Tháng Tư Đen Tối (30/4/1975)
Sóng Tiền Giang vang lời sông núi
Kinh Thủ Thừa muôn thuở lưu danh
Ðệ Nhị Kim Ngưu.
Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn
Chỉ Huy Trưởng Giang Ðoàn 43 Ngăn Chặn
Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, sinh năm 1943, xuất thân từ trường Trung Học Nguyễn Trãi (56-60) sau chuyển sang trường TH Chu Văn An, Sài Gòn (60-63). Sau khi tốt nghiệp Trung Học CVA với thứ hạng cao, anh tiếp tục theo học Đại Học Luật Khoa Saigon rồi nhập ngũ Khoá 14 Sĩ Quan Hải Quân Nha Trang.
Sau khi tốt nghiệp Khóa 14 Sĩ Quan Hải Quân, anh đã phục vụ trên các chiến hạm của hạm đội, rồi Duyên Đoàn 23, Duyên Đoàn 27, Phòng Tâm Lý Chiến Bộ Tư Lệnh Hải Quân và chức vụ sau cùng cho đến ngày 30/4/75 là Thiếu Tá Chỉ Huy Trưởng Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn đóng căn cứ tại Tuyên Nhơn, Mộc Hóa.
Tại đây, Thiếu Tá Tuấn đã chỉ huy tử thủ căn cứ cho đến đêm 30/4/1975, sau khi có lệnh buông súng trước kẻ thù, anh đã cho tầu cập bến, và sau khi đã cho các chiến hữu và dân chúng lên bờ an toàn, một mình anh ở lại tầu, dùng súng Colt tự bắn vào đầu mình tuẫn tiết, nhất quyết không đầu hàng bọn giặc xâm lược từ phương bắc..
***
Căn cứ Hải Quân Tuyên Nhơn, nằm ở bờ Nam kinh Đồng Tiến, cách ngã ba chợ Tuyên Nhơn khoảng 3 cây số. Trước mặt là bờ kinh, làm bãi ủi cho các chiến đỉnh. Mặt kinh rộng độ 100 thước. Bên kia bờ, bờ Bắc là một bức tường đất cao, trên đó một hàng rào sắt, kết lại bằng các mặt lưới chống B.40.
Ngoài hàng rào là la liệt những ổ mìn do Đội Tác Chiến Điện Tử thiết trí. Vì từ hàng rào này chạy suốt về hướng Bắc là một rừng cây đước âm u, nơi xuất phát của các cánh quân cộng sản từ biên giới Miên tiến về, với chằng chịt những con lạch nhỏ. Tại bãi mìn này là nơi mà các cán binh cộng sản lần lượt bỏ xác lại không thể nào đếm xuể.
Căn cứ Tuyên Nhơn, chạy dọc theo mé kinh, bờ Nam, dài độ 200 thước, rộng không quá 100 thước. Phía mặt và phía sau căn cứ cũng dầy đặc một bãi mìn. Sát ngang hàng rào, phía tay trái là sân đáp trực thăng, và sau đó Quận Đường Tuyên Nhơn. Nơi đồn trú của Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1, gồm Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn và Giang Đoàn 64 Tuần Thám. Đây là cái gai khó nuốt của bọn cộng sản, là trở ngại chết người trên con đường huyết mạch của địch.
Vào thời gian cuối của cuộc chiến, lực lượng của bọn cộng phỉ tại vùng này là Đoàn 232, có nhiệm vụ san phẳng vùng này, cắt đứt Quốc Lộ 4, để làm bàn đạp đưa quân xâm lược và đồ tiếp liệu tư biên giới Vệt Miên về Vùng IV Chiến Thuật. Chúng đã cố sức nhiều lần muốn san phẳng Căn Cứ Tuyên Nhơn, nhưng, dù rất nhiều lần tấn công tàn bạo, Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn vẫn đứng vững.
Trận Thư Hùng Ác Liệt
Đó là ngày 26 tháng 3 năm 1975, bọn cộng phỉ đã mở một cuộc tấn công quy mô, tàn bạo và liều lĩnh vào Căn Cứ Hải Quân Tuyên Nhơn.
Như một định mệnh khắc nghiệt, một thử thách lạ lùng, trong các đụng độ trên, cũng như cuộc thư hùng ác liệt hôm 26 tháng 3 năm 1975, Chỉ Huy Trưởng Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1, HQ. Thiếu Tá Đoàn Quang Vũ hoặc đi hội, hoặc đi phép, cả căn cứ gồm 2 Giang Đoàn 43 Ngăn Chận, và 64 Tuần Thám, chỉ có HQ. Thiếu Tá Lê Anh Tuấn là sĩ quan thâm niên hiện diện. Chính Thiếu Tá Tuấn đã lần lượt phải gồng mình chống lại các cuộc tấn công này.
