Tuổi thơ của tôi gắn liền với lam lũ và khổ cực. Rồi thầy đến.
Cứ bốn giờ sáng, tôi lục tục dậy, lò mò đi cất tép từ những cái ao vây quanh bãi tha ma gần nhà. Nơi đó, những nấm mộ nằm im giữa đám cỏ um tùm. Sự sợ hãi tràn ngập trong tôi. Mặt trời lên, tôi trở về nhà, vội vàng ăn sáng rồi buộc mấy bó rau muống vào sau chiếc xe đạp cọc cạch, tranh thủ bỏ mối trên đường đến trường..
Sau giờ học, tôi còng lưng cùng cha mẹ và hai anh trai trên thửa ruộng cằn cỗi. Giữa cuộc sống nhọc nhằn ấy, tôi khát khao thay đổi số phận của mình, nhưng luôn buồn bã nghĩ rằng đây chỉ là ước mơ. Đó là những năm tôi học cấp hai ở Bạc Liêu – một thị xã nhỏ nằm cuối vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Khi tôi gặp thầy, thầy đi lại rất khó khăn vì một chân bị teo cơ do
căn bệnh thời thơ ấu. Nghe nói thầy vừa học xong đại học ngoại ngữ ở Sài Gòn và quyết định đến thị xã miền Nam xa xôi này công tác. Thầy dạy các lớp đại học tại chức ở Bạc Liêu. Các buổi tối, thầy mở lớp dạy tiếng Anh miễn phí cho trẻ em nghèo.
Tiếng Anh ư? Đó là thứ ngôn ngữ xa xỉ mà chỉ có những người khá giả mới có điều kiện tiếp xúc ở các lớp học tư. Trường tôi học thời đó cũng không có giáo viên tiếng Anh, nhưng tôi biết ngôn ngữ ấy chính là chìa khóa mở cánh cửa ra thế giới. Và vì thế, tôi vội vàng đăng ký theo học lớp tiếng Anh miễn phí của thầy.
Thật kinh ngạc khi thầy luôn bắt đầu lớp học bằng những bài hát tiếng Anh vui nhộn. Thầy đàn guitar, chúng tôi say sưa hát. Những câu từ của ngôn ngữ xa lạ ấy cứ thấm dần, thấm dần vào tâm hồn thơ trẻ chúng tôi, tự nhiên như thể những hạt mưa sa xuống cánh đồng khô cằn nứt nẻ. Ngồi trong lớp học của thầy, tôi được ngập tràn trong ánh sáng của hạnh phúc và hy vọng.
Là một người Bắc di cư vào Nam, tôi đã quen với việc bị xa lánh, bị kỳ thị. Lớp học của thầy cho tôi cơ hội trò chuyện với những đứa trẻ miền Nam chân lấm tay bùn, hiểu về những gì chúng và gia đình đã phải trải qua, và lý do sâu xa tại sao người Bắc chúng tôi không được nhiều người miền Nam chào đón. Để rồi, như một lẽ tự nhiên, chúng tôi kết bạn.
Một lần, đến thăm thầy tại căn phòng nhỏ đi thuê, tôi và các bạn xót xa khi thấy thầy đang chuẩn bị bữa tối: một niêu cơm nhỏ, đĩa rau muống luộc và chén nước mắm. Thầy nghèo lắm, tại sao lại từ bỏ những cơ hội kiếm tiền bằng vốn ngoại ngữ rất giỏi của mình ở Sài Gòn để về nơi này, xứ Bạc Liêu “khỉ ho cò gáy” với lũ trẻ nghèo rớt mùng tơi?
Thế là chúng tôi về nhà nói chuyện với cha mẹ, mỗi đứa xin một ít tiền rồi đem đến lớp, cho vào một phong bì, lén bỏ vào cặp của thầy.
Buổi học hôm sau, thầy vào lớp, không nói, không cười. Mỗi giây trôi qua nặng nề như thể kim đồng hồ bị một tảng đá nào đó níu lại. Lặng im một đỗi, thầy bỗng tuyên bố giải tán lớp vì chúng tôi “đã trả tiền học cho thầy”. Khi chúng tôi đồng loạt òa khóc nức nở, thầy nói: “Các em có biết rằng thầy dạy cho các em cũng chỉ vì thầy biết các em rất nghèo nhưng ham học hay không?”. Rồi thầy lấy phong bì ra khỏi cặp,đưa cho chúng tôi và bảo rằng chỉ tiếp tục dạy khi chúng tôi nhận lại tất cả số tiền và hứa với thầy không bao giờ làm như vậy nữa.
