Thiếu Tướng Phạm Văn Phú sinh năm 1929 tại Hà Đông, Bắc Việt. Sau khi tốt nghiệp học khóa 8 trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt vào giữa năm 1953, ông đã tình nguyện phục vụ trong binh chủng Nhảy Dù.
Ngày 14 tháng 3/1954, trong tình hình chiến trường Điện Biên Phủ vô cùng sôi động, ở cấp bậc Trung Úy ông đã chỉ huy một đại đội của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù, nhảy xuống Natasha, một vị trí sát phi đạo chính. Sau hơn một hơn tháng liên tục giao tranh với Việt Minh, ngày 16 tháng 4/1954, Trung Úy Phạm Văn Phú đã chỉ huy một thành phần của Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù cùng với các đơn vị bạn phản công tái chiếm một cứ điểm trọng yếu. Sau trận phản công này, ông được thăng cấp Đại Úy tại mặt trận khi vừa đúng 25 tuổi, và đến ngày 26 tháng 4/1954, được cử giữ chức Tiểu Đoàn Phó Tiểu Đoàn 5 Nhảy Dù. Ngày 7/5/1954, Điện Biên Phủ thất thủ, ông bị địch quân bắt giam. Sau 20/7/1954 (Hiệp định Genève), ông được trao trả và tiếp tục phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH).
Năm 1960, được tuyển chọn để phục vụ trong binh chủng Lực Lượng Đặc Biệt. Cuối năm 1962, thăng cấp Thiếu Tá và giữ chức vụ Liên Đoàn Trưởng Liên Đoàn Quan Sát 77 Lực Lượng Đặc Biệt. Giữa tháng 5/1964, ông đã chỉ huy liên đoàn này đánh tan Trung Đoàn 765 Cộng Sản Bắc Việt (CSBV) tại Suối Đá, Tây Ninh. Gần cuối năm 1964, ông được thăng Trung Tá và giữ chức tham mưu trưởng Lực Lượng Đặc biệt. Một năm sau, ông được thăng Đại Tá nhiệm chức.
Đầu năm 1966, không hiểu vì lý do gì, ông bị vị Tư Lệnh Lực Lượng Đặc Biệt trình Bộ Quốc Phòng thâu hồi cấp Đại Tá nhiệm chức và thuyên chuyển ra miền Trung, giữ chức Phụ Tá Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh. Giữa năm 1966, ông là Đại Tá Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ Tư Lệnh Sư Đoàn này (Tư Lệnh Sư Đoàn 2 Bộ Binh là Thiếu Tướng Hoàng Xuân Lãm, được cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 1 Vùng 1 Chiến Thuật vào cuối tháng 5/1966). Cuối năm 1966, ông được điều động ra Sư Đoàn 1 Bộ Binh làm Tư Lệnh Phó Sư Đoàn. Giữa năm 1968, được cử giữ chức vụ Tư Lệnh Biệt Khu 44 (bao gồm các tỉnh biên giới ở miền Tây Nam phần). Năm 1969, được thăng cấp Chuẩn Tướng tại mặt trận. Đầu năm 1970, chuẩn Tướng Phú được cử thay thế Thiếu Tướng Đoàn Văn Quảng trong chức vụ Tư Lệnh Lực Lượng Đặc biệt.
Gần cuối tháng 8/1970, Tướng Phú được Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu bổ nhiệm giữ chức Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Bộ Binh thay thế Thiếu Tướng Ngô Quang Trưởng, được cử giữ chức Tư Lệnh Quân Đoàn 4. Tháng 3/1971, ông được thăng Thiếu Tướng tại mặt trận sau cuộc hành quân Lam Sơn 719 ở Hạ Lào (ngoài Tướng Phú, có hai Đại Tá được thăng cấp chuẩn tướng: Đại Tá Vũ Văn Giai – Tư Lệnh phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh, Đại Tá Hồ Trung Hậu -Tư Lệnh Phó Sư Đoàn Nhảy Dù). Trong cuộc chiến mùa Hè đỏ lửa 1972, ông đã điều động, phối trí các trung đoàn của Sư Đoàn 1 Bộ Binh giữ vững phòng tuyến Tây Nam Huế. Do điều kiện sức khỏe, đến tháng 9/1972, ông bàn giao Sư Đoàn 1 Bộ Binh cho Đại Tá Điềm, Tư Lệnh Phó, xử lý thường vụ. Từ 1973 đến tháng 10/1974, ông giữ chức chỉ huy trưởng Trung Tâm Huấn luyện Quang Trung.
