THƯ NGỎ VIẾT TỪ SONGKHLA (Nhật Tiến)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

NHẬT TIẾN
10.07.1980.
Kính nhờ Boat People S.O.S Committee sao chuyển tới báo chí và các cộng đồng người Việt trên thế giới.

Kính thưa toàn thể quý vị,

Lá thư ngỏ này tôi viết tại lô lều số 25 trong tổng số 41 lô lều tại trại tỵ nạn Songkhla miền Nam Thái Lan. Tôi đang ngồi trên một tấm sạp gỗ ghép lại bằng những mảnh ván thùng. Gần hết diện tích tấm phản đã ướt nhẹp vì nước mưa. Tôi đã cố khép mình lại để những giọt nước trên mái lá thủng lỗ chỗ khỏi rơi xuống đầu của mình. Tôi ngồi đây, viết thư này cũng là để chờ sáng vì không còn chỗ nào đủ khô để ngả lưng xuống.
Tuy nhiên, tôi vẫn còn là người may mắn hơn nhiều đồng bào khác ở trong trại, vì tôi vẫn đang được cư ngụ trong một lô lều. Nhiều nguời khác còn lâm vào tình trạng khốn khổ hơn. Họ ăn ngủ ngoài trời vì thiếu chỗ. Vào những ngày mưa như bây giờ, một số đông đồng bào khác hẳn cũng đang ngồi bó gối, chen nhau tránh mưa trong diện tich chật hẹp của một ngôi nhà thờ nghèo nàn, vách lá đơn sơ, mái che lụp sụp, phương tiện trang trí bên trong cũng chỉ không ngoài những mảnh ván thùng.
Mùa mưa ở Thái Lan chỉ mới bắt đầu. Cơn mưa mới chỉ kéo dài một vài giờ. Trong ít tuần nữa sẽ rả rích ba bốn ngày liền không có lấy một lúc tạnh ráo.
Tôi không tưởng tượng nổi đời sống của hơn 6000 đồng bào ở đây sẽ ra sao. Tối hôm cuối tuần qua, một ngày đầu tháng Bẩy dương lịch, có cơn mưa kèm theo gió lớn. Tôi không hiểu được những cơn gió lạnh căm này cấu xé thịt da các em nhỏ vừa mới nhập trại được có mấy ngày, sẽ làm các em run cóng đến mực nào. Phải một hay hai tuần sau may ra các em mới đuợc phát một tấm mền mỏng, không phải cho riêng em nhưng là một tấm cho ba người. Những tấm chăn này là của các Hội Thiện Nguyện gửi đến, hẳn cũng đã có phần đóng góp của nhiều đồng bào do các cuộc lạc quyên của báo chí. Tôi cũng đã thấy nhiều đêm các em nằm co ro trên những tấm bao tải dọc bên hàng rào kẽm gai, sát bờ biển. Nếu cơn mưa ụp tới, các em cũng như những người khác sẽ phải choàng dậy, chạy vào núp dưới một mái che nào đó chờ qua cơn mưa.
Cũng cơn gió lớn đêm qua đã thổi tung nóc một số lô lều đã quá mục nát. Đồng bào ngủ trong các lô lều số 12, 17, 26 đã hoàn toàn chịu trận giữa cơn mưa đổ xuống ào ạt bởi vì lều của họ đã bị sụm xuống. Quần áo, đồ đạc và cả người nữa đã tơi tả dưới cơn mưa.

