“THE FOURTH OF JULY” VÀ GIẤC MƠ MỸ (Trần Trung Đạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Nhà bình luận nổi tiếng của chương trình News Hour, Roger Rosenblatt, tóm lược về nguồn gốc nước Mỹ: “Quốc gia được thành lập từ những giấc mơ, và cũng qua đó, đã hun đúc nên giấc mơ của cả một quốc gia”.
Vâng đúng thế. Ngoài trừ số nhỏ người bản xứ, đất nước Hoa Kỳ được xây dựng nên do bàn tay và khối óc của những kẻ bên ngoài. Họ đến đây từ trăm ngả đường khác nhau và hàng trăm vùng đất khác nhau.
Irving Berlin, được xem là một trong những nhạc sĩ lớn nhất của nền âm nhạc Mỹ và tác giả của nhạc phẩm bất hủ God Bless America được hát trong mọi ngày lễ, nhất là Lễ Độc Lập Hoa Kỳ (the Fourth of July) không phải là người sinh ra và lớn lên trên nước Mỹ.
Cậu bé có tên Mỹ là Irving Berlin sinh tại Nga vào năm 1888. Cậu theo cha mẹ đến định cư tại New York khi mới vừa lên 4 tuổi. Khi còn rất nhỏ, cậu Irving phải vừa làm nghề dọn chén bát trong một nhà hàng và vừa học sáng tác nhạc, một bộ môn mà cậu say mê. Sau khi nhạc phẩm đầu tay được xuất bản vào lúc 13 tuổi, tên tuổi của nhạc sĩ trẻ tài ba Irving Berlin đã trở thành đồng nghĩa với nền âm nhạc Hoa Kỳ thế kỷ 20 qua nhiều nhạc phẩm vượt thời gian.
Bà Madeleine Albright, cựu Bộ Trưởng Ngoại Giao và là người phụ nữ đầu tiên giữ chức vụ cao cấp nhất trong chính phủ Hoa Kỳ, vốn là người Tiệp Khắc. Cha mẹ bà đã phải vượt qua nhiều biên giới để trốn tránh chế độ Cộng Sản khi tiếng xích xe tăng Liên Xô nghiền nát đường phố thủ đô Prague vào năm 1948. Cuối cùng bà cùng gia đình đã vượt thoát được và định cư tại Hoa Kỳ khi Madeleine Albright vừa 11 tuổi. Bà theo học Luật, đỗ tiến sĩ và trở thành người phụ nữ đầu tiên giữ chức Ngoại Trưởng Hoa Kỳ.
Edward Bannister, họa sĩ nổi tiếng về phong cảnh của Mỹ là một người da đen. Cha của ông sinh ra tại Barbados, West Indies. Tác phẩm Under The Oaks của ông là một trong những thành tựu nghệ thuật lớn của nền hội họa Hoa Kỳ thế kỷ 19. Tác phẩm này đoạt giải nhất trong cuộc thi đánh dấu 100 năm hội họa tại Philadelphia Centennial Exposition. Khi khám phá ra Edward Bannister là người da đen, ban giám khảo có ý định thu hồi giải thưởng. Tuy nhiên, trước sự đấu tranh của những họa sĩ đồng nghiệp, nhất là của những họa sĩ da trắng đã từng cùng tranh giải với ông, Ban Giám Khảo đã hủy bỏ dự tính.
Những người di dân điển hình thuộc nhiều lãnh vực, màu da và chủng tộc khác nhau. Họ không từng quen biết nhau, không cùng một thế hệ, không cùng huyết thống và chẳng hẹn hò đính ước gì nhau.
Những người di dân đầu tiên không phải ai cũng giàu có, học hành, trí thức, trái lại phần đông họ rất nghèo nàn, ít học, đến đây từ hai bàn tay trắng. Tuy nhiên, dù từ đâu đến và trong hoàn cảnh nào, họ đã cùng góp bàn tay đưa nước Mỹ từ một vùng đất hoang vu thuộc địa của Anh thành một cường quốc tự do, dân chủ và thịnh vượng nhất thế giới ngày nay.
Câu chuyện thành công của nước Mỹ, đúng như Roger Rosenblatt viết, đã bắt đầu từ một giấc mơ chung: Giấc Mơ Mỹ hay American Dream như chúng ta thường nghe gọi bằng tiếng Anh.
American Dream được định nghĩa trong tự điển Wordsmyth như là “một lý tưởng của người Mỹ, nhờ đó, bất cứ người nào cũng có thể nhận được sự giàu có vật chất, bình đẳng, tự do, và các giá trị tương tự (the American ideal that any man or woman may obtain material wealth, equality, freedom, and the like)”.
American Dream đã giúp nhân dân Mỹ chiến thắng đạo quân tinh nhuệ của Anh Hoàng George III trong cuộc chiến tranh giành độc lập (1775-1783), đã giúp nhân dân Mỹ vượt qua những bất đồng kinh tế chính trị sâu sắc trong thời kỳ chiến tranh nội chiến (1860-1865), đã giúp đưa nước Mỹ trở nên quốc gia có lợi nhất sau cả hai cuộc chiến tranh thế giới.
American Dream là giấc mơ mà những người cha sáng lập của quốc gia Hoa Kỳ từng ôm ấp và theo đuổi: Tự Do, Dân Chủ và Cường Thịnh. Tổng Thống đầu tiên George Washington đã từng dặn dò: “Tôi mong được thấy Hoa Kỳ mãi mãi là đất nước của tự do và công lý”. Tượng đài kỷ niệm Tổng Thống George Washington được kiến trúc dựa theo tinh thần độc lập, tự chủ và vươn lên đó.
American Dream là giấc mơ bình đẳng mà Mục Sư Martin Luther King đã đọc trên thềm đài kỷ niệm Lincoln ngày 28 tháng 8 năm 1963: “Tôi mơ một ngày, trên đồi Georgia, con cháu của những người nô lệ cũ, và con cháu của những chủ nô cũ, ngồi lại với nhau chung một bàn trong tình huynh đệ…Tôi mơ một ngày, bốn người con của tôi sẽ được sống trong một đất nước, nơi đó, chúng sẽ không bị phán xét do màu da mà chính bằng tư cách riêng của chúng”.
American Dream, qua nhiều thời đại, từ những người trên chiếc tàu Mayflower cho đến hôm nay, đã được làm phong phú thêm để trở thành một bản sắc văn hóa, một truyền thống đặc biệt của quốc gia này.
Trần Trung Đạo