THIẾU TƯỚNG NGUYỄN KHOA NAM

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Hình Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam

Lá Thư gửi anh NAM

Nguyễn Văn Hai

Giáo Sư Tiến Sĩ, nguyên Phó Viện Trưởng

kiêm Khoa Trưởng Đại Học Khoa Học, Viện Đại Học Huế

Anh Nam kính mến,

Chúng tôi vừa coi xong cuốn video “Chiến Tranh và Hòa Bình” của hãng Asia. Một đoạn video gây chúng tôi nhiều xúc động nhất là buổi phỏng vấn anh Phước về cái chết đầy khí tiết của Anh, một vị Tướng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, vào giờ phút buồn thảm nhất của lịch sử đất nước. Một chi tiết đến hôm nay chúng tôi mới biết và làm tôi ngạc nhiên đến sửng sốt là Anh thọ trì thần chú Thủ Lăng Nghiêm đã từ lâu. Sửng sốt là vì thật không ngờ từ lâu Anh đã suy ngẫm nhiều về chân tướng cuộc đời, phát tâm tin Phật Pháp thâm diệu, sống ung dung thanh thản giữa một thế giới lắm tai ách và khổ đau.

Thực ra, Anh là người đã rất nhiều lần gây cho tôi những giây phút bàng hoàng sửng sốt. Duyên nghiệp cho tôi được cái vinh dự cùng Anh học một lớp và ở chung một ký-túc-xá suốt năm năm ở trường Trung Học Khải Định. Lúc bắt tay Anh lần đầu khi Anh sắp leo lên chiếc giường ngủ đặt sát cạnh giường tôi đêm trước ngày khai giảng niên khóa 1940 – 4, tôi có ngay cảm tưởng từ hôm nay tôi may mắn có thêm một bạn đồng song hiền lành, chăm học, dáng ngoài đúng điệu một thư sinh. Nhưng tôi để ý Anh có một nụ cười bí ẩn, mãi đến nay tôi vẫn còn chưa hiểu hết ý nghĩa của nó. Thường Anh ít nói mà chỉ cười, cười kiểu “ngậm kim”. Có khi tôi tưởng Anh cười nhạo báng, có khi tôi tưởng Anh cười đồng ý, và có khi tôi cho là Anh cười để tránh nói ra những cảm nghĩ làm mất lòng người khác.

Bây giờ tôi kể lại để Anh nhớ một hai câu chuyện hồi còn ở trường Anh đã gây cho tôi bàng hoàng sửng sốt. Thường ngày vào giờ Vẽ, tôi ngồi gần Anh trong phòng Họa, ở sát ngay Nhà Chơi của Trường. Cả lớp đều biết Anh có tài hội họa, vẽ truyền thần và phong cảnh. Kể ra, vốn tự biết mình vụng về không vẽ nên thân, tôi tìm ngồi gần Anh là cốt học mót nơi Anh cách vẽ, chứ thầy Tôn Thất Đào đâu có đủ thời giờ trong một tiếng đồng hồ đi chăm sóc từng trò một trong một lớp có đến 50 tên.

Một năm nọ, vào kỳ thi lục cá nguyệt, thầy Đào ra đề tài cho vẽ tùy ý một cảnh hoạt động ngoài trời. Thế là tôi lúng ta lúng túng, hết gôm rồi lại xóa, làm mòn gần hết viên tẩy, thay tờ giấy vẽ này sang tờ giấy vẽ khác, rốt cuộc năm mươi phút trôi qua mà chẳng vẽ ra cái cảnh nào nên hồn cả. Anh thương tình, biết tôi tự ái, không bao giờ mở miệng cầu viện, mới hỏi: Cậu ưng mình vẽ hộ cho cậu không? Không đắn đo suy nghĩ, tôi cảm ơn lòng tốt của Anh và đưa cho Anh một tờ giấy vẽ còn nguyên. Thế là chỉ trong năm hay bảy phút gì đó, Anh đã họa xong giùm tôi một hoạt cảnh “Đá banh.” Tôi mừng thầm có cứu tinh phò trợ chuyến này chắc tai qua nạn khỏi. Ngờ đâu, khi nhìn vào tờ giấy vẽ trước khi đem lên nạp thời trời đất ơi! Anh đã vẽ một thằng bé chổng mông rách quần trên sân cỏ!!! Vì đã hết giờ và không còn cách nào hơn, tôi đành đem bức họa “quỷ khóc thần sầu” ấy lên nạp. Tôi nghĩ lại tất cả là lỗi tại tôi, đã có ý gian thì phải cúi đầu mà lãnh đủ quả phạt.

Buồn cười là câu chuyện không chấm dứt như dự tưởng. Sau hơn ba năm dạy tôi môn Vẽ, thầy Đào thừa hiểu tôi không bao giờ đủ tài năng sáng tác ra một bức họa để đời như vậy. Thầy không cho tôi là người có tội nên phê vào tờ giấy vẽ đề tên tôi điểm 19 trên 20. Còn điểm bức họa của Anh thì chỉ được 18 trên 20 mà thôi. Tôi được một trận cười ra nước mắt, nhưng Anh thì đón nhận bài của mình vẫn với cái nụ cười “ngậm kim” muôn thuở!

