Đầu năm 1968 Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến “Thần Ưng” trực thuộc Chiến đoàn A, Chiến đoàn trưởng Trung tá Hoàng Tích Thông, đang hành quân vùng Phù Cũ, Bồng Sơn, Tam Quan, thi hành lệnh từ Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH về việc tạm ngưng chiến trong 3 ngày Tết Âm lịch Mậu Thân, nên Tiểu đoàn trú quân tại một xóm phía Nam Phù Cũ.
Khoảng 3 giờ sáng mồng 1 Tết, Trung tá Thông cho biết quân Cộng sản Bắc Việt vi phạm hưu chiến, đồng loạt ồ ạt tấn công vào thành phố Saigon, một số Thị xã, Tỉnh lỵ, Quận lỵ khác; Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến chuẩn bị có thể di chuyển sớm.
Vào 7 giờ sáng ngày mồng một Tết, Tiểu đoàn 6 TQLC được lệnh lên giải tỏa Thị xã Đà Lạt, quân xa chở toàn bộ Tiểu đoàn đến phi trường Phù Cát, rồi không vận bằng phi cơ C-130 của KQ Hoa Kỳ dự trù đáp ở phi trường Camly, vì Liên Khàng đã bị địch chiếm và đoạn đường từ phi trường về Thị xã mất an ninh.
Tại Phù Cát, Tiểu đoàn 6 họp phân công thứ tự di chuyển tác chiến như sau:
– Đại Đội 3, Đại đội trưởng Trung úy Lê Văn Huyền đi trước
– Đại Đội Chỉ huy, Đại đội trưởng Đại úy Hoàng Trọng Độ
– Đại Đội 1, Đại Đội trưởng Đại úy Nguyễn Đình Thủy (sau tử trận tại Cần Thơ vào cuối năm 1968)
– Đại Đội 2, Đại Đội trưởng Trung úy Nguyễn Tường Huy
– Đại Đội 4, Đại Đội trưởng Trung úy Lê Văn Cưu
– Ban chỉ huy nhẹ của Tiểu Đoàn do Tiểu đoàn Phó Đại úy Trần Văn Hiển, đi sau cùng.
Đợt 1: Không vận đầu tiên cất cánh khoảng 9 giờ 15 sáng chở hết Đại đội 3 và 1 Trung đội thuộc Đại Đội 1
Đợt 2: Cất cánh khoảng 10 giờ gồm Ban chỉ huy Tiểu đoàn và phần còn lại của Đại Đội 1.
Khi phi cơ đang bay, nội bộ Tiểu đoàn chúng tôi không thể liên lạc được với nhau, dự trù bay khoảng một tiếng 30 phút, nhưng mới 45 phút thì Đợt 2 đáp xuống phi trường Tuy Hòa. Xuống đất, chúng tôi mới rõ tại phi trường Camly, súng phòng không Cộng sản bắn rát quá không thể đáp được.
Trước tình thế Tiểu đoàn xé làm 3 mảnh, Đại đội 3 đang bay ở đâu không rõ; Bộ chỉ huy Tiểu đoàn và Đại đội 1 tại Tuy Hòa; Đại đội 2, Đại đội 4 cùng Tiểu đoàn Phó ở Phù Cát, Bình Định. Không đâu liên lạc được với đâu !
Sau tôi phải nhờ hệ thống liên lạc truyền tin của quân đội Mỹ tại Tuy Hòa nói chuyện được với Đại tá Bùi Thế Lân, Tham mưu trưởng Lữ đoàn, tôi trình bày thực trạng, Đại tá Lân nói rằng: “Giữ đầu dây để ông trình lên Trung tướng Lê Nguyên Khang, Tư lệnh.”. Hiện ông đang ngồi cạnh Đại tướng Cao Văn Viên tại Bộ Tổng Tham Mưu.
Sau Đại tá Lân cho biết rõ cả 2 vị Tướng đồng ý cho di chuyển Tiểu đoàn 6 về phi trường Tân Sơn Nhứt.
Khi trở lại phi đạo thì Đợt 1 (Đại đội 3) cũng vừa đáp xuống, như vậy chúng tôi chỉ còn 2 mảnh. Do sự sắp xếp lệnh lạc ở trên, Tiểu đoàn lần lượt đổ xuống phi trường Tân Sơn Nhứt toàn bộ vào lúc 9 giờ đêm ngày mồng một Tết.
