Cầm sự vụ lệnh của Tiểu doàn 86 về trình diện BCH/LĐ8 để nhận nhiêm vụ Trưởng ban 2 vào những ngày cuối tháng 4 này thật chẳng hứng thú chút nào. Một nhiệm vụ không mấy thích hợp với cái ám số chuyên nghiệp bóp cò của tôi. Nói như thế không phải là tôi không biết gì về tình báo, tuy nhiên có một đơn vị trong tay để mặc sức đánh đấm vẫn thú hơn nhất là vào lúc dầu sôi lửa bỏng này.
Từ sau mùa hè đỏ lửa, bằng những đòn phép chính trị và cắt giảm viện trợ quân sự để ép chính phủ Việt Nam Cộng Hòa phải ký kết Hiệp Định Paris, người lính VNCH đã phải chiến đấu trong đơn độc, thiếu thốn. Làm sao chúng ta có thể chống đỡ lại hàng mấy chục sư đoàn với nguồn viện trợ có thể nói là hầu như vô tận của cả khối Cộng Sản để hòng cưỡng chiếm Miền Nam biến cả nước thành chư hầu của Nga và Tàu cộng.
Trời cuối tháng tư nắng cũng chưa gay gắt lắm, nhưng cơn sốt chính trị và tình hình sôi động của chiến trường làm cho không khí ngột ngạt khó thở. Từ sau cuộc di tản của Quân Đoàn I, cuộc triệt thoái Cao nguyên của Quân Đoàn II,rồi phòng tuyến Phan Rang thất thủ, sau cùng là hai trái bom CBU thả xuống mặt trận Xuân Lộc cũng chỉ làm chúng khựng bước tiến quân trong một ít ngày.
Mấy ngày nay người ta đã nói đến chuyện có nhiều chuyến bay,chuyến tàu chở gia đình sĩ quan Bộ Tổng Tham Mưu và Không Quân ra Phú Quốc. Mấy hôm trước chị San và chị Thiệu lên thăm các anh đã đề cập đến chuyện nhiều người đã bỏ đi Mỹ. Lúc đó anh San đã cứng rắn trả lời: ”Tại sao lại phải bỏ đi? Nếu VC vào đây thì bọn này sẵn sàng đi vác đường rầy xe lửa”. Ừ tại sao lai phải bỏ đi nhỉ, cùng lắm thì mươi mười lăm năm tù. Cũng nhờ suy nghĩ như vậy mà tôi đã không bị sốc khi chúng tuyên bố chỉ đi 10 ngày mà tôi đã gỡ gần 8 cuốn.
Ngày 26/4/75, tôi tạt về thăm gia đình ở Biên Hòa. Cả thành phố đang giao động. Dân chúng đổ đầy ra đường để tìm cách chạy về Sài Gòn. Các ngả đường đều bị Quân Cảnh phong tỏa. Mẹ tôi bảo tôi
– Mày nên ở lại nhà. Tình hình Mẹ thấy nguy hiểm lắm. Vơ mày một nách hai đứa con nhỏ làm sao nó lo nổi.
Nghe mẹ tôi nói vậy, tôi trấn an gia đình
– Thầy Mẹ và gia đình không nên đi đâu hết. Trữ lấy ít đồ ăn và ở nhà. Chạy về Sài Gòn cũng thế thôi. Nhiều khi tên bay đạn lạc giữa đường cũng chẳng biết chừng. Còn con thì phải trở về đơn vị.
