“THẰNG CẦU ĐỎ” (Nguyễn Hữu Huấn 7/68 KQ/QLVNCH)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Tháng 01 năm 2023
Bài này xin mạn phép viết thay cho các bạn KQ/VNCH cùng bị giam cầm trong trại 3 thuộc Tổng Trại I tù binh Quảng Đà: KQ Vũ Thành Đức (A37), KQ Phạm Hữu Thành (C130), KQ Dương Ngoc Như (TT), KQ Nguyễn Tiến Cường (TT), KQ Nguyễn Hữu Biếm (TACC), KQ Thuận (A1, cùng phi đoàn với KQ Phạm Minh Xuân)…..và các KQ khác trong cùng trại tù. Viết để nhớ những kỷ niệm chung trong trại tù binh.
May be an image of 1 person, tree and outdoors
May be an image of 3 people, people standing and outdoors
May be an image of 1 person and outdoors
Lễ Giáng Sinh năm nay (2022) và Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023 thật tưng bừng và nhộn nhịp sau hơn 2 năm nạn dịch. Người người xôn xao mua sắm, chưng đèn, quây quần trong không khí gia đình. Gia đình tôi cũng không ngoại lệ. Bỗng nhận tin không vui về một người bạn tù mang tên Nguyễn Hữu Cầu vừa qua đời ngày 19 tháng 12 năm 2022, tức ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Dần. Cả một ký ức xa xôi vui buồn lẫn lộn từ 47 năm trước chợt trở về trong tôi như một cuốn phim quay ngược giòng thời gian, lúc ẩn lúc hiện trong suốt những ngày cuối năm.
Thành phố Đà Nẵng hoàn toàn lọt vào tay CS Bắc Việt ngày 29 tháng 3 năm 1975, dĩ nhiên phi trường Đà Nẵng là mục tiêu hàng đầu. Khoảng 1 tuần sau, chúng tôi hơn 60 sĩ quan Không Quân đủ ngành nghề bị chúng bắt giam trong khu tiếp tân ngay cổng phi trường, được ngăn cách bằng hàng rào kẽm gai. Chỉ riêng các phi công A37 bị chúng gọi lên „làm việc riêng“ bên trong phi trường, sau đó hai phi công A37 là Trần Văn On và Nguyễn Văn Sanh không trở lại. Sau này chúng tôi mới biết VC đã xử dụng On và Sanh để huấn luyện cho phi công VC bay A37 tại Phan Rang, để rồi sau đó hợp thành một phi tuần (nhưng không có Sanh) do tên phản tặc Nguyễn Thành Trung hướng dẫn ném bom Dinh Độc Lập ngày 28 tháng 4 năm 1975.
Sau khi Sài Gòn thất thủ, tất cả sĩ quan Không Quân và gần 3.000 sĩ quan đủ mọi binh chủng của QL/VNCH đều bị đưa vào một trại tù binh khổng lồ mang tên „Tổng trại I Quảng Đà“ nằm sâu trong khu rừng rậm, cạnh một nhánh của sông Thu Bồn không xa biên giới Lào, khoảng hơn 60 cây số phía Tây quận Hiệp Đức, thuộc tỉnh Quảng Nam, nơi đã bị lọt vào tay VC vào tháng 4 năm 1972 và được chúng gọi là „vùng giải phóng“. „Tổng trại I Quảng Đà“ trực thuộc Cục chính trị quân khu 5, do tên trung tá Trần Tốc làm „thủ trưởng“, gồm 6 trại tù được đếm từ 1 đến 6, mỗi trại chứa khoảng 500 tù nhân từ Thiếu úy đến Đại tá và một số „VC hồi chánh“. Chúng tôi nằm trong trại 3, được chia thành 10 khối, mỗi khối có 2 nhà, mỗi nhà trên dưới 25 người. Đám KQ chúng tôi thuộc khối 1, nhà 1 và nhà 2. Số KQ còn lại nằm trong khối 10 đối diện. Trong trại tù này, tôi gặp Nguyễn Hữu Cầu nằm trong khối 3, nhà 1, cách chỗ tôi 1 khối, hai đứa thường chạy qua chạy lại trò chuyện khi có dịp.