Sau đây là một câu chuyện khác, nhưng lần này xin nhường cho Phan Thụy Dung, một người bạn học khác của Anh kể hay hơn tôi nhiều: Một hôm trong lớp học xuất hiện một giáo sư Việt Nam, thầy B. H., dạy tiếng Nhật vừa được ghi thêm vào chương trình trung học. Học trò bên ngoài ngoan ngoãn học ngoại ngữ mới, thật ra bên trong chẳng mấy người hăng hái sốt sắng vì mặc cảm hết tiếng Tây đến tiếng Nhật đang đè nặng. Tất nhiên đám học trò có phản ứng và sự việc xảy ra đã làm cả lớp thích thú:

Hôm đó thầy B.H. giảng cách dùng tiếng Nhật khi nói về “đàn ông” và “đàn bà,” đại khái nói về “đàn ông” thì dùng chữ “Watakusi,” về “đàn bà” thì dùng chữ “Watasi.” Một anh bạn đứng dậy giơ tay nói: Thưa thầy, như rứa là “đàn bà” thì không có “ku” phải không? Cả lớp được một dịp cười hả dạ. Tui không bao giờ quên được anh bạn đó, người đã dùng óc hài hước để hóa giải mặc cảm nói trên. Người học sinh có óc hài hước đó lại là một con người tài ba, sau này đã thành công trong đời, đã lên đến đỉnh cao trong binh nghiệp và khi không giữ được nước, đã noi gương trung liệt của Võ Tánh, Ngô Tùng Châu, Phan Thanh Giản, v.v… làm rạng danh một dòng họ lớn ở đất Thần Kinh: họ Nguyễn Khoa. (Trích trong Tiếng Sông Hương “Kỷ Niệm 100 Năm Trường Quốc Học”).

Anh Nam ơi! Rồi duyên nghiệp đưa tôi trở thành con rể trong gia đình bên ngoại Anh, và qua nhà tôi, tôi trở thành người em cô cậu của Anh. Tin Anh tình nguyện gia nhập binh chủng Nhảy Dù sau khi mãn khóa 3 Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức làm tôi kinh ngạc hết sức. Đúng ra, theo phong cách của Anh, Anh phải là một văn nhân, một nghệ sĩ. Nay Anh lại tự ý muốn trở thành quân nhân quả cảm của một binh chủng có tiếng oai hùng nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, điều này làm tôi mến phục Anh vô cùng!

Anh nhớ không, sau Tết Mậu Thân, tôi có dịp cùng một số sinh viên Đại Học Huế lên thăm tiền đồn của Dù bảo vệ Huế đóng trên núi ở phía Tây kinh thành. Lại một lần nữa Anh làm tôi bàng hoàng sửng sốt khi thấy nơi chốn Anh ăn nằm không có chút gì khác biệt giữa cương vị của một vị Đại Tá cao cấp với một anh binh Nhì thuộc cấp.

Trong thời gian Anh đảm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn 7 Bộ Binh, tôi được gặp Anh một lần ở Sài Gòn và hỏi về chuyện một Giáo Sư trường Đại Học Dược Khoa muốn theo Anh để nâng khăn sửa túi. Nhưng rồi Anh không nói có, Anh cũng chẳng nói không, mà chỉ cười cái cười ngậm kim như thuở nào!

Anh Nam ơi! Trong trại tỵ nạn ở Subic Bay, chúng tôi bàng hoàng sửng sốt khi nghe tin Anh đã tự sát để đền nợ nước và để tránh khỏi đầu hàng quân địch. Anh lại gây trong lòng chúng tôi một sự sót xa kính phục vô cùng tận không lời nào tả xiết.

Cuối cùng, nhờ được biết Anh thọ trì Thần chú Thủ Lăng Nghiêm từ lâu, nên nay chúng tôi mới rõ trong thời kỳ trước 1975, Anh đã thần thông thấy, biết trước mọi điều bất hạnh sẽ xảy ra cho đất nước, nhưng với trí tuệ giải thoát, Anh vẫn sống an nhiên tự tại, quan niệm sanh tử tức Niết Bàn, thảy thảy đều không. Nay tuy Anh đã đi vào cảnh chân như tịch tịnh, đời đời hậu thế sẽ không bao giờ quên đề cao gương trung liệt của Anh.

Thương kính nhớ Anh vô cùng

Nguyễn văn Hai & gia đình

Hai tay nâng mảnh khăn tang

Trăm năm thôi vĩnh biệt Chàng từ đây

Vì đâu đến nước non này

Lệnh kia sao lại trói tay anh hùng ?

Trước hờn bức tử non sông

Thiên thu đâu lẽ thẹn cùng cỏ cây

Mịt mù bốn phía trời mây

Tiếng gầm đại bác, tiếng cày xe tăng

Phút giây oan nghiệt bất bằng

Giận cơn hồng thủy cuốn phăng sơn hà

Âm thầm, Chàng bỏ lại ta……

Giữa trăm ngàn nỗi xót xa nghẹn ngào !

Kỳ đài, cờ rũ trên cao

Ngỡ ngàng nghe lệnh chiến hào bỏ không

Đau thương nhìn lại xác chồng

Chàng đi theo nước, em không trách Chàng !

Xé manh áo, quấn khăn tang

Lên đầu con trẻ, hai hàng lệ rơi

Xa nhau…..Vĩnh biệt nhau rồi……

Mà không nói được một lời từ ly !!!

Mắt thần chẳng khép làn mi

Một dòng máu đỏ, tứ chi lạnh dần

Ôm chồng, thân ngã vào thân

Tứ bề pháo giặc xa gần ầm vang

Hai tay nâng lá cờ vàng

Phủ lên cho ấm lòng Chàng, lòng ta !

Tên Chàng dù chẳng sử hoa

Nhưng hồn Chàng đã nhập hòa núi sông

Vô Danh Vạn thuở Anh Hùng!

(Trích thơ Ngô Minh Hằng)