THƯ KHU BƯU CHÍNH # KBC (Lưu Sơn)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

No photo description available.

Thư từ KBC là những lá thư của các quân nhân Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa gởi về cho gia đình hay ngược lại.
Có những lá thư của người lính chiến gởi về cho người yêu, cũng có những lá thư của em gái hậu phương gởi ra tuyến đầu đầy khói lửa, có những lá thư với lời văn mộc mạc của một nghĩa quân gởi về cho mẹ từ trung tâm huấn luyện Chi Lăng, hay một lá thư của người chiến sĩ cọp biển, thuộc tiểu đoàn 9 Mãnh Hổ từ địa đầu giới tuyến gởi về Sài Gòn cho người vợ thân yêu đúng vào ngày đầy tháng của con anh.
Những lá thư thân yêu này được chuyển đi khắp 4 vùng chiến thuật, về tận các tiền đồn xa xôi hay bay về tận miền quê hẻo lánh, nơi có bà mẹ già với mái tranh nghèo đang ngồi đợi tin của người con đang trả nợ núi sông.
Những lá thư mà phía bên ngoài có con dấu màu đỏ với hàng chữ QUÂN BƯU hay BƯU TÍN VIÊN hoặc rất đơn giản chỉ có ba chữ KBC và bốn con số, những con số KBC này người lính QLVNCH đã mang vào trong tâm khảm của họ vĩnh viễn cũng như số quân.
Hệ thống Quân Bưu Cục của QLVNCH tới giờ này chưa có một tài liệu nào cho biết thật chính xác, đại khái chỉ biết qua những lá thư có con dấu KBC còn sót lại sau năm 1975, một số lớn các bao thư này đã bị đốt bỏ hay bị tiêu hủy vì sợ bọn VC hạch hỏi làm khó dễ.
Một bao thư KBC có con dấu đỏ và 4 số cho mỗi đơn vị QLVNCH, hiện tại trên thị trường có giá khá cao, người sưu tầm tem nếu đi sâu vào lãnh vực này sẽ luôn để ý đến cái bao thư còn nguyên vẹn con tem và những con dấu nhật ấn của Bưu Điện, đặc biệt là những bao thư có dấu KBC.
Theo ông Andrew Crenshaw, một nhà sưu tập tem thư của VNCH, đặc biệt trong lãnh vực thư KBC thì có những KBC từ số 3000 cho đến 7000, ông cho biết sau vài chục năm tìm kiếm, ông chỉ có được hai số KBC mang số hiệu 2799 và 2962 không biết thuộc đơn vị nào.
Một số KBC được biết rất nhiều đó là số KBC của trường võ bị Đà Lạt (KBC 4027); Trường bộ binh Thủ Đức (KBC 4100); Trung tâm huấn luyện Quang Trung (KBC 4091).
Việc gởi thư của lính cũng hưởng nhiều ưu đãi của Bưu Điện, như cước phí gởi thư chỉ bằng phân nửa giá gởi thư thường của dân sự, quân đội cũng phát hành một số tem đặc biệt dành cho quân nhân, những con tem này không có giá tiền trên tem nhưng có giá trị gởi một lá thư đi. Ngoài ra, quân đội còn in thêm một số bao thư in sẵn tem trên đó để tiện lợi cho các chiến sĩ đang hành quân. Bao thư và tem quân đội được phát không cho các quân nhân hay gia đình của họ, trong hai đợt in tem quân đội, đợt cuối cùng có in một con tem với nhiều màu với hình ảnh VC sát hại dân lành trong Tết Mậu Thân, con tem quân đội đầu tiên có hình người lính VNCH đang ôm súng đứng gác một ấp tân sinh.
Trong lá thư của người chiến sĩ Lâm Thông Hội, đại đội 2, tiểu đoàn 9 Mãnh Hổ TQLC gởi về cho gia đình ngày 11-4-1974, trên bao thư chỉ dán có 1 con tem có giá tiền 8 đồng, trong thời gian này cước phí thư dân sự là 30 đồng và thư quân đội được bớt 50%, vì sợ thiếu cước phí Bưu Điện không chuyển thư nên người lính TQLC đã viết hàng chữ “Hành quân địa đầu giới tuyến-Xin bưu chính thông cảm.” Thư của ông Hội đã được chuyển đi với con dấu KBC 6626 và về đến Sài Gòn ngày 17-4-1974 qua con dấu nhật ấn của Chi Bưu Cục Bạch Đằng.
Lá thư thật cảm động của người chiến sĩ cọp biển QLVNCH gởi về cho vợ với hàng chữ đầu “Vùng Duyên Hải-Nhơn Gia Đẳng” là nơi đơn vị của anh đang đóng quân, trong thư anh nhắc lại đúng ngày viết lá thư này là ngày “đầy tháng” của con anh.
Người chiến sĩ cọp biển này đã tạm rời xa mái ấm gia đình với người vợ yêu dấu và đứa con còn non ngày tháng, hiên ngang đứng tuyến đầu để ngăn chặn quân thù gìn giữ từng tấc đất tự do.
Trong loạt bài Thư KBC, tác giả cố gắng đưa lên những lá thư với các KBC khác nhau, độc giả nếu có những lá thư này xin góp ý với tòa soạn để chúng ta cố làm lại những KHU BƯU CHÍNH mà ngày xưa hơn 1 triệu người lính QLVNCH đã sử dụng.
Luu Son