THẮP NÉN HƯƠNG LÒNG TƯỞNG NHỚ …TRẦN VĂN BÁ . LÊ QUỐC QUÂN . HỒ THÁI BẠCH. (Hồn Thiêng Sông Núi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

THẮP NÉN HƯƠNG LÒNG TƯỞNG NHỚ

HỒN THIÊNG SÔNG NÚI

Trần Văn Bá

Lê Quốc Quân

Hồ Thái Bạch

Và anh em đồng đội

Vô danh

Vừa tuẫn tiết

“Việt Nam Muôn Năm”

Những tiếng hô sau chót

Dù máu tươi thuốc súng đã quánh khô

Ngực cháy bỏng lửa đạn

Vẫn còn âm vang

Át hẳn tiếng vỗ tay ngụy hòa phản bội 

Ước mơ của Anh em

Đẩy lùi tội ác

Soi thấu đêm đen

Đang phủ trùm thiên đường chết

Quê hương tù ngục lưu đày

Biết bao oán thù chờ cởi bỏ

Biết bao vết thương sâu chưa khâu vá

Ước mơ của Anh em

Nhổ bật rễ bất công

Vun bón mầm Nhân Ái

Tâm sự không còn dây leo sợ hãi

Cây Hòa bình thơm nức trái Tự do (…)

Nhắc lại, trong một đêm trước lễ Giáng Sinh năm 1984, hơn hai mươi bức thư Express đã được gởi đi từ nhà bưu điện chính của thành phố Genève. Địa chỉ những người nhận: Chủ tịch Quốc hội Âu Châu, Ngoại trưởng Thụy Sĩ và các chính phủ dân chủ (Anh, Pháp, Đức, Ý, Bắc Âu), giới truyền thông, các tổ chức Nhân Quyền Thụy Sĩ và quốc tế. Đầu Tháng Giêng 1985, nhiều văn thư phúc đáp báo tin những cuộc vận động chống án tử hình đã khởi sự hoặc sẽ tiến hành trong vài ngày sắp đến. Trong một công hàm gởi Chủ tịch Quốc hội Âu Châu, Thủ tướng Ý đương nhiệm Chủ tịch Cộng đồng Âu Châu cho biết, song song với hành động riêng của chính phủ Ý, ông đang tìm một phương thức can thiệp hữu hiệu và được sự hậu thuẫn của tất cả các nước trong Cộng đồng. Nhưng Cộng sản Hà Nội đã nhanh tay ám sát dã man ba người con yêu dấu của Miền Nam Việt Nam Tự Do. Ngày 8 Tháng Giêng 1985, Trần Văn Bá, Lê Quốc Quân và Hồ Thái Bạch đã đi vào Lịch sử Dân tộc, nối tiếp truyền thống những liệt sĩ Trần Bình Trọng, Nguyễn Trung Trực, Nguyễn Thái Học…

Nhắc lại, sau Tháng Tư Đen 1975, trong số tử tù chính trị, có hai ông Nguyễn-Văn-Hoàng và Trần-Quang-Mân cũng đã bị hành hình ngày 31 Tháng Năm 1983. Cộng sản  còn tuyên án tử hình các ông Phan-Văn-Khôi, Hoàng-Tùng, Mạc-Văn-Vấy, Nguyễn-Hữu-Cầu, Chuon-Bin-Tân, Nguyễn-Huân-Huỳnh, Chu-Văn-Tấn, Ngô-Văn-Trường, Thích-Trí-Siêu, Thích-Tuệ-Sỹ, Trần-Văn-Lương, v.v… Chỉ có các tử tù Ngô-Văn-Trường, Thích-Trí-Siêu, Thích-Tuệ-Sỹ và Trần-Văn-Lương là những người đã thoát được hình phạt bất nhân này nhờ cuộc vận động rộng lớn của công luận quốc tế, của các tổ chức bênh vực Nhân Quyền, Người Việt Nam tị nạn cộng sản, cùng sự can thiệp của nhiều chính phủ dân chủ, như Anh Quốc, Thụy Sĩ, Bắc Âu và Quốc Hội Âu châu. Không ai biết số phận của những nạn nhân khác.

