THẰNG LÂM (Peter Chánh Trần # Lúa Mười)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Trong chuyện tào lao “Thằng Gông Sơn”, tôi có nhắc qua Thằng Lâm theo VC. Có một “độc giả trung thành”, bài nào của tui cũng đọc, và ấn like rất sớm, viết comment hỏi tui: “Chú có “sự tích” gì về Thằng Lâm không, viết cho cháu đọc với.”
Ừ! Viết thì viết. Chỉ là chuyện tào lao đọc chơi cho vui thôi mà, cần chi phải là chuyện cứu nước cứu non mới viết đươc? Có người nước Vệ kia, vừa đi đường, vừa đứng đái, vừa kể chuyện tào lao, vậy mà cũng được in thành sách, bắt người ta học tập, còn được đề nghị trở thành danh nhân thế giới đó! Tui viết mà không hấp dẫn hơn lão ấy, tui bẻ bút, gác kiếm qui ẩn! “Tui người miền Nam, nói rặt tiếng miền Nam. Tui không có gạt bà con đâu!” Xạo chết liền!
Rồi, ai thích chuyện tào lao thì đem ly cà phê “cái nồi ngồi trên cái cốc” ra đi. Vừa nhâm nhi vừa đọc chơi. Chán cứ nghỉ. Tui viết mệt cũng nghỉ.
Thằng Lâm nhà ở ngang cửa nhà tui. Không, xéo cửa mới đúng, vì nhà thờ Ông Dèo ngang cửa nhà tui, còn nhà nó thì bên hông nhà thờ. Không, nhà của ông bà nội nó thì đúng hơn, vì mẹ con nó đang ở nhà ông bà nội nó. Nó kêu tui bằng chú Mười. Nó chơi rất thân với thằng em út của tui vì cùng trang lứa. Anh em tui và đám con nít trong xóm, chiều nào cũng tập trung trước sân nhà thờ, để chơi trò u hấp, hay chia phe làm lính đánh giặc, và thằng Lâm luôn luôn cùng phe với anh em tui. Thân lắm.
Thật ra, chúng tôi chẳng bà con ruột thịt gì. Cha nó là con đỡ đầu của cha tôi, nên anh ta gọi cha má tui là bõ và vú. Trong đạo, khi đem con đi nhà thờ rửa tội để chính thức thành người Công giáo, người ta chọn vú bõ đỡ đầu cho con mình. Vú bõ (God parents) có thể hiểu như cha mẹ nuôi, cha mẹ tinh thần, người có trách nhiệm cầu nguyện, làm gương cho đứa trẻ mình nhận đỡ đầu, và đứa nhỏ cũng tôn trọng vú bõ gần như cha mẹ mình vậy. Tết nhứt sau khi mừng tuổi ông bà, cha mẹ, cô dì chú bác,… thì người kế tiếp phải đi mừng tuổi là vú bõ đỡ đầu của mình. Chắc ăn như bắp là có bao lì xì nặng ký! Cho nên thằng Lâm tự động gọi cha má tôi là ông bà nội, và tui cũng tự động trở thành chú Mười của nó. Nó kêu tui bằng chú Mười, xưng con ngọt sớt, dù nó chỉ nhỏ hơn tui hai ba tuổi. Một tập tục, theo tôi, rất tốt.
Ngoài mối liên hệ xóm riềng ra, liên hệ bà con kiểu này, sẽ gắn kết những người dưng xa lạ thành người thân, để tương thân tương trợ nhau.
Thằng Lâm là một cậu bé hiền lành, dễ thương, ít quậy phá. Tuy nhà nghèo, nhưng nó tròn trịa, da ngăm ngăm đen, trông khoẻ mạnh, chứ không ốm đói xanh xao như những đứa trẻ nhà quê, mắt lồi, thịt bủng, da nhăn, bụng đầy sán lải! Người của nó lúc nào cũng lộ vẻ u sầu, mà nhà quê hay dùng chữ “mặt mày dàu dàu”, chứ không líu lo như hai anh em tôi. Có lẽ gia cảnh của nó khiến nó trở nên lầm lầm lì lì như vậy.
