“.. như vừa mới ngã mũ chào
mà phơ phất bóng chiến bào tầm xa
ngựa dòn gõ vó bôn qua
Người đi buồn rạn chân mây
nhạc tình giao phối Chương Đài phù vân
nghiệp duyên quá cuộc hồng trần
kiếm cung biệt diện tần ngần sử thi
rượu còn sóng sánh ngang ly
mà Người đã khuất hương nghi ngút mờ
đành ta rót rượu vào thơ
mở đêm giao thức ngồi chờ đối âm!”
Mỗi câu chuyện của Cao Xuân Huy làm sống lại từng đoạn đời của một thời bão lửa, kể cả lúc mình đứng giữa ngục tù hoặc sống kiếp lưu vong. Ai đó bảo hoài niệm chi những tang thương! Không, với chúng tôi, đó là những hoài niệm đẹp, sau tang thương còn sinh động và sáng chói tình người, tình đồng đội trong cuộc dấn thân vì Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm. Chúng tôi đã gãy súng, nhưng Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm vẫn còn. Không còn súng, chúng tôi chiến đấu bằng cây bút với chút tâm huyết còn sót lại. Để còn xứng đáng được con cháu gọi tên mỗi khi nhắc chuyện sơn hà. Bởi chữ nghĩa cũng có sức mạnh xuyên phá những tư duy bẩn chật, những thù hận cực đoan chủ nghĩa, những khối óc vong bản, những hoang tưởng lợi danh… Đã ăn gian, trục lợi cả mồ hôi, nước mắt và xương máu của chiến hữu và đồng đội của mình.
Tất cả người kể và người nghe chuyện đang ngắm lại mình đã đi qua hành trình giữ nước, có thương yêu cười rạng rỡ, có vụn vỡ khóc lệ nhòa! Hiện cảnh ngỡ đã xa mà chuyện kể bày ra trước mặt đến nao lòng.
Có buồn mà sảng khoái, thế mới lạ. Cái sảng khoái là còn được ngồi bên nhau với bạn cùng thời, cùng tâm chí mà kể chuyện bất kể ngoại nhân nhìn những tửu sĩ vỗ bàn Đ.M … đời, sau khi ực trọn một cốc rượu cay. Trong cơn chếnh choáng thế thời, tửu sĩ vỗ bàn như vỗ đỉnh càn khôn để nghe tiếng khua hổ lốn của trần ai về nỗi nhục vinh rớt vào hố thẳm.
Giữa mỗi quãng lặng yên, tửu sĩ thèm uống rượu Hồ Trường, xem chinh nhân mài kiếm dưới trăng.
Ôi! Ta muốn nhập cuộc quá chừng, để uống cạn cùng bạn những giọt tri âm, rồi chen lời cuồng ca:
“.. ca ư!
hề! khúc cổ sầu
lợi danh hư ảnh, công hầu huyễn mơ
cuồng ư!
hề! vọng nguyệt lầu
thuyền quyên chạm bóng, lòng đau tử thành
tình ư!
quan họ giang đầu
trù ca vỡ phím, bạc câu giao hoàn
đời ư!
hông thủy càn khôn
mồ hôi thắm máu quyện chung lệ hồng!
Bạn ngó ta, chạm mắt xuyên đêm. Ta khều mặt trời hóa rượu để đáp lễ tri giao.
“.. rót tràn đêm, rượu mặt trời
uống đi người hỡi một đời mấy khi
say quên mặt đã lầm lì
biết ta chưng hửng đã đi vào đời
uống đi, say nhé người ơi
giữa ta có ánh mặt trời xuyên tâm
nóng ran như vết đạn găm
tim đau nhói ngược, bạn trăm năm rồi!”
Ơi những người bao năm cũ, hồn ở đâu cả rồi! Phải chăng như lời sử thi “hồn tử sĩ gió ù ù thổi” khi hình tượng người chiến sĩ bị thù hận và đố kỵ đánh gục trên chiếc bệ tôn vinh nơi nghĩa trang quân đội Biên Hòa!
Súng gãy, hinh tượng gãy chỉ là bề mặt của sử thi. Còn sự gãy vỡ của tâm thân đồng đội đang sống lưu đày giữa quê nhà, hay nơi cõi lưu vong đã vực ta đứng dậy vung bút đâm vào mọi ngụy trá của thế gian, bởi:
“.. ta muốn ngắm nét chữ ngời bia đá
những di thư viết bởi mực sơn hà!
…
ta muốn nghe trong điệu kèn ly biệt
có niềm tin mãnh lệt cuộc hồi sinh!”
