Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam
2015-10-19
2015-10-19
Trận lũ bất thường trên sông Hồng đoạn chảy qua TP Lào Cai gây ngập lụt nhiều diện tích rau màu của người dân là do xả lũ phía thượng nguồn
Những con sông mệnh danh là huyết mạch của Việt Nam đồng thời cũng là nơi cung cấp phù sa để tạo ra những nền văn minh lúa nước của đất Việt như sộng Hồng, sông Cửu Long đang rên xiết bởi những đập thủy điện của Trung Quốc. Nếu như trước đây, đồng bằng sông Cửu Long trù phú bao nhiêu, đồng bằng sông Hồng với nền văn minh lúa nước huyền nhiệm và phồn thịnh bao nhiêu thì đến nay, những con sông này uể oải, mệt mỏi vì thiếu nước, khô cạn vào mùa khô và chảy xiết, cuồng dữ thất thường mỗi khi phía Trung Quốc xả đập.
Sông Hồng dậy sóng
Một người tên Phú, ở tỉnh Lào Cai, ngay bên bờ sông Nậm Thi, tức là đoạn hạ lưu sông Hồng đi qua tỉnh Lào Cai, Việt Nam, chia sẻ: “Trên Trung Quốc xả lũ kia nó mới to, chứ bình thường thì không to. Thủy điện Hòa Bình thì xả không bao nhiêu. Mùa khô thì nước hiếm hoi, mùa mưa thì nó xả nước về để cứu đập, nước dâng cao lắm…”.
Theo ông Phú, là cư dân có hơn bốn đời sống ở tỉnh Lào Cai, sống sát bên bờ sông Nậm Thi, có thể nói là cha con ông gần như thuộc hết tính nết của con sông này. Hiếm có khi nào sông Nậm Thi dâng nước cao đến mức như lần Trung Quốc xả lũ trong ngày 11 tháng 10. Trước đây, thời cầu Cốc Lếu cũ còn thấp lè tè dưới lòng sông, chỉ có chu kì bốn mươi năm thì Lào Cai bị một trận lụt, chuyện này giống như một thứ chu kì đặc biệt mà những gia đình sống lâu đời, chịu ghi vào gia phả những hiện tượng tự nhiên như ông cụ tổ của ông Phú rồi đến ông cố, ông nội và cha ông, giờ đến ông mới để ý, mới nghiệm ra chu kì bốn mươi năm.
Theo ông Phú, là cư dân có hơn bốn đời sống ở tỉnh Lào Cai, sống sát bên bờ sông Nậm Thi, có thể nói là cha con ông gần như thuộc hết tính nết của con sông này. Hiếm có khi nào sông Nậm Thi dâng nước cao đến mức như lần Trung Quốc xả lũ trong ngày 11 tháng 10. Trước đây, thời cầu Cốc Lếu cũ còn thấp lè tè dưới lòng sông, chỉ có chu kì bốn mươi năm thì Lào Cai bị một trận lụt, chuyện này giống như một thứ chu kì đặc biệt mà những gia đình sống lâu đời, chịu ghi vào gia phả những hiện tượng tự nhiên như ông cụ tổ của ông Phú rồi đến ông cố, ông nội và cha ông, giờ đến ông mới để ý, mới nghiệm ra chu kì bốn mươi năm.
Nhưng trong mười năm trở lại đây, sông Nậm Thi, tức sông Hồng đoạn qua Lào Cai không còn cái chu kì bốn mươi năm đó nữa, nó dâng nước, gây lụt tùy tiện và trong mười năm, có đến hơn hai chục lần ngập lụt. Hiện tại, nhà cửa trên thành phố Lào Cai đã kiên cố, nhất là nhà hai bên bờ sông đều xây cao tầng và nền móng cũng được đắp cao so với trước đây mười năm. Nhưng điều đó cũng chẳng ăn thua gì so với mực nước lũ. Con nước trong các trận lũ mười năm trở lại đây dâng rất cao và dữ tợn hơn nhiều so với trước.
Ông Phú khẳng định trận lũ hôm ngày 11 tháng 10 ở Lào Cai là một trận lũ do Trung Quốc xả đập, bởi vì lượng nước dâng cao với tốc độ chóng mặt và sức chảy của nó đã khiến cho nhiều thuyền nhỏ bị lật úp. Ông Phú nói rằng cho đến bây giờ, ông vẫn không rõ được liệu có người nào chết do trận lũ xả đập vừa rồi hay không. Bởi lẽ, có nhiều thuyền bè bị lật như vậy thì liệu con người có sống sót nổi hay không. Nhưng đất Lào Cai là vùng biên giới, có nhiều phức tạp, thỉnh thoảng vẫn có xác chết trôi trên sông Nậm Thi mà không rõ tung tích, đời sống của dân vạn chài ở đây cũng bấp bênh, phiêu linh, khó nói, thậm chí có người không có cả thẻ chứng minh nhân dân, họ sống chui ngay trên đất nước của mình nên chuyện sống chết của họ cũng chẳng ai rõ được.