Nguyễn Hữu Cầu sinh năm 1947, quê Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, cấp bậc cuối cùng là Trung Úy Tâm Lý Chiến của Địa Phương Quân, làm việc trong tiểu khu Tam Kỳ, lúc đó thuộc tỉnh Quảng Tín. Cầu người thấp bé, gầy guộc, thích làm thơ trào phúng, hay kể chuyện tiếu lâm và rất giỏi về âm nhạc. Cầu kể cho chúng tôi đã dắt díu vợ con trong lửa đạn chạy loạn từ Quảng Tín lên Đà Nẵng (tỉnh Quảng Nam) tìm đường về Sài Gòn. Hỏi thăm về vợ con, Cầu trả lời ngắn gọn: „Vợ mất tích, một đứa con bị lạc đạn…“. Trong tù, Cầu sống rất lạc quan, không lo âu sợ hãi nhưng vẫn luôn tìm cách âm thầm chống đối qua những bản nhạc tự chế hoặc những bài thơ trào phúng với nhiều ẩn ý. Nổi bất nhất là bài thơ “Sông Cầu Đỏ“, một nhánh nhỏ của sông Thu Bồn cách trại tù khoảng 1 cây số, nơi chúng tôi được bọn vệ binh cai tù dẫn đi tắm rửa 2 lần một tuần. Đứng giữa dòng sông trước hàng chục vệ binh cầm AK canh gác, Cầu ngẫu hứng oang oang ngâm :
Em đứng bên kia sông Cầu Đỏ
Anh đứng bên này sông Cầu Đỏ
Anh nhìn thấy bên kia sông
Anh bơi qua bên kia sông
Anh nhìn thấy bên này sông
Anh bơi ra giữa dòng sông
Anh nhìn thấy cả hai bên sông
Anh lặn xuống giữa dòng sông
Anh chẳng còn nhìn thấy bên nào
Bài “thơ con cóc“ được Cầu ẩn ý mô tả thân phận mình như đứa con hoang bị đồng minh phản bội, bị cấp trên bỏ rơi trong binh lửa và bây giờ mang kiếp tù đầy trong cái gọi là “xã hội chủ nghĩa“ để rồi anh chỉ muốn “lặn xuống giữa dòng sông“ và mình sẽ “chẳng còn thấy bên nào“. Cũng từ đó Cầu càng nổi tiếng và được anh em trong trại tù gọi Cầu là…”thằng Cầu Đỏ“. Đổi lại, Cầu bị biệt giam một tuần với tội danh “bôi bác cách mạng“ vì do “bọn ăng ten“ báo cáo giải thích ý nghĩa bài thơ cho chúng. Cầu hay thủ thỉ với tôi rằng: “Tụi mày dân Không Quân hầu hết đều quen biết nhau trước khi vô tù nên không có đứa nào làm “ăng ten“. Tụi tao dân tứ xứ 4 vùng chiến thuật không biết thằng nào là thằng nào nên “ăng ten“ tùm lum, mày phải coi chừng“. Tuy nhiên không ít lần Cầu lại chọc quê chúng tôi rằng: “Bọn Không Quân tụi mày làm việc trên Trời nên ngu việc dưới đất đ. hiểu gì về cách mạng. Máy bay có sẵn trong tay mà tụi mày không dọt cho lẹ, lại còn để bị bắt vào đây, ngu ráng chịu“.
Cầu không có thân nhân đi thăm nuôi nên thuộc loại “con bà phước“, bọn Không Quân chúng tôi đa số cũng là “con bà phước“ vì hầu hết gia đình đều ở miền Nam, hơn nữa những năm đầu tiên tù nhân nằm dưới sự quản chế của bọn công an quân khu 5 không cho chúng tôi liên lạc với gia đình. Lâu lâu may mắn được chia sẻ một mảnh đường vàng cỏn con hay một mẩu thuốc lào bằng đầu ngón út. Ngày kia, Cầu nói với tôi. “Tao với mày đều là “con bà phước“, để tao tìm cách thăm nuôi mày“. Tôi không hiểu ý gì nên hỏi lại: “Chắc mày đào được cây hà thủ ô cho tao ?