Nhiều lô lều khác cũng sẽ không qua khỏi mùa mưa này vì đã quá mục nát. Tình cảnh cơ cực ấy vây bọc lấy những tấm thân gầy gò, yếu ớt. Tôi cũng không hiểu trong số những đồng bào đó, những ai đã không được ăn uống đầy đủ. Nhưng bằng vào khẩu phần quá ít ỏi được cấp phát: một gia đình 5 người chia nhau 3 con cá nhỏ bằng nửa bàn tay dùng để ăn hai bữa, hay những ngày đổi món thì 70 người chia nhau một con gà trong một ngày và cũng bằng vào những khuôn mặt xanh xao hốc hác, những bờ vai nhô lên, những cánh tay gầy guộc. Tôi đã thấy rõ có quá nhiều đồng bào ở đây không có nguồn tài trợ nào của thân nhân ở nước ngoài. Mọi người chỉ còn trông vào phần gạo và cá của Cao ủy LHQ, sự lo toan chỉ còn là làm sao chạy cho ra một bó củi để nấu chín rúm gạo ấy, mớ cá ấy, mà như thế cũng đã là cả một vấn đề nan giải rồi, mặc dầu lâu lâu gần như thất thường mỗi người cũng đuợc phát than theo tiêu chuẩn mỗi nguời 1 kg. Còn bếp lò, nồi niêu, bát đũa, mắm muối đều phải tự túc hết. Đó là tình cảnh của hơn 6000 đồng bào chúng ta ở đây. Trừ một thiểu số ngoại lệ có thân nhân gửi tiền vào trại giúp đỡ.
Trong một bức thư ngỏ do toàn thể đồng bào ở đây cùng ký tên gửi đi La Mã cho Đức Giáo Hoàng vào giữa tháng 5-1980 đã có những câu thống thiết :
” Ở đây chúng tôi thiếu thốn tất cả mọi tiện nghi cần thiết cho con người. Ở đây không phải chúng tôi đang sống mà là đang cố sống sót.”
Quả vậy, sống sót là hoàn cảnh gần kề với địa ngục, ở ngưỡng cửa địa ngục, bên bờ của vực thẳm. Vì đời sống của con người đích thực thì không thể hằng ngày phải chung đụng với cả ngàn con ruồi bu đen trên những bát cơm trắng, cả trăm con rệp chui rúc trên các sạp ngủ và những đêm mưa ngày nắng, con người vẫn phải chui rúc chật chội dưới những mái lá tả tơi rách nát. Tất cả chỉ là một tình cảnh thoi thóp bên bờ sống thực, không chỉ riêng ở đây mà hẳn còn ở chung trong các trại tỵ nạn ở Đông Nam Á.
Tình cảnh kể trên mới chỉ là tình cảnh của những người đã may mắn tới được bến bờ và đang chờ đợi để được chấp nhận đi định cư.