Cuộc thư hùng thật khốc liệt, trận địa, sau một đêm tốc chiến, xác những tên cộng phỉ xâm lược ngổn ngang, chồng lớp. Sau trận này, Tuấn có mặt tại Sàigòn, và sau đây là cuộc đụng độ ác liệt được viết lại theo lời kể cuả “Người Hùng Tuyên Nhơn”, như sau:
“HQ. Đại Tá Nguyễn Văn Thông, Tư Lệnh Lực Lượng Trung Ương, vị chỉ huy trực tiếp của Thiếu Tá Tuấn, sau lần thanh tra, nhắc: “Các cậu phải cẩn thận tối đa nghe!”. Rồi Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng, Tư Lệnh Hạm Đội Đặc Nhiệm 21, chỉ huy tất cả các lực lượng trong sông ở Vùng IV cũng như các căn cứ trong vùng, cũng nhắc: “Cẩn thận nghe Tuấn!” Tuấn chỉ “Dạ!” rồi nhìn lên tấm bản đồ trong phòng Hành Quân. Các vị trí phản pháo đã sẵn. Các điểm hỏa lực cũng được bố trí thật chu đáo.
Có điều Tuấn lo là tình trạng căng thẳng kéo dài quá lâu sợ tinh thần anh em nản và lơ là. Vì thế, giữa cái lo cực độ, Tuấn phải làm ra vẻ cười đùa. Buổi chiều, Tuấn hay uống bia. Đôi khi Tuấn đem chai bia Quân Tiếp Vụ ra ụ súng uống với lính.
Hai giờ sáng, Tuấn vẫn còn thức, chăm chú trên các trang sách của cuốn Công Pháp Quốc Tế. Tuấn gập sách lại, đi tiểu, rồi đi một vòng căn cứ, luồn trong các đường hầm. Cùng lúc ấy Tuấn gọi cho các chiến đĩnh đang tuần tiễu, phân tán, phải sẵn sàng theo kế hoạch đã ấn định. Tuấn đứng trên nóc lô cốt chính nhìn ra bốn phía. Những hàng đèn vàng èo uột lấp loáng qua những hàng kẽm gai. Gió từ mặt kinh thổi mát. Mặt kinh vẫn phẳng lặng.
Không hiểu sao Tuấn thấy rờn rợn. Tuấn định thần lại và sao thấy thiếu hẳn tiếng vạc bay qua bầu trời. Tuấn cho đèn pha chiếu ra hàng rào ở mặt trước căn cứ. Ánh sáng vừa loé lên, Tuấn thấy ở ngoài hàng rào, lính cộng sản lô nhô, tức thì từng tràng đạn bùng lên từ hai phía.
Ngay lúc ấy, hỏa lực của ta tại các ụ súng phản pháo ngay. Các chiến đĩnh tản mác trên mặt kinh được tức tốc chạy về. Địch đã đen kịt ở hàng rào trước mặt căn cứ bên kia sông. Chúng như đàn chó đói, không sợ chết, đang muốn vượt rào lội qua kinh để cướp tàu và áp đảo căn cứ. Các khẩu đại bác trên các chiến đĩnh bình tĩnh đan chéo những lằn đạn. Xác địch rụng xuống như sung. Đợt xung phong của chúng tạm ngừng.
Trận địa bỗng yên lặng ghê rợn. Rồi một loạt hỏa tiển 122 ly, có lẽ từ chợ Tuyên Nhơn, câu vô, rất chính xác, nổ tung trên căn cứ và cả mặt trước dưới lòng kinh. Các chiến đĩnh vội tản ra để tránh pháo. Pháo ngưng. Lại một đợt xung phong khác ở sau hàng rào bên kia bờ đất sát con kinh. Chúng lại ào ào muốn lội qua kinh. Súng ở các ụ súng từ ven bờ kinh, trên căn cứ bắn ra như mưa. Một số địch quân đã qua được bên này kinh, bờ Nam, dùng bộc phá cắt đứt hàng rào. Tất cả diễn tiến ác liệt nói trên Tuấn đều báo cáo đầy đủ.