Án tử hình, áp dụng cho rất nhiều tội phạm qui định trong hình luật cộng sản là một công cụ trấn áp cực kỳ dã man. Những bạo chúa lãnh tụ ngự trị dưới chân tượng Lénine ở Hà Nội không bao giờ ngần ngại sử dụng án tử hình để khủng bố mọi tổ chức đối lập chính trị, nhứt là những chiến sĩ Nhân Quyền, Tự Do và Dân Chủ.  Tưởng cũng cần nhắc lại bản tin của Pháp tấn xã AFP gởi đi từ Hà nội ngày 24 Tháng Mười Một 2004. Bản tin AFP cho biết nhà cầm quyền cộng sản tuyên bố rằng họ sẽ tiếp tục áp dụng án tử hình mặc dù có sự phản đối từ các tổ chức nhân quyền và một số chính phủ dân chủ Tây phương. Nhiều báo Thụy Sĩ đã loan tin đó. Đặc biệt, nhựt báo Tribune de Genève số ra ngày 26 tháng Mười Một 2004 đã đề tựa bài bình luận của ký giả Etienne Dumont như sau “Le Vietnam a besoin de sang”, dịch ra Việt ngữ “Nước Việt Nam cần đến máu”. Có thể viết rõ hơn: “Nhà cầm quyền Việt cộng cần đến máu của tử tù để củng cố chế độ độc tài và tham nhũng mà cả thế giới đều biết”. Theo Tổ chức Ân xá Quốc tế, năm 2018, về thành tích hành quyết tử tù, Cộng sản Hà Nội chiếm hạng thứ 3 trên thế giới (85 người bị xử tử) sau Iran (253), Arabie Saoudite (149) và trước Iraq (52). Số liệu về án tử hình và hành quyết tử tù là “bí mật nhà nước” dưới bạo quyền CHXHCNVN. Cũng như Trung cộng tiếp tục bí mật thực hiện “hàng ngàn” vụ hành quyết tử tù. Hình phạt tử hình là một mối đe dọa rất nghiêm trọng đối với Nhân Quyền và Dân Quyền tại Việt Nam và là một yếu tố đe dọa khủng khiếp. Bởi vì đó là hình thức kiểm duyệt cuối cùng và man rợ.

Ngày 8 Tháng Giêng năm nay, chúng tôi thắp nén hương lòng tưởng nhớ ba liệt sĩ Trần-Văn-Bá, Lê-Quốc-Quân và Hồ-Thái-Bạch. Và chúng tôi không quên sự hy sinh cao cả của tất cả những người yêu nước, thương đồng bào, hiến thân cho lý tưởng dân tộc, tự do, dân chủ, nhân ái và bao dung, được biết tên hay còn vô danh.

Chúng tôi xin đọc lại một bài thơ của Nguyên Hoàng Bảo Việt viết từ 37 năm trước :

HỒN THIÊNG SÔNG NÚI

nhớ Trần Văn Bá

Núi mãi trầm tư ngó xuống đồng

Bạn về thành phố bên kia sông

Trao giùm lá thư mình chép vội

Nội ngoại bà con đỡ nhớ mong

Giữa trái tim ương hạt ước mơ

Bông lúa chen bông lau dựng cờ

Ngày lên đường hẹn ngày sẽ đến

Nước Việt của người Việt tự do

Niềm tin nào đem so gang thép

Đường xa dấn bước chí không sờn

Giặc dâng Tổ quốc cho Sô viết

Ta giữ nguyên tình nghĩa sắt son

Khói trắng vườn cau ai đốt lá

Bâng khuâng hương lửa tối gia đình

Thao thức người đi tìm lịch sử

Sao trên rừng vì sao long lanh

Kín đáo bờ tre nhìn tríu mến

Giọng nói như che giấu ngậm ngùi

Qua mấy nhịp cầu vùng tạm chiếm

Gần nhau mà tưởng quá xa xôi

Thương cảm hai triệu người bỏ nước

Vượt bình yên hay chết hãi hùng

Ở lại sống cuộc đời súc vật

Khổ sai tập thể tù tập trung

Sáng tháng giêng gió lùa buốt lạnh

Tin cầm tay nửa muốn hồ nghi

Ác mộng thấy sơn ca gãy cánh

Không gian dầy đặc khối mây chì

Giặc say tra tấn – quân cuồng tín

Trói siết anh em sát bức tường

Đứng trước mũi súng vẫn điềm tỉnh

Thiên đường đỏ đâu bằng quê hương

Mùa tang núi cũng tan thành lệ

Sông quặn đau lòng Mẹ Việt Nam

Bay từ Yên Bái về Yên Thế

Sài Gòn nghe tiếng Chim gọi Đàn.

       Nguyên Hoàng Bảo Việt (1985)

 

Genève ngày 8 Tháng Giêng năm 2022

Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ

Ligue Vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse

Vietnamese League for Human Rights in Switzerland