THỦ LĨNH PHIẾN QUÂN TALIBAN: HỌ LÀ AI ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Quân đội Mỹ rời Afghanistan

Lê T Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)

Những thủ lĩnh của quân Taliban rất sợ tình báo của Mỹ phát hiện để bắn hỏa tiễn từ những máy bay không người lái như đã giết tướng Soleimani của Iran đầu năm 2020 và thủ lĩnh của họ là Mullah Akhtar Mansour vào tháng 5/2016 trên đường từ Iran đến Pakistan. Nên họ giữ tung tích các thủ lĩnh rất kín.

Nay quân Taliban đang chiến thắng tại Afghanistan, họ sẽ định hướng “tiểu vương quốc Hồi Giao Afghanistan” mệnh danh “mồ chôn các đế quốc” này. Họ là ai? 

1) Lãnh đạo tối cao quân Taliban: Hibatullah Akhundzada,

Hibatullah Akhundzada

Hibatullah Akhundzada 60 tuổi (sinh năm 1961) là một học giả Hồi Giáo lập trường cứng rắn hay nói đúng hơn là Hồi Giáo Cực Đoan và là thủ lĩnh của quân Taliban.

Như chúng ta đã biết Taliban là tập trung Hồi Giáo Cực Đoan, một tôn giáo có niềm tin mãnh liệt vào thánh Allah. Vì thế lãnh đạo Hồi Giáo ở những nước phần đông dân chúng theo đạo Hồi Giáo có ảnh hưởng trực tiếp đối với những lãnh đạo chính trị như Tổng Thống hoặc Thủ Tướng. Iran là một ví dụ cụ thể.

Hibatullah Akhundzada được cho là đã đưa ra phần lớn các fatwa (1) của Taliban và là người đứng đầu của tòa án Hồi giáo Taliban. Không giống như nhiều thủ lĩnh Taliban khác, Akhundzada đã bám đất ở lại Afghanistan trong suốt thời kỳ chiến tranh Afghanistan. Akhundzada trở thành thủ lĩnh của Taliban vào tháng 5/2016 sau khi người tiền nhiệm, Akhtar Mansour, đã bị giết trong một cuộc tấn công bằng máy bay không người lái của Hoa Kỳ. Taliban cũng ban tặng cho Akhundzada danh hiệu Emir-al-Momineen tức Chỉ huy của những người trung thành, trong đó có hai người tiền nhiệm lãnh đạo của của ông ta.

Tuổi thơ của Akhundzada

Akhundzada sinh năm 1961 tại huyện Panjwayi của tỉnh Kandahar, Là người tộc Pashtun, thuộc bộ lạc Noorzai. Tên đầu tiên của ông, Hibatullah có nghĩa là “món quà từ Allah”. Cha của ông, Mullah Mohammad Akhund, là một học giả tôn giáo cũng như là giáo chủ của nhà thờ Hồi giáo trong làng. Không sở hữu bất kỳ ruộng, vườn riêng cho mình, gia đình Akhundzada sống phụ thuộc vào những gì mà giáo hội Hồi Giao trả cho cha ông bằng tiền, hoặc một phần hoa màu của họ. Akhundzada đã theo con đường người cha. Gia đình di cư đến Quetta sau cuộc xâm lược của Liên Xô và Akhundzada tiếp tục học một trong những trường Hồi Giáo đầu tiên được thành lập ở khu Sarnan.

Trước năm 2016

Khi quân Taliban chiếm được thủ đô Kabul vào năm 1996, một trong những công việc đầu tiên của học giả tôn giáo Akhundzada là ở tỉnh Farah với tư cách là thành viên quân sự thi hành án của Cục khuyến khích đạo đức và chống tội ác. Sau đó ông chuyển đến Kandahar và được làm giáo viên hướng dẫn tại Jihadi Madrasa, chủng viện có khoảng 100,000 sinh viên mà Mullah Omar đích thân trông nom.