Cha nó đi tù Côn đảo nhiều năm. Mẹ, chị, nó, và em nó, ở nhà ông bà nội của nó trong thời gian cha nó tù tội. Tội gì mà bị tù, tui không rõ. Tui chỉ nhớ ngày cha nó được thả về, cha nó uống rượu say mướt, rồi “quậy” mẹ nó một trận tơi bời hoa lá. Không đánh đập, chửi bới vợ, nhưng la hét, tức tối, giận hờn dữ lắm. Cha nó cũng hiền lành. Nhà tui xéo cửa nhà nó, cách bởi con rạch nhỏ, nên cũng nghe rõ mồn một những câu trách cứ bà vợ. Mẹ nó đã sinh ra một thằng em, được ba bốn tuổi, cùng mẹ khác cha với nó, trong thời gian cha nó ở tù. Nói vậy hiểu rồi?
Nghe người lớn nói mẹ nó lấy một “thằng Huế” nào đó. Thằng Huế nào? Tên gì? Ở đâu? Không ai biết. Tui cũng không biết vì hồi đó còn nhỏ, và cũng không tò mò nên không hỏi người lớn. Chỉ nghe “thằng Huế”, thì biết tác giả nặn ra đứa bé không phải là người miền Nam, không phải là tên dâm phu láng giềng nào đó ở gần nhà, thừa nước đục thả câu!
Dân nhà quê miền Nam không phân biệt được ai là người Việt Nam. Đối với họ, chỉ có người miền Nam mới là người Việt Nam. Người Trung và người Bắc không phải người Việt Nam, mà họ gộp chung lại, gọi họ là “người Huế”. Hễ nói trọ trẹ, là “người Huế”! Họ sinh ra trên mảnh đất tổ tiên, lớn lên trong đồng ruộng, quanh năm bán mặt cho đất, bán lưng cho trời, Sài Gòn còn chưa biết, làm sao biết Huế hay Hà Nội ở đâu? Làm sao phân biệt được cả ba vùng miền đều thuộc nước VN, đều là người VN? Tui cũng không thể xác định được tên “gian phu” kia là Trung kỳ ớt hiểm, hay Bắc kỳ rau muống, từ đâu tới, và làm cách nào mà òn ỉ được mẹ nó, để dến cho mẹ nó một cái bầu rồi biến?
Tôi không lên án chị Ba, mẹ của thằng Lâm. Con người ai cũng có những đòi hỏi về nhu cầu tình dục, bất kể đàn ông hay đàn bà. Nói ra, hay không nói, thì sự đòi hỏi của tình dục nó nằm ngay trong từng mỗi tế bào của cơ thể. Phủ nhận hay né tránh, nó vẫn hiện hữu. Con người cũng không phải là thánh nhân, cho nên có những lúc không làm chủ bản thân, mà sa ngã, cũng là chuyện dễ hiểu và thông cảm được.
Tôi cũng không bênh, không cổ võ cho chuyện “ăn vụng, ăn chả, ăn nem”. Vấn đề tôi đặt ra ở đây, là tại sao đàn ông ra ngoài chơi bời như heo nọc, bồ bịch rậm rựt như chó tháng bảy, thì được cho là phong lưu, đào hoa, phong nhã,… còn đàn bà nhúc nhích cái mông một cái, là bị chụp lên đầu vô số tội: Lăng loàn, trắc nết, đồ hư thúi, dâm phụ,…? Tại sao con gái chửa hoang thì bị dìm lồng heo, còn bọn con trai khốn nạn làm cho thiếu nữ chửa hoang thì không bị phanh thây xé xác?
Bọn đàn ông làm luật, vì ỷ mình có sức mạnh. Không ai dám lên án hay trừng trị họ, cho nên bọn đàn ông trở nên lộng hành và bất lương. Bọn sở khanh còn lấy làm hãnh diện đi khoe khoang tùm lum cái “thành tích bất hảo” của mình.
Đàn bà VN không dám kháng cự, không dám lên án, không dám nổi dậy làm cách mạng. Thôi, để đàn ông như tui mạt sát, nguyền rủa bọn chúng dùm cho họ.
Đàn bà, con gái chỉ một phút yếu lòng, chiều theo sự đòi hỏi rất tự nhiên của cơ thể đang “cuồn cuộn” rực lửa, sẽ lãnh trọn hậu quả, là cái bào thai. Thằng đàn ông vô lương tâm quất ngựa truy phong, không nhìn con, không nuôi con, mặc cho người đàn bà ôm hết hậu quả, vừa đau, vừa khổ. Tôi có đứa cháu là nạn nhân của một thằng đàn ông súc sanh như vậy. Nếu tui ở VN, chắc chắn tui bẻ cổ, vặn họng nó, không để nó nhởn nhơ trong xóm, vui trên sự đau khổ của cháu mình. Tui già không đủ sức, cũng mướn đám côn đồ ra tay nghiền nát cái cẳng số ba của nó, cho chừa cái thói sở khanh khốn nạn. Nói thiệt đó!