“, Cầu trợn mắt : “Hà thủ ô là thuốc tiên của cách mạng để chống Mỹ cứu nước nên bọn mình không được phép xài, tao sẽ nuôi mày bằng cái…của Trời cho“. Tôi chửi thề rồi bỏ đi. Ngày hôm sau không thấy Cầu đi lao động. Anh em cho biết tối qua Cầu như bị mê sảng, ho cả đêm, khạc nhổ tùm lum nên được mang xuống bệnh xá. Chiều tối đi lao động về, tôi mò xuống bệnh xá tìm Cầu nhưng không gặp, nghĩ Cầu bệnh nặng. Hỏi ông đại úy bác sĩ Quân Y trước làm trong Tổng Y Viện Duy Tân sát hông phi trường Đà Nẵng cũng đang ở tù và được VC cho làm “trạm trưởng trạm xá“ cho tù nhân. Ông bảo Cầu mê sảng hoài, lúc tỉnh lúc mê, nên tôi càng lo. Bẵng đi mấy hôm, bỗng thấy Cầu lù lù mò đến giường dúi vào tay tôi một gói lá to hơn nắm tay, miệng lè nhè thì thào: “Tao đi thăm nuôi mày đây nè, coi chừng chúng nó thấy“. Mở ra, tôi giật mình….một cái đùi gà thơm phức. Chưa kịp nói gì thì Cầu đã nhanh chóng lủi đi mất tiêu. Sau này Cầu kể:
“Tao thuộc loại dế ốc tiêu sao bệnh được, tao giả vờ bệnh để được nằm bệnh xá chơi vài ngày. Tụi bay cả trại đi lao động, tao nằm phè trên giường thủ sẵn cái rựa cong cong đốn cây, thò tay rải một nắm gạo xin được của tụi “nhà bàn“ (nhóm tù nấu ăn trong trại), rồi trùm chăn kín mít miệng kêu cục cục dụ đàn gà của tụi quản giáo tới. Tao quơ tay xuống bụp một phát, bọn gà kêu oang oác chạy tứ tung, một con nằm chết dí lòng thòng cái đầu. Tao chộp lẹ, nhét vào thùng đạn đại liên rồi lấy lá ện xuống phủ kín con gà rồi đi thẳng đến trạm canh xin tụi nó xuống bếp lấy nước sôi để xông cho chóng hết bệnh. Thằng bộ đội đòi xem có gì trong thùng đạn.Tao mở ra cho nó xem thấy đầy nhóc lá cây nên nó cho tao đi. Xin nước sôi xong tao tà tà đi thẳng xuống dẫy cầu tiêu cuối trại, tụt quần ngồi…nhặt lông. Bao nhiêu lông đẩy hết xuống hố phân. Tao đi ngược lại nhà bếp xin thêm nước sôi, ngâm cho con gà nó chín. Tao cho mày cái đùi trái, đùi phải cho ông bác sĩ quân y, các phần khác chia cho anh em, còn tao dớt cái phao câu béo ngậy. Mày gặm xong thì nhớ chôn cái xương xuống đất kẻo tụi nó biết là thấy bà nghe mày“.
Cũng từ đó, Cầu luôn luôn (giả vờ) bị bệnh, có lúc còn ho ra máu bê bết cần cổ (thuốc đỏ xin được từ ông bác sĩ quân y), ông bác sĩ báo cáo Cầu bị ho lao rất dễ lây nên xin cho Cầu nằm bệnh xá dài hạn. Cả trại tù đều thấy Cầu lang thang trong sân với “đôi chân chữ bát“, khoác cái áo lính thời xưa có 4 cái túi to tướng trong thân hình gầy guộc đen đủi, vừa đi vừa …“hò kéo pháo…vượt qua đèo, qua núi, qua sông…“. Các bạn tù đều thương và quý mến Cầu. Chưa hết – lâu lâu lại thấy Cầu ra trạm canh mượn thằng cán bộ cái cuốc, cái xẻng, tự “xung phong“ lao động cuốc đất trồng cây. Tên cán bộ ngạc nhiên hỏi: “Anh Cầu đang bệnh sao không nghỉ dưỡng?“ Cầu trả lời (như thật): “Đâu được cán bộ, bệnh cũng phải lao động chứ, lao động là vinh quang mà“. Tên cán bộ vừa cười vừa nói: “Ừ, thế mới là…giác ngộ cách mạng, lao động tốt, học tập tốt, thành người tốt…“ Phải công nhận rằng, Cầu “đóng phim“ rất giỏi, cả trại tù trên dưới 500 mạng mà ít ai biết được.