Dẫu chiến bào đã cháy, súng đã gãy, khi còn cây bút trong tay, ta vẫn vỗ ngực tự hào nói với bọn ngụy trá rằng: Đời nhờ có bọn ta không gian mới hừng hực sáng ánh thép khua trăng, rượu mặt trời pha lệ đỏ. Nhờ có bọn ta khinh miệt lũ vong ân mà chúng tìm trong thù hận học được lời sỉ vả những kẻ tự bứt tim mình hiến dâng cho Tổ Quốc! Chẳng tin ư? Kẻ vong ân cứ nhập vào đoàn lữ hành du ca hát bài “Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ” để thấy nỗi thẹn mình lớn biết chừng nào.
Này hát đi:
“.. Ta như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn
Đường dài ngút ngàn chỉ một trận cười vang vang
…
Máu ta từ thành Văn Lang dồn lại
Xương da thịt này cha ông miệt mài
Từng ngày qua, cười ngạo nghễ đi trong đau nhức không nguôi
Chúng ta thành một đoàn người hiên ngang
Trên bàn chông hát cười đùa vang vang
Còn Việt Nam, triệu con tim này còn triệu khôi kiêu hùng”
(Việt Nam Quê Hương Ngạo Nghễ / Nguyễn Đức Quang)
Từ thuở nọ đến nay ta vẫn là người hàn sĩ, nhưng rượu vẫn lưng bầu chờ đãi bạn, vắt cạn giọt sầu, kháo chuyện trầm thăng. Ta cũng kẻ mặc ngôn, nhưng chữ nghĩa vẫn còn hưng phấn, chạm nhẹ vào tâm ý tri âm là thoát bay vào cõi bềnh bồng non nước. Thời nay, vãi chữ lên trời cũng là một lạc thú, được dàn trải tâm tư vào vũ trụ đời. Mặc kẻ ngắm thuận lòng bảo lời chí phải, hay người xem phật ý phán nghĩa ngạo cuồng. Chỉ vì ta cũng muốn chữ ta “như nước dâng dâng tràn có bao giờ tàn”!
Mỗi con người bắt buộc một lần đối diện. Một định đề thật hay. Đối diện với chính mình hay đối diện với sự chết mà dửng dưng, cũng khó như kẻ sĩ đối diện với bạo quyền mặt không biến sắc. Phải không trân trọng quá về mình, mới thấy đời nhẹ như lông hồng phất phới bay theo cơn gió vào vô định. Bởi nó là vật thể của ảo ảnh, như cuộc đời của phù du, như chinh nhân đã quên cái ta giữa hiện hữu thiêng liêng của núi sông cưu mang hồn dân tộc.
Chiếc lông hồng Cao Xuân Huy đã bay xa, chiếc lông hồng Nguyễn Đức Quang cũng vừa bay qua. Nhẹ hều thân đời, nhẹ hều danh lợi. . Giữa chập chùng sương khói phù vân!
Hôm nay, nghe âm vang tiếng thép vỡ từ những cây súng gãy, thèm nhịp trên phím chữ gõ thêm một trầm khúc vãi lên trời.
Cao Nguyên
Và cuối cùng thì tác giả cùng nhiều đồng đội của ông cũng dừng chân tại một chỗ không ai mong muốn. Tuy nhiên cái chỗ được gọi là trại giam này lại là nơi quyết định sự sống còn của họ: “Chúng tôi bị đưa về căn cứ La Sơn nhốt tạm để sau đó hạ sĩ quan và binh sĩ bị đưa nhốt ở Khe Tre, Nam Đông. Đám sĩ quan chúng tôi bị đưa về cây số 23, gần ngay chỗ ban chỉ huy Tiểu đoàn 4 ít ngày trước, đối diện với làng Đồng Lâm. Khoảng giữa tháng Tư chúng tôi bị đưa về trại tù binh chính thức nằm phía Bắc Khe Sanh, sát biên giới Lào, ở ngay đầu nguồn sông Bến Hải.”
Họ đã được phân phối đi tới các trại tù khác nhau. Số phận những người lính này sau đó không ai biết ra sao, nhưng có một điều Cao Xuân Huy tin chắc rằng, ông và đồng đội của ông đã trả đầy đủ bồn phận đối với tổ quốc, và ông cùng đồng đội có quyền hãnh diện, ưỡn ngực và nói to rằng: họ là người lính chiến, đúng nghĩa là lính chiến trong bất cứ thời đại nào….
“Tháng Ba gãy súng” – Cao Xuân Huy (P1)
*
* *
* *
* *