Vâng! Nhất định tôi phải về đơn vị. Tôi đã tình nguyện đi lính trong khi tôi vẫn có thể ngồi ở ghế nhà trường thêm vài năm nữa. Mười ba thằng khóa 4/68 chúng tôi đã “ liếm lông cọp” chứ không phải “ bị cọp liếm”. tôi yêu đời lính, yêu binh chủng, yêu bạn bè chiến hữu, và hơn tất cả là tôi yêu mảnh đất này. Nếu tôi ở lại nhà thì sau này còn mặt mũi gì nhìn lại anh em. Hai tuần trước đây khi ghé thăm Tr/u Nghị (Nghị làm đại đội phó cho tôi lúc tôi ở 52) ở bệnh viện tiểu khu Bình Dương. Nó tự bắn vào tay để được cùng tải thương với em nó là Th/u Công tử trận tại Chơn Thành về. Tôi đã nhẹ nhàng trách nó sao nỡ rời đơn vị trong lúc này. Nó nói với tôi “ Minh Hiếu yên tâm, ngày mai sau khi chôn thằng Công tại Nghĩa Trang Quân Đội xong tôi sẽ về thẳng đơn vị”. Rồi nó giơ cái bàn tay còn đang rỉ máu nói tiếp: “ còn cái này thì nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ”. Nó đã cùng đơn vị ra Phan Rang để rồi bị bắt tại đó.
Tôi về đến đơn vị lòng thật thanh thản. Tôi đã vượt qua được cái tầm thường dù rằng cũng chẳng làm được điều gì phi thường.
Đêm 29/4, địch tấn công toàn bộ các đơn vị của Liên Đoàn. BCH/LĐ bị pháo suốt đêm khiến hầm chỉ huy bị sập một góc. Cái tháp canh cao hơn 10 mét bị gẫy gục. Một Ch/u và hơn 10 binh sĩ của ĐĐ8 trinh sát hy sinh. Bọn VC bám vào khu nhà dân ở chợ Bà Hom, cũng như những lùm tre bên kia xa lộ Đại Hàn bắn B40, B41 và 57 như mưa khiến pháo binh trong căn cứ tác xạ yểm trợ cho các đơn vị bên ngoài thật khó khăn. Tiểu doàn 87 do Thiếu tá Mạnh làm tiểu đoàn trưởng, sau một ngày một đêm cầm cự trong khu Lý Văn Mạnh, đã phải triêt thoái sáng sớm ngày 30. Tiểu đoàn 84 của Thiếu tá Nam bị địch tấn công từ lúc nửa đêm bằng chiến xa và bộ binh, đến gần sáng thì bị tràn ngập. Trung Úy Nguyễn Văn Quan trưởng ban 3 tử trận. Quan khóa 2/68 trên tôi hai khóa. Chúng tôi tình cờ gặp nhau trong nhiều khóa học, từ khóa 40 RNSL đến khóa 3/70 tiền sát viên pháo binh, gấn đây nhất là khóa 3/74 Bộ Binh Trung Cấp mà Quan thường gọi đùa là “ Bắn Bỏ Thượng Cấp”
Riêng Th/tá Nam lời sau cùng anh nói trước khi triệt thoái khỏi đồn Vĩnh Lộc “ tao sẽ cố đến gặp mày” tức là anh sẽ triệt thoái về với BCH/LĐ. Nhưng rồi chỉ hơn mười phút sau một tên “đồng chí Nam bộ” nhẩy vào tần số liên lạc hét lớn thật sắt máu
-Tao bắt thằng Nam rồi, tụi mày đầu hàng đi thì sống. Như điên lên, tôi chụp ống liên hợp mở ngay một cuộc đấu võ mồm
– Mày có ngon thì ra khỏi số nhà tao đi để tao điều động mấy đứa em rồi đánh tiếp.
– Tao là Phong quận 10 đây, mày ra bao nhiêu tao bắt bấy nhiêu
– Tao đếch cần biết mày là Phong quận 10 hay 11, mày ngồi thở đi rồi đánh xả láng sáng về sớm.
Tôi cố liên lạc với Th/t Nam nhưng không được. Anh đã bị chúng bắt. Sau này chúng tôi cùng gặp nhau ở Tân Lập Vĩnh Phú.
Một phi tuấn Skyraider được gởi lên vùng nhưng một chiếc đã bị bắn rớt phía cầu Bình Điền. Riêng chiếc AC119 yểm trơ cho chúng tôi trên đường về bị trúng SA7 bốc cháy trên không. Sau này khi đi tù tôi được biết người phi công dũng cảm ấy là Tr/u Thành tức Thành Kampuchia. Xin được một lần tạ ơn anh. Anh đã không bay sang Thái Lan như một vài người đã làm mà ở lại với chúng tôi. Thân xác anh đã hòa lẫn vào không gian trong giờ phút hấp hối của Miền Nam.