Tháng 11/1974, thể theo đề nghị của Thủ Tướng Trần Thiện Khiêm và Phó Tổng thống Trần Văn Hương, Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đã ký sắc lệnh cử ông giữ chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 và Quân Khu 2 thay thế Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn.(Tướng Toàn trở lại binh chủng Thiết giáp, giữ chức chỉ huy trưởng).
Nhận chức vụ Tư Lệnh Quân Đoàn 2 không phải do chính Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu lựa chọn, hoặc do Đại Tướng Cao Văn Viên – Tổng tham mưu trưởng – đề nghị, nên Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã gặp nhiều khó khăn trong việc sắp xếp nhân sự cao cấp phụ tá ông để điều hành bộ Tư Lệnh. Thông thường, các Tư Lệnh Quân Đoàn được quyền chọn lựa tham mưu trưởng, sau đó, bộ Tổng tham mưu sẽ ban hành quyết định hợp thức hóa, thế nhưng Thiếu Tướng Phạm Văn Phú đã bị bộ Tổng tham mưu “hạn chế” các quyền hạn dành cho Tư Lệnh Quân Đoàn. Khi Tướng Phú nhận chức Tư Lệnh Quân Đoàn 2, vị tham mưu trưởng đương nhiệm là Chuẩn Tướng Trần Văn Cẩm. (Trong thời gian từ 1967 đến tháng 6/1968, khi Tướng Phú còn mang cấp Đại Tá và giữ chức vụ Tư Lệnh Phó Sư Đoàn 1 Bộ Binh thì tướng Cẩm còn là Trung Tá, Tham Mưu Trưởng Sư Đoàn này).
Trong những tuần lễ đầu tiên, Tướng Phú đã hai lần đề nghị hai vị Đại Tá giữ chức vụ tham mưu trưởng Quân Đoàn thay chuẩn tướng Cẩm được bổ nhiệm làm Phụ Tá Hành Quân Tư Lệnh Quân Đoàn 2, nhưng cả hai lần đều bị Trung Tướng Đồng Văn Khuyên tham mưu trưởng Liên quân trình với Đại Tướng Cao Văn Viên bác bỏ. Cuối cùng, theo đề nghị của Trung Tướng Khuyên, Đại Tướng Cao Văn Viên đã bổ nhiệm Đại Tá Lê Khắc Lý, nguyên tham mưu trưởng bộ Tư Lệnh Tiền Phương Quân Đoàn 1 giữ chức vụ Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn 2. Dù vị tham mưu trưởng không do mình chọn lựa, nhưng Tướng Phú đã tin dùng và ủy nhiệm cho Đại Tá Lê Khắc Lý nhiều quyền hạn trong việc điều hành Bộ Tư Lệnh.
Trước khi cuộc chiến Cao Nguyên (năm 1975) bùng nổ, Tướng Phú được Đại Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Quân Đoàn trình bày về các khả năng Cộng quân sẽ mở cao điểm tại Ban Mê Thuột, thế nhưng không hiểu vì sao, Tướng Phú không tin và nhận định rằng Pleiku mới là chiến trường trọng điểm, còn Ban Mê Thuột là mặt trận phụ mà Cộng quân muốn tạo thế trận nghi binh. Trận chiến Ban Mê Thuột đã bùng nổ vào rạng sáng ngày 10 tháng 3/1975. Bốn ngày sau, vào trưa ngày 14 tháng 3/1975, trong một cuộc họp đặc biệt tại Cam Ranh, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra lệnh cho Thiếu Tướng Phạm Văn Phú triệt thoái toàn bộ Quân Đoàn 2 khỏi Cao nguyên.
