Tiếng vọng từ ‘Hỏa Lò’-Đỗ Xuân Tê

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail


Thi sĩ Nguyễn Chí Thiện (1939-2012)

Một buổi sang ngày cuối thu cách đây hai năm, tôi tình cờ được gặp nhà thơ Nguyễn Chí Thiện khi ông đang chờ xe bus trên tuyến đường First, thành phố Santa Ana, mà sau này qua nhà văn NT tôi mới biết ông cư ngụ  trên cao ốc 11 tầng dành cho  những người cao niên có lợi tức thấp nằm ngay cạnh trạm xe buýt ông đang đứng.

Tôi không chắc có phải là ông, nhưng cứ theo hình ảnh trên TV và báo chí địa phương, với chiếc mũ phớt ông hay đội, cùng nét mặt hom hem trong chiếc áo khoác rộng khổ tôi tin là tôi không lầm. Ông đứng một mình, đang hút dở một điếu thuốc, đôi mắt có vẻ mệt mỏi sau cặp kính lão, dáng vẻ hắt hiu như bầu trời đang ngày tàn thu. Hầu như  ông không hay biết có người đang tiến lại gần ông là tôi, một cư dân quận Cam, vô danh và chưa từng gặp tác giả những vần thơ đấu tranh và tập truyện viết về Hỏa Lò, một địa ngục giữa trần gian trong lòng thủ đô Hà- nội, nơi đang  chuẩn bị cho lễ hội ngàn năm Thăng Long.

Thời điểm này theo tôi đoán ông vẫn còn bị chấn thương về tinh thần do hệ lụy của nhưng lời đồn thổi và tranh cãi liên quan đến chuyện ai là tác giả thực sự của tập thơ Hoa Địa Ngục, cho nên vô tình tôi đã làm ông bất ngờ đến sửng sốt khi có kẻ lạ mặt cứ xăm xăm tiến về ông với một lời chào nhưng lại là câu hỏi, ‘xin lỗi ông có phải là nhà thơ Nguyễn Chí Thiện?’. Sau một thoáng ngỡ ngàng hình như nhận ra thái độ thân thiện của tôi, nhà thơ hỏi lại ‘xin lỗi ông là ai?’. Tôi trấn an ngay và cho biết tôi chỉ là người biết tiếng ông và lấy làm vui mừng khi tình cờ được gặp ông trong tư cách một người đồng cảm. Khi biết tôi cũng có số năm tù gần bằng nửa con số của ông (27 năm), nét mặt ông sáng lên, như lấy lại được bình tĩnh ông vui vẻ trả lời thế là anh em mình đã có thời đồng cảnh, nghĩ lại kinh khủng thật, nhưng họ không giết được chúng mình cũng là điều khó mà tin được.

Vừa  hàn huyên qua lời giới thiệu ngắn ngủi thì chiếc xe bus mang số 54 trờ tới. tôi tưởng ông phải đi ngay  vì nếu lỡ chuyến phải đợi thêm 15-20 phút.  Tôi định bắt tay nhưng ông ra dấu cho người tài xế chạy tiếp và nán lại chuyện trò với tôi.

Vì không chuẩn bị trước nên tôi chẳng biết bắt đầu từ đâu, nhưng vốn là người cũng hay viết lách và biết qua sinh hoạt của những nhà văn nhà thơ, đặc biệt những người được cộng đồng yêu thích, tôi vẫn chủ động sắp xếp những  điều cần trao đổi, hơn nữa thì giờ cũng chẳng là bao khi nhà thơ sắp lên chiếc xe bus chuyến kế.

Lẽ thường người  ta hay đi vào tập thơ oan trái gây chấn động một thời nhưng cũng nhờ vậy mà thế giới biết đến tên ông. Tôi không làm như vậy mà lại tỏ cho ông thấy tôi tâm đắc về một số bài thơ ông sáng tác gần đây có đăng trên vài tờ báo mà tôi có dịp tham gia. Tôi không nhớ tên từng bài mà chỉ là ghi chép lại bằng tay vào một cuốn sổ nhỏ những câu thơ tôi thích để tiện tham khaỏ viết bài khi cần. Phần ông thì ông nhớ bài nào, ở đây tôi chỉ đan cử vài câu  được coi như những mảnh vụn của hồi ức khi ngẫm lại thấy tiệp với những trại tù tôi từng đi qua,

Chìm giữa rừng sâu nơi hoang vu
Mù sương che phủ kiếp lao tù
Từng đêm đón gọi hồn tu hú
Rõ tiếng hồn oan trong âm u

Mấy câu thơ nhắc tôi môt loài chim độc thoại vùng Lào cai Yên bái, mà cư dân ở đây đã gắn liền với những oan hồn bỏ xác nơi rừng thiêng nước độc rồi sau chiến tranh người ta đã đem chúng tôi từ miền Nam ra để khai phá vùng đất này.

Cũng qua cuộc trao đổi ngăn ngủi tôi có hỏi sao ông có những vần thơ tả cảnh vớt nứa nơi thượng nguồn sông Mã mà tôi có dịp đề cập trong tùy bút Ngược Dòng Sông Mã nơi ngày xưa bố tôi và các anh họ tôi hay xuôi các chuyến bè chở nứa về quê, một làng nghề chuyên  sống bằng nghề đan cót cho các nhà nông vùng châu thổ sông Hồng. Khi dùng thơ tham khảo cho bài viết về cảnh tù cải tạo bỏ xác trên sông khi bị đưa ra Thanh Hóa lao động khổ sai, tôi không ngờ những vần thơ dưới đây tác giả lại là ông,

Mưa đông rét ào ào gió lộng
Đứng ngâm mình vớt nứa giữa dòng sông
Bạn tưởng tôi da sắt bọc xương đồng
 Không! Tôi đang sống trong trại giam…Việt Cộng!