Trời đã gần sáng. Địch đã khá đông ở ngoài hàng rào, đồng loạt hô xung phong. Đúng lúc ấy, loạt mìn đĩa, hướng ra sông nổ bùng. Từng xác người bay lên, rồi im bặt. Mặt trận lắng lại như qua một cơn mê. Trời đã sáng. Mặt kinh phẳng lặng. Các chiến đĩnh lần lượt quay về căn cứ. Tuấn cầm máy báo cáo lên thượng cấp: “Địch đã rút. Xác địch nằm đầy ngoài hàng rào”.
Vào khoảng 11 giờ trưa, 27 tháng 3 năm 1975, chiếc trực thăng đáp xuống. Thượng cấp là HQ Đại Tá Nguyễn Văn Thông, và Phó Đề Đốc Đặng Cao Thăng. Trận địa vẫn ngổn ngang xác địch và âm ỷ khói than. Ngoài một số vũ khí vừa thu nhặt lại, còn rất nhiều xác địch nằm ở hàng rào mặt tiền đơn vị, cũng như ở gần bên kia hàng rào, phía bờ Bắc con kinh.
Kết quả của cuộc phản công này của căn cứ Hải Quân Tuyên Nhơn, đã làm bọn cộng phỉ xâm lược thất kinh khiếp vía và tất nhiên bọn chúng tràn ngập căm thù. Bên ta, hơn 30 chiến sĩ tử trận và bị thương. Tuấn, HQ Thiếu Tá Lê Anh Tuấn, được Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam, Tư Lệnh Quân Đoàn IV, Vùng IV Chiến Thuật, nhiệt liệt ngợi khen, và đề nghị thăng cấp Trung Tá tại mặt trận. Nhưng phải chăng đó cũng là niềm vinh quang báo trước sự bất hạnh của một người anh hùng, đôi bên chẳng đội trời chung.
Xác những tên giặc cướp xâm lược từ phương bắc được vứt lên GMC, đem đi chôn tập thể. Một số xác địch chìm dưới lòng kinh, mấy hôm sau mới nổi lên trôi đi, trôi lại trên khúc sông này. Chợ Tuyên Nhơn cách căn cứ 3 cây số. Một số dân còn ở lại, nhìn những xác địch nổi trôi khắp khúc sông mà bàn tán, lắc đầu. Đồng thời tên tuổi của HQ Thiếu Tá Lê Anh Tuấn cũng nổi tiếng khắp vùng.
Phút Cuối Của Một Anh Hùng
Tại căn cứ chiến lược Tuyên Nhơn, vào các ngày chót của cuộc chiến nơi đồn trú của Liên Đoàn Đặc Nhiệm 214.1 vẫn sinh hoạt đều hòa, bình tĩnh. Mặc dù, gần một nửa chiến đỉnh đã bất khiển dụng, một phần là trúng đạn pháo kích của địch, một phần là các cơ phận thay thế đã không còn. Chiến đỉnh nằm gác mũi vào bờ như những lô cốt tiền sát.
Tối ngày 29 tháng 4 năm 1975, Tư Lệnh Phó Lực Lượng Trung Ương, HQ. Đại Tá Vũ Xuân An gọi cho HQ. Thiếu Tá Lê Anh Tuấn : “Bằng mọi cách phải đưa đơn vị rời Tuyên Nhơn”. Tuấn liên lạc lại với HQ. Thiếu Tá Phạm Văn Tạo, Chỉ Huy Phó Liên Đoàn Đặc Nhiệm có mặt tại Bộ Tư Lệnh Sư Đoàn 9 Bộ Binh, để được xác nhận: Bộ Tư Lệnh Hải Quân Sàigòn và Hạm Đội đã ra đi.”
Trước tình thế này, HQ Thiếu Tá Tuấn đã họp các sĩ quan và các thuyền trưởng lại, tại hầm chỉ huy, và tuyên bố: “Mình phải ra khỏi đây, về Bến Lức, hoặc xuôi ra biển”. Để có thì giờ thu xếp cuộc lui quân, đơn vị vẫn sinh hoạt điều hòa, các vọng canh vẫn cẩn mật.
Sáng hôm sau 30 tháng 4 năm 1975 căn cứ Tuyên Nhơn vẫn như thường. Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa vẫn phấp phới trên cột cờ giữa sân đơn vị. Tất cả quân nhân các cấp toàn căn cứ và thân nhân kể cả đàn bà và trẻ nhỏ khoảng 250 người, các chiến đỉnh còn hoạt động được của cả 2 Giang Đoàn 64 Tuần Thám và Giang Đoàn 43 Ngăn Chặn là 23 chiếc. Mọi sửa soạn để ra đi rất bình tĩnh, và chu đáo.