Xã hội VN cần thay đổi cả về quan niệm đạo đức, lẫn luật pháp. Cứ lấy Mỹ và các nước tiến bộ phương Tây làm chuẩn đi. Luật pháp phải bình đẵng, đứng trên mọi người, không phân biệt giới tính, trình độ, địa vị xã hội. Luật lệ nào cho phép một tên ấu dâm thong dong ngoài vòng pháp luật? Luật pháp nào, đạo đức nào, cho phép một tên đàn ông vùi hoa dập liễu đời con gái người ta cho đã, rồi phụ bạc, giết mẹ, bỏ con? Luật pháp, xã hội, không những không lên án, ngược lại còn phong bồ tát cho hắn ta?
Thời phong kiến, làm vua, muốn có bao nhiêu phi tần, cung nữ phục vụ nhu cầu tình dục của mình, là chuyện thường. Tần Thuỷ Hoàng có 3000 cung nữ. Muốn chém muốn giết người nào cũng được, vì luật pháp trong tay bạo chúa. Đánh đổ phong kiến, nhưng hành động đó có khác chi hôn quân vô đạo thời phong kiến? Đáng rủa xả. Không rủa xả sao được?
Đàn ông không có chu kỳ. Cái nhu cầu đó gần như 24/7/365! Chỉ cần nhìn thấy một “đường cong mềm mại” nào đó, thì nó bật dậy! Đường cong mềm mại? Có cần phải giải thích rằng nó không phải là con đường tráng nhựa, uốn lượn, để tránh dinh cơ đồ sộ của một tên cường hào hay một gã ác bá nào đó không? Không cần! Sau khi giải quyết nhu cầu sinh lý, bọn đàn ông thu dọn chiến trường, cất giấu vũ khí, mặt mày tỉnh bơ như con dê đực, như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Còn đàn bà thì sao? Lãnh đủ!
Đàn bà chỉ có vài ngày “nóng” trong chu kỳ một tháng, và đó là thời điểm nguy hiểm nhất mà tạo hoá đã đặt nó vào cơ thể họ, thời điểm của bản năng làm mẹ, thụ thai, sinh con! Người đàn bà yếu đuối nhất trong thời kỳ đó. Đàn bà khổ chỗ đó, và bất công giới tính cũng nằm ngay chỗ này. Cũng không trách được Thượng Đế. Chỉ trách bọn đàn ông ích kỷ, mất dạy.
Kết quả là mẹ thằng Lâm cho ra đời một thằng em khác cha. Cha nó quậy một trận rồi cũng bỏ qua cho mẹ nó. Tiếp theo vài đứa em nữa chào đời. Mọi sự có vẻ như trở lại đời thường, như chưa hề có sóng gió gì xảy ra trong gia đình nó. Tôi thương ba nó, một gã đàn ông bất đắc dĩ bị cắm sừng, nhưng độ lượng, vĩ đại, an phận với câu: “cá trong giỏ, cá của mình”, mà nuôi thằng bé vô tội, khác họ! Tôi cũng tội nghiệp mẹ nó, một người đàn bà cô đơn nhiều năm, yếu đuối, không đủ sức chống chọi với bản năng, chứ không phải loại lăng loàn trắc nết, buông thằng này chụp thằng khác. Yếu đuối, sa ngã, nên tha thứ và thông cảm được.
Đùng một cái, sau đó cha nó chết vì pháo kích từ chợ Vị Thanh nã vào. Thời chiến tranh, sống trong vùng VC, thì chuyện pháo kích, ruồng bố, máy bay oanh tạc, không có gì là lạ. Nhà nào cũng có hầm tiến(g) hay trảng xê. Tui thật sự không biết viết thế nào cho đúng mấy từ này. Từ đâu có chữ hầm tiến(g) hay trảng xê? Nam kỳ, chữ có g hay không g gì cũng đọc là tiếng. Đó là những ụ đất dày, cao tới ngực, đắp xung quanh bộ ngựa (phản gỗ). Hễ có pháo kích, súng bắn, máy bay oanh tạc, thì cả nhà chui vào đó trú ẩn. Nó chỉ có thể cản được đạn hay miểng của pháo thôi, chứ nếu pháo hay bom rớt thẳng từ trên xuống, thì cả nhà khó ai toàn thây.