Nguyễn Hữu Cầu là như vậy đó: liều lĩnh bất chấp nhưng khôn ngoan và hài hước. Cái liều lĩnh kèm theo những hành động “bôi bác cách mạng“ của Cầu càng thể hiện rõ trong những bài… “học tập về tội ác Mỹ Ngụy“ của bọn quản giáo. Chúng yêu cầu tù nhân lần lượt phải kể ra những “tội ác điển hình của Mỹ Ngụy“. Cầu nhanh tay xin phát biểu đầu tiên. Cầu kể…như thật rằng: “Hôm đó có cuộc hành quân hỗn hợp Việt-Mỹ đi càn quét, lệnh giết càng nhiều cách mạng càng tốt. Tụi tui ngồi quanh bếp lửa nấu ăn. Tôi thấy một thằng Mỹ trắng lôi ra một cái nồi đen ngòm để nấu nước uống. Nhìn kỹ lại thì không phải cái nồi mà là cái đầu của một thằng Mỹ đen. Giặc Mỹ nó tàn ác dã man như thế đó, lấy cái đầu thằng Mỹ đen bạn nó để làm cái nồi nấu nước“. Cả bọn tôi nghe giật mình, im thin thít không dám cười. Nào ngờ thằng cán bộ quản giáo tin như sấm vì đã được nhồi sọ với các “huyền thoại“ kiểu “Bác Nguyễn Văn Bảy quê Rạch Giá, nhập ngũ năm 17 tuổi, bay Mig17, năm 1967 chờ trên mây 7 phút mới nhào ra bắn hạ 7 máy bay Mỹ, mặc dù bị bắn 67 lỗ đạn, tay vừa bịt lỗ thủng vừa truy kích máy bay Mỹ…“ hoặc theo kiểu: “Anh hùng QĐ nhân dân được Thánh Gióng nhập nên dù bị tăng địch cán qua người 2 lần, bị bắn 4 viên đạn vào đầu, 12 viên vào bụng và 6 viên vào chân, nhưng vẫn anh dũng đứng lên chiến đấu tiêu diệt 1 đại đội Ngụy gần 200 tên, tiêu diệt 5 xe tăng và 3 xe bọc thép…“. Bọn cán bộ nghe Cầu kể chuyện “giặc Mỹ“ vỗ tay đồm độp ra vẻ khoái chí, yêu cầu bọn tôi vỗ tay…hay quá, hay quá…đúng đúng đúng…“cám ơn anh Cầu.
Chuyện về Nguyễn Hữu Cầu qua những năm tháng tù tội trong trại tù Quảng Đà kể ra không hết, nhưng có một chuyện “động trời“ khó quên là Cầu…tự tử. Trại tù không có điện nên ban đêm tối thui. Tù nhân xin mỡ dưới bếp nhúng vải vào để có được ánh đèn lao lét chập chờn, nhưng từ 8 giờ tối đều phải tắt. Hàng đêm bọn cai tù tay cầm đèn pin, vai vác AK, thay phiên nhau đi tuần qua từng khối, từng nhà. Nằm ngủ trong nhà nóc lá vách cây, tù nhân thấy rõ ánh đèn pin thì biết ngay bọn chúng đang đi tuần.
Một đêm khoảng 2,3 giờ sáng khi bọn bộ đội vừa đi đến gần bệnh xá thì nghe tiếng rầm rầm rất lớn như bàn ghế bị sập. Vừa lên đạn răng rắc vừa đạp sập cửa bệnh xá xông vào thì thấy một tù nhân nằm ngửa sõng soài sùi bọp mép trên đống bàn ghế gẫy nát. Nhìn lên trên trần thì thấy cái có cái thòng lọng tròn tròn treo đu đưa lủng lẳng trên cột ngang. Đám bộ đội thổi còi kêu cấp cứu. “Có tù tự tử, có tù tự tử“. Bọn tù thì im thin thít. Sáng ra bọn quản giáo cho biết người tự tử đêm qua là Nguyễn Hữu Cầu thuộc nhà 1 khối 3. Thế là “thằng Cầu Đỏ“ lại tiếp tục được nằm bệnh xá xả hơi. Ai cũng thắc mắc tại sao Cầu không bị bọn quản giáo mời lên “làm việc“ hay ít nhất phải nằm “chuồng khỉ“ vài ba tháng ?