Ông mới cho biết ông đã chuyển trại nhiều lần sau khi ở Hỏa Lò nhưng không phải chỉ nhũng vùng núi rừng Việt Bắc mà có thời đã vào Thanh hóa nên hiểu cảnh vớt nứa trên sông.

Nói về thơ thì vô chừng, nhưng tập truyện Hỏa Lò đã gây cho tôi nhiều ấn tượng vì ông là người tù có số năm dài nhất trong những khách hàng cư ngụ tại đây mà các tù binh Mỹ gọi đùa là khách sạn năm sao (Hilton Hanoi). Với tôi, khi đọc những công trình sáng tạo của Nguyễn Chí Thiện, cảm quan có phần ít quan tâm đến Tiếng vọng từ đáy vực, (mà các bạn tù của tôi có nhiều bài thơ ấn tượng không kém), nhưng cụ thể tôi hay ngoái lại để nghe tiếng vọng của… Hỏa Lò, môt tập truyện phơi bày nỗi đọa đầy của những thân phận bị chế độ vùi dập, bị xã hội ruồng bỏ trong một quần thể khép kín ‘gần Trung ương nhất nhưng con người cũng gần con vật nhất’.Tôi không có dịp đi sâu tôi chỉ cho ông biết văn tài của ông ở thể văn xuôi  cũng chẳng thua kém gì VTH  và khuyên ông nên viết Hồi Ký cuộc đời gian truân của ông để độc giả và cộng đồng hải ngoại hiểu ông nhiều hơn. Điều lý thú là ông cho biết vốn không thích viết về ‘tôi’ nhưng theo lời khuyên của nhiều bạn bè, ông nói ông đang viết.

Biết sắp đến giờ ông phải đi nghe đâu  như thu hình cho một cuộc hội luận, tự nhiên tôi đã gãi đúng ‘chỗ ngứa’  khi tôi nhắc đến Bùi Ngọc Tấn, một nhà văn tôi có lòng kính phục, và cũng là bạn tù, đồng hương và tri kỷ của nhà thơ. Khuôn mặt ông rạng rỡ hẳn lên và nở một nụ cười ưng ý (bây giờ mới thấy ông cười nhưng vẫn là nụ cười nửa như cay đắng) rồi lật bóp khoe ngay bức hình chụp chung với BNT tại cầu Golden Gate khi ông này qua thăm Mỹ mới đây. Ông nói ông đã lên San Franscisco và hai anh em ở chung mấy ngày tâm sự nhiều điều sợ chẳng còn bao giờ có dịp gặp nhau.

Chưa hết câu chuyện, chiếc xe cũng số 54 dừng lại, đổ vài người khách xuống trạm, đón người khách duy nhất đang đứng đợi lên xe. Tôi và ông vội bắt tay chào nhau, lật đật quên cả hỏi nhau số phone và địa chỉ.

oOo

Hai năm sau cũng những ngày này tôi được tin ông mất. Tôi lại nhớ đến ông, một khuôn mặt có thật, một người tù kiên cường đã trải qua 27 năm tù ngục, một cây bút bất khuất biết dùng ngòi bút để khái quát và vạch mặt không khoan nhựợng chống lại  cái Ác và trên hết trong những tháng năm ở hải ngoại đã trở thành một trong những tác nhân tranh đấu tích cực cho nhân quyền và tự do cho Việt nam.

Có điều sau những tháng năm bầm dập vì tù tội với những tội danh không tên ở quê nhà, sang Mỹ những tưởng,

Rồi đây trên bước đường quang tạnh
Tôi lại cùng anh nhắp chén trà
Ôn lại kiếp lao tù đói lạnh
Ly trà chung, nhịn xuất cơm pha

Nhưng ước nguyện bình dị nhỏ nhoi này cũng không thành, oan trái vẫn lẽo đẽo theo sau như một sự khắc nghiệt của định mệnh. Mấy năm cuối đời tên tuổi và sinh mạng chính trị của nhà thơ bỗng dưng trở thành cái ‘bung xung’ mặc tình đánh phá bởi những người có lòng nghi kỵ nhân thân và không chấp nhận công trình  tim óc của ông.

Nay thì mọi sự đã trở thành hư không, thân xác nhà thơ đã trở về cát bụi. Ông đã được hỏa thiêu sau một nghi lễ trang trọng, ấm cúng  được đông đảo người tiễn đưa và thương cảm dành cho một người con của cộng đồng, một tín đồ tin Chúa trước phút lâm chung, một nhà đấu tranh nhân quyền cho đồng bào và quê hương bên kia đại dương.

Xin chúc ông đi bình an về miền miên viễn, nơi không có nước mắt, không còn hận thù đố kỵ bon chen và mừng cho ông khi cuối đời ‘nước người đã xua đuổi ông nhưng nước Chúa đã chấp nhận ông’ như nhà văn NT  bái biệt trong lời ai điếu.

                   Đỗ Xuân Tê