Tiểu đoàn được lệnh di chuyển về tạm trú và giữ an ninh trong đêm cho doanh trại Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô tại đường Lê Văn Duyệt. Cái khổ của Tiểu đoàn 6 là xin tản thương khẩn cấp mà không Bệnh Viện nào nhận được vì chiến cuộc, nên khoảng 7, 8 tử sĩ bọc trong poncho lủng lẳng khiêng theo Tiểu đoàn đã gần 2 ngày. Đêm nay mồng một Tết Âm lịch, không rõ vong linh các chiến sĩ vô danh này phảng phất nơi đâu, nhưng thân xác đặt nằm tạm tại sân cờ Bộ tư lệnh Biệt khu Thủ đô, chỉ giao được cho nhà xác Tổng Y Viện Cộng Hòa vào ngày hôm sau.
Sáng sớm ngày mồng 2 Tết, Tiểu đoàn di chuyển qua ngã xa lộ Biên Hòa, chịu trách nhiệm giải tỏa Thị xã Thủ Đức. Xuống xe ngay tại vườn cao su bên ngoài, phía Bắc làng Đại học, một buổi họp phân công cấp tốc tại đây:
– Cánh A: Đại đội 2, Đại đội 3 và Bộ chỉ huy Tiểu đoàn đi cắt sau doanh trại Tiểu đoàn 1 Pháo binh TQLC xấn ngang rặng cao su chiếm đỉnh cao nhìn sang Hậu Cứ doanh trại Tiểu đoàn 3 TQLC do Thiếu úy Lê Đình Minh chỉ huy và tử trận ngay hàng rào phòng thủ.
– Cánh B: Đại đội 1, Đại đội 4 và Bộ Chỉ huy nhẹ Tiểu đoàn do Tiểu đoàn Phó chỉ huy thanh toán các chốt rải rác trong Thị xã tiến vào khu địa thế cao ngang Quận lỵ Thủ Đức nhìn sang doanh trại Hậu Cứ Tiểu đoàn 2 TQLC ở Tam Hà đang do Trung úy Nguyễn Văn Diễn chỉ huy.
Thực sự thì địch chưa chiếm hẳn được Thị xã, chỉ tấn công mạnh vào Hậu cứ 2 Tiểu đoàn TQLC trên vì sau lưng các doanh trại này là khu vườn cao su bỏ hoang, rậm rạp dẫn đến quận Dĩ An, đường vào chiến khu D, Tân Uyên, Biên Hòa; nhưng bị 2 Hậu cứ toàn lính nghỉ dưỡng, lính văn phòng chống trả kịch liệt, nhiều đợt xung phong vào cổng doanh trại Tiểu đoàn 2 và sau lưng doanh trại Tiểu đoàn 3 nhưng đều bị đẩy lui.
Anh em ít người không ra khai thác chiến quả được, nên khi Tiểu đoàn 6 thanh toán hết một vài chốt địch trong Thị xã tiến đến lục soát quanh 2 doanh trại trên, thấy nhiều xác địch, thu được một số vũ khí cộng đồng, cá nhân như: AK47, thượng liên, B40, B41, súng cối 82ly …
Qua ngày hôm sau, mồng 3 Tết, Tiểu đoàn mở cuộc hành quân lục soát khu rừng cao su rậm rạp phía Tây Bắc quận Thủ Đức giáp ranh quận Dĩ An, tìm thấy nhiều vũng máu, bông băng, quân trang vun vứt tả tơi trên đường rút quân của địch.
Khoảng 1 tuần hành quân mở rộng vòng đai, Thị xã Thủ Đức trở lại sinh hoạt như xưa, thì Tiểu đoàn 6 trở lại khu Hàng Xanh, Gia Định, trách nhiệm giải tỏa địch tại đây, gồm luôn khu Gò Mả, Đồng Ông Cộ đến sát bờ sông cách cầu Bình Lợi, phía Đông Nam khoảng 1 cây số.
Vùng này nhà cửa xây cất không thứ tự, nhà tôn, gạch xen lẫn nhau, xa xa phía sau nhiều nhà tranh, các vũng lầy, bụi rậm rạp, gò mả cao thấp rất khó quan sát. Lợi dụng địa thế đó địch đặt chốt nhiều nơi, Tiểu đoàn phải giành giật từng khu nhà, lục soát từng vùng nhỏ một rồi đẩy địch lần về phía cây dừa nước rậm rạp sát bờ sông Bình Lợi để dùng trực thăng Gunship gắn đại liên cùng hỏa tiễn tiêu diệt địch.
Tuy nhiên 2 bên đều có thiệt hại. Ta thu được một số súng cá nhân, cộng đồng, bắt được một số tù binh, phía ta tuy thiệt hại nhẹ nhưng 2 Trung đội trưởng hy sinh (Thiếu úy và Chuẩn úy); khoảng một tuần sau Tiểu đoàn 2 Thủy Quân Lục Chiến do Thiếu tá Ngô Văn Định, Tiểu đoàn trưởng đến thay thế.