Khoảng 10 giờ sáng, chúng tôi hoàn toàn mất liên lạc với Biệt Khu Thủ Đô, cũng như với BTL/SĐ106 BĐQ. Trung tá Chung Thanh Tòng mới về đảm nhiệm chức vụ liên đoàn trưởng mới có mấy ngày hỏi tôi
– Từ sáng đến giờ, đại úy có mở radio nghe xem có tin tức gì không?
– Thưa trung tá, không. Từ đêm đến giờ quá căng thẳng nên đâu có nghĩ đến chuyện đó. Thằng 84 đã mất liên lạc hoàn toàn, hai đứa con nằm ngoài trong khu Chợ Đệm của thằng 86 cũng mất liên lạc. Trung tá có ý định thế nào?
Trầm ngâm giây lát ông quay sang Trung tá Trịnh Thanh Xuân liên đoàn phó nói như dò hỏi
– Mình mất liên lạc với mọi nơi. Theo tôi mình nên bỏ nơi này rút về phòng thủ khu Tân Phú. Ýông thế nào?
Trung tá Xuân trả lời vẻ tự tin
– Cách đây hơn nủa tháng, chúng tôi đã nghiên cứu địa hình khu vực này và được cha Đinh Xuân Hải dẫn đến các cao ốc chung quanh. Nơi đây có thể tạm cầm chân bọn chúng được, nhưng phải yêu cầu dân chúng ra khỏi vùng. Quyết định đến thật nhanh vì không còn chon lựa nào khác, Tr/t Tòng nói với Tr/t Xuân
– Anh ra với thằng 87. Tôi sẽ đi với thằng 86. Đại úy Hiếu đi yêu cầu các pháo đội pháo binh trưc xạ tối đa vào khu chợ Bà Hom, cũng như các lùm tre bên kia xa lộ Đại Hàn trong vòng 10 phút, rồi phá hủy súng. Anh cũng xuống báo cho thằng 86 chuẩn bi mở đường máu ra.
Tôi chạy vội xuống các pháo đội pháo binh truyền lệnh. Hai pháo đội 105 và một pháo đội 155 bắn như mưa. Địch cũng bắn trả bằng các loại B40, B41. Súng nhỏ cũng bắn như vãi đạn vào căn cứ. Tôi lao vội vào hầm chỉ huy của Tiểu đoàn 86 gặp T/tá Trấn Tiễn San tiểu đoàn trưởng và T/tá Đoàn Đình Thiệu tiểu đoàn phó. Sau khi truyền đạt lệnh, tôi thấy T/tá Thiệu ghé miệng vào cổ áo định lột cặp lon bằng vải và nói
– ĐM, nếu moa chết thì không có gì để mà phải sợ. Nhưng nếu bị bắt moa không muốn nó biết cấp bậc rồi điều tra hành hạ mình.
Ngay lúc đó anh San lên tiếng và cản lại
– Moa thì nghĩ chết cũng thiếu tá mà nếu bị bắt thì cũng thiếu tá sợ đếch gì.
Giá lúc bình thường thì tôi cũng tán láo vài câu cho vui. Nhưng trong tình hình này tôi chỉ chào và nói “ chúc may mắn” rồi chạy nhanh về trung tâm hành quân. Tiểu đoàn 87 bắt đầu phóng nhanh qua bên kia xa lộ. Súng nổ thật dữ dội, nhưng chỉ ít phút sau thì lại một tên “Nam Bộ” hét vào trong máy
– Tao trói thằng Xuân, thằng Mạnh vào gốc tre rối. Tụi mày đầu hàng đi thì sống.