Sau khi lực lượng Quân Đoàn 2 triệt thoái khỏi Nha Trang, 1 giờ 45 trưa ngày 2 tháng 4/1975, Thiếu Tướng Phạm Văn Phú và vài sĩ quan thân tín đã bay đến ngọn đồi “Lầu Ông Hoàng” để chờ Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu – Tư Lệnh Phó Quân Đoàn 3 – tới nhận bàn giao phần lãnh thổ cuối cùng của Quân Khu 2 được lệnh sát nhập vào Quân Khu 3. Vào giờ phút đó, quanh Tướng Phú chỉ có: Đại Tá Đức – nguyên Phụ Tá Tư Lệnh Quân Đoàn 2 đặc trách lực lượng diện địa; Thiếu Tá Vinh, chánh văn phòng; Thiếu Tá Hóa, sĩ quan tùy viên, và Thiếu Tá Phạm Huấn, sĩ quan Báo chí. Chính tại đây, Tướng Phú đã có quyết định tự sát, nhưng Đại Tá Đức đã kịp thời cản ông. Theo lời kể của Thiếu Tá Phạm Huấn, vào lúc 2 giờ 12 phút cùng ngày, Thiếu Tá Hóa tới trình cho Tướng Phú là trực thăng của Tướng Hiếu sắp đáp xuống. Khi đó, Thiếu Tá Huấn đứng gần Tướng Phú, thấy đôi mắt Tướng Phú như muốn tóe lửa. Và sau khi Thiếu Tá Hóa quay gót, Tướng Phú vất điếu thuốc lá đang cầm trên tay xuống đất. Rất nhanh, ông rút khẩu súng ngắn nòng ra khỏi vỏ. Nhưng tiếng hét thất thanh của Đại Tá Đức: “Thiếu Tướng”. Khẩu súng trên tay Tướng Phú bị gạt bắn xuống đất. Sự việc này xảy ra quá bất ngờ….
Giữa tháng 4/1975, Tướng Phú lâm bệnh, vào điều trị tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Ngày 15 tháng 4/1975, Đại Tá Phạm Văn Chung, cựu Lữ Đoàn Trưởng Lữ Đoàn 369 Thủy Quân Lục Chiến, nguyên tỉnh trưởng kiêm tiểu khu trưởng Quảng Nam, đã vào thăm Tướng Trưởng và Tướng Phú đang nằm dưỡng bệnh. Chính trong lần thăm này, Đại Tá Chung đã nghe Tướng Phú trăn trối, và kể lại như sau:
Rời phòng Trung Tướng Trưởng, tôi (Đại Tá Chung) qua phòng kế bên cạnh là phòng của Thiếu Tướng Phú, cũng đang nằm dưỡng bệnh kế đó. Bước vào phòng tôi thấy Thiếu Tướng Phú đứng dậy ngay và bắt tay tôi bằng một giọng hằn học, tức tối:
“Anh Chung, anh từng hành quân với tôi đã lâu…”
Nói đến đây Thiếu Tướng Phú ôm tôi và khóc tiếp với giọng nghẹn ngào, tức tối:
“…mà đêm qua, Tổng Thống Thiệu lên đài nói chuyện và đổ tội cho các tướng lãnh là hèn nhát bỏ chạy. Anh cứ về hỏi Trung Tướng Trưởng xem, trong buổi họp hôm trước, có cả Trung Tướng của anh nữa đấy, tôi đã xin Tổng Thống cho tôi giữ Pleiku bằng mọi giá, Tổng Thống không chịu, bắt tôi phải rút…. có cả Đại Tướng Viên và Đại Tướng Khiêm nghe nữa mà bây giờ Tổng Thống nói chuyện với toàn dân đổ tội cho chúng tôi, thật cái nhục này tôi không biết tỏ cùng ai, không biết đồng bào có hiểu không, chỉ có cách chết mới hết nhục”.
Tôi (Đại Tá Chung) không khỏi ngậm ngùi thương xót chia xẻ nỗi oan ức của một vị đàn anh đáng kính như Thiếu Tướng Phú, nên tôi hết lời an ủi và khuyên Thiếu Tướng hãy bình tỉnh và nên tĩnh dưỡng.
Đó là lần cuối cùng Đại Tá Chung gặp Tướng Phú. Sáng ngày 29 tháng 4/1975, tại căn nhà riêng ở đường Gia Long, chờ khi vợ và các con rời nhà để đi về phía Trường Đua Phú Thọ tìm cách di tản, Tướng Phú đã uống một liều thuốc cực mạnh tự tử. Người em trai của bà Phú sau khi biết tin này đã chạy tới vào cho bà biết.
Cả gia đình quay về. Theo lời kể của con trai Tướng Phú, đã vượt biên sang Mỹ, những giờ cuối của Tướng Phú được ghi nhận như sau: Nhờ có các bác sĩ Pháp gần nhà giúp đỡ, Tướng Phú được đưa vào bệnh viện Grall để cấp cứu. Nhưng Tướng Phú mê man liên miên, mãi đến trưa ngày 30/4/1975, ông mới tỉnh được giây lát và thều thào hỏi người vợ đang ngồi cạnh:
– Tình hình đến đâu rồi?
Bà Phú nói:
– Tướng Dương Văn Minh ra lệnh Quân đội bỏ súng đầu hàng, và Cộng sản đã vào tới Sài Gòn!
Nghe xong Tướng Phú nhắm mắt lại và “ra đi”.
Vương Hồng Anh