Akhundzada sau đó được bổ nhiệm làm Chánh án Tòa án Shariah của Tiểu vương quốc Hồi giáo Afghanistan. Thay vì chỉ là một lãnh chúa hoặc chỉ huy quân sự, ông đã có tiếng như một nhà lãnh đạo tôn giáo, người chịu trách nhiệm phát hành hầu hết các quy luật của Taliban và giải quyết các vấn đề tôn giáo giữa các thành viên của Taliban. Được biết, cả Mullah Omar và Mullah Mansour những thủ lĩnh Taliban đã tham khảo ý kiến của Akhundzada về các vấn đề của giáo luật Hồi Giáo.

Không giống như những người tiền nhiệm của ông, là những người được giáo dục ở Pakistan, và những người cũng được cho là đã di chuyển vĩnh viễn về phía đông qua Đường Durand sau cuộc tấn công của Hoa Kỳ vào năm 2001 và trong cuộc chiến tranh. Còn Akhundzada đã sống ở Afghanistan trong suốt giai đoạn 2001–2016 mà không để lại dấu vết gì.

Theo ông Mullah Abdul Bari, một chỉ huy Taliban tại Helmand, sau khi thăng chức phó thủ lĩnh quân Taliban vào năm 2015, Akhundzada đã đưa ra một hệ thống mà theo đó, một ủy ban sẽ được thành lập dưới quyền thống đốc ẩn ở mỗi tỉnh có thể điều tra các chỉ huy hoặc chiến binh lạm dụng.

Vụ ám sát năm 2012

Theo ông Mullah Ibrahim, học trò của Akhundzada, người được The New York Times phỏng vấn, cho biết Akhundzada là đối tượng của một vụ ám sát ở Quetta mà quân Taliban cho là do Cục An ninh Tình Báo Quốc Gia Afghanistan chủ mưu. Ibrahim kể lại: “Trong một bài giảng của Akhundzada ở Quetta vào một ngày cách đây khoảng 4 năm, một người đàn ông đứng giữa các sinh viên và chĩa súng rất gần vào Akhundzada, nhưng khẩu súng bị kẹt đạn. “Người đàn ông đó cố gắng bóp cò để giết Akhundzada nhưng không thành công, phe Taliban đã lao vào bắt người đàn ông này. Ibrahim nói thêm rằng Akhundzada đã không di chuyển chút nào trong tình thế hỗn loạn đó.” Bởi vì vụ ám sát được xảy ra ở Quetta, điều này trái với các báo cáo cho rằng Akhundzada đã không đi ra ngoài Afghanistan sau tháng 9/2001.

Lãnh đạo Taliban

Akhundzada được bổ nhiệm làm chỉ huy tối cao của Taliban vào ngày 25/5/2016 thay cho Mullah Akhtar Mansour. Thủ lĩnh Taliban Mansour đang đi trong xe thì đã bị một máy bay không người lái bắn trúng và thiệt mạng. Cuộc tấn công này đã được Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama chấp thuận. Akhundzada trước đây là phó của Mansour, được thăng lên thay thế vị trí thủ lĩnh quân Taliban.

Một phát ngôn viên của quân Taliban cũng cho biết Sirajuddin Haqqani được bổ nhiệm làm đệ nhất Phó thủ lĩnh và Mullah Mohammad Yaqoob, con trai trưởng của cựu thủ lĩnh Taliban Mullah Omar, được bổ nhiệm làm đệ nhị Phó thủ lĩnh. Akhundzada cũng lãnh đạo một số trường Hồi Giáo trong vùng tây nam của tỉnh Balochistan ở Pakistan.

Các nhà phân tích tin rằng có sự khác biệt giữa các cấp bậc của Taliban về việc ai sẽ được bổ nhiệm làm thủ lĩnh mới. Những cái tên được gợi ý là Mullah Yaqoob và Sirajuddin Haqqani, với Haqqani là thành viên nổi tiếng nhất liên kết với Mạng lưới khủng bố Haqqani. Tuy nhiên Akhundzada đã duy trì sự trung lập trong nội bộ Taliban, nên để tránh xung đột nên chọn Akhundzada làm thủ lĩnh, Taliban đã đồng ý rằng Mullah Yaqoob và Sirajuddin Haqqani đều làm phó của lãnh đạo mới.