Sau này Cầu thủ thỉ kể tôi nghe: “Ngu sao mà tao tự tử. Tao dàn cảnh chờ thấy ánh đèn tụi nó đi ngang qua cửa, tao nhào xuống đống bàn ghế cái rầm, giật giật vài cái làm tụi nó hốt hoảng báo động tùm lum rồi bê tao lên, gọi ngay ông bác sĩ quân y phe ta. Ổng bảo may quá tao…chưa chết rồi cho tao một ly “xuyên tâm liên“ tẩm bổ. Chúng nó “họp ban“ khẩn cấp bắt tao khai báo làm “bản tự kiểm“, có cả thằng trưởng trại với thằng chính ủy từ tổng trại xuống. Tao khai rằng mặc dù tao đã “thấm nhuần đường lối khoan hồng của cách mạng“ tha chết cho tao, nhưng tao vẫn thấy tao đã “phạm quá nhiều tội ác với nhân dân và cách mạng, nên không đáng sống và muốn lấy tính mạng mình để chuộc tội. Chúng nó nghe bùi tai, “lên lớp“ tao một hồi, bắt tao viết tờ “cam đoan không được tự tử“ rồi cho tao về lại bệnh xá, còn chúc tao chóng khỏe để thành người tốt, làm việc tốt…..“. Cầu khai bệnh liên miên trong tù và nhờ hình dạng gẫy guộc tong teo, chân đi hai hàng nên ai cũng thương cũng tin…như thật.
Biết Cầu giỏi về nhạc nên nhiều lần sau bọn vệ binh cho Cầu mượn cây đàn “ghi ta“ vừa đàn vừa hát cho chúng ngồi quanh thưởng thức, bọn tù chúng tôi cũng ngồi…ăn ké. Cầu toàn chơi nhạc Pháp hay Mỹ nhưng lừa bọn chúng là do mình sáng tác, dĩ nhiên lời bài hát đã được Cầu sửa lại… “cho đúng tiêu chuẩn cách mạng“. Bọn vệ binh say sưa ngồi chồm hổm bỏ cây AK xuống đất vỗ tay khen hay. Bọn tù chúng tôi cũng vỗ tay khen hay, nhưng ý nghĩ hoàn toàn khác. Do đó, không những anh em bạn tù đều thương mến Cầu, mà chính ngay bọn cán bộ vệ binh cũng dành nhiều tình cảm cho Cầu.
“Thằng Cầu Đỏ“ ngày đó là thằng tù ít phải lao động nhất trong trại, phây phả nằm bệnh xá lâu nhất trong trại và là thằng tù…khôn nhất trong trại. Có điều, không ai nghĩ rằng sau này Cầu lại là một anh hùng rất đáng được mọi người kính phục.
Cầu được trả tự do một cách thật bất ngờ trước tôi mấy tháng với tờ “giấy phóng thích“ trong tay, có con dấu đỏ của Cục Chính Trị Quân Khu 5 kèm chữ ký của tên trung tá Trần Tốc, thủ trưởng tổng trại tù binh Quảng Đà. Sau này chúng tôi mới biết được rằng các sĩ quan QL/VNCH bị nhốt trong tổng trại Quảng Đà (dù bị bắt hay trình diện sau khi Đà Nẵng thất thủ 29.3.1975) đều được chúng liệt vào thành phần “tù binh“ mà không thuộc thành phần “đi cải tạo“, vì thời gian đó Dương Văn Minh chưa tuyên bố đầu hàng – dĩ nhiên chỉ trên lý thuyết giấy tờ mà thôi. Chúng tôi cũng không được thông báo…“mang theo lương thực 10 ngày…“. Vì thế khi được thả tự do, chúng tôi ai ai cũng đều nhận được “giấy phóng thích“ thay vì “giấy ra trại“ như các anh em khác trong Nam. Tối đêm trước ngày được phóng thích Cầu tụ tập một sồ ít bạn bạn bè ngồi quanh ngọn đèn vải nhúng mỡ, đặt tờ “giấy phóng thích“ dựa bên cục đá đen ngòm rồi chắp tay xá 3 lần, miệng lẩm bẩm: “Bấy lâu nay làm thân trâu ngựa nên bây giờ tao mới có được mày trong tay“, rồi quay lại nói với bọn tôi: “Đm.chúng không giết được mình nên bày trò “ân xá với phóng thích, vì thế tụi mày không bao giờ được nói hai chữ “cám ơn“ nghe không“…. Sáng hôm sau Cầu rời trại tù cùng với hơn 10 anh em khác. Đến chiều đi lao động trở về, bọn tôi bất ngờ thấy Cầu vẫn đứng ngay cổng trại đang trò truyện với đám vệ binh gác cổng. Cầu vào trại với bọn tôi vừa cười vừa kể: “Tao đi hết đoạn đường đất thì vòng trở lại trại xin bọn nó cho tao ở tù tiếp. Thằng vệ binh hết hồn dẫn tao lên gặp thằng thủ trưởng. Nó hỏi tại sao, tao bảo tao con bà phước, cháu bà cả đọi, vợ con thất lạc không thân không thích, chẳng biết đi đâu nên xin được ở tù tiếp, vừa có chỗ ở vừa được cách mạng nuôi ăn. Nó bảo thôi, tối nay ngủ lại trại, sáng mai đi về đi, trại không chứa đâu“. Sáng hôm sau Cầu mới thật sự rời trại tù.