Trung tá Tòng đưa mắt nhìn tôi rồi ra lệnh cho tiểu đoàn 86 và ĐĐ8TS cùng xông ra. BCH/LĐ và anh em pháo binh bám sát theo hy vọng phá được một lỗ hổng để thoát đi. Nhưng vừa băng qua đường được gần 100 mét thì BCH TĐ86 bị thiệt hại nặng. T/tá Thiệu tử trận. T/tá San bị thương. Đại úy Viễn trưởng ban 3 mới 24 tuổi, hai lấn đặc cách tại Tống lê Chân đang đột phá vòng vây. ĐĐ 8TS cũng cùng nhất loạt lao thẳng vào vị trí địch. Tôi theo chân Tr/úy Khánh đại đội trưởng (Không nhớ có đúng tên không). Cây M16 trên tay rung lên từng chập. May mắn thay, một số anh em đã đạp qua đầu chúng thoát đi được, nhưng Khanh và gần nửa đại đội đã không qua được chẳng rõ số phận ra sao. Viễn cùng vài chuc anh em cũng thoát đi được nhưng nó bị trúng đạn gẫy tay. Tôi phóng sang kéo nó chạy, nhưng nó đòi ở lại để tự sát. Tôi phải giựt cây súng quăng đi và nói:
– Mày phải sống để còn lo cho tiểu đoàn chứ. Việc gì phải làm như vậy.
Tôi lôi nó chạy ngang một bãi dưa gang, bứt vội một quả đưa lên miệng nhai ngấu nghiến trong cơn khát cháy cổ vi ngọt của nó làm tôi tăng sức vùng lên để sống còn. Đưa phần còn lại cho Viễn, tôi vừa lôi nó lại phải vừa bắn ngược lai phía sau, vì bọn VC đang rượt nà theo. Cây M16 đã theo tôi suốt cuộc đời lính, nó đã cứu tôi nhiều bàn thua trông thấy. từ ngày hành quân vượt biên sang lảnh thổ Kampuchia cho đến 3 tháng tử thủ An Lộc,giờ đây nó đang giúp tôi tự tin hơn trong cuộc chiến mà ranh giới của sự sống và cái chết chỉ trong gang tấc này. Vài chiếc chiến xa trên xa lộ đã lao xuống ruông để tham gia cuộc truy kích. cây 12 ly 8 nổ nghe nhức nhối phía sau và đạn rít qua đầu cũng như cày trước mặt.
Cái cánh đồng trống dài hơn một cây số này sao mà dài thế. chúng tôi như những lực sĩ chạy băng đồng, chay Marathon với cái chết. sau này khi xem phim “The Black Hawk down”, tôi như sống lại cái ngày hôm đấy. Những chàng Ranger Mỹ cũng chạy như chúng tôi, nhưng họ may mắn còn có chỗ để về còn chúng tôi thì không. Vào gần đến bìa làng thì gặp dược hơn 50 anh em thuộc TĐ 87 trong đó có Đại úy Thắng tiểu đoàn phó và Đại úy Phước trưởng ban 3. Chúng tôi tiếp tục chạy sâu vào phía trong, nhưng khi đến con lộ đất đỏ trước mặt thì chúng tôi khựng lại. Quân Bắc Việt dàn đầy phía bên kia đường. Họ yêu cầu chúng tôi buông sung. Ngay lúc đó một chiếc xe jeep mang dấu hiệu của TĐ 87BĐQ chạy đến, trên xe treo cờ “giải phóng”. Khoảng sáu người trên xe mang băng đỏ tay cầm AK trong số này có một phụ nữ. Tôi đến gặp họ và yêu cầu cho chúng tôi về trường đua Phú Thọ rồi chúng tôi sẽ buông súng. Để tỏ thiện chí, chúng tôi sẽ tháo băng đạn và đeo súng vào vai. Tên ngồi ghế trưởng xa bước xuống trao đổi gì đó với mấy tên chỉ huy của tụi bộ đội. Sau đó họ đồng ý và ra dấu cho chúng tôi đi theo sau chiếc xe.