Theo AFP, Akhundzada nhận nhiệm vụ với thách thức to lớn là thống nhất lực lượng vũ trang bị chia năm xẻ bảy của tổ chức Taliban, do các nhân vật chủ chốt tranh giành quyền lực sau vụ ám sát người tiền nhiệm.

Thông tin công khai về nhân vật này không nhiều, chủ yếu ông xuất hiện để đưa ra các thông điệp trong các ngày lễ Hồi giáo lớn hằng năm mà thôi.

2) Mullah Baradar: đồng thành lập Taliban

Mollah Baradar

Mollah Baradar (sinh năm 1968), là một lãnh tụ Taliban. Phụ tá của Mullah Omar và cũng là thủ lĩnh của Quetta Shura, Baradar được xem như lãnh tụ trên thực tế của Taliban cho đến năm 2009. Ông bị lực lượng Mỹ và Pakistan bắt ở Pakistan ngày 8/2/2010, trong một cuộc đột kích lúc rạng sáng.

Thân thế Mullah Baradar, và hoạt động cho quân Taliban

Sinh tại làng Weetmak, Quận Deh Rahwod, Tỉnh Orūzgān, Baradar là người Pastun của bộ lạc Popalzai. Baradar chiến đấu cùng với những người bảo vệ Hồi Giáo Afghanistan trong Chiến tranh Xô viết tại Afghanistan và sau đó vận hành tổ chức giáo dục Hồi Giáo tại Maiwand, tỉnh Kandahar cùng với cựu tư lệnh của mình là Mullah Omar (hai người là anh em cột chèo). Năm 1994, ông giúp Mullah Omar sáng lập tổ chức Taliban.

Do đó Baradar được cho là đã chiến đấu sát cánh với giáo sĩ Mullah Omar. Hai người thành lập phong trào Taliban vào đầu những năm 1990, trong tính hình Afghanistan rơi vào cảnh hỗn loạn sau khi Liên Xô rút quân.

Năm 2001, Taliban sụp đổ. Baradar cầm đầu một nhóm quân nổi dậy tiếp cận thủ lĩnh lâm thời Hamid Karzai cùng với bản phác thảo thỏa thuận về các điều kiện để các chiến binh công nhận chính quyền mới.

Baradar bị bắt ở Pakistan năm 2010 và bị giam, được thả ra năm 2018. Sau đó, có tin Baradar chuyển đến Qatar. Tại đây, ông được bổ nhiệm làm người đứng đầu văn phòng chính trị của Taliban và giám sát việc ký kết thỏa thuận rút quân với Mỹ.

3) Sirajuddin Haqqani: chỉ huy mạng lưới  khủng bố Haqqani

Sirajuddin Haqqani

Sirajuddin Haqqani là con trai của vị chỉ huy nổi tiếng cuộc thánh chiến chống Liên Xô, Jalaluddin Haqqani.

Sirajuddin Haqqani vừa là phó thủ lĩnh của phiến quân Taliban vừa là lãnh đạo mạng lưới khủng bố Haqqani. Nhóm này từ lâu được coi là một trong những lực lượng nguy hiểm nhất chiến đấu chống Chính quyền Afghanistan và NATO do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan trong hai thập niên qua.

Nhóm Haqqani nổi tiếng với việc sử dụng những chiến binh đánh bom liều chết gan dạ và được cho là đã thực hiện một số vụ tấn công nổi tiếng ở thủ đô Kabul của Afghanistan trong những năm qua.

Mạng lưới này cũng bị lên án chuyên ám sát các giới chức hàng đầu chính phủ Afghanistan và bắt giữ các công dân Tây Phương để đòi tiền chuộc, trong đó có vụ binh sĩ Mỹ Bowe Bergdahl được trả tự do vào năm 2014.

Nhóm này nổi tiếng với sự độc lập, khả năng chiến đấu nhạy bén và có khả năng các giao dịch kinh doanh. Nhóm Haqqani được cho là kiểm soát các hoạt động ở vùng núi hiểm trở ở phía đông Afghanistan, và có quyền lực đáng kể trước hội đồng lãnh đạo của quân Taliban.