Trước đó, hầu như tất cả mọi người trong trại này đều đã phải trải qua những thảm kịch kinh hoàng trên biển cả. Thống kê của riêng chúng tôi, những thuyền nhân hiện diện trong trại tự ý đứng ra làm cho thấy trong tháng 5-1980 có 36 ghe nhập trại thì 35 ghe bị đánh cướp (tỷ lệ 97%). Đằng sau những con số lạnh lùng khô khan này ẩn chứa biết bao nhiêu là đau thương và tủi nhục. Những câu chuyện bi thảm, những chi tiết khủng khiếp đã từng được nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong các bản cáo trạng đã được báo chí đăng tải, có thể dễ gây cho người đọc chán nản, nhàm tai. Nhưng trong thực tế, nó vẫn luôn luôn là hoàn toàn mới mẻ đối với từng ghe, từng gia đình giờ này còn đang lênh đênh, trôi giạt trên biển cả. Từng ngày, từng giờ, vẫn luôm luôn có những bầy quỷ dữ sẵn sàng ụp tới, nhẩy múa gào thét trên những tấm thân bất động của các thiếu nữ thơ ngây đang ngất xỉu trên sàn thuyền, hoặc những ghe tầu vững chãi của hải tặc sẵn sàng rồ máy để húc chìm con thuyền tỵ nạn cho phi tang, hoặc có những tên không còn tính nguời đã sẵn sàng cầm chân những em bé vô tội để liệng thẳng xuống lòng biển khơi, hoặc dùng búa, rìu rượt đuổi thuyền nhân để đâm chém và xô họ xuống biển.
Chúng tôi ở đây đã từng nức nở đến tận cùng của những cơn xúc động để khóc cho những thảm kịch như thế đã từng xẩy ra và chắc chắn sẽ còn tiếp tục xẩy ra. Và cũng ở đây, ngày lại ngày, chúng tôi vẫn trực diện với những cảnh tiếp đón đồng bào mới nhập trại, nói đúng hơn, những con người như vừa mới đội mồ chui lên với quần áo rách nát, mình mẩy lấm lem đầy dầu nhớt trong số đó, nhiều nguời chẳng còn gì ngoài mảnh vải rách nát tạm đủ che thân mình.
Họ tới từ những con thuyền tả tơi trôi giạt từ biển cả trên có những em bé nằm bất động trên đôi tay gầy gò, run rẩy của các bà mẹ, những thiếu nữ ngơ ngác thất thần trên nét mặt còn in rõ những nét kinh hoàng, hoảng loạn. Nhưng đau thương nhất là phải chứng kiến những ghe thuyền mang tới những phụ nữ đã bị bạo hành đến lết đi còn không nổi, phải nằm trên cáng khiêng vào bệnh xá. Chiếc cáng này nối chiếc cáng kia đi qua đám đông của người trong trại nhưng tuyệt nhiên không một ai lên tiếng nói, không còn ai gây ra một tiếng động dù là một tiếng ho nhỏ nhặt. Sự im lặng đã bao trùm toàn bộ lên khung cảnh đó như thấm đẫm một niềm đớn đau, bi phẫn và không ai bảo ai, tất cả đều đã chan hoà nước mắt.
Hình ảnh ấy đã theo chúng tôi từng giờ từng phút, ở mọi nơi, mọi chỗ. Bưng bát cơm lên mà nghe nghe như đang bị xát muối ở trong lòng. Đêm về trong giấc ngủ như còn thấy lởn vởn trong cơn mơ tiếng la thảm thiết của những người con gái Việt Nam đang vật vã trong tay bầy quỷ dữ, còn mơ thấy những cánh tay chới với giữa lòng đại dương với những con sóng cao ngập đầu, rồi tất cả chìm khuất giữa biển cả bao la.
Ở đây, Songkhla hay Leamsing, hay Sikew hay Trengganu hay Pulau Bidong, Pulau Tengah và các trại tỵ nạn khác ở Đông nam Á, tất cả đều là môi trường của đớn đau, của chia lìa, của xót xa tủi nhục trong đờisống thiếu thốn, bệnh tật. Tôi hy vọng rằng khi hoàn cảnh của họ được thế giới bên ngoài biết đến, nó sẽ trở thành cơn nhức nhối, dằn vặt, thao thức không nguôi của tất cả những ai đã có một đời sống ổn định nơi xứ người.
Xin quý vị hãy đứng lên làm một cái gì đó cho sự thiếu thốn của đồng bào trong các trại tỵ nạn, cho những tệ nạn hải tặc bạo hành phụ nữ, chém giết hay xô người xuống biển sâu….. tất cả phải được chấm dứt.
Xin hãy làm một cái gì.
Chúng tôi không nghĩ rằng đó là lời kêu gọi để đánh động lòng trắc ẩn, nhưng đó là một lời lên tiếng để kêu đòi tất cả mọi người hãy thanh thỏa một món nợ tinh thần. Đó là món nợ đối với những con người vì chính nghĩa Tự Do đã ra đi và đã chết âm thầm tức tủi trong bao năm qua ở ngoài Biển Đông.
Nhân danh những cái chết bi hùng và lặng lẽ vì Tự Do (mà chúng ta đang hưởng), chúng ta phải làm một cái gì cho những đồng bào đi sau.
Chúng tôi nghĩ rằng đó là cung cách hay nhất để tưởng niệm những người đã khuất, mà trong số đó có ngưòi thân yêu của mình, có bạn bè của mình hay ít nhất cũng là có những đồng bào Việt Nam ruột thịt của mình.
Songkhla ngày 10 tháng 7 năm 1980
NHẬT TIẾN
(Trong cuốn Hải Tặc Trong Vịnh Thái Lan
do Ủy Ban Báo Nguy Giúp Nguời Vuợt Biển – ấn hành – 1981)


Tìm đọc thêm tác phẩm và cuộc đời của tác giả, nhà văn Nhật Tiến ở trang này
https://nhavannhattien.wordpress.com/