Kinh nghiệm cho biết: Hễ tiếng pháo nghe thật to, sau đó nghe tiếng hú trên đầu, thì biết đạn pháo sẽ bay xa. Còn nghe tiếng pháo rất nhỏ, sau đó là tiếng xè xè, thì coi chừng nó sẽ rớt và nổ ngay nhà mình.
Má tui rất thính tai. Chỉ cần nghe tiếng pháo từ Vị Thanh, thì má tôi la hét đàn con chui vô hầm. Hai anh em tui ngủ như chết, cho nên lúc nào cha má tui cũng phải vô giường, kéo anh em tôi dậy, rồi lôi vô hầm. Thiệt tình mà nói, tôi thà ngủ tiếp, chết sướng hơn là nửa đêm, đang chiêm bao tới lúc hấp dẫn mà, bị đánh thức để vị lôi vô cái hầm tiến(g) tối thui, đầy mùi ẩm mốc! Con nít mà!
Trái pháo oan nghiệt rớt ngay nhà thằng Lâm, và cũng may mắn, chỉ có mình cha nó chết, và chị lớn nó bị thương nhẹ. Số mạng? Trời kêu ai nấy dạ! Và cũng từ đó, nó thù phe quốc gia đã giết chết cha nó. Gương mặt dàu dàu của nó bây giờ càng ủ dột, thê lương hơn. Nó vốn ít nói, bây giờ lại càng ít nói.
Vài năm sau, khi tôi đi học xa về nghỉ hè, thì nghe thằng em tôi nói nó đã bỏ nhà đi theo VC lâu rồi. Nó “thoát ly gia đình”, đi biệt tích, chớ không phải như thằng Hớn, thằng Ngày, hay anh Bình, chỉ làm du kích quanh quẩn trong xóm.
Nhắc chuyện ruồng bố, để tui kể chuyện gia đình tui suýt nữa gặp đại nạn “diệt môn”.
Sáng sớm hôm đó có một cán bộ VC cao cấp, trạc 40, và một tên bảo vệ rất trẻ, ghé nhà tui xin cơm. Ở vùng VC, họ ghé nhà xin bữa cơm là chuyện thường. Họ đi dọc đường, đói thì tấp vào nhà dân xin cơm ăn. Có gì ăn nấy. Dân quê dù vui buồn, giàu nghèo, đều không thể từ chối.
Tui biết đó là cán bộ cao cấp, vì ông ta có đeo “giò heo” bên hong, còn anh bảo vệ thì đeo súng trường mít bá đỏ. Súng hiệu gì, tên gì, ai biết. Chỉ nghe nói súng trường bá mít (bá đỏ) là súng Liên sô, còn súng trường bá gỗ thường, là súng trường Đức, của Đông Đức làm chăng? Thỉnh thoảng có thấy họ mang súng cạc-bin. Còn “giò heo” là tiếng lóng, chỉ súng ngắn như K54, Colt, và chỉ có cấp chỉ huy mới có. Hồi đó họ chưa có quân hàm như bây giờ, nên chỉ biết ông ta là cớm, vì ông ta đeo “giò heo”, và có người gạc-đờ-co đi theo bảo vệ. Ông ta không xưng danh tánh, chức vụ, lý do gì đi ngang, và cũng không ai dám tò mò hỏi chi.
Trong khi má tui sai mấy chị nấu cơm, thì ông ta ngồi nghỉ ở nhà trên, và sai anh bảo vệ đi ra phía đầu vàm để canh gác. Chừng 10 phút sau, thình lình nghe tiếng súng nổ rền trời. Tiếng đạn bay chéo chéo chéo từ phía đầu vàm. Ông ta và hai anh trai tui phóng ra sau nhà, chạy thục mạng, biến mất vô vườn cây, vì biết lính quốc gia đi ruồng bố, cách nhà chắc chừng 200 mét.
Chúa còn thương gia đình tôi. Nếu lính tới sớm hơn 10 phút, hay thày trò ông ta tới trễ chừng 9 phút, vừa vào nhà tôi mà lính trờ tới, hoặc là ông cớm kia không sai anh bảo vệ đi gác ở ngoài vàm, mà hai người ngồi nghỉ chân trong nhà tôi, thì cả nhà chết hết theo thày trò ông ta dưới làn đạn kia rồi.
