Vào khoảng gần cuối năm 1965, Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến hoạt động trong vùng trách nhiệm thuộc tỉnh Quảng Ngãi. Ba (03) tháng hành quân cực nhọc đã hết. Ngày mai, tiểu đoàn sẽ được không vận về Saigon nghỉ dưỡng quân.
Hôm nay là ngày cuối cùng của Tiểu Đoàn ở lại tỉnh lÿ nầy. Thiếu Tá Dương Hạnh Phước, Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn vui vẻ hơn lúc nào hết bởi lẽ Thiếu Tá vừa nhắn tin về, qua điện đàm, báo với vợ ở Saigon rằng: “ngày mai sẽ có mặt tại Saigon”. Thế nhưng, cái ngày mai hạnh phúc ấy đã không đến với Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến.
1. Mở đầu buổi họp hành quân:
Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng, với dáng điệu bực bội, chậm rãi đọc bức mật điện của Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Nội dung bức điện như sau: … Chiếu theo nhu cầu hành quân, Bộ Tổng Tham Mưu, Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa quyết định gia tăng thời hạn tăng phái Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến cho Tiểu Khu Quảng Ngãi thêm 01 ngày. Mọi yêu cầu xin triển hạn thêm đều không được chấp thuận, v.v… Rồi buổi họp được tiếp tục theo thủ tục thường lệ: Thuyết trình, ban lệnh hành quân, vẽ phóng đồ, v.v…
Ngày N tháng T năm 1965 (ngày mai) Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến phải có mặt tại bãi bốc, phi trường Quảng Ngãi trước 8 giờ, được trực thăng vận xuống bãi đáp gần mục tiêu (D), tiến chiếm thứ tự 4 mục tiêu (D), (C), (B) và (A).
Tin tức tình báo: ghi nhận có địch trong vùng hành quân. Dân cư trong vùng thiên về địch.
Bạn: Bộ binh cùng Thiết giáp án ngữ nằm chắn ngang giữa quốc lộ và mục tiêu (A), sẵn sàng làm lực lượng trừ bị.
Cuộc hành quân nầy phải hoàn tất nội trong ngày. Căn cứ vào bản đồ và phóng đồ, lộ trình hành quân xuyên qua làng mạc. Bốn mục tiêu được khoanh tròn ở những nơi có nhà cửa. Giới hạn của khu vực hành quân: bên trái là con sông, bên phải là một cánh đồng ruộng lúa. Chiều dài của lộ trình hành quân đo được gần 20 cây số.
2. Diễn tiến hành quân:
– 10 giờ (ngày N, tháng T, năm 1965) – Hoàn tất việc đổ bộ bằng trực thăng vận. Theo đúng kế hoạch, Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến được tách ra thành 2 cánh quân:
1) Cánh Tiểu Đoàn Trưởng (Thiếu Tá Dương Hạnh Phước) làm nỗ lực chính, gồm Đại Đội 4 (Trung Úy Dương Bửu Long, Đại Đội Trưởng) đi đầu, Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn (-) đi giữa và Đại Đội 2 (Trung úy Nguyễn Văn Phán, Đại đội trưởng) đi cuối, tiến chiếm trực tiếp 4 mục tiêu (D), (C), (B) và (A).
2) Cánh Tiểu Đoàn Phó (Đại Úy Phạm Nhã) làm nỗ lực phụ, gồm Đại Đội 1, Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn (-) và Đại Đội 3, tiến song hành về phía bên trái cánh Tiểu Đoàn Trưởng.
Trên lộ trình tiến quân có quá nhiều nhà cũng như mìn bẫy do bọn việt cộng gài lại. Mỗi cái nhà ở đây có địa đạo ăn thông với 1 hoặc 2 căn hầm ẩn núp nằm sâu trong lòng đất. Ngay từ phút đầu, Đại Đội 4 đã vất vả trong việc khám phá mìn bẫy và đã phí phạm nhiều lựu đạn và khói màu khi lục soát các căn hầm bí mật của bọn việt cộng. Vì lẽ đó tốc độ hành quân bị chậm lại.
– 12 giờ 30 : Đại Đội 4 chiếm mục tiêu (D). Vô sự. Khi rời (D) để tiến về mục tiêu (C), Đại Đội 4 bắt đầu chạm địch lẻ tẻ và liên tục. Việt cộng vừa đánh trả vừa rút lui về phía mục tiêu (C). Bên ta có 2 binh sĩ bị thương nhẹ. Bên địch có thiệt hại nhưng không rõ.
– 16 giờ 20 : Đại Đội 4 chiếm được mục tiêu (C). Đích thân Đại Đội Trưởng Đại Đội 4 đến gặp trực tiếp Thiếu tá Tiểu đoàn trưởng đề nghị xin tìm điểm đóng quân đêm cho Tiểu Đoàn, đồng thời xin tái tiếp tế đạn dược nhất là lựu đạn và khói màu cho Đại Đội 4 với những lý do được trình ra như sau: Không còn đủ thời gian để tiến chiếm 2 mục tiêu còn lại (B) và (A) vì từ đây đến đó còn quá xa (hơn 10 cây số).