4) Mullah Yaqoob: con trai trưởng thủ lĩnh Mullah Omar 

Mullah Yaqoob (người đi đầu)

Mullah Yaqoob 31 tuổi (sinh năm 1990) là con trai trưởng của Mullah Omar, người sáng lập Taliban và là cựu thủ lĩnh tối cao Hồi giáo Afghanistan.

Mullah Yaqoob dân tộc Pashtun thuộc bộ tộc Hotak, là một phần của nhánh Ghilzai. Ông đã được giáo dục tôn giáo mình trong các viện Hồi Giáo khác nhau của Karachi ở Pakistan. Khi cha ông là Mullah Omar qua đời vào tháng 4/2013 với tin đồn bị Akhtar Mansour ám sát để tranh ngôi  vị, Mullah Yaqoob phủ nhận rằng về tin đồn cha anh đã bị Mansour ám hại, và Yaqoob khẳng định rằng cha ông chết vì bệnh. Nhưng Mullah Yaqoob được xem như đã từ chối ủng hộ sự lãnh đạo của thủ lĩnh Taliban Mullah Akhtar Mansour khi người này được bầu làm thủ lĩnh Taliban vào ngày 29/7/2015. 

Vị trí lãnh đạo

Năm 2016, Mullah Yaqoob được Taliban giao phụ trách chỉ huy quân Taliban ở 15 tỉnh trong số 34 tỉnh của Afghanistan. Ủy ban quân sự này do Mullah Ibrahim Sadr đứng đầu chịu trách nhiệm giám sát mọi hoạt động quân sự của toàn quan Taliban.

Sau cái chết của Mansour được công bố vào ngày 21/05/2016 và người thay thế Mansour là Akhundzada tân thủ lĩnh Taliban. Sirajuddin Haqqani, một cấp phó của Mansour và lãnh đạo mạng lưới Haqqani vẫn giữ chức vụ Phó thủ lĩnh Taliban cho Akhundzada, và Mullah Yaqoob, mới 31 tuổi được bổ nhiệm làm cấp phó thứ hai cho tân thủ lĩnh Taliban [6].

Khi đại dịch virus Vũ Hán, vào ngày 7/05/2020, Mullah Yaqoob được bổ nhiệm làm người đứng đầu phiến quân Taliban, nên Yaqoob trở thành chỉ huy quân sự cáo nhất của phiến quân Taliban. Ngày 29/05/2020, chỉ huy cao cấp có ảnh hưởng trong phiến quân Taliban là Mualana Muhammad Ali Jan Ahmed nói với phóng viên Foreign Policy rằng Mullah Yaqoob đã trở thành thủ lĩnh quyền lực của toàn bộ quân Taliban sau khi Akhundzada bị nhiễm virus Vũ Hán (COVID-19), nói rằng “Anh hùng của chúng ta, con trai của nhà lãnh đạo vĩ đại của chúng ta, Mullah Yaqoob, đang điều hành toàn bộ hoạt động quân sự quân Taliban”.

Nhận xét:

Qua những nhân vật trên cho ta nhận thấy quân Taliban sẽ điều hành nước Afghanistan như thế nào?
1) Họ là những người xuất thân từ những trường đạo Hồi Giáo, là Giáo Sĩ và rất trung thành với Hồi Giáo, sẵn sàng đổ máu chiến đấu bảo vệ tổ quốc thì ít mà trung thành với thánh Allah thì nhiều.
2) Trong 4 người tối cao vừa nói trên, mỗi người mỗi thân thế riêng, trong đó có người là lãnh đạo nhóm khủng bố nguy hiểm trên thế giới, hình như có tên trong danh sách FBI Wanted (Mỹ còn duy trì sự truy lùng này không?) như Sirajuddin Haqqani sở trường là khủng bố. Không biết rồi đây họ có tranh dành quyền lực của nhau trong nhà nước Afghanistan không?
Một trang sử Afghanistan sang trang. Dân tộc này sẽ giao cho thánh Allah quyết định! 

Ngày 18/08/2021

Lê Thành Nhân

Viết theo nhiều tài liệu 


Chú thích

(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Fatwa