Chúng tôi khoảng ngót 150 anh em đi hai hàng dọc giữa đường. Đi kè Hai bên đường khoảng ba bốn chục tên VC sung chĩa vào chúng tôi. Di chuyển được chừng vài chục thước thì bỗng Trung Tá Tòng xuất hiện và nhập vào đoàn quân. Mừng quá tôi sáp lại phía ông báo cáo tình hình và ý định của chúng tôi. Ông gật đầu khẽ nói; “ các toa cứ làm như vậy”. Chúng tôi đến trường đua Phú Thọ vào khoảng 2 giờ chiều, chỉ thấy xe cộ súng ống ngổn ngang. Một đám cách mạng 30. Đa số là con nít mười lăm mười sáu tuổi đang lấy súng bắn tứ tung. Thấy chẳng còn ai hết, Tr/tá Tòng bảo tôi ra yêu cầu họ cho về BCH ở đường Tô Hiến Thành. Bọn chúng đồng ý. Chúng tôi lại lầm lũi đi lòng buồn rã rượi chẳng ai nói với ai điều gì. Khi đến gần BCH thì có một người đi xe Honda chạy ngang nói nhỏ “họ bắt Tướng Giai rồi”. Nghe như vậy nên chúng tôi tạt vào một doanh trại sát canh BCH, buông vũ khí tại đây. Chúng tôi ngâm ngùi ôm nhau khóc. Một vài an hem níu áo tôi mếu máo
– Đại úy đi đâu cho tụi em theo với.
Trời ơi tôi biết đi đâu bây giờ,tôi nghẹn ngào nước mắt cứ tuôn trào
– Mình thua rồi. Cám ơn anh em đã cùng chúng tôi chiến đấu đến giờ phút này. Anh em hãy về tìm thân nhân đi. Tôi cũng vậy. Đừng sợ. Họ không giết chúng ta đâu. Anh em về đi.
Thời gian như đọng lại chẳng ai muốn bước đi bước trước, phấn thì vừa lo sợ, phần thì vừa quyến luyến anh em đồng đội. Bọn Việt cộng thấy chúng tôi đã chất vũ khí thành một đống và cũng chẳng có hành động gì nên chúng cũng chẳng quan tâm đề phòng nữa. Tìm được hai chiếc GMC còn chạy được,chúng tôi đành phải đi bước trước kêu gọi anh em ai về ngã bảy thì lên xe với Tr/Tá Tòng và Đại úy Viễn. Còn Đ/u Thắng, Đ/u Phước và tôi cùng một số anh em lên chiếc xe còn lại về Ngã Tư Bảy Hiền. Nhiều anh em khác tản mác sang các khu nhà dân chung quanh xin quần áo thay rồi tìm đường về quê. Xe qua khỏi ngã ba Ông Tạ thì hết xăng. Anh em tự động tan hàng. Còn 3 chúng tôi tiếp tục đi bộ về Bảy Hiền để về nhà người anh của Thắng. Khi ngang bệnh viện Vì Dân bọn VC nằm dài dọc theo đường Một tên có vẻ là cấp chỉ huy vai đeo sà cột, khẩu K54 bên hông và chiếc radio transitor lủng lẳng trước ngực chặn chúng tôi lại
– Giờ này mà các anh còn mang lon đại úy ngụy Các anh có biết các anh thua rồi không? Thằng tổng thống Minh của các anh đã đầu hàng các anh không biết à!
Phần thì đang buồn nẫu ruột, phần thì cũng chẳng biết tin tức gì , tôi nổi quạu trả lời hắn chẳng chút e dè sợ hãi
– Hòa hợp hòa giải, chứ chúng tôi có thua các anh đâu.