Ông Phú cũng cho biết thêm là vào mùa nắng, hầu như nước sông Nậm Thi xuống rất thấp, với một đoạn sông hẹp, hay bị ứ dồn nước từ thượng nguồn nhưng có mực nước thấp như vậy thì chắc chắn ở đoạn hạ lưu sông Hồng sẽ không có nước. Và chuyện này đã có hậu quả khá rõ ràng, những nông dân dưới đồng bằng sông Hồng bị thất thu nặng nề bởi lượng nước con sông này đang ngày càng khô cạn.
Chiếc xe khách chết máy giữa ngầm tràn. Ảnh: LaoCaiOnline.com.
Chắc chắn, trong vài năm nữa, đồng bằng sông Hồng không còn mệnh danh là vựa lúa xứ Bắc được nữa. Bởi đồng bằng sông Hồng có phì nhiêu, màu mỡ hay không là nhờ vào lượng phù sa bồi đắp hằng năm. Nếu như sông Hồng trơ cạn vào mùa khô thì nước biển sẽ xâm nhập, tình trạng nhiễm mặn ngày càng nặng hơn. Và với một thành phố có sông Hồng đi qua khá hẹp như Lào Cai, nếu tình trạng xả đập ào ạt như đã thấy, chắc chắc hai bên bờ sông sẽ bị lở lói, đe dọa đời sống nơi đây.
Sông Cửu Long cạn nguồn
Một nông dân tên Miền, sống ở tỉnh An Giang, chia sẻ: “Năm nào nó cũng dâng lên ngập lộ, mỗi mùa nước nổi thì nó nặng lên thêm ấy chứ. Trước đây nhà anh đâu có bị ngập mà bây giờ nó bị nghập. Các vùng như Sóc Trăng, Bạc Liêu bị ngập mặn nặng, mà đã ngập mặn thì sẽ không làm được lúa gạo chi hết…”..
Theo ông Miền, trận lụt thất thường vào ngày 11 tháng 10 năm 2015, cùng lúc với trận lụt ở sông Hồng phía Bắc Việt Nam và cùng trong thời gian này, phía khu vực có các đập thủy điện ở Trung Quốc bị mưa to, điều này cho thấy rõ thêm là vấn đề xả đập thủy điện của Trung Quốc đã gây thiệt hại đến Việt Nam.
Các đập thủy điện như Cảnh Hồng, Đại Chiếu Sơn, Xiaowan cùng với tám con đập con của nó ở tỉnh Vân Nam, Trung Quốc có ảnh hưởng đến các con sông ở Việt Nam, đặc biệt là đồng bằng sông Cửu Long và sông Hồng. Trước đây, đồng bằng sông Hồng đã nuôi sống miền Bắc Việt Nam thì hiện tại, đồng bằng sông Cửu Long đã giữ chỗ cho Việt Nam ở vị trí xuất khẩu gạo nhất nhìn thế giới.
Một người phụ nữ chạy xuồng máy trên sông Tiền Giang. RFA
Nhưng với đà mực nước sông ngày càng khô cạn vào mùa nắng, nước biển liên tục tràn vào và tình trạng ngập mặn ngày càng nặng nề như đang thấy, chẳng bao lâu nữa, đồng bằng sông Cửu Long chỉ còn là một chấm hồng trong lịch sử nông nghiệp Việt Nam. Đặc biệt là trong tình hình Trái đất ngày càng nóng lên, băng tan và mực nước biển dâng cao, nếu những con đập thủy điện ở Trung Quốc tiếp tục tích nước vào mùa khô và xả vô tội vạ vào mùa mưa thì chắc chắn đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn gì.
Chỉ riêng trong trận xả đập ngày 11 tháng 10 vừa qua, đã có không biết bao nhiêu gia đình bị thiệt hại mùa màng, tài sản, gia đình ông Miền cũng bị thất thoát hoa màu, ngập úng nhiều thứ. Trong khi đó, đâu phải chỉ riêng chuyện xả đập, ông Miền nói rằng với tư duy và trình độ của một nông dân thôi mà ông đã thấy Việt Nam là cái hố xả của Trung Quốc, khi nào cần nước thì họ tích, thừa nước thì họ xả. Hàng hóa và tư tưởng cũng vậy, suốt mấy chục năm nay, Trung Quốc đã xả hàng triệu triệu tấn hàng phế phẩm độc hại của họ vào Việt Nam và xả hàng đống tư tưởng hay mô hình kinh tế, công nghệ rác của họ vào Việt Nam. Nói đến đây, ông Miền thở dài, lắc đầu nhìn ra sông.
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.