Mấy tháng sau tôi và khoảng 15 anh em khác được thả về, trong đó có KQ Dương Ngọc Như (pđ.219 TT). Đa số đều ở miền Trung, chỉ có tôi và Như tìm đường về Saigon. Hai thằng dự tính trên đường về nếu gặp “kháng chiến quân“ thì theo đi luôn, nhưng chẳng thấy tăm hơi. Khi chia tay tại Sài Gòn thì hẹn nhau nếu có cơ hội vượt biên thì rủ nhau đi chung. Mấy tháng sau Như tìm đến tôi nói có mối vượt biên nhưng đi bằng đường bộ qua ngõ Cam Bốt. Tôi sợ không dám theo và Như đi một mình. Đầu năm 1980, một hôm đang ngồi uống cà phê quán cóc trên lề đường Paster, Saigon, có chiếc xe Bus ngưng ngay lề đường vì gặp đèn đỏ giao thông. Vô tình ngước lên tôi thấy “Thằng Cầu Đỏ“ gật gù ngồi ngay cạnh cửa sổ nên vội chạy đến gõ mạnh tấm kính xe. Vừa thấy tôi Cầu cười toe toét đứng ngay dậy, xin ông tài xế mở cửa xuống xe. Cầu vẫn gầy, da ngăm đen, vẫn đi hai hàng như con vịt bầu và cũng với cái áo lính 4 túi thùng thình, trên tay ôm một cái loong to tướng khoảng 5 lít. Hỏi Cầu bây giờ làm gì, Cầu tỉnh bơ oang oang: “Tao làm chủ chớ còn làm gì, cách mạng dậy “nhân dân làm chủ“, tao là nhân dân nên tao làm chủ chớ còn làm gì?“ Tôi hỏi: “Mày đi đâu mà ôm cái loong chần dần thế này?“ Cầu trả lời: “Thi tao đi làm “cách mạng bản thân“, lao động tốt, để thành người tốt, có gia đình tốt trong xã hội tốt mà mày, không nhớ sao? Ha Ha Ha…“. Cầu bảo vẫn ung dung „ăn nhờ ngủ đậu“ tại Rạch Giá…Và đây là lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Hữu Cầu.
Mấy tháng sau tôi vượt biên, được vớt, được định cư, được gặp lại KQ Dương Ngọc Như (Mỹ), KQ Vũ Thành Đức, KQ Phạm Hữu Thành, KQ Nguyễn Tiến Cường (Đức)… Nghe nói có cả Hạ Quốc Huy, trung úy tiểu đoàn 10 CTCT Đà Nẵng, người ở tù cùng khối 3 với Nguyễn Hữu Cầu, đang sinh sống và mở lò dậy Karate ở quân Cam nhưng tôi không có dịp gặp lại. Duy có một điều là, tôi vĩnh viễn sẽ không còn được tái ngộ với Cầu nữa.
Năm 1983 tôi nhận được bản tin VN của ông bạn già Phạm Hữu, chủ nhiệm báo Chiến Hữu bên Pháp ghi rằng: “Bạo quyền CS Hà Nội vừa kết án tử hình chiến sĩ Nguyễn Hữu Cầu, cựu Trung Úy QL/VNCH với tội danh “chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam“ qua việc tiếp tế lương thực và thuốc men cho kháng chiến quân trong bưng, phổ biến những bài hát chống Cộng để lôi kéo bác sĩ giám đốc bệnh viện Rạch Giá lén lút chuyển thuốc men cho lực lương kháng chiến quân miên Tây…“(trích nguyên văn).