Nói xong chúng tôi tiếp tục đi và cũng chẳng thấy hắn có hành động gì. Khi ngang qua cổng một giáo xứ thì ông anh của Thắng đang đứng ở đầu hẻm ông dục chúng tôi đi nhanh và nói
– Giêsu Ma, các chú không sợ chúng nó giết hay sao mà còn ăn mặc thế này. Vào đến nhà ông mở tủ đưa cho chúng tôi mỗi đứa một bộ quần áo dân sự. Thay quần áo xong tôi nhét cây Colt vào bụng. Hơn sáu năm từ khi rời ghế nhà trường, đây là lần thứ hai tôi mặc lại đồ dân sự. Có một cái gì nghèn nghẹn ở trong cổ. Lồng ngực tôi căng cứng như muốn vỡ tung ra. Tôi thấy tôi không còn là tôi của mấy phút trước đó. Nước mắt tôi lại chảy dài. Ba đứa tôi chào cả nhà rồi lại đi ra đường. Thắng đề nghị ra Vũng Tàu tìm tàu để đi. Ý tưởng cùng đi với chúng nó chợt đến nhưng rồi tôi lại đổi ý
– Thôi hai đứa mày đi đi. Tao phải về tìm vợ con và gia đình. Chúc tụi mày may mắn.
Không để bịn rịn, tôi bắt tay Thắng và Phước rồi hướng về phía Lăng Cha Cả. Việc đầu tiên là phải về nhà bác tôi ở Phú Nhuận để hỏi tin tức gia đình và nghỉ qua đêm. Trời lại mưa lất phất như thương cảm cho thân phận tủi nhục của người lính bại trận đánh mất quê hương. Tôi đi ngang qua cổng Bộ Tổng Tham Mưu mà nước mắt nhạt nhòa. Lá cờ VÀNG nghạo nghễ sáng nay còn phất phới tung bay mà bây giờ đã bị thay bằng chiếc cờ đỏ và cờ xanh đỏ. Từng đoàn xe molotova chở đầy quân Bắc Việt đậu thành hàng dài. Đám cách mạng 30 đeo băng đỏ mang M16 chạy xe Honda xuôi ngược giả đò giữ an ninh nhưng thực sự là rình rập săn lùng để hôi của. Đến ngang nhà thờ Phú Nhuận thì mưa hơi nặng hạt hơn. Câu thơ của Trần Dần bỗng chợt hiện về
Tôi đi không thấy phố không thấy nhà
Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ
Ngủ ở Phú Nhuận qua đêm và được bác tôi cho biết toàn gia đình tôi vì sợ Biên Hòa sẽ bị bỏ bom như ở Xuân Lộc nên đã đi bộ về Sài Gòn, hiện đang ở nhà bà ngoại tôi ở Xóm Mới. Sáng hôm sau 1/5, trên đường đi bộ từ Phú Nhuận về Xóm Mới khi ngang Tổng Y Viện Cộng Hòa, tôi đã chứng kiến cảnh hàng ngàn anh em thương binh bị đuổi khỏi bệnh viện khi vết thương còn đang chảy máu, may nhờ có đồng bào phía bên kia đường đa số lại là “chị em ta” đã cõng dìu khiêng anh em về nhà cho trú ngụ tạm. Tôi cũng tham gia công việc này cho đến gần trưa.
Về đến Xóm Mới thì đã hơn 2 giờ. Trong khi đó thì cậu tôi và vợ tôi còn đang lật từng xác chết ở quanh khu Bà Hom và đồn Thái Văn Minh đến gần chiều tối mới về, gặp nhau mừng mừng tủi tủi. Ngày hôm sau gia đình tôi kéo nhau về lại Biên Hòa. Tôi đã khóc nhiều ngày sau đó, khóc cho vận mệnh tang thương của đất nước, khóc cho đám thằng Công, Vạn, Đạt, và nhiều anh em khác đã tử thương hoặc tự sát tại Chơn Thành, cho anh Thiệu, thằng Quan, thằng Khánh ở LĐ8 đã hy sinh vào giờ thứ 25. Cả một đất nước đang từ màu Vàng rực rỡ đổi sang màu đỏ của bạo lực. Màu xám của tối tăm, những tà áo dài thướt tha đài các nay được thay thế bằng những bộ quần áo bằng vải thô nhám nhúa. Mọi người phải tự làm cho mình xấu đi, cho có được cái nét răng đen mã tấu của những kẻ tự nhận mình là cách mạng. Để chứng tỏ cho bọn chúng thấy rằng mình đã “giác ngộ cách mạng” để chúng không làm khó dễ và đẩy đi vùng kinh tế mới. Mẹ tôi đã phải bán hết đồ tế nhuyễn của riêng tây mua lấy mấy sào đất để trồng sắn.
