TIÊN HỌC LỄ HẬU HỌC VĂN (Quan Nguyen)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be an image of 1 person, child and standing

Vừa rồi tôi có ghé nhà của vợ chồng một người bạn cũ ăn cơm chiều. Chúng tôi đang ngồi ăn vui vẻ nhắc lại chuyện xưa thì người em gái của vợ bạn tôi đi làm về mở cửa bước vào. Theo tự nhiên tôi gật đầu chào cô ta “hello”. Cô ta lập tức khoanh tay cúi đầu chào tôi một cách lễ phép : “Thưa anh, em mới về”. Tôi thực sự ngạc nhiên khi nhìn thấy một người đã ngoài 50 tuổi mà vẫn khoanh tay thưa gởi thật lễ phép khi gặp người lớn tuổi hơn mình. Đã từ lâu tôi không còn nhìn thấy người trưởng thành khoanh tay thưa như vậy nữa.
Cách khoanh tay thưa gởi đó chỉ có hồi thời tôi còn trẻ, chứ thời nay ít thấy ai thưa gởi như vậy, kể cả những em nhỏ cũng hiếm thấy. Thời bây giờ khi gặp người lớn, người ta chỉ nói “chào anh”, “chào chị” hoặc “chào ông”, “chào bà”, cùng lắm gật đầu một cái là lịch sự lắm rồi. Hai tiếng “thưa ông”, “thưa bà” đã từ lâu không còn nghe nữa.
Nếu tính tuổi thì người em gái của vợ bạn tôi vào năm 1975 chỉ mới vừa hết bậc tiểu học, cho thấy nền tảng giáo dục “tiên học lễ, hậu học văn” của miền Nam trước năm 1975 đã ảnh hưởng như thế nào đến tính cách của một người. Ngày đó học trò lớp Năm ngày đầu tiên đến trường, trước khi vào lớp phải đứng xếp hàng trước cửa lớp, thầy đứng ngay cửa lớp gọi tên từng trò, trò nào được gọi tên thì bước vào lớp, khi đi ngang qua thầy phải khoanh tay cúi đầu “thưa thầy” rồi mới vào lớp. Khi về nhà, trẻ con được ông bà cha mẹ dạy phải “đi thưa về trình” nên chuyện thưa gởi đã trở thành một nề nếp từ nhỏ.
Hình ảnh người thầy giáo, người cô giáo lớn tuổi tận tụy cầm bàn tay của từng học trò đồ những chữ a, chữ o đầu tiên trong đời bằng cây viết chì, rồi đến cây viết lá tre chấm mực tím, ít nhiều cũng đã để lại trong lòng mỗi người chúng ta một sự kính trọng và lòng biết ơn rất sâu xa đối với thầy cô. Chính vì thế, ngày xưa khi gặp thầy cô ngoài đường, ai cũng khoanh tay cúi đầu thưa thầy thưa cô rất lễ phép. Lễ phép từ trong trường, từ trong gia đình cho đến ra ngoài xã hội. Lễ phép đã trở thành một thói quen, một nề nếp từ thuở cắp sách cho đến lúc trưởng thành.
Lễ phép không những làm cho người ta giữ được đạo nghĩa làm người mà còn tạo nên một sự khiêm tốn trong lời ăn tiếng nói nữa. Ngày xưa, khi muốn trình bày một vấn đề gì đó cho người khác nghe, người ta hay nói :”theo chỗ tôi được biết thì…” . Đó chính là sự khiêm nhường trong lời ăn tiếng nói, luôn làm cho người nghe cảm thấy dễ chịu và dễ chấp nhận hơn. Những câu tục ngữ ca dao được học ngày xưa cũng dạy cho người ta để ý đến lời ăn tiếng nói như “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” hoặc “trước khi nói phải uốn lưỡi bảy lần” hoặc “học ăn, học nói, học gói, học mở” đều dạy cho người ta phải cẩn ngôn hơn khi nói chuyện trong gia đình và ngoài xã hội.
Nền giáo dục nhân bản lấy sự nhân ái, nhân đức và nhân cách của con người làm căn bản của thời Việt Nam Cộng Hòa đã tạo ra những thế hệ thành nhân chi mỹ trước, rồi sau đó mới đến thành danh chi toại. Dù không thành danh, nhưng vẫn thành nhân.
Quân Nguyễn