Vả lại Đại đội 4 còn rất ít lựu đạn và khói màu, không đủ dùng nếu có trận chiến lớn xảy ra. Nhưng Tiểu Đoàn Trưởng ra lệnh dứt khoát phải tiếp tục tiến quân thật nhanh để hoàn thành nhiệm vụ nội trong ngày theo đúng kế hoạch dự trù với bất cứ giá nào ! Thi hành mệnh lệnh của Tiểu đoàn trưởng, Đại đội 4 gia tăng tốc độ hành quân, giảm thiểu việc lục soát hầm hố.
– 16 giờ 40 : Trong lúc di chuyển qua một khoảng đất trống trải, các Trung đội thuộc Đại đội 4 gặp phải 1 mương đào sâu và rộng (1,5 mét rộng, 2 mét sâu) nằm chắn ngang hướng tiến. Xa hơn, cách mương đào khoảng 15 – 20 mét là một hàng tre gai dầy và rậm chạy dài song song với mương đào.
Đúng vào lúc này, địch ẩn nấp trong các hố chiến đấu ngụy trang đào dọc hàng tre gai, khai hoœa dữ dội. 2 khẩu đại liên từ 2 góc trái và phải của hàng tre nhả đạn không ngừng.
Bị tấn công nơi trống trải, 2 trong 3 trung đội thuộc Đại Đội 4 đi tiên phong bị buộc phải bám vào con mương đào để chống cự. Mương đào thì sâu, khẩu súng trở thành vô dụng. Binh sĩ ta chỉ còn một phương cách duy nhất là sử dụng lưu đạn để chiến đấu.
Một Trung đội tiên phong (có nhiệm vụ bảo vệ sườn phải Đại Đội 4) còn lại phải tạt về phải, bung ra ngoài đồng trống, núp vào các con đê để bắn trả.
Chiến trận bùng nổ khốc liệt ngay từ phút đầu. Lưu đạn nổ ầm ì làm rung chuyển mặt đất. Đạn B.40, B.41 của việt cộng rơi tới tấp vào tuyến giữa, vào các vị trí chung quanh Ban Chỉ Huy Đại Đội 4 và Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn (-) (lúc đó đang bố trí về hướng bên trái Ban Chỉ Huy Đại Đội 4, cách khoảng 15 mét).
Cùng một lúc, tại một vị trí nằm ngoài khu vực hành quân, cách cánh quân của ta về hướng bên phải độ 100 – 150 mét, một bộ phận của Việt cộng dùng súng đại bác 57 ly (SKZ) trực xạ vào hông phải Tiểu đoàn (-).
Cũng chính ngay trong cơn bão lửa nầy, 1 quả đạn 57 ly đã nổ tung trúng ngay Bộ Chỉ Huy Tiểu Đoàn (-). Hầu hết các thành viên trong Bộ chỉ huy Tiểu đoàn (-) đã hy sinh tại chỗ: Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Dương Hạnh Phước, Y Sĩ Trung Úy Lê Hữu Sanh, 2 cố vấn Mỹ (Thiếu Tá Cố Vấn Trưởng và Thượng Sĩ âm thoại viên), 1 Sĩ Quan Tiền Sát Pháo Binh, các Hạ Sĩ Quan trong Ban Tham Mưu Tiểu Đoàn, các âm thoại viên Truyền Tin và các binh sĩ bảo vệ, ngoại trừ Sĩ Quan Ban 3 Tiểu Đoàn và binh sĩ mang máy còn sống sót.
Ngay sau cái chết của Tiểu Đoàn Trưởng, Sĩ Quan Ban 3 Tiểu Đoàn cũng như Ban Chỉ Huy Đại Đội 4 đã cố gắng nhiều lần gọi máy liên lạc với Đại Úy Phạm Nhã, Tiểu Đoàn Phó để báo cáo tình hình, nhưng không liên lạc được !!! Tình hình nội bộ của Đại Đội 4 càng trở nên xấu hơn khi Ban Chỉ Huy Đại Đội 4 lần lượt mất liên lạc vô tuyến với các Trung Đội 1, 2, và 3.
Rồi thì, khoảng 15 phút sau đó, các Binh sĩ ở tuyến đầu bị đánh bật ra khoœi mương đào, vội vã rút lui về. Nương theo đà rút lui của binh sĩ ta, một số tên việt cộng, mình trần, cổ quấn khăn dù, tràn tới tấn công nhưng bọn chúng đã bị Trung Đội VKN (vũ khí nặng) thuộc Đại Đội 4 bắn hạ. Số ít tên việt cộng còn sống sót còn lại hố hoảng bỏ chạy lui về hướng cũ.