Người cận vệ bị lính bắn chết, dĩ nhiên. Anh ta chết thay xếp mình. Anh ta chết thay cả nhà tôi. Tuổi chưa đầy 20 đã nằm xuống, thay cho người khác.
Sau khi lính rút, bọn con nít chúng tôi và những người trong xóm, có tò mò ra đầu vàm coi xác anh cận vệ. Nằm yên bất động, máu me lênh láng. Nghĩ tới, thấy tội nghiệp anh ta quá. Còn trẻ măng. Chắc chưa có người yêu, chưa từng nắm tay một cô gái quê nào, chưa từng ôm ấp một “đường cong”, chưa từng nếm thử mùi đời, chưa biết “thú đau thương”, đã nằm xuống! Ôi chiến tranh! Nhớ tới, tôi vẫn còn sợ, và còn tội nghiệp anh ta.
Trở lại chuyện thằng Lâm.
Sau 75, nghe thằng em tôi kể là nó có “vinh qui bái tổ”, trở về với vài tên cận vệ, và dĩ nhiên nó có đeo “giò heo” bên hong. Oai lắm. Nó học hành chỉ xong lớp Ba trường làng, biết đọc biết viết chút chút, cũng làm “quan” ngon lành!
Tạm thời thôi. Khi mọi thứ trong tầm kiểm soát, thì những người như thằng Lâm cũng “ra mê”. Lại một tiếng lóng quê tui, nghĩa tương đương với “vắt chanh bỏ vỏ”. Không lạ. Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát,… của MTGPMN còn “ra mê”, thì thằng Lâm, tám Đe, thằng Ngày, anh Bình,… là cái thá gì?
Thằng Lâm đi theo VC với lý do đơn giản là vì cha nó chết bởi đạn pháo của phe quốc gia. Cũng dễ hiểu, vì với dân quê, dốt nát, đầu óc suy nghĩ chỉ tới đó! Người dân thành thị bị VC pháo kích (mấy chục em học sinh trường Cai lậy banh xác, ai còn nhớ?), quăng lựu đạn, gài mìn xe cộ trên xa lộ,… chết còn nhiều hơn dân sống trong vùng VC, cũng căm thù VC, cũng là tự nhiên. Dân miền Bắc quằn quại dưới mưa bom của không quân Mỹ, chắc chắn cũng căm thù “đế quốc Mỹ”, là chuyện cũng dễ hiểu.
Nhưng tôi chắc chắn thằng Lâm, và những người theo CS, chưa bao giờ tìm hiểu nguyên nhân thật sự, kẻ chủ mưu thật sự, của cuộc chiến? Thằng Lâm có bao giờ thắc mắc ai là kẻ gây ra cuộc chiến huynh đệ tương tàn này không? Tại sao lại có chuyện ruồng bố, oanh tạc, hay pháo bắn vào xóm làng của nó, mà trước ngày 15-02-1961 không hề có? Người dân miền Bắc có bao giờ tự hỏi: Tại sao Mỹ tàn ác ném bom giết người vô số kể không? Thằng Mỹ ác ôn, chính thức đưa quân vào miền nam ngày 8-3-1965, cách rất xa cái ngày 15-02-1961, ngày MTGPMN ra đời .Tìm hiểu sẽ biết thôi. Toàn dữ liệu lấy từ nhà nước ta cả đó.
Muốn biết ai thật sự là kẻ gây chiến, đâu có gì là khó. Biết bao nhiêu tin tức, dữ liệu, trong và ngoài nước, để tìm hiểu và chứng minh kẻ chủ mưu gây ra cuộc chiến. Chỉ có kẻ giả ngu, giả điếc, kẻ cam lòng làm con ngựa bị khớp mỏ, che mắt, giựt cương đi theo một hướng, hay những kẻ vì quyền lợi cá nhân,… nên không muốn biết, hoặc biết mà không muốn công nhận sự thật thôi.
Tôi kết luận một câu đơn giản: Chiến tranh tàn ác, đáng căm hận, đáng lên án. Nhưng kẻ gây ra cuộc chiến kéo dài 20 năm, giết mấy triệu sinh linh da vàng vô tội, càng đáng nguyền rủa ngàn lần hơn là nguyền rủa chiến tranh.
Peter C. Trần