Tiểu đoàn 6 trở lại dưới sự chỉ huy của Chiến đoàn A, chịu trách nhiệm an ninh cầu Bình Lợi cùng vùng phụ cận lên sát gần Thị xã Thủ Đức và giáp ranh Lái Thiêu. Đặc biệt là khu có cây dừa nước rậm rạp phía đông đầu cầu, phía Nam bờ sông, địch thường lợi dụng khu này để xâm nhập vào vùng ngã ba Cây Thị, tiến đến khu hồ tắm Chi Lăng bên hông Tòa tỉnh Gia Định (nhà của người viết trong khu hồ tắm Chi Lăng).
Bộ chỉ huy Tiểu đoàn đóng tại doanh trại nhỏ (Nghĩa quân) ngay đầu cầu Bình Lợi phía Nam.
Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến đã qua giai đoạn thử thách kể từ ngày xuất quân lần đầu khoảng tháng 2 năm 1967 theo chân các Tiểu đoàn đàn anh vào chiến khu D, Tân Uyên, Rừng Sát, Hậu Nghĩa, vùng Phù Cũ, tỉnh Bình Định. Tuy trẻ nhất hồi đó nhưng qua các lần chạm địch, đàn em “Thần Ưng” cũng tỏ ra có đường nét, những đường nét càng tỏ ra sắc sảo dưới thời các vị Tiểu đoàn trưởng kế tiếp sau.
Khoảng đầu tháng 5 năm 1968, Đại úy Nguyễn Xuân Phúc, Tiểu đoàn Phó Tiểu đoàn 2 “Trâu Điên” được chỉ định thay thế Thiếu tá Phạm Văn Chung, vị Tiểu đoàn trưởng đầu tiên và là người thành lập Tiểu đoàn 6 Thủy Quân Lục Chiến. Thiếu tá Chung về nhận chức vụ Chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Sư Đoàn TQLC.
Tân Tiểu đoàn trưởng là Đại úy Nguyễn Xuân Phúc, ngay tuần lễ đầu tiên đã chứng tỏ khả năng điều động cấp Tiểu đoàn, tương lai hứa hẹn là một trong những Tiểu đoàn trưởng đầy đủ phong độ, kích thước của binh chủng.
Vào một đêm khuya sau ngày lễ bàn giao Tiểu đoàn vài ngày, một Tiểu đoàn Cộng sản Bắc Việt tăng cường các Trung đội đặc công thình lình tấn công ngay vào đầu cầu phía Nam cũng là nơi Bộ chỉ huy Tiểu đoàn 6 trú quân.
Sau ít giờ giao tranh, Đại đội phó Đại đội 1 trách nhiệm chận địch ngay khu dừa nước phía Đông cầu bị tử thương. Từ chỗ yếu đó địch có thể khai thác, đang trong hầm chỉ huy, Đại úy Phúc đã nhìn thấy các tổ đặc công địch đeo đầy chất nổ chạy lăng xăng sát đầu cầu.
Anh phản ứng nhanh chóng lùa ngay một Trung đội trong tuyến phòng thủ Bộ chỉ huy Tiểu đoàn ra tiêu diệt các tổ đặc công này và bắt tay được với Đại đội 1, ép địch chạy dồn vào khu dừa nước rậm rạp. Ngay tức khắc anh điều động các Đại đội khác đẩy địch xa lần về phía Đông, riêng hơn một Đại đội địch bị anh khóa chặt trong khu dừa nước phía Đông đường xe lửa, phía Nam cầu Bình Lợi.
Trời sáng lần, địch không thể nào thoát được. Các Đội Tâm Lý Chiến phải dùng loa phóng thanh kêu gọi đầu hàng, trên trời trực thăng bay quần đảo gây áp lực tinh thần địch, sau nhiều giờ kháng cự lẻ tẻ rồi tất cả khoảng 150 cán bộ, binh sĩ (gần 2 Đại đội Cộng sản Bắc Việt) đầu hàng, thu toàn bộ vũ khí, trên trận địa địch bỏ lại hơn 40 xác nữa, vũ khí nặng nhẹ vứt ngổn ngang.
Chiến công đầu tay của Tiểu đoàn trưởng Nguyên Xuân Phúc và cũng là chiến công đầu của đàn em Tiểu Đoàn 6 Cọp Biển.
Mũ Xanh Phạm Văn Chung