Cuối tháng năm trên đường xuống miền Tây, tôi bị chúng bắt tại Cai Lậy rồi đưa vào trại vườn đào Mỹ Phước Tây. Trải qua 58 ngày đêm trong vùng Đồng Tháp, ngày thì đi đào kênh ngâm mình dưới nước cho đỉa bám, tối về xỏ chân vào chiếc cùm chữ U nằm nghe tiếng muỗi kêu, đầu óc tôi lúc đó cũng còn quá non nớt về con người cộng sản. Tôi vẫn nghĩ rằng DÙ NÓ CÓ LÀ CỘNG SẢN THÌ NÓ CŨNG LÀ NGƯỜI VIỆT NAM. Chả thế mà lúc vừa chuyển xuống Cao Lãnh một tên cán bộ hỏi tôi tại sao không chạy đi nước ngoài,tôi đã khẳng khái trả lời “Tôi là người Việt nam,đã được sinh ra và lờn lên trong cuộc chiến này, và may mắn sống sót để nhìn cuộc chiến tàn lụi, tôi ở lại để nhìn xem những người cộng sản các ông làm được gì cho đất nước này”.
Nhưng chỉ mấy tháng sau, những biến đổi tang thương của đất nước,của đồng bào và của chính gia đình tôi đã cho mọi người cũng như tôi thấy rõ thế nào là con người cộng sản. Gia đình tôi đã không thể trông vào mấy trăm ký sắn để sống. Mẹ tôi đã có một quyết định vô cùng sáng suốt là vứt bỏ cái miếng đất thổ tả ấy đi để cùng các em tôi đi buôn bán chui, buôn bán dắt trong cạp quần hay dấu dưới đũng quần. Từ cái nền buôn bán này mới đẻ ra cái nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa bây giờ.
Khi ngồi dưới cái hầm tàu thủy ra Bắc, ngồi bó gối dựa vào nhau bên cạnh cái thùng tôn được dùng làm cầu tiêu dã chiến cho 150 người, Thạch Thon, thằng bạn đại đội trưởng đại đội trinh sát của Liên đoàn 33 Biên Dũng năm nào chuyền cho tôi bình thuốc lào bằng nhựa và nói
– Hút đi mày Hiếu. Đời mình còn gì nữa đâu mà bỏ.
Nghe cũng thấm, tôi đón cái bình thuốc lào to bằng cái gói thuốc lá, nhồi một viên “Cái Sắn say” vào rồi châm lủa rít một hơi dài. Trong cơn say lâng lâng tôi ghé vào tai nó thì thầm
– CHO DÙ NÓ CÓ LÀ NGƯỜI VIỆT NAM, THÌ NÓ VẨN LÀ THẰNG CỘNG SẢN PHẢI KHÔNG MÀY
Vâng! Lằn ranh Quốc cộng chỉ thực sự xóa bỏ khi không còn một tên cộng sản, không còn cái chủ thuyết ngoại lai đang hành hạ dân tộc hiền hòa này, cũng như không còn cái thây ma thối rữa nằm ếm quẻ ở vườn hoa Ba Đình khiến cho cả nước không ngóc đầu lên nổi.
Hôm nay đúng ngày 30 tháng 4, đánh dấu 32 năm mất nước. Nhìn ra ngoài sân lá cờ Vàng đang tung bay trong gió, tôi miên man nghĩ rồi sẽ có một ngày, vâng chắc chắn rồi sẽ có một ngày
Ta về phố thị nở hoa
Cờ Vàng rực rỡ, ngỡ là chiêm ba
Mùa Quốc Hận thứ 32
Mũ Nâu Đoàn Trọng Hiếu