Khi tái bố trí số quân còn lại để ngăn chận những đợt tấn công kế tiếp của Việt cộng, Đại đội 4 hiện tại đã mất mát 3 Sĩ quan cấp Trung Đội Trưởng, chưa kể đến số đông anh em Hạ Sĩ Quan và binh sĩ bị tử thương và bị thương hoặc mất tích: Chuẩn Úy Trần Tử Phương, Trung Đội Trưởng Trung Đội 3, tử thương; còn 2 Sĩ Quan Trung Đội Trưởng 1 và 3 bị mất tích (hôm sau Đại Đội 4 biết tin Chuẩn Úy Lộc, Trung Đội Trưởng Trung Đội 1 đã phá được vòng vây, mặc dù bị thương nơi cánh tay, cùng 1 số quân nhân thuộc hạ đến được điểm án ngữ của đơn vị Bộ Binh bạn).
Cùng hoàn cảnh tương tự như Đại Đội 4, Đại Đội 2 với nhiệm vụ bảo vệ mặt hậu cánh quân cũng bị một bộ phận của địch tập kích – phải lui dần về phía trước. Hai Đại Đội (2 + 4) giờ đây quây quần phòng thủ trong một khoảnh đất chật hẹp trong khi đạn B.40, B.41 và 57 ly không ngừng rót vào vị trí nầy và đã phải chiến đấu đơn độc – hoàn toàn mất liên lạc với cánh quân bạn (cánh Tiểu Đoàn Phó), không có Pháo Binh, Phi Cơ yểm trợ.
Do đó, chẳng bao lâu sau, Đại Đội 2 và Đại Đội 4 bị bắt buộc phải rời boœ vị trí bất lợi nầy, rút nhanh ra bờ sông để bảo tồn lực lượng và chờ viện binh. Mặc dù bị bọn việt cộng xạ kích dữ dội trong lúc băng qua khu đất trống trải, 2 đại đội đã đến được bờ sông. Và, cũng thật là bất ngờ, Đại Đội 2 và Đại Đội 4 đã gặp được cánh quân Tiểu Đoàn Phó đang có mặt tại các giao thông hào sâu cạnh bờ sông từ lúc nào !
Sau vài đợt Pháo Binh bắn phá mục tiêu, Đại Đội 4, mặc dù không còn cấp chỉ huy Trung đội trưởng, được lệnh Tiểu Đoàn Phó, xung phong 2 lần để tái chiếm mục tiêu – nhưng không thành công. Vì hoả lực của địch vẫn còn quá mạnh. Có thêm 3 binh sĩ thuộc Đại Đội 4 bị thương. Tính đến lúc đó Đại Đội 4 vừa chết vừa bị thương 34 người.
17 giờ 30 – 18 giờ: Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến nhận lệnh chuẩn bị bãi đáp an toàn để đón tiếp 1 sĩ quan cao cấp. Rồi thì một trực thăng ló dạng từ xa, đột ngột hạ thấp độ bay, lượn sát dòng sông rồi đáp ngay xuống bãi đáp. Từ trên máy bay bước xuống, vị Đại Tá Mỹ mặc quân phục ngụy trang (binh chủng Thủy Quân Lục Chiến).
Sau ít phút trao đổi với Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến về tình hình địch, bạn, địa hình địa thế của trận mạc, ông đã liên lạc với Đệ Thất Hạm Đội Mỹ để xin Không yểm. Sau đó máy bay Phantom (Con Ma) của Mỹ, chia làm 3 đợt trước sau oanh kích mục tiêu dưới sự điều chỉnh của ông ta. Các mục tiêu vị trí đóng quân của bọn cộng phỉ chìm đắm trong biển lửa khiến bọn chúng bị thiệt hại nặng nề và thê thảm.
7 giờ sáng ngày hôm sau Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến phản công tái chiếm mục tiêu và hoàn tất nhiệm vụ.
Kết luận:
Những sự kiện liên quan đến trận đánh Mộ Đức, Quảng Ngãi như:
1. Việt cộng có khả năng mở 2 mặt trận cùng một lúc (chính diện và hậu diện) và hàng trăm quả lựu đạn chày của bọn việt cộng bỏ lại tại các hầm hố đào dọc theo hàng tre gai.
2. Việc Tiểu Khu Quảng Ngãi cố tình xin lưu giữ Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến thêm 1 ngày và đã vẽ ra kế hoạch hành quân “bất khả thi”, phải chăng là những bằng chứng chỉ rõ ra rằng bọn việt cộng đã có 1 gián điệp gài vào chức vụ cao trong Tiểu Khu Quảng Ngãi và đẩy Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến vào một thế trận đã được bọn cộng sản bắc việt phục sẵn chờ trong một địa thế chúng đã sắp xếp kỹ.
Dù đã nhiều năm qua rồi, trận đánh Mộ Đức, Quảng Ngãi vẫn còn để lại cho người trong cuộc nhiều suy tư, thắc mắc và trăn trở mà vẫn không bao giờ có được câu trả lời thỏa đáng.
“Để tưởng nhớ các chiến sĩ anh hùng Tiểu Đoàn 5 Thủy Quân Lục Chiến đã hy sinh trong trận chiến Mộ Đức”.
(Sài Gòn trong tôi/ MX Dương Bửu Long)