Một buổi tối, thầy lặn lội đến nhà tôi và xin cha mẹ cho tôi theo học
lớp bồi dưỡng tiếng Anh đặc biệt dành cho một số học sinh có năng khiếu. Trước khi cha mẹ tôi kịp lo lắng vì học phí, thầy nói rằng chúng tôi không phải đóng bất kỳ khoản tiền nào. Điều duy nhất thầy mong muốn là gia đình tạo điều kiện để tôi có đủ thời gian học tiếng Anh, vì vốn dĩ môn học này không có trong chương trình ở trường.
Thế là tôi trở thành một trong những học sinh may mắn được sự kèm cặp của thầy. Không chỉ trang bị kiến thức, thầy còn đem lại cho chúng tôi niềm tin vào con người. Vào những năm cuối thập kỷ 80 đó, khi nhiều người lừa gạt nhau, đạp lên nhau để sống, có nhiều người bị giật hụi, bị phá sản, thầy là điểm tựa vững chắc cho chúng tôi. Thầy dạy chúng tôi nhân cách, lòng vị tha, tính giản dị, khiêm nhường và tinh thần tìm tòi, học hỏi.
Công lao ấy đã được đền đáp: nhiều học sinh đoạt giải môn tiếng Anh toàn quốc và có được công việc tốt nhờ vốn ngoại ngữ thầy truyền dạy. Một số nhận được học bổng danh giá như Fulbright. Còn tôi, vốn tiếng Anh mà thầy trang bị là nền tảng để tôi giành được một suất học bổng bậc đại học của chính phủ Australia năm 1993. Chính lớp học tiếng Anh ngày xưa ở thị xã Bạc Liêu nhỏ bé ấy đã khiến tôi nhận ra vẻ đẹp của ngôn ngữ này, để rồi tôi trở thành tác giả viết bằng tiếng Anh, song song với tiếng Việt.
Sau một tập thơ và một cuốn truyện thiếu nhi đã được xuất bản ở Mỹ, vào tháng 3 năm sau, tiểu thuyết của tôi về 50 năm
lịch sử Việt Nam qua cuộc đời của bốn thế hệ trong một gia đình người Việt sẽ được một nhà xuất bản uy tín phát hành ở Mỹ và Canada.
Người thầy trong câu chuyện trên là Trương Văn Ánh – người đã thổi bùng trong tôi ước mơ thay đổi số phận, giúp tôi hiểu giá trị của lòng nhân nghĩa. Qua bao năm, thầy vẫn lặng lẽ, miệt mài vun đắp cho những thế hệ học sinh ở mọi miền đất nước.
Hiện thầy Trương Văn Ánh đang giảng dạy tại Khoa Ngoại ngữ, Đại học Sài Gòn. Thầy có nhiều đóng góp quan trọng cho các nghiên cứu khoa học. Thầy cũng là tác giả của nhiều bộ sách dạy và học tiếng Anh được các nhà xuất bản uy tín in và phát hành rộng rãi. Nhà xuất bản Oxford
(Anh) cũng vừa mời thầy hợp tác để viết các bộ sách tiếng Anh cho người học ở Việt Nam.
Xin gửi lời tri ân đến người thầy năm xưa của tôi, đến tất cả các thầy cô giáo đã từng dìu dắt và tiếp lửa cho tâm hồn tôi, cũng như các thầy cô trên mọi miền đất nước.
Gần đây, những tiêu cực trong ngành giáo dục kiến tôi không khỏi phiền lòng, nhưng tôi tin vẫn có rất nhiều thầy cô tận tụy vì học sinh như thầy tôi. Tôi mong nhà quản lý mau chóng dẹp bỏ vấn nạn trong ngành để sự cao quý của nghề giáo không bị vẩn đục, mong xã hội hỗ trợ các thầy cô truyền cảm hứng và bồi dưỡng tâm hồn cho thế hệ mai sau.
Nguyễn Phan Quế Mai