Vì thế, lúc gần trưa 30 tháng 4 năm 1975, khi Dương Văn Minh, TổngThống Việt Nam Cộng Hòa kêu gọi QLVNCH ngưng nổ súng, thì căn cứ Tuyên Nhơn đã sắp sửa hoàn tất để lên đường. Tuân theo chỉ thị nói trên, tất cả các chiến đĩnh của căn cứ đều cắm một mảnh vải trắng trên cần ăng ten, nhưng Quốc Kỳ Việt Nam Cộng Hòa vẫn bay phất phới ở sau lái tàu.
Khi đoàn chiến đỉnh rời căn cứ địch bắn theo dữ dội, dưới chiến đỉnh vẫn bắn trả lại lấy lệ và tiếp tục tiến ra sông Vàm Cỏ. Ðến khúc quẹo cách vàm kinh Tuyên Nhơn 10 cây số lòng sông hẹp, cây cối rậm rạp, Thiếu Tá Tuấn tin chắc bọn quỉ đỏ sẽ phục kích đoàn chiến đỉnh ở đây.
Quả đúng vậy, hai chiến đỉnh đi đầu đã bị bắn và bốc cháy sáng cả một khúc sông rồi chìm lần. Ðoàn chiến đỉnh đành tạm giảm máy. Trên đài chỉ huy Tuấn để chiếc radio vặn nhỏ, theo dõi các diễn tiến của Sài Gòn. Tuấn liên lạc với Bộ Chỉ Huy nhưng hệ thống truyền tin lúc này đã rối loạn và hết lien lạc được. Tuấn cho lệnh đoàn tiếp tục tiến, lại bị bọn địch từ trên bờ bắn ra như mưa bằng đủ loại sung.
Trước tình thế đó, trên các chiến đỉnh thì có nhiều đàn bà và trẻ con nên nếu đoàn tầu cứ liều ra thì sẽ chết hết…. Trước tình thế đó, Thiếu Tá Tuấn đành phải ra lệnh cho tất cả chiến đỉnh thi hành lệnh của Sài Gòn, ủi bãi vào bờ.
Chiếc soái đỉnh của Tuấn cũng vậy, đành phải ghé mũi vào bờ bên trái con sông Vàm Cỏ Tây. Khi chiếc soái đỉnh ủi bãi, mọi người trên tầu xuống hết thì cũng là lúc Thiếu Tá Tuấn dùng súng Colt bắn vào đầu tự sát. Thiếu Tá Tuấn gục ngay trên bàn, máu chảy loang thẫm cả trên tấm bản đồ hành quân. Lúc đó là vào khoảng 12 giờ đêm ngày 30/4/1975.
Xác Thiếu Tá Tuấn, vẫn theo lời anh Lực, được cuốn trong một tấm drap trắng, và tẩm liệm đêm hôm ấy, vào khoảng 3 – 4 giờ sáng ngày 1/5/1975, tại một vàm rạch gần đó, ngay một ngã ba kinh, cùng với một số người khác bị tử thương do bị bọn cộng sản từ trên bờ bắn. Người ở gần ông Tuấn, lo lắng cho Ông là anh Uy, Trung Sĩ Vận Chuyển Uy.
***
* Năm 1996, gia đình và bè bạn của HQ Thiếu Tá Lê Anh Tuấn đã về Việt Nam tìm thi hài ông, được dân chúng chôn cất và săn sóc tử tế. Khi đào lên thì thấy hài cốt nguyên vẹn cùng với thẻ căn cước quân nhân, thẻ bài, chứng chỉ tại ngũ và thẻ sinh viên năm thứ 4 Luật Khoa, tất cả được bọc cẩn thận trong bao plastic. Sau đó, tro cốt của ông đã được mang về Mỹ và hiện được đặt tại chuà Giác Minh, Palo Alto, tiểu bang California.
* Thẻ bài do dân làng lén cất giữ từ khi Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn tuẫn tiết đêm 30/4/1975 có ý chờ thân nhân nghe được tin đến nhận xác thì trao trả. Dân làng đã cất giữ suốt 20 năm qua, thường dùng để cạo gió chữa bệnh và được dân làng truyền tụng là rất linh nghiệm. Dân làng đã kính cẩn gửi hoàn gia đình HQ Thiếu Tá Tuấn với nhiều nuối tiếc sau gần 21 năm cất giữ như một bảo vật.
* Mộ phần của Cố Hải Quân Thiếu Tá Lê Anh Tuấn cũng được dân làng sùng bái và thường lén lút tu bổ, cúng kiếng trong suốt 20 năm trời. (Sài Gòn trong tôi/ Nguyễn Phúc An Sơn tổng hợp)