Chưa hết – Một bài viết của tên bồi bút Phương Hà được đăng trên báo “Công an nhân dân“ xuất bản tại Hà Nội ngày 23 tháng 5 năm 1983 viết như sau (trích đoạn nguyên văn) :
“… Tên Nguyễn Hữu Cầu là tên sĩ quan tâm lý tổng hợp của Mỹ và chính quyền Sài Gòn cũ…Sau ngày giải phóng miên Nam, Cầu đi học tập cải tạo rồi được thả về. Những năm sau đó hắn lại được nóc nối với tên Thành Bửu trong một tổ chức chính trị mang tên “Mặt trận cứu nguy dân tộc“ với âm mưu bạo loạn lật đỏ chính quyền Kiên Giang. Hắn lại vào tù và lại được khoan hồng (1982). Chính sách nhân đạo khoan hồng của ta tỏ ra không còn hiệu quả với hắn. Hắn bồ bịch với ả Dương Bạch Tố Nga, một nhân viên hợp đồng bào chế thuốc trong một công ty dược và dựa vào ả để bắt mối làm quen với một số bác sĩ trong bệnh viện tỉnh. Nước cờ của hắn đi cũng khá cao tay. Để đánh vào uy tín của chế độ ta, Nguyễn Hữu Cầu đã nhắm mục tiêu vào bệnh viện đa khoa Kiên Giang là tuyến điều trị tổng hợp cao nhất, là nơi trực tiếp phục vụ sức khỏe của nhân dân và cán bộ trong tỉnh, là nơi, theo hắn điều tra, đang có một số hiện tượng tiêu cực chưa sửa chữa được. Biết bác sĩ Lịch, phó chủ nhiệm khoa nội, yêu âm nhạc, hắn ôm đàn đến. Đêm đêm, bằng những bản tình ca buồn héo lòng do hắn sáng tác từ cảm hứng những mối tình đầy mất mát của hắn, hắn chinh phục được Lịch, rồi qua Lịch, làm quen với bác sĩ Luyện, bác sĩ Hoàng. Thông qua Lịch, Luyện, Hoàng hắn đánh bạn với bác sĩ Lê Văn Tập, phó chủ nhiệm ngoại khoa, phụ trách phòng mổ.Hắn lọt vào ở được nhà tập thể bệnh viện, trở thành trung tâm của nhóm bác sĩ mà hắn đã nắm được, từ trong hậu trường điều khiển đội văn nghệ bệnh viện do Tập làm đội trưởng. Trong suốt giai đọạn này, hắn sáng tác 32 bài ca gồm tình ca, đạo ca, tâm ca, đời ca với nội dung hoàn toàn phản động…. Mấy năm trời Cầu đã thao túng được khá nhiều bác sĩ, y tá, hộ lý và làm cho bệnh viện vốn đã có hiện tượng tiêu cực càng đẻ ra nhiều tiêu cực. Hoạt động của Cầu ở bệnh viện là một kiểu luồn sâu của một tên gián điệp CIA tay sai Mỹ gài vào nhằm phá hoại chế độ ta bằng những thủ đoạn tinh vi, thâm độc và gây ra những thiệt hại nghiêm trọng…Tòa án đã xử tử hình như Nguyễn Hữu Cầu, chung thân như Lê Văn Tập đến một năm tù như Trần Văn Ái….Nhưng điều gì vẫn làm ray rứt lương tâm của bao người yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội khi nghĩ về bệnh viện Kiên Giang ?…..“ (Phương Hà)
Bài viết sặc mùi tuyên truyền một chiều cố hữu, không một chữ đả động đến hàng chục lá đơn và những bài thơ của Cầu vạch trần đích danh những tham nhũng hối lộ của bọn quan chức trong tỉnh, đặc biệt là tên Viện trưởng viện KSND tỉnh Kiên Giang. Không một câu nhắc đến những chứng cớ hiển nhiên mà Cầu đưa ra chứng minh hai tên cán bộ tỉnh đã hiếp dâm một số phụ nữ bị bắt sau chuyến vượt biên trước đó một năm. Đã có mấy ai đủ thông minh và can đảm để làm được những việc táo bạo anh hùng như thế ? Tôi cảm phục Cầu với nỗi thẫn thờ và bàng hoàng khi đọc bản tin này. Năm 1985 báo chí VC loan tin tòa xử phúc thẩm VC giảm án cho Cầu thành chung thân khổ sai. Suốt thời gian bị giam cầm trong trại tù Z30A Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai, Cầu vẫn giữ khí tiết kiêu hùng của người lính VNCH, cương quyết không nhận tội, liên tục khiếu nại kêu oan và không xin ân xá trước bản án vô lý và được xếp đặt. Năm 1986 Cầu cải sang đạo Công Giáo ngay trong tù do người tù cùng trại là Linh Mục Nguyễn Công Đoan rửa tội với tên Thánh là Gioan Baotixita. Thời gian này, chúng tôi chỉ còn biết theo dõi tin tức qua các báo chí người Việt tỵ nạn hải ngoại cũng như trên mạng xã hội đã đưa rất nhiều tin tức về những tháng ngày tù tội của Nguyễn Hữu Cầu.
Thời gian vẫn cứ thế trôi qua, tên tử tù Nguyễn Hữu Cầu cũng bị đi dần vào quên lãng. Kẻ bị giam cầm lâu năm đến nỗi người ta không còn gì để viết về nó nữa. Năm 2012, cựu trợ lý ngoại trưởng Hoa Kỳ là ông Tom Malinowski, đã gọi tù nhân Nguyễn Hữu Cầu là một “Anh hùng thầm lặng“. Tuy nhiên cũng có một vài tổ chức nhân quyền quốc tế lên tiếng yêu cầu bạo quyền CSVN phải trả tự do cho nó. Cộng đồng người Việt tỵ nạn trên thế giới cũng theo đó viết kiến nghị gởi phản đối chính quyền CSVN. Để rồi mãi đến ngày 23 tháng 3 năm 2014, CSVN mới chính thức trả tự do cho tù nhân chính trị Nguyễn Hữu Cầu trong một thân xác tiều tụy, tai điếc, mắt đui, suy tim và tiểu đường. So với ông Nguyễn Chí Thiện (27 năm tù), Tướng Lê Minh Đảo (17 năm tù) hay Đại úy Phan Nhật Nam (14 năm tù) thì Nguyễn Hữu Cầu là người bị CS giam cầm lâu nhất với 32 năm tù, chưa kể thời gian là tù binh trong “Tổng trại tù binh Quảng Đà“ từ cuối tháng 3 năm 1975. Người ta gọi Cầu là “Người tù kiệt xuất, là “Người tù bất khuất“, là “Tù nhân thế kỷ“. Cũng có người đặt cho Cầu là “Tù nhân lương tâm“, nhưng tôi nghĩ không đúng cho lắm vì Cầu chính thức vẫn là một cựu sĩ quan QLVNCH, một tù nhân chính trị hẳn hỏi, bị tù ngục và đầy đọa gần nửa thế kỷ, chứ hoàn toàn không phải là người đã sinh ra, lớn lên và bị nhồi sọ trong cái gọi là chế độ XHCN, nay bỗng nhiên …“vô tình hay hữu ý“ đứng lên chống lại chế độ mình đang sống.
Sau này, KQ Nguyễn Tiến Cường tại Đức may mắn liên lạc được với cô con gái của Cầu. Cường kêu gọi chúng tôi quyên góp tài chánh giúp đỡ gia đình Cầu. Một số nhỏ cá nhân hay nhóm bạn cũng hăng say âm thầm giúp đỡ gia đình Cầu theo cách riêng của mình. Một số anh em Không Quân đã cố gắng tìm đủ cách để bảo lãnh Cầu qua Mỹ và Âu Châu trong một thời gian ngắn, nhưng không thành. Rồi nhận được bản cáo phó..“Cha, Ông của chúng tôi là Nguyễn Hữu Cầu từ trần lúc 09:00 giờ ngày 19 tháng 12 năm 2022, nhằm ngày 26 tháng 11 năm Nhâm Đần….Linh cữu sẽ được đưa đi hỏa táng tại Phước Lạc Viên, xã Mỹ Lâm, Huyện Hòn Đất, tình Kiên Giang“.
“Anh hùng thầm lặng Nguyễn Hữu Cầu“ đã được tự do về nước Chúa, đã vĩnh viễn ra đi mà không một lời hối tiếc hay hổ thẹn với những gì mà mình đã làm và đã sống suốt thời gian tù tội dưới trần thế. Cầu chỉ có được một chút hạnh phúc hiếm hoi là ra đi trong vòng tay các con các cháu vây quanh. “Người tù thế kỷ“ Nguyễn Hữu Cầu, thằng bạn “Cầu Đỏ“ năm nào đã thực sự trở về với cát bụi, không được lá cờ vàng bao phủ theo lễ nghi quân cách, không được một lời phân ưu chí tình từ đồng đội, không một rừng hoa tang của bạn bè thân hữu, cũng chẳng có lao xao chụp hình quay phim và vẫn “thầm lặng, cô đơn“ như số kiếp Trời đã an bài cho nó. Mong sao trong sách sử của nước Việt Nam Cộng Hòa mai sau, sẽ có những dòng chữ viết về một anh hùng QLVNCH mang tên Nguyễn Hữu Cầu.
Nguyễn Hữu Huấn
7/68 KQ/QLVNCH