ chạy khỏi An Lộc.

***********

Chiến tranh nào cũng tàn bạo và thảm khốc vì hai bên tàn sát nhau. Giết càng nhiều càng tốt. Nhưng khi người lính bên kia chiến tuyến bị thương ngã xuống thì tiếng súng sẽ ngừng để cứu sống người ấy. Vì đó là Công ước Genève có từ năm 1859 và cũng vì lòng nhân đạo quân tử không đánh người ngã ngựa.
Chiến tranh Việt Nam trước năm 1975 tuy đẫm máu nhưng cũng có những hình ảnh đẹp về tình người mà lịch sử đã không ghi chép đầy đủ. Dĩ nhiên có nhiều trường hợp vì căng thẳng và lòng thù hận mất mát trong lúc giao tranh nên có những tù binh thương binh đã bị sát hại. Nhưng đó không phải là chủ đề của bài này.
Các phóng viên chiến trường của hãng tin AP như Koichiro Morita, Huynh Minh Trinh đã chụp nhiều tấm hình có giá trị khi theo chân các đơn vị Nhảy Dù và Thiết Giáp VNCH hành quân giải tỏa thành phố An Lộc vào mùa hè đỏ lửa 1972.
Theo hồi ký chiến trường “Mùa Hè Đỏ Lửa” của nhà văn Phan Nhật Nam và rất nhiều tài liệu trên Internet để tham khảo viết bài này, thì mặt trận An Lộc bắt đầu bị bao vây từ đầu tháng 4 năm 1972 và được giải tỏa một phần vào trung tuần tháng 6 năm 1972.
Tương quan lực lượng rất chênh lệch. Phía CSBV có khoảng trên 35 ngàn quân gồm có 3 sư đoàn 5, 7, 9, các trung đoàn pháo binh, phòng không, thiết giáp. Có 48 chiếc xe tăng cộng thêm 17 chiếc M-41 tịch thu được của VNCH trước đó.
Phía quân trú phòng VNCH chỉ có tổng cộng 7500 tay súng. Gồm có Sư đoàn 5 Bộ Binh chỉ còn khoảng 3000 người, một liên đoàn Biệt Động Quân 1300 người và vài ngàn Địa Phương Quân và Nhân Dân Tự Vệ. Pháo binh và thiết giáp thì bị pháo kích tiêu tùng hết hỏng còn cái nào. Hỏa lực yểm trợ chỉ còn phụ thuộc vào Không Lực Hoa Kỳ và Không Quân VNCH.
Tiếp tế lương thực đạn dược cho quân trú phòng phải thả dù. 10 cái thả hết 8 cái rớt bên ngoài vòng đai phòng thủ. Các tin tức cho biết thời gian ấy cán binh CSBV bên kia chiến tuyến rất mê thức ăn thịt hộp và trái cây hộp của Mỹ Đế mà họ lụm được.
Vòng vây siết lại có lúc thành phố chỉ còn một cây số vuông và bị rót vào có lúc 8000 quả đạn đại bác, cối và hỏa tiễn trong một ngày. Xe tăng T-54 đã tiến vào thành phố và đến gần hầm trú ẩn của Tướng Lê Văn Hưng Tư Lịnh Sư Đoàn 5 tử thủ ở đó.
Bộ Chỉ Huy Quân Khu 3 VNCH họp khẩn cấp kế hoạch tiếp cứu An Lộc. Sư Đoàn 21 và một phần của Sư Đoàn 9 ở Vùng 4 được gởi lên Vùng 3 để giải vây An Lộc. Nhưng Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù gồm có 3 Tiểu Đoàn 5, 6, 8 và Tiểu Đoàn 3 Pháo Binh Nhảy Dù cùng với Thiết Đoàn Chiến Xa 1/5 yểm trợ quân Dù tiên phong mở đường máu vào An Lộc.
Tuy nhiên Lữ Đoàn 1 Nhảy Dù mở đường giải vây An Lộc chỉ kéo dài khoảng một tuần, từ ngày 6 tháng 4 cho đến 13 tháng 4 năm 1972 thì bàn giao lại cho Sư Đoàn 21 Bộ Binh. Lý do là khi quân Nhảy Dù tiến gần đến An Lộc chừng 10 km thì bị VC vây đánh thiệt hại nặng. Thiết Đoàn Trưởng Thiết Giáp yểm trợ quân Dù tử trận.
Quân khu 3 VNCH thấy không thể mở đường 13 tiếp cứu An Lộc mau lẹ được nên rút Lữ Đoàn Dù về lại Lai Khê để hành quân trực thăng vận đột kích “Đồi Gió” ngày hôm sau 14 tháng 4. Đây là một ngọn đồi cao 175 mét cách 4 km hướng Đông Nam An Lộc được dùng làm điểm xuất phát để quân Dù tiến vào An Lộc thay vì dùng tử lộ 13.
Trong giai đoạn đầu mở đường 13 tái chiếm An Lộc của lính Nhảy Dù, máu của hai bên đã đổ rất nhiều trên con lộ tử thần này. Quân Nhảy Dù bắt sống được nhiều tù binh CSBV trong đó có nhiều thương binh. Các thương binh Việt Cộng sau đó đã được băng bó và di tản bằng trực thăng về hậu cứ của VNCH.
Các tấm hình độc đáo của phóng viên AP cho thấy binh sỹ Quân Y Nhảy Dù đã cứu chữa thương binh địch rất chuyên nghiệp và bình đẳng như thương binh VNCH. Trên mặt họ không lộ vẽ hận thù khi băng bó đối phương.
Chỉ có một tấm hình một thương binh Việt Cộng được một binh sỹ Nhảy Dù săn sóc đẩy vào bóng mát của tấm bạt vì hỏng muốn anh ta nằm phơi nắng. Tuy nhiên cẳng anh ta bị còng. Có lẽ đây là một trường hợp chống cự tới cùng làm anh ta bị còng giò chăng. Hình này chụp ngày 13 tháng 4 tức là ngày chạm súng khốc liệt sau cùng trên Quốc Lộ 13 trước khi quân Dù rút lui.
Trong tác phẩm “Mùa Hè Đỏ Lửa”, nhà văn Phan Nhật Nam có viết “có điều gì đó không công bằng vì lính ta đánh giặc không có thù hận”.
Ở trang 185 của cuốn hồi ký này ông viết một thương binh Biệt Cách Dù VNCH được tản thương chung xe với thương bình Việt Cộng ở mặt trận Quảng Trị. Người thương binh Biệt Cách nổi sùng chửi đổng “Tụi này cứng cổ lắm, bị thương nó nằm ì để bắt mình vác đi. ĐM, nó lại được nằm băng ca trong khi tui phải bò bằng cùi chỏ”.
Nhà văn Phan Nhật Nam đã an ủi ông lính Biệt Cách. “Thôi mình khá hơn là chỗ này, lỡ cứu thì cứu cho trót”. Và đó là những hình ảnh và lời hay ý đẹp của thế hệ đi trước mà những người đi